Vào năm 1776, Lê Quý Đôn được giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa. Trong thời gian giữ chức ở Thuận Hóa, ông đã ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe và đặt tên cho khảo cứu là
Phủ biên tạp lục. Đây được xem là một trong những tập khảo cứu rất có giá trị về Đàng Trong, nhất là xứ Thuận Quảng vào thế kỷ XVIII.
Lê Quý Đôn đã ghi chép về sản vật - thổ sản của Hội An, Quảng Nam như sau: “
Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam, vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa vóc đoạn lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chớ chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt, đều sản xuất ở đấy”.
Về nông sản, tiêu biểu có cau và đường: “
Các vườn cau thấy mọc san sát ở trong rừng. Ở chân núi Ải Vân có phường Lạc, phường Giá, phường Tây thuộc về Quảng Nam, cây cau tươi mọc nhiều như rừng, quả cau già, vỏ nứt ra, người ở miền ấy lấy hạt cau chứa tích một nơi. Tàu buôn Trung Quốc đến mua đem về Quảng Đông, dùng thay nước trà”, “
Loại đường phổ đăng sản xuất ở phủ Điện Bàn. Tính nó nhẹ, mềm và trắng. Mỗi phiến nặng một cân. Họ Nguyễn thường giao cho quan Ký Lục ở Quảng Nam mua ở làng Đông Thẩm châu Xuân Viên. Có kỳ mua 300 phiến, có kỳ mua 800 phiến, để dùng về việc giỗ tết. Trả tiền mỗi cân 24 đồng kẽm, không phải nộp thuế. Làng Nhị Châu có nghề làm đường phèn, đường cát, mỗi năm nộp các hạng đường 48.320 cân để thay vào tiền sai dư”.
Về lâm sản, các loại gỗ quý ở Quảng Nam được Lê Quý Đôn ghi chép: “
Hai xứ Thuận Quảng cho loại gỗ tốt nhất là gỗ hoa lê, tục gọi là trắc mật, thớ nhỏ mịn, có mùi thơm như mía nướng, màu sắc trước đỏ sau đen, tính bền không mọt, người ta phần nhiều dùng làm rương, hòm, ghế, bàn, đòn kiệu và các đồ dùng; có thứ tên là thai bài, sắc trắng như ngà voi, uốn không gãy, có thể làm cán giáo và làm côn dài rất tốt. Gỗ hồng, tục gọi là gỗ sơn, sắc đỏ vàng như sơn dầu, bền chắc mềm mịn; gỗ giáng hương keo thì sắc tía vàng, tính rất bền, hoa văn xoáy tròn, có khi như xoáy trôn ốc, tiện làm đồ dùng, cưa làm rương hòm đều tốt”. Về hương liệu, dược liệu thì có trầm hương: “
Cây giống như cây thông cây gạo, có nhiều mắt, lấy thì trước chém gốc cây, để lâu ngâm vỏ và thân đều nát, ruột và mắt không nát là trầm hương… Trầm hương cay đắng, tính ôn, hay trị được các khí mà điều hòa, sắc đen thể thơm, ấm tinh tráng dương, trị lòng bụng xói đau, cấm khẩu, độc lỵ, uất kết, tà khí, sợ gió lạnh, bệnh tê, bệnh lỵ…”.
Ngoài ra, còn có Kỳ nam: “
Kỳ nam hương xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất; xuất từ Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai. Kỳ nam có thể chữa bệnh trúng phong, đàm suyễn, cấm khẩu, mọi chứng, mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay. Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi ngay. Lại có thể trừ được tà khí uế…”.
Về khoáng sản thì có vàng: “
xứ Quảng Nam có nhiều vàng. Họ Nguyễn đặt hộ đãi vàng ở các phủ, gọi là thuộc Kim Hộ. Mỗi thuộc hơn 40 thôn phường, được miễn suất lính, cho đi lấy vàng. Giao cho Ty ngân tượng nấu luyện thành hốt, cân và nghiệm để đem nộp, hàng năm cứ Tết Đoan Dương và tết Trừ tịch thì nộp ở quan câu kê… Vàng có ở núi Trà Nô, Trà Tế nguồn Thu Bồn huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa”.
Đặc biệt, một trong những sản vật đặc trưng, và được xem là tốt nhất ở Quảng Nam là yến sào. Hàng năm tỉnh Quảng Nam phải lựa chọn loại tốt nhất để nộp về kinh, cung tiến lên triều đình nhà Nguyễn. Sản vật này được ghi chép: “
Phủ Thăng Hoa, huyện Hà Đông, xã Thanh Châu, có nghề lấy yến sào, dân xã ấy tản cư ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Diên Khánh… Hàng năm cứ đến tháng 2 phải nộp tổ non mới 120 tổ, người áp thu lĩnh tờ thì, sửa sang thuyền, đi đến các phủ để thu thuế, tháng 7 mang về trình nộp sổ tiêu sai, thực nộp là bao nhiêu người, tùy từng hạng mà tính thu, hạng tráng mỗi người nộp 2 cân yến sào, nếu không có thì nộp thay bằng tiền 2 quan, hạng dân mỗi người nộp 1 cân 8 lạng, hạng lão và hạng đinh mỗi người nộp 1 cân; còn cả xã lại nộp lễ Thường Tân, Chính Đán 1.500 tổ”.
Ngoài ghi chép các thổ sản - sản vật, Lê Quý Đôn cũng đã ghi chép về hoạt động buôn bán và những quy định trong xuất cảng, nhập cảng đối với các tàu thuyền đến buôn bán ở Hội An.
Hoạt động buôn bán nhộn nhịp, phát triển của Hội An, Quảng Nam được Lê Quý Đôn ghi chép như sau: “
Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về cũng chỉ có một thứ hồ tiêu, còn từ Quảng Nam về thì các hàng không món gì không có, các nước phiên không kịp được. Phàm hóa sản vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy đường bộ, đi thuyền đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều đến tụ tập ở đấy để mua về nước”.
Đối với việc quản lý các tàu buôn bán đến buôn bán, trao đổi sản vật - thổ sản: Các xã Minh Hương, Hội An, Cù Lao Chiêm, Cẩm Tú, Làng Câu thì giữ việc thám báo, hễ tàu đến xứ Quảng Nam, vào các xứ cửa Đại Chiêm phố Hội An, cửa Đà Nẵng, Vụng Lấm để buôn bán, thì phải nộp các hạng thổ vật, còn thuế đến, thuế về thì định lệ theo thứ bậc. Tính cả năm được tiền bao nhiêu thì lấy 6 phần nộp làm thuế cảng, còn 4 phần thì quan lại quân dân đều chiếu nhiều ít chia nhau. Nếu có tàu bị gió bão giạt đến, không có hàng hóa không thể chịu thuế lệ thì người trưởng tàu làm đơn trình, liền truyền cho tuần nha giữ cửa biển cùng đồn thủ xem qua, cho mua củi, gạo, ở hai ba hôm thì đuổi ra biển, không cho vào cửa biển để khỏi sinh sự.
Theo Lệ tàu vụ của nhà Nguyễn, hàng năm cứ tháng giêng thì các viên cai bạ, tri bạ, lệnh sử, cai phủ, ký lục của Tàu ty đều vào phố Hội An xứ Quảng Nam, chia sai những người thuộc quân thông hiểu tiếng nước ngoài đi canh giữ Cù lao Chiêm và cửa Đà Nẵng, thấy có tàu buôn các nước đến đấy thì phải hỏi xét tất cả, quả là tàu buôn bán chịu thuế thì đem thuyền trưởng và tài phó tàu ấy vào phố Hội An, trình quan cai bạ xét thực khải lên và trình quan cai tàu để truyền cho tuần ty đem dân phụ lũy đến hộ tống tàu ấy vào cửa đậu ở sở tuần. Lệnh sử và các nha đến xem. Thuyền trưởng và tài phó kê khai sổ sách, điểm mục xong mới cho qua sở tuần mà lên phố để đậu.
Về lễ trình diện các viên quan cai tàu thì so với lễ tiến giảm một nửa, cai bạ và các nha thì theo thứ bậc mà giảm dần. Nếu là tàu Thượng Hải, Quảng Đông, Phúc Kiến, Mã Cao thì đều có lễ tiến, tàu Hải Nam thì không có. Ngày tàu về, tàu nào có lễ tiến thì tùy theo nhiều ít có lệ phát cho, hoặc cho bạc 5 hốt, lụa 5 tấm, tiền 50 quan, gạo 5 bao, hoặc cho bạc 3 hốt, lụa 3 tấm, tiền 30 quan, gạo 3 bao, hoặc cho bạc 2 hốt, lụa 2 tấm, tiền 20 quan, không có định chuẩn. Nếu thượng quốc sai tàu và quan đưa dân bị giạt giao trả, thì theo lệ cho quan phụng sai và tàu ấy 50 quan tiền, 3 bao gạo; cấp lương tháng cho ăn, quan phụng sai thì 3 quan, người bản trưởng thì 2 quan, thủy thủ mỗi người 1 quan. Nếu tàu buôn đưa trả dân bị giạt, nhân đó mà buôn bán thì miễn cho thuế cảng.
Có thể nói,
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn là một tác phẩm có giá trị về nhiều mặt. Những ghi chép về sản vật - thổ sản ở Hội An, Quảng Nam giúp tìm hiểu, nghiên cứu làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử - văn hóa,… cũng như hoạt động thương mại, buôn bán các loại sản vật - thổ sản tại thương cảng Hội An trước đây.