Nghệ nhân Nguyễn Hưng với nghề làm đầu Thiên cẩu ở Hội An

Thứ hai - 15/08/2022 05:31
Chỉ còn khoảng một tháng nữa thôi là mùa Trung thu lại trở về. Ở thành phố Hội An, không khí chuẩn bị cho lễ hội Tết Trung thu cũng đang rộn rã dần lên, mà rõ nét nhất là tiếng trống tập Thiên cẩu, lân âm vang gần xa như thúc giục lòng người. Đây cũng là thời điểm ráo riết của những người thợ làm đầu linh vật phục vụ cho các đội múa với đủ các kích cỡ và hình thức.
lam thien cau
Nghệ nhân Nguyễn Hưng - Ảnh: Liễu Chi
 

      Theo thông tin từ các đội lân lớn ở Hội An, không xưởng lân nào ở đây nổi tiếng bằng xưởng của gia đình anh Nguyễn Hưng, trú tại xã Cẩm Hà. Bình quân mỗi năm anh xuất xưởng khoảng 3.000 đầu lân các loại. Để chuẩn bị cho Tết Trung thu, cơ sở phải thuê 15 đến 20 người làm, chủ yếu là học sinh - sinh viên; qua đó, giúp các em kiếm thêm tiền phục vụ chuyện học hành, vừa để truyền nghề cho em nào có đam mê.

      Xưởng chế tác của gia đình anh Hưng luôn bận rộn quanh năm vì không chỉ riêng linh vật, anh còn tạo ra nhiều sản phẩm thủ công truyền thống khác của địa phương như: lồng đèn, lồng đèn linh vật, diều, mặt nạ tuồng cổ. Đặc biệt nhất là công việc chế tác Thiên cẩu. Trong số ít ỏi những nghệ nhân nắm giữ tri thức chế tác đầu Thiên cẩu trên địa bàn thành phố, chỉ còn mỗi anh đang duy trì việc tạo ra sản phẩm đều đặn hàng năm, nặng nợ với nghề. Múa Thiên cẩu là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc trưng của Hội An song đã có nhiều mai một. Đạo cụ của nghệ thuật trình diễn dân gian này được gọi là Thiên cẩu, một linh vật truyền thống của cư dân Hội An, nó khác với lân từ phần sườn khung, cái đuôi, cái mang, đến cả mắt, mũi, sừng. Trong đó, điểm dễ nhận thấy nhất là đuôi. Đuôi của Thiên cẩu dài khoảng 5m, trong khi đuôi lân chỉ khoảng 2m thôi. Khung của đầu Thiên cẩu thường có cái cằm chúi thấp hơn tạo thế chờm tới, dữ dằng hơn; còn lân lại ngước hàm lên trên và cao hơn. Thiên cẩu có mang và mắt, mũi to hơn, bành hơn về phía trước, hình dáng mắt gần với mắt cá.
 

thien cau

 
      Làm một con Thiên cẩu so ra cầu kì, tốn nhiều thời gian và phức tạp hơn con lân nhiều, song nó lại mang đậm nét đẹp truyền thống trong văn hóa dân gian của Hội An nói riêng.

      Ngày đầu, đến với nghề vì rất ham mê vẻ đẹp của những con Thiên cẩu truyền thống của Hội An anh đã chú tâm tìm hiểu, học theo cách làm của nghệ nhân Khưu Diêm. Đó là thời điểm cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đấy, múa Thiên cẩu vẫn còn là loại hình diễn xướng được nhân dân yêu thích, hồ hởi đón xem trong mỗi dịp Tết Trung thu. Từ năm 1992, múa Thiên cẩu không còn được biểu diễn phổ biến ở Hội An như trước nữa, xưởng thợ của anh chủ yếu chỉ nhận được những đơn đặt hàng đầu lân, mặc dù rất đam mê chế tác Thiên cẩu.

      Thực tại đáng buồn ấy luôn làm lòng người nghệ nhân trẻ se lại. Anh tâm sự rằng luôn mong mỏi một ngày nghệ thuật múa Thiên cẩu được phục hồi trở lại trong đời sống văn hóa, văn nghệ dân gian của người Hội An, ngày càng nhiều người biết làm và biết múa cũng như thưởng thức múa Thiên cẩu. Trong những lần nhận được yêu cầu của các cơ quan, tổ chức để tạo tác đầu Thiên cẩu phục vụ cho các kỳ thi, trưng bày, giới thiệu, anh đều dồn hết tâm sức thực hiện, cố gắng truyền tải thật chân xác những đặc điểm truyền thống của linh vật. Không những vậy, anh luôn để tâm tìm tòi, sáng tạo, khắc phục những hạn chế của vật liệu thường dùng trước đây để tạo nên sản phẩm ngày càng thân thiện, dễ dàng trong các thao tác vũ đạo và hấp dẫn người xem.

      Để làm nên một đạo cụ linh vật, về cơ bản đều phải trải qua 4 bước: làm sườn, dán vải và giấy, vẽ và sơn màu, đắp lông. Khó nhất là lên khung sườn để tạo được kiểu dáng theo ý muốn. Khung sườn trước đây toàn bằng nan tre, sau này anh cải tiến, sử dụng xen lẫn thêm vật liệu mây để uốn những đoạn mềm mại, vừa giúp giảm độ nặng của khung. Anh đã thay giấy bồi bằng lớp vải màn khi đắp lên khung sườn, làm giảm đáng kể trọng lượng của đầu linh vật. Sau khi dán vải, đợi khô hồ thì dán lớp giấy perluya mỏng. Khi lớp giấy đã khô, tiến hành tô vẽ màu bằng bút lông. Trước đây chỉ dùng bột màu. Nay, với điều kiện sơn arcrylic phong phú, tươi sáng hơn, anh chủ yếu dùng loại sơn này để linh vật trông sinh động, bắt mắt.

      Với nghệ nhân Nguyễn Hưng, bất kể khi nào có cơ hội là anh lại giành cho Thiên cẩu sự ưu ái nhất, để tạo tác, để giới thiệu và quảng bá về nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo này của Hội An. Anh đều đặn góp sức trong các hội thi Lân, sư, rồng, Thiên cẩu, tổ chức vào Rằm Trung thu hằng năm tại Hội An với vai trò là người chế tác lân, đặc biệt là chế tác Thiên cẩu cho các đội tham gia dự thi. Trong số đó, các võ đường nổi tiếng tại đây như Kỳ Sơn, Hồng Sơn… là những khách hàng thường xuyên. Có thể nói, tâm huyết và nỗ lực đóng góp công sức của anh cùng với các đội diễn đã góp phần rất lớn trong việc phục hồi hoạt động múa Thiên cẩu truyền thống, một loại hình biểu diễn dân gian đặc trưng của Hội An cũng như duy trì tốt phong trào múa lân, sư, rồng mỗi dịp Tết Trung thu ở phố cổ.

      Anh cũng vinh dự nhiều lần được đài truyền hình trực tiếp phỏng vấn và các tờ báo viết bài giới thiệu, là nhân vật chính trong một số phóng sự của chương trình Tinh hoa nghề Việt trên kênh VTV4, Truyền hình Quốc Hội Việt Nam… Những lần tiếp xúc với báo chí, đều được anh xem như là những cơ hội quan trọng để giới thiệu nhiều về múa Thiên cẩu, góp phần quảng bá hình ảnh Hội An cùng nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo này của phố cổ đến với bạn bè gần xa.

      Thời gian gần đây, khi trở lại xưởng của anh, lại thấy những điều hay mới. Anh vừa cho ra những sản phẩm mô phỏng đạo cụ linh vật với kích cỡ tý hon trong lòng bàn tay. Đầu tiên là Lân và giờ đang thử nghiệm với Thiên cẩu. Mong muốn của người thợ tâm huyết này là qua những vật lưu niệm mang giá trị nghệ thuật truyền thống của địa phương như thế sẽ khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho các vị khách đến tham quan, trải nghiệm. Những người bạn muốn tìm hiểu văn hóa Hội An sẽ có thêm một trải nghiệm sâu sắc mà thú vị khi vừa được nghe nghệ nhân giới thiệu về văn hóa tín ngưỡng bản xứ vừa có thể tự tay trang trí đầu linh vật với sự hướng dẫn của các thợ lành nghề và đặc biệt là có chút kỷ niệm sáng tạo mang màu sắc tín ngưỡng tâm linh thần bí của bản thân đem về làm quà từ vùng đất di sản văn hóa thế giới.

Tác giả: Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây