Mộ ông Koubunken Gusokukun, phường Tân An

Chủ nhật - 01/08/2021 22:51
Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức lần đầu tiên tại Hội An vào tháng 8/2002. Từ đó đến nay, lễ hội này trở thành hoạt động thường niên tại Hội An nhằm kỷ niệm mối quan hệ lâu đời, gắn bó thân thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hơn 400 năm trước, các thương nhân Nhật Bản đã có những đóng góp to lớn, để lại nhiều dấu ấn minh chứng cho thời kỳ phát triển phồn vinh của thương cảng Hội An, làm tiền đề cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Nhật sau này.
        Chùa Cầu tương truyền do người Nhật xây dựng, vì vậy nó còn được gọi là cầu Nhật Bản. Tấm bia yểm thủy đạo trong gốc đa cổ thụ ở đường Phan Châu Trinh, tương truyền có liên quan đến việc xây dựng và tồn tại của Chùa Cầu, dùng để trấn yểm con Cù. Tại chùa Tam Thai tọa lạc trong khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (Non Nước) thuộc quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng còn lưu lại văn bia cổ “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” ghi lại danh sách người cúng tiền tu bổ nơi thờ Quan Âm, có khắc tên 10 gia đình người Nhật[1]. Ngoài ra, thân cốt của một số thương nhân người Nhật cũng gửi lại trên mảnh đất Hội An, trong số đó có ông Gusokukun. 
 
mo ong kum
Ảnh: Hoàng Phúc - Phòng Quản lý Di sản
 
       Thế kỷ XVII, thương cảng Hội An có những khu phố của thương nhân ngoại quốc hình thành trên cơ sở sự cho phép của các chúa Nguyễn với một số luật lệ nhằm bảo hộ cho các hoạt động kinh doanh của họ tại đây, trong đó có phố người Nhật (Nhật Bổn dinh). Thông qua chính sách Châu Ấn thuyền, nhiều thương nhân người Nhật đã tìm đến Hội An giao lưu buôn bán. “Theo ghi chép, phố Nhật Bản ở Hội An được hình thành vào khoảng năm 1617[2]. Một số thương nhân Nhật đã lấy vợ người Việt, sinh con đẻ cái, lập nghiệp lâu dài. Sau đó, do chính sách bế quan tỏa cảng của Mạc phủ Tokugawa mà các thuyền bị cấm không được phép đi ra nước ngoài nữa, phố Nhật ở Hội An bị lu mờ dần. Và “… thế hệ người Nhật đời thứ 2, thứ 3 không có sự hỗ trợ, đành phải sống hòa vào với người Việt Nam và người Trung Quốc[4].  

        Một số người Nhật sau khi mất được an táng tại Hội An. Hiện còn 3 ngôi mộ trên thực địa là: mộ ông Tani Yajirobe (bia mộ lập năm 1647), mộ ông Banjiro Suminobu (bia mộ lập năm 1665) và mộ ông Koubunken Gusokukun (bia mộ lập năm Kỷ Tỵ. Trong thế kỷ XVII, năm Kỷ Tỵ tương ứng với các năm 1629 hoặc 1689). “Không có tài liệu về 3 vị này từ phía Nhật, có nhiều điểm chưa rõ ràng, tuy nhiên có lẽ ông Gusokukun có mối quan hệ với thương nhân của Sakai, Osaka[5]. Ngoài giá trị lịch sử, các ngôi mộ này còn góp phần làm phong phú đặc điểm kiến trúc của loại hình mộ cổ ở Hội An. Trong số đó, mộ ông Tani Yajirobe và mộ ông Banjiro Suminobu đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991.

        Mộ ông Koubunken Gusokukun hiện tọa lạc tại khối An Phong, phường Tân An. Có ý kiến cho rằng ông Gusokukun là “một thương nhân giàu có và nhiều thế lực, có tài liệu nói có thể ông còn là một Thị trưởng điều hành toàn bộ hoạt động của phố người Nhật ở Hội An vào thế kỷ XVII[6], nhưng như đã đề cập ở trên, hiện chưa có tư liệu để khẳng định điều này. Niên đại xây mộ là năm Kỷ Tỵ. Năm Chiêu Hòa thứ 3 (1928), cộng đồng người Nhật sống tại Đông Dương đã ủy nhiệm ông Nakayama cư trú tại Thuận Hóa phụ trách giám sát tu sửa ngôi mộ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngôi mộ này đã bị lính Nam Triều Tiên phá hủy. Năm 2000, được sự giúp đỡ kinh phí của Taisei Corporation, từ các tư liệu, hình ảnh lưu trữ cùng với kết quả thám sát khảo cổ được ghi nhận, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã tu bổ lại ngôi mộ. Sau lần tu bổ này, kiến trúc tổng thể ngôi mộ được giữ ổn định cho đến ngày nay.

        Ngôi mộ có mặt tiền xoay hướng Đông Bắc. Di tích có khuôn viên rộng, ngôi mộ được xây tường rào bảo vệ. Tổng thể ngôi mộ gồm: tường rào + trụ cổng, quynh (huynh), bia mộ, nấm mộ và nhà bia. Các hạng mục được xây đăng đối.   

        - Tường rào xây bao bọc khuôn viên mộ, bên ngoài có hành lang bao quanh lát nền gạch đất nung. Đường dẫn vào mộ nằm phía sau khuôn viên mộ. Tường rào xây gạch đặc, thấp, đầu tường có gờ chỉ trang trí, có bốn trụ gạch ở bốn góc. Tường rào phía trước có 2 trụ gạch ở chính giữa tạo lối vào mộ.

        - Bia mộ bằng sa thạch màu xám, rộng 0,4m, cao 0,66m, dày 0,15m, phía trên vát cong nhẹ. Diềm bia không có hoa văn trang trí. Trán bia chạm hình mặt trời và tua lửa. Hiện trạng bia bị phong hóa, một số chữ bị mài mòn, không đọc được. Nội dung văn bia:

        + Nguyên văn chữ Hán[7]:

        日 本
        考 文 賢 具 足 君 墓
        己 巳 年 仲 秋 吉 立
        ? ? ? 奉 祀

        + Phiên âm:

       Nhật Bản
       Khảo văn hiền cụ túc quân mộ
       Kỷ Tỵ niên trọng thu cát lập
       ? ? ? phụng tự.

        + Dịch nghĩa:

        Mộ ông Gusokukun, người Nhật Bản
        Lập vào ngày tốt giữa mùa thu năm Kỷ Tỵ
       ? ? ? phụng tự.

        - Nấm mộ: nằm chính giữa khuôn viên, gắn chặt vào bia mộ, có hình yên ngựa, xây bằng vữa hợp chất. Bao quanh chân nấm có lớp vữa xi măng mỏng. Nền khuôn viên bao quanh mộ lát gạch đất nung, cao hơn nền hành lang bao quanh.  

       - Quynh: có hình yên ngựa, bao bọc quanh nấm mộ. Giữa quynh và nấm mộ có rãnh thoát nước. Quynh có độ rộng không đồng đều, có xu hướng thuôn nhỏ dần từ phía sau ra trước. Phần cuối của quynh được uốn cong, mở rộng ra hai bên, xây cuốn tròn hình trôn ốc. Hai khối xoắn ốc có hướng xoắn ngược nhau.

        - Nhà bia: nằm lùi về phía sau, tiếp giáp với tường bao, có thể xem đây như bình phong hậu của ngôi mộ. Phần đế nhà bia có tiết diện chữ nhật, gồm hai cấp chồng lên nhau, trên đế có hai trụ tròn. Giữa hai trụ là bia ghi lại việc tu bổ ngôi mộ, phần hiển lộ mặt bia có kích thước: 0,3m x 0,46m, khung viền đắp vữa xi măng tạo gờ chỉ trang trí. Mái nhà bia là tấm đan bằng BTCT gối trên hai trụ tròn. Nội dung văn bia:

        + Nguyên văn chữ Hán[8]:

        昭 和 三 年,西 暦 一 九 二 八 年,文 学 博 士 黑 扳 勝 美 教 授 [丿] 提 唱 二 基 [弌] 印 度 支 那 在 留 日 本 人 一 同 工 事 监 督 [又] 順 化 府 在 住 中 山 氏 二 委 嘱 [三] 此 墓 所 [又] 修 恐 [又]。

        + Phiên âm:

        Chiêu Hòa tam niên, Tây lịch nhất cửu nhị bát niên, văn học Bác sĩ[9] Hắc Bản Thắng Mỹ Giáo thụ[10] [triệt] đề xướng nhị cơ [nhất] Ấn Độ Chi Na[11] tại lưu Nhật Bản nhân nhất đồng công sự giám đốc [] Thuận Hóa phủ tại trú trung sơn thị nhị ủy chúc [si] thử mộ sở [nư] tu trúc [nư].

        + Dịch nghĩa:

        Năm Chiêu Hòa thứ 3, Tây lịch năm 1928, Giáo sư, Tiến sĩ Văn học Kuroita Katsumi đề xướng những người Nhật Bản ở tại Đông Dương nhất trí giao cho ông Nakayama cư trú tại phủ Thuận Hóa phụ trách giám sát công trình tu bổ ngôi mộ này.
Ngoài ra, tại di tích còn có các bia ghi lại việc tu bổ di tích năm 1928 bằng tiếng Việt, Anh và Pháp (nằm phía bên trái nhà bia theo hướng quy ước). Nội dung bia tương tự như bia chữ Hán nêu trên.

        Ngôi mộ ông Gusokukun là tư liệu lịch sử chứng minh sự phát triển của đô thị thương cảng quốc tế Hội An trong thế kỷ XVII, góp phần làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An, là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Bên cạnh đó, kiểu thức kiến trúc, quy mô ngôi mộ còn góp phần làm đa dạng các loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật ở Hội An. Năm 2020, UBND Thành phố đã đầu tư tôn tạo cảnh quan khuôn viên ngôi mộ và khu vực cây sộp cạnh ngôi mộ (đã được ghi vào Danh mục cây cổ thụ được bảo vệ của Thành phố năm 2014), dựng bảng thông tin di tích bằng song ngữ Việt – Anh nhằm tạo không gian công cộng phục vụ cho người dân địa phương, tạo điểm đến tham quan hấp dẫn hơn cho du khách.

        Với những giá trị nổi bật đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định ghi di tích mộ ông Gusokukun vào Danh mục di tích đăng ký bảo vệ trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2019 – 2024.
 
*Tài liệu trích dẫn:
[1] Theo Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm Hội An – Tập 1: Văn bia, Công ty In – Phát hành sách và TBTH Quảng Nam, tr. 112.
[2] Viện Nghiên cứu văn hóa quốc tế - Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (2003), Kiến trúc phố cổ Hội An - Việt Nam, Nxb Thế giới, tr. 24.
[3] GS. TS. Kikuchi Seiichi, Người Nhật ở Hội An thời các chúa Nguyễn, Tư liệu thuộc Đề tài địa chí Hội An.
[4] GS. TS. Kikuchi Seiichi, tư liệu đã dẫn.
[5] GS. TS. Kikuchi Seiichi, tư liệu đã dẫn.  
[6] Nguồn: https://hoianheritage.net/vi/di-san-van-hoa/Mo-co/Mo-ong-GuSokukun-Thuong-nhan-Nhat-Ban-159.html
[7] Ký tự, phiên âm, dịch nghĩa văn bia do Lê Thị Lưu – Chuyên viên Phòng Tư liệu & Thông tin Di sản thuộc Trung tâm QLBT DSVH Hội An thực hiện. 
[8] Ký tự chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa văn bia này do Ngô Đức Chí thực hiện.
[9] Bác sĩ: học vị, Việt Nam gọi là Tiến sĩ.
[10] Giáo Thụ/ Thọ: học hàm.
[11] Ấn Độ Chi Na: Danh từ chỉ xứ Đông Dương, Anh văn: Indochina.
 
* Tài liệu tham khảo:
1. Viện Nghiên cứu văn hóa quốc tế - Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (2003), Kiến trúc phố cổ Hội An - Việt Nam, Nxb Thế giới.
2. GS. TS. Kikuchi Seiichi, Người Nhật ở Hội An thời các chúa Nguyễn, Tư liệu thuộc Đề tài địa chí Hội An.
3. Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm Hội An – Tập 1: Văn bia, Công ty In – Phát hành sách và TBTH Quảng Nam.

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây