Một vài thông tin về Hội An trong Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan của Camille Paris

Thứ tư - 11/01/2023 20:47
Du Ký Trung Kỳ theo đường cái quan (Voyage d’exploration de Hué en Cochinchine par la Route mandarine) là tác phẩm mang tính ký sự của Camille Paris, được xuất bản vào năm 1889 tại Nhà xuất bản Ernest Leroux (Pháp). Camille Paris là một tác giả không chuyên vì khi viết cuốn sách này, ông là viên chức của chính quyền thuộc địa Pháp đang đảm trách xây dựng đường điện báo từ Huế đến các tỉnh phía Nam Trung Kỳ.
Bia
Tập Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan của Camille Paris (Bản dịch Thuý Yên, năm 2021, Nxb Hồng Đức)
 
      Camille Paris đã quan sát và ghi chép lại những cuộc tiếp xúc của mình với dân chúng, quan lại và tình hình kinh tế, đời sống xã hội các địa phương trên đường ông công tác. Camille Paris đã tận mắt chứng kiến và mô tả rất sinh động về vùng đất, con người Hội An và dành nhiều lời nhận xét về vùng đất này.

      Đối với hoạt động kinh tế của Hội An, Camille Paris cho biết: “Từ Cửa Hàn đi Quảng Nam bằng đường thuỷ, chúng tôi bắt gặp những guồng nước dựng bằng tre. Vùng này bờ sông rất cao, dân chúng phải làm hệ thống tưới tiêu mà thường là một cái gầu treo ở đầu hai sợi dây do hai cu-li kéo ở hai phía… Từ Đà Nẵng tới Quảng Nam có rất nhiều cánh đồng lúa và đàn gia súc, nhưng từ Quảng Nam đi Hội An thì dân trồng rất nhiều dâu tằm và do đó, nền công nghiệp chính ở đây là tơ lụa… Những ngành nghề nhỏ nở rộ quanh Hội An, thuyền bè đi lại như mắc cửi, sự hoạt náo trên các con đường, sự đa dạng về đền chùa cho thấy đây là một thành phố thương mại”.[1]

      Về sản vật địa phương, Camille Paris đã dành nhiều thời lượng để ghi chép về yến sào Cù Lao Chàm, một thương phẩm giá trị cao về dinh dưỡng và thương mại ở Hội An: “Một trong những sản phẩm lạ kỳ và tuyệt vời ở xứ này là tổ chim yến, tiếng tăm của nó lan tận tới châu Âu. Ở Paris nó làm thoả mãn trí tò mò của người ta hơn là cái khẩu vị. An Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới cung cấp món hải vị này cho bàn ăn nhà giàu ở Trung Hoa. Những trung tâm khai thác chính là các đảo đối diện tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đảo quan trọng nhất là Cù Lao Chàm gần cảng Đại Chiêm, ngang tầm với cửa sông Hội An”.[2]

      Camille Paris cho biết thêm về lịch sử nghề/làng nghề khai thác yến sào ở Hội An: “Chúng tôi vừa thu thập được những thông tin bổ ích, thu hút các học giả về ẩm thực sau đây. Dưới triều Gia Long người ta đã khám phá ra tổ yến mà sau đó được coi là một nguồn lợi cho cả vùng này. Lịch sử chép rằng, Gia Long đã ra chỉ dụ ban thưởng cho thần dân của mình nếu họ biết sáng tạo trong tầm giới hạn của một món ăn hay thức uống có khả năng thúc đẩy nên thương mại bản địa. Tổ yến được khám phá ở Nam Ngãi và được trình lên vua. Giữ lời hứa và tỏ lòng biết ơn, Gia Long đã ban thưởng cho người tìm ra tổ yến những tước vị cao quý. Nhưng người này đã có một tinh thần rất thực dụng, ông ta không nhận những tước vị này mà xin cho mình và hậu duệ được độc quyền khai thác nguồn lợi. Gia đình đặc quyền này hằng năm phải trả bằng hiện vật cho chính phủ hoàng gia một khoản tô thuế tương đối lớn (khoảng 80 cân). Mặt khác tất cả thành viên trong gia đình được miễn trừ lao dịch địa phương, quân dịch và thuế thân. Dần dần họ hình thành nên một kiểu quân đoàn từ 40 đến 50 người dưới sự chỉ huy của hai trong số họ, với chức tước quan hay đội, họ đến gần Hội An lập một ngôi làng mà ngày nay nó vẫn còn tồn tại. Ngôi làng có tên là Yến Xã (làng tổ)”.[3]

      Về các loại yến sào, vụ mùa, giá trị thương mại và cách tổ chức khai thác được Camille Paris ghi chép như sau: “Tổ yến là sản phẩm từ chất tiết nước dãi của loài chim này. Nhưng về giá trị hàng hóa, nó được chia thành hai loại khác nhau. Hạng nhất là tổ yến trong quá trình hình thành có một tỷ lệ máu nhất định, người ta gọi là “yến huyết”. Loại này chỉ có thể được làm ra bởi những con yến bị mắc một loại bệnh tương tự như lao phổi và khạc ra nước dãi có máu. Loại này được săn lùng nhiều nhất. Và chỉ có một mùa thu hoạch duy nhất trong năm, đó là vào mùa xuân và cực kỳ hiếm. Theo người địa phương thì những con yến xây những tổ này không sống được qua hai mùa đông và nhanh chóng chết vì kiệt sức. Các vách đá ở An Nam mỗi năm không cho quá 3 hoặc 4 cân tổ yến tốt.

      Loại thứ hai bao gồm tất cả các tổ yến khác (yến sào), tổ yến này chỉ có dịch nước bọt của chim. Mùa thu hoạch là mùa xuân, mùa hạ và mùa thu. Mùa thu hoạch dịp xuân là hiệu quả nhất vì có cả hai loại. Người ta tính cứ hai tổ yến thì nặng chừng một lượng (30 gram). Những tổ yến hạng nhất bán với giá trung bình 35 quan tiền một lượng, hạng hai từ 18 đến 20 quan.

     Vụ thu hoạch hè hoàn toàn là tổ yến hạng hai, nhỏ hơn và kém đặc. Và 4 tổ mới được một lượng và trung bình mỗi lượng chỉ bán được 15 quan tiền mà thôi.

      Mùa thu còn kém hơn, tổ yến nhỏ, hiếm và ít được ưa chuộng. Phải bảy tổ mới được một lượng và bán không quá 9 hoặc 10 quan. Những người lành nghề cho rằng, cần phải cấm thu hoạch vào mùa thu vì thu lợi ít và còn có nguy cơ phá hỏng trứng chim yến nữa.

      Gần như tất cả các tổ yến thu hoạch đều bán cho người Trung Hoa… Mùa thu hoạch tổ yến, ba vụ một, rất đơn giản và thú vị. Người ta chọc thang tre khổng lồ vào các bộng đá. Cu-li trèo lên tận đỉnh, dùng một con dao cẩn thận gỡ từng tổ chim yến dính chặt trên vách đá. Phía dưới, một tay đội hoặc một thành viên trong gia đình có đặc quyền khai thác, theo dõi với ánh mắt lo lắng và cảnh giác, họ sợ những người phu ăn mất một mảnh mỹ vị này. Đây là một công việc vô cùng nguy hiểm…”.[4]

     Camille Paris là người am tường về địa lý, ông đã đi nhiều nơi của Hội An và ghi chép lại nhiều thông tin trên bản đồ[5]. Về hệ thống sông ngòi, giao thông đường bộ, Camille Paris ghi chép như sau:Con sông lớn mà chúng ta nhất trí gọi là sông Quảng Nam thì ghe, thuyền cao không quá 1,30 mét có thể lưu thông lúc thuỷ triều lên. Con đường đi Hội An chạy từ phía tây sang đông thành đến Lai Nghi thì chỉ còn là một con đê nhỏ, mùa đông năm nào cũng bị lũ lụt…

     Từ Lai Nghi có hai đường đất đi Hội An. Một đường rợp bóng cây, qua Thanh Hà và Cẩm Phô nhưng dài hơn đường thứ hai, đi thẳng qua những đụn cát. Trên con đường thứ nhất có rất nhiều điều thú vị, ta gặp nhiều lò vôi và lò gạch không hề hoạt động trong suốt thời kỳ loạn lạc nhưng chắc chắn chúng đang kể trong thời bình. Sản xuất vôi là nấu các vỏ sò với trộn than củi. Hai người đạp các pít-tông chạy dọc trong hai xi-lanh có đường kính chừng 30 phân được nối với hai ống nằm ngang dưới đống vỏ sò và than, đó là ống bễ.

     Khoảng cách giữa Quảng Nam và Hội An là 8 cây số nếu đi qua đụn cát, và dài gấp 5 lần nếu đi đường thuỷ. Một người đi bộ khởi hành cùng lúc với một chiếc ghe từ Quảng Nam thì bao giờ người đi bộ cũng đến trước”.[6]

     Về đường biển, Camille Paris cho biết: “Tàu thuyền từ biển có thể vào nội địa qua sông Cửa Đại đến tận Trà Nhiêu để bốc dỡ hàng lên các ghe thuyền nhỏ hơn đi về Hội An. Cửa Đại nằm đối diện với Cù Lao Chàm. Một dãy các pháo đài đắp bằng đất, hiện đã bỏ hoang nằm án ngữ các con sông và đầm phá rải rác như hình quạt. Khi thuỷ triều rút, độ sâu không đáng kể, nước ngập bờ bãi và doi cát chỉ chừng 50 phân. Ngôi làng nằm ở Cửa Đại rất nghèo, công việc duy nhất của họ là đánh bắt cá. Chỉ có một dãy lều dựng trên cát và ba ngôi chùa hướng ra biển. Một chòi canh bằng tre vắt vẻo trên ngọn cây trước nhà ông lý trưởng cho phép quan sát xung quanh”.[7]

     Trong thời gian lưu trú tại Hội An, Camille Paris đã quan sát, ghi chép về cách tổ chức hành chính làng xã ở Hội An: “Về phương diện hành chính, Hội An chia thành hai ngôi làng có tên là Hội An và Minh Hương, mỗi làng có một lý trưởng người An Nam. Các lý trưởng lại chịu sự điều hành của chánh tổng cư trú ngoài thành phố…”.[8]

     Về hoạt động buôn bán của người Hoa ở Hội An, Camille Paris cho biết: “Hội An là một đô thị rộng lớn và cổ xưa bị người Trung Hoa thâu tóm thương mại. Họ điều hành buôn bán trong xứ thông qua những thương nhân chu du khắp nơi thu mua hoa màu tại chỗ và tận dụng lúc thanh toán để giới thiệu cho dân bản địa những hàng hoá họ mang theo như đồ ngũ kim thô, vải bông, thuốc phiện… Như vậy một tay họ thu lại số tiền mà tay kia vừa trả. Những nhà buôn này ở trong những ngôi nhà gạch, nơi diễn ra phần lớn hoạt động quan trọng”.[9]

     Camille Paris còn dành nhiều thời gian để khảo sát, ghi chép kỹ lưỡng về hội quán Triều Châu và hội quán Quảng Đông: “Chùa Triều Châu phong phú hơn chùa Quảng Đông. Người ta đặt ở đây rất nhiều tượng và đồ mạ vàng trong không gian chật chội và bị bóng râm che khuất. Người làm bức tượng không tính đến hiệu ứng ánh sáng cũng như cảm giác thoải mái của không gian trống. Chùa Quảng Đông không phong phú bằng và trông khổ hạnh hơn, nhìn có vẻ như một ngôi miếu nhưng tôi lại thích sự sắp đặt ở đó hơn nhiều. Trong chùa Triều Châu, nhìn riêng từng món đồ thì ta thấy kinh ngạc nhưng nhìn cả tổng thể sẽ gây sốc. Các tác phẩm nghệ thuật ở đây tính ra đến cả trăm ngàn franc nhưng thoạt nhìn cứ như là một cửa hàng bách hoá hào nhoáng vậy.

     Một điều trái khuáy đập vào mắt ở ngay cửa vào chính là một hàng rào dày bằng gỗ, sơn màu xanh lục, gần như sát tường và ngày lập tức cho người ta cảm giác rằng không gian ở đây rất hà tiện, trong khi trước của chùa là cả một khoảng trống cho phép làm một cái sân rộng.

     Cửa ra vào gồm hai cánh, mỗi cánh là một tấm gỗ nguyên khối chạm khắc chiến binh Trung Hoa trên nền xanh lá cây. Cửa này dẫn vào một tiền sảnh nằm trước một cái sân hình vuông. Trên tường cổng tam quan treo những bức tranh sơn mài vẽ những nhân vật màu xanh đỏ nổi bật trên nền đen, có một bức rất gây chú ý. Đó là bức tranh miêu tả các nhân vật trong trang phục hải quân dưới sự dẫn dắt của người Trung Hoa, đang kéo xe tay, trên xe là những con vật biểu tượng. Cỗ xe kỳ cục đang tiến về dinh thự một viên quan có cánh cửa đang hé mở đằng xa… Sau khi qua sân, một bức vách với nhiều tấm bình phong mở ra riêng rẽ, dẫn vào một nơi gọi là điện thờ. Những bình phong này còn mới, những bức điêu khắc thể hiện thi hình hà mã, cái thì rồng, hay một con trâu, một con huơu giữa tấm bình phong với những họa tiết trang trí xung quanh. Cuối cùng đến chính điện, nơi tất cả được mạ vàng, những tượng Phật, các kệ thờ, bàn thờ… là nơi lũ chuột cùng với mấy chú chim nhỏ xíu gặm nhấm các quả nho.

     Chùa Quảng Đông được xây theo cùng một phong cách, chỉ khác là rộng rãi hơn chứ không đến nỗi ngạt thở như trong chùa kia. Lối vào bị chắn bằng một tấm lưới mà phía sau nó, các cột đèn cho thấy con dấu châu Âu. Có lẽ đó là điều khiến tôi quan tâm, tuy nhiên tôi tin rằng không nhất thiết phải đến phương Đông để ước ao gặp lại những đại lộ quê nhà. Điều làm tôi thích thú nhất ở ngôi chùa này là khoảng sân đầy những chậu cây, rồi mỗi bên là hai gian nhỏ bày biện những đồ nội thất bằng gỗ tếch như bàn, ghế bành và ghế tựa. Sau cùng là hậu điện với một tượng Phật khổng lồ trên bệ thờ có rèm che chắn con mắt phàm tục nhưng người ta vẫn vén lên nếu muốn. Trước bàn thờ này, có một cái bàn đặt lư hương, bình hoa và các đồ cúng lễ của tín đồ giàu có. Sườn nhà không được chạm khắc, đó là mệnh lệnh nghiêm ngặt. Còn có các vũ khí bằng đồng tuyệt đẹp, những thứ đã xuất hiện trong đám rước, nay nằm trên giá đỡ bên trái và bên phải bức tượng Phật. Hai chùa này cũng khác nhau phần mái với các cạnh được trang trí bằng tượng sứ rất tinh xảo, thể hiện những cuộc dạo chơi, những trận đánh, những nghi lễ cổ xưa…”.[10]

     Về phong trào Nghĩa hội ở Hội An, Quảng Nam, Camille Paris đã ghi chép nhiều thông tin về căn cứ, hoạt động của phong trào như sau: “Toà thành nằm cách con sông 1 cây số, thành có hình vuông với pháo đài đặt ở các góc, khoảng cách giữa các pháo đài là 400 mét...

     Từ Trà Nhiêu toả đi nhiều nhánh sông theo các hướng khác nhau khiến cho việc giám sát thuê quan vô cùng khó khăn. Nhưng một điều quan trọng đáng lưu ý là thuyền to không thể đi quá Trà Nhiêu và như vậy việc trung chuyển hàng hoá bằng các thuyền nhỏ là không tránh khỏi. Và cũng chính tại Trà Nhiêu phiến quân thu thuế thuyền bè… người Trung Hoa đã tham gia tích cực vào việc buôn bán cùng bọn phiến quân. Họ cung cấp cho phiến quân gạo, thuốc phiện, rượu và đổi lại, họ thu về quế và gỗ”.[11]

     Du ký Trung Kỳ đường cái quan là tư liệu có giá trị tham khảo khi nghiên cứu về vùng đất, con người Trung Kỳ nói chung, Hội An, Quảng Nam nói riêng trong giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ XIX. Qua những thông tin ghi chép về Hội An của Camille Paris đã phần nào giúp chúng ta hình dung được lịch sử, văn hoá của vùng đất Hội An, Quảng Nam trong giai đoạn đầu thời kỳ Pháp thuộc

* Tài liệu trích dẫn
[1] Camille Paris (bản dịch năm 2021), Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan, Nguyễn Thuý Yên dịch, Nxb Hồng Đức, tr.106-107, 109.
 
[2] Camille Paris, tài liệu đã dẫn, tr.90-91.
 
[3] Camille Paris, tài liệu đã dẫn, tr.91-92.
 
[4] Camille Paris, tài liệu đã dẫn, tr.92-93.
 
[5] Trong chuyến công tác này, Camille Paris đã sửa lại những thông tin sai trên bản đồ cũ của Dutreuil de Rhins (Theo Camille Paris (bản dịch năm 2021), Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan, Nguyễn Thuý Yên dịch, Nxb Hồng Đức).
 
[6] Camille Paris, tài liệu đã dẫn, tr.108-109.
 
[7] Camille Paris, tài liệu đã dẫn, tr.112.
 
[8] Camille Paris, tài liệu đã dẫn, tr.109.
 
[9] Camille Paris, tài liệu đã dẫn, tr.113-114.
 
[10] Camille Paris, tài liệu đã dẫn, tr.110-112.
 
[11] Camille Paris, tài liệu đã dẫn, tr.105, 113-114. “Phiến quân” chỉ phong trào Nghĩa hội của chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu.
 

Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây