Tín ngưỡng thờ Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục ở Hội An

Thứ tư - 22/12/2021 03:04
Trong quá trình tổ chức bản thảo sách “Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 6 - Sắc phong”, chúng tôi có cơ may tiếp cận được một bản sao sắc phong thần Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục. Qua khảo sát một số di tích tín ngưỡng ở Hội An, chúng tôi nhận thấy hiện có ít nhất 4 di tích thờ vị nhân thần này. Vậy Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục là ai? Ở Hội An tín ngưỡng thờ Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục như thế nào? Bài viết này sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm về vấn đề này.
           1. Thân thế và sự nghiệp

          Theo các nguồn sử liệu còn lưu lại, Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục là một danh thần nhà Lê có nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc Nam tiến bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông (trị vì từ năm 1460 - 1479). Các nguồn sử liệu ghi chép về Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục như sau:

          Tác phẩm Ô châu cận lục do Dương Văn An biên soạn vào năm 1553-1555 chép rằng: “…Thần họ Nguyễn tên Phục người làng Đoàn Tùng huyện Gia Phúc. Khoa Quý Dậu [1453] niên hiệu Đại Hòa, đỗ tiến sĩ đệ tam danh, làm quan tới chức Chuyển vận sứ, Hành khiển đạo Thanh Hoa, khi Lê Thánh Tông chưa lên ngôi, ông từng làm thầy dạy học cho vua. Đến khi lên ngôi, cử ông làm Chưởng viện Viện Hàn lâm. Ba lần đi sứ phương Bắc, trở về làm Đại lí tự khanh, thẩm xét việc kiện cáo trong nước. Lại được cử làm Hữu tham nghị trông coi việc binh chính. Rồi thăng làm Thiêm sự đô chỉ huy sứ vệ cẩm ty ty thân quân. Khi vua đi đánh Chiêm Thành, ông giữ chức phi vận tướng quân, tán lý đội chuyển thâu. Đến cửa biển Tư Khách gặp gió biển dấy mạnh, hải trình rất gian khổ. Quân lính sợ mắc tội, cứ gắng chèo, ông bảo: thà để một thân chịu tội chặt đầu, há để chỗ thóc này vùi xuống biển và binh lính vô tội bị làm mồi cho cá sao [nên cho neo thuyền lại]. Vì thế quân lương bị thiếu. Vua giận vì đến trễ kì hạn, sai bắt giam. Bọn cung nhân và cận thần dèm pha với vua xin giết đi. Đến lúc vua hiểu ra, truyền chỉ tha tội thì ông đã bị chém rồi… Khoảng niên hiệu Cảnh Thống [1498], được phong tặng là Văn Trung Chính Nghị. Hoàng đế ta lại gia phong bốn chữ Minh Đạo Hiển ứng”[1].

          Sau này, các bộ sử liệu như Đại Việt lịch triều đăng khoa lục do các Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, Uông Sĩ Lãng, Phan Trọng Phiên, Võ Miên biên soạn năm Kỷ Hợi Cảnh Hưng thứ 40 (1779) hay Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn dưới thời vua Tự Đức đều dựa trên ghi chép của Dương Văn An trong Ô Châu cận lục. Đại Nam nhất thống chí ghi chép như sau: “Nguyễn Phục: người huyện Gia Lộc, đỗ hoàng giáp đời Lê Thái Hòa, làm Hàn Lâm viện kiêm chức sư phó dạy thân vương. Khi Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, làm việc đốc vận quân lương, vì bị bão, sai kì phải chịu quân pháp. Sau vua biết là oan, truy phong phúc thần. Nay dân ở ven biển đều thờ, gọi là đền Tùng Giang; cũng có đền thờ ở xã Phương Bằng bản huyện. Con là Nguyễn Đạm đỗ tiến sĩ đời Hồng Thuận[2].

          Sự kiện vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Canh Dần, Hồng Đức năm thứ 1 [1470] (Minh Thánh Hóa năm thứ 6). Tháng 8, quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp… Tháng 11, hiệu định 52 điều lệnh về việc hành binh. Đinh lệnh xa giá đi đâu, cấm nói phao trả giá. Ngày mồng 6, vua xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành. Trước đó, người Chiêm Thành ở Thi Nại Bàn La Trà Duyệt là con người vú nuôi, giết chúa hắn là Bí Điền mà cướp lấy nước, rồi truyền cho người em là Trà Toàn. Trà Toàn là đứa hung bạo làm càn, dối thần ngược dân, người Chiêm mưu phản, Toàn cũng không nghĩ chi đến, lại còn ngạo mạn kiêu căng, không sửa lễ tiến cống, lăng nhục sứ thần của triều đình, quấy nhiễu dân biên giới. Lứa gạt người Minh để xin viện trợ mà sang ăn cướp. Vua bèn gọi 26 vạn tinh binh, xuống chiếu thân trinh[3]. Khi vua Lê Thánh Tông đến cửa biển Đà Nẵng thì bị thiếu lương thực do đoàn quân vận chuyển lương do Nguyễn Phục chỉ huy vì gặp thời tiết bất lợi nên đến muộn. Trong khoảng thời gian này ông bị tống giam và hành quyết.

        2. Tín ngưỡng thờ Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục ở Hội An

       Sau khi mất, ông được nhân dân ở nhiều địa phương tưởng nhớ và lập miếu thờ. Thần tích và sự hiển linh của ông cũng được ghi chép trong Ô Châu cận lục: “Từ đó thường linh ứng. Dân địa phương dựng đền thờ cúng… Lúc mới mất, người con đi đến tận nơi, tìm hài cốt đem về, có đàn voi rừng khoảng trăm con, đi hộ tống trước sau. Mọi người nhìn nhau thất sắc. Nhưng voi không hề có ý hại ai.

        Lại có một người cùng quê, thuở trẻ từng đi xa học, khi trưởng thành được bổ làm quan huyện tại đây. Khi đi ngang qua đền, dâng cúng một bình rượu nhỏ, khấn rằng: “Tôi vốn là người quen cũ, xin ngài chứng cho chút lễ mọn”. Lúc đó bên sông nổi lên một con cá vược, bèn bắt lấy để tế. Quan bản huyện là tri huyện họ Phạm đã làm văn bia để ghi chép lại việc thực này.

        Khoảng năm Cảnh Thống, có hai vị đại tướng vâng mệnh đi đánh Chiêm Thành, ngang qua đền thờ trú lại. Đêm mộng thấy tiên sinh đến, ân cần đem chuyện con gửi gắm cho. Đến khi đại tướng ban sư trở về kinh, ít lâu đến kỳ thi tiến sĩ, được cử làm đề điệu. Con tiên sinh quả nhiên thi đỗ. Đại tướng nghiệm việc ngày trước, bất giác thán phục, liền gọi người con đến gặp, hậu đãi và bảo cho biết việc ngày trước là như vậy.

       Người con làm quan ở Hóa Châu, chính tích không tốt. Tiên sinh báo mộng cho rằng: “Hãy trở về nhà, chớ ta không nỡ để mày chết tại đây”. Đầu xuân năm sau, về đến nhà thì chết. Ngoài ra việc linh dị rất nhiều không thể kể hết[4].

       Triều đình nhà Nguyễn sắc phong cho ông là Hiển văn Tráng tiết Phương di Khắc vọng Quang ý Dực bảo trung hưng Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Tùng Giang Văn trung Phi Vận tướng quân trung đẳng thần.
Trong bộ tư liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên[5] do Viện Viễn Đông bác cổ và Hội Văn hóa dân gian Đông Dương thực hiện vào đầu thế kỷ XX, phần các làng/xã ở Hội An, ghi chép về các đạo sắc phong từ thời vua Gia Long, Minh Mạng cho đến Khải Định có một bản sao sắc phong thần Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục cùng một số vị thần khác tại làng Sơn Phong vào năm Khải Định thứ 9 (1924).

Nguyên văn:
 
sac phong

          Phiên âm:

         Sắc Quảng Nam tỉnh Điện Bàn phủ An Phong xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng Hiển văn Tráng tiết Phương du Khắc vọng Quang ý Dực Bảo trung hưng Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn trung trung đẳng thần; Hiển linh Cảm ứng Hoằng mô Khuông hựu Quang ý Dức bảo trung hưng Tứ Dương Linh trác trung đẳng thần; Bảo An Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo trung hưng Thành Hoàng đẳng thần. Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Dực bảo trung hưng Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân đẳng thần; hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự.

        Tứ kim chánh trực Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bửu chiếu đàm ân lễ long đăng trật Tùng Giang Văn trung trung đẳng thần; Tứ Dương Linh trạc trung đẳng thần, quân trứ gia tặng Trác vĩ thượng đẳng thần; Thành Hoàng đẳng thần, Bổn Cảnh Thành Hoàng đẳng thần quân trứ gia tặng Tĩnh hậu trung đẳng thần; Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân đẳng thần gia tặng Uông nhuận trung đẳng thần, đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.

          Khâm tai!

          Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

          Dịch nghĩa:

          Sắc thần nguyên tặng Hiển văn Tráng tiết Phương du Khắc vọng Quang ý Dực bảo trung hưng Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn trung trung đẳng thần; Hiển linh Cảm ứng Hoằng mô Khuông hựu Quang ý Dực bảo trung hưng Tứ Dương Linh trạc trung đẳng thần; Bảo an Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo trung hưng Thành Hoàng tôn thần; Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Dực bảo trung hưng Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân tôn thần, trước nay được thờ tự tại xã An Phong phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, thần giúp nước cứu dân, hiển hiện linh ứng, từng được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ.

          Nay nhân dịp đại lễ 40 tuổi của Trẫm, nên ban bửu chiếu đàm ân, lễ long tăng trật cho các thần là Tùng Giang Văn trung trung đẳng thần; Tứ Dương Linh trạc trung đẳng thần đều được gia tặng Trác vĩ thượng đẳng thần; Thành Hoàng đẳng thần, Bổn cảnh Thành Hoàng đẳng thần đều được gia tặng Tĩnh hậu trung đẳng thần; Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân đẳng thần gia tặng Uông Nhuận trung đẳng thần, đặc chuẩn được thờ cúng theo điển lễ thờ tự quốc gia.

          Khâm tai!

          Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)[6].

          Ở Hội An, Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục được phối thờ ở nhiều đình làng của người Việt như đình Tân Hiệp, đình Thanh Hà, đình Sơn Phong, đình Cẩm Phô. Theo tư liệu điều tra về làng xã ở Quảng Nam (Quảng Nam xã chí) [7] do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện những năm 1941 - 1943 cho biết, đình Thanh Đông ở Hội An trước đây có thờ thần Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục. Các làng xã thờ thần Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục là những làng xã có lịch sử hình thành lâu đời và có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của vùng đất Hội An trong lịch sử.

         3. Thay lời kết

       Tín ngưỡng thờ Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục là một dạng thức tín ngưỡng khá phổ biến ở các vùng ven biển nước ta. Qua các nguồn sử liệu, các di tích tín ngưỡng cho thấy ở Hội An tín ngưỡng thờ Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục có vai trò, vị thế quan trọng. Mặc dù đã trải qua hàng trăm năm tồn tại, đến nay tín ngưỡng thờ Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục ở Hội An vẫn còn được lưu giữ, kế thừa cho đến ngày nay, qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân Hội An, đồng thời góp phần khơi gợi truyền thống hào hùng, vẻ vang của dân tộc.
 
Tài liệu trích dẫn
[1] Dương Văn An (bản dịch năm 2021), Ô Châu cận lục, Trần Đại Vinh dịch và bổ chú, NXB Khoa học Xã hội, tr.102.
 
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch Viện Sử học 1997), Đại Nam nhất thống chí, tập III, NXB Thuận Hóa, tr.443.
 
[3] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (bản dịch Viện Khoa học Xã Việt Nam 1985-1992) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Quyển VII, NXB Khoa học - Xã hội, tr.463-464.
 
[4] Ô Châu cận lục, Bản dịch đã dẫn, tr.102-103.
 
[5] Bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
 
[6] Phiên âm và dịch nghĩa: Lê Thị Lưu.
 
[7] Bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

Tác giả: Văn Thịnh - Thị Lưu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây