Từ đó các cơ sở thờ tự, nghi lễ, lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng khác liên quan cũng được hình thành, phát triển, góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hóa Việt Nam. Tại Hội An, dân gian thường tôn xưng chung các vị nữ thần là Bà với tâm thế kính ngưỡng. Tại di tích đình Hội An
(đình Ông Voi) hiện nay, qua các tư liệu và hiện trạng thờ tự cho thấy được tầm ảnh hưởng lớn của tín ngưỡng nữ thần, khi 8 vị thần được thờ tại đình thì có 5 vị là nữ thần, gồm Đại Càn Tứ Vị thánh nương, Ngũ Hành tiên nương, Bà Bô Bô, Bà Phiếm Ái và Bạch Thố Kim Tinh. Các vị nữ thần này đều được triều Nguyễn ban sắc phong, gia tặng mỹ tự, định hạng thần.
Đại Càn Tứ vị thánh nương là vị thần chủ được thờ tại đình Hội An. Bài vị thần được đặt trên án thờ cao nhất trong hậu tẩm đình, nội dung bài vị:
“Đại Càn Nam Hải quốc gia Tứ vị thánh nương vương”. Bà Đại Càn có nguồn gốc là nhân thần, thuộc hàng thượng đẳng thần, thường hiển linh cứu giúp tàu thuyền gặp nạn trên biển, bảo vệ bình an cho người dân, danh hiệu được triều đình gia phong đầy đủ là: “
Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo trung hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị thánh nương thượng đẳng thần”. Đây là vị thần giữ vị trí đứng đầu trong danh sách các vị thần được thờ tự và là vị chủ thần được thờ trang trọng nhất ở nhiều đình làng tại Hội An. Theo tài liệu Quảng Nam xã chí khảo sát tại làng Hội An vào giữa thế kỷ 20 cho biết triều Nguyễn sắc phong, gia tặng mỹ tự cho vị nữ thần này đến 10 lần
(từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826) đến Khải Định thứ 9 (1924)). Về lai lịch, có nhiều thuyết khác nhau nhưng tựu chung Bà Đại Càn xuất thân là người trần
(04 mẹ con đều là nữ), vì chiến tranh loạn lạc và giữ tiết hạnh mà mất, thi thể trôi dạt đến cửa biển nước Việt, được người dân địa phương an táng. Về sau Bà hiển linh, có công giúp vua và nhân dân nên được lập đền thờ, ban sắc phong, cúng tế hằng năm
[[1]].
Ngũ Hành tiên nương là danh xưng gọi chung cho năm vị nữ thần, có nguồn gốc là thiên thần, bao gồm: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi và Thổ Đức Thánh Phi. Tại đình Hội An, vị Ngũ Hành tiên nương được phối thờ chung tại ngôi miếu trong khuôn viên đình. Bài vị đề dòng chữ
“Cung thỉnh Ngũ Hành Thánh Mẫu tiên nương linh vị”. Theo tài liệu Quảng Nam xã chí cho biết vị Ngũ Hành tiên nương tại làng Hội An được triều đình nhà Nguyễn sắc phong, gia tặng mỹ tự 05 lần từ thời vua Tự Đức đến Khải Định. Trong đó, năm Khải Định thứ 9
(1924) vị Ngũ Hành tiên nương được triều đình gia tặng mỹ tự
“Túy mục” thuộc hàng thượng đẳng thần.
Bà Phiếm Ái còn có tên gọi khác là Bà Phường Chào, Bà Chợ Được, có nguồn gốc là nhân thần. Hiện nay, Bà được thờ tại ngôi miếu trong khuôn viên đình Hội An, bài vị đề
“Sắc tặng Trai thục Phiếm Ái Nguyễn phu nhân trung đẳng thần”, và bản sao sắc phong năm Thành Thái thứ 8
(1896). Theo
“Truyện Thần Nữ Linh Ứng” được lưu giữ tại di tích Lăng Bà Chợ Được
(huyện Thăng Bình) cho biết Bà tên là Nguyễn Thị Của, sinh năm Cảnh Thịnh thứ 8
(1800) tại làng Phường Chào, châu Phiếm Ái, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn
(nay thuộc thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc). Khi Bà sinh ra đã có nhiều điều dị thường. Bà mất vào năm Gia Long thứ 16
(1817), an táng tại quê nhà, về sau thường hiển linh cứu người hoạn nạn, giúp đỡ người hiền, trừng trị kẻ ác. Bà có công đức lập nên Chợ Được cho nhân dân làng Phúc Toản, tổng An Thanh Hạ, huyện Phong Dương, phủ Thăng Bình
(nay thuộc thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) nên dân làng lập miếu thờ Bà. Năm Thành Thái thứ 6
(1894) triều đình ban sắc phong cho Bà là
“Thần nữ linh ứng Nguyễn thị tôn thần”, trứ phong
“Trai thục Dực bảo trung hưng trung đẳng thần”; cũng trong năm này, triều đình ban tặng 02 tấm Kim tiền, một tấm là
“Tứ Mỹ” cho Phiếm Ái châu
(thờ ở miếu Bà Phường Chào), một tấm là
“Tam Thọ” giao cho Phước Ấm châu
(thờ ở dinh Bà Chợ Được). Năm Thành Thái thứ 8
(1896), miếu thờ Bà tại Phiếm Ái châu cũng được ban sắc phong. Đến năm Khải Định thứ 9
(1924) triều đình ban sắc gia tặng cho Bà là
“Trang huy Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần”[[2]].
Trong các vị nữ thần được thờ tự tại đình Hội An, Bà Bô Bô và Bạch Thố kim tinh không thấy tài liệu Quảng Nam xã chí ghi chép về sắc phong thần tại làng Hội An nhưng trong mục thần tích có ghi chép lại theo truyền khẩu của các kỳ lão và hiện nay bài vị còn được gìn giữ, thờ tự trang nghiêm.
Bà Bô Bô được thờ tại ngôi miếu trong khuôn viên đình Hội An, bài vị đề “
Sắc tặng Mỹ đức Thu Bồn nguyên Bô Bô trung đẳng thần”. Bà Bô Bô còn gọi là Bà Thu Bồn, có nguồn gốc là nhân thần, lăng thờ Bà ở thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Về lai lịch của Bà có nhiều truyền thuyết khác nhau, có thuyết cho rằng nguồn gốc Bà là người Việt, sinh ra ở làng Thu Bồn, từ lúc ra đời đã có những biểu hiện khác thường. Bà thường dùng các loại thảo mộc để chữa bệnh cứu người, ngày 12/2 âm lịch Bà qua đời, thọ 50 tuổi. Có thuyết cho rằng Bà là một nữ tướng của vua Chàm, hay là nữ tướng của vua Lê hy sinh trong chiến trận tại làng Thu Bồn, về sau Bà hiển linh, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Có thuyết lại cho rằng Bà là nữ tướng con vua Mây, người Chàm, mất trong chiến trận, thi hài trôi dạt về bến sông làng Thu Bồn nhưng thi hài lại tràn ngập hương thơm, nhân dân kính ngưỡng, tổ chức an táng, lập lăng mộ, miếu thờ. Bà được triều đình nhà Nguyễn nhiều lần ban sắc phong như: thời Minh Mạng sắc phong
“Bô Bô Phu nhân tiết mông ban cấp Mặc phu Hiển tướng trung đẳng thần”; năm Khải Định thứ 9
(1924) ban sắc phong cho Bà lên hàng thượng đẳng thần:
“Bô Bô Phu nhân Tư nguyên Trang huy thượng đẳng thần”[[3]].
Bạch Thố Kim Tinh là vị nữ thần có nguồn gốc thiên thần, hiện nay chưa có tư liệu để xác định lai lịch của vị nữ thần này. Tại Hội An, Bạch Thố Kim Tinh được thờ tại 03 làng
(Cẩm Phô, Tân Hiệp, Hội An) nhưng chỉ có làng Cẩm Phô được triều đình ban sắc phong thần 02 lần: năm Khải Định thứ 2
(1917) sắc phong là
“Trinh uyển Dực bảo trung hưng hạ đẳng thần”, năm Khải Định thứ 9
(1924) gia tặng mỹ tự, thăng hạng
“Trai tịnh trung đẳng thần”. Tài liệu Quảng Nam xã chí không ghi chép sắc phong vị Bạch Thố Kim Tinh tại làng Hội An nhưng ở mục thần tích thì có nhắc đến:
“…Bạch Thố, theo lời truyền khẩu của các kỳ lão thì là một vì sao, nhưng không rõ thần tích”, và tại miếu thờ vẫn còn bài vị đề dòng chữ
“Bạch Thố Kim Tinh thần nữ chi linh vị”. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Bạch Thố Kim Tinh thần nữ là Thỏ Ngọc sống với Hằng Nga trên cung trăng theo truyền thuyết dân gian xưa
[[4]].
Qua hệ thống thờ tự các vị nữ thần tại đình Hội An có thể thấy các vị nữ thần này phần lớn có liên quan đến yếu tố sông nước, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cư dân làng Hội An xưa. Sự hiện diện của Bà Bô Bô, Bà Phường Chào trong hệ thống thần linh được tôn thờ góp phần tạo nên giá trị đặc trưng của làng Hội An, thể hiện dấu ấn sâu đậm của quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa trong lịch sử trên vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung, đồng thời còn góp phần tạo nên sự đa dạng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.