Một số sự kiện lịch sử về di tích nhà lao Hội An (Nhà lao Xóm Mới)

Chủ nhật - 11/07/2021 21:50
Nhà lao Hội An hiện tọa lạc tại số 242/12 đường Lý Thường Kiệt, phường Sơn Phong, thành phố Hội An. Nơi đây, từ năm 1960, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã giam cầm hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước của ta.
nha lao hoi an 1
Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
 
        Sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam, đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam, dựng nên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm. Từ 1954 - 1959, Ngụy quyền thi hành chính sách đàn áp tàn bạo các lực lượng chống đối và phong trào cách mạng trên khắp địa bàn miền Nam, tiêu biểu là chính sách “tố Cộng diệt Cộng” và Luật 10/59.

        Quảng Nam là tỉnh có phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm khá mạnh mẽ nên có rất nhiều người tham gia cách mạng bị bắt giữ, giam cầm, giết hại. Do không gian của nhà lao Thông Đăng (tên một nhà lao do thực dân Pháp xây dựng tại vườn ông Thông Đăng - nhà số 127 Phan Chu Trinh, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An hiện nay) có giới hạn, không đáp ứng được nhu cầu giam giữ tù nhân chính trị ngày càng đông nên vào tháng 6/1960, chính quyền Mỹ - Diệm ở Quảng Nam đã xây dựng mới nhà lao Hội An ở vị trí hiện nay và sử dụng đến tháng 3/1975. Trong thời kỳ Mỹ - Ngụy, vị trí nhà lao Hội An cách tòa Tỉnh trưởng Quảng Nam, các cơ quan, quân sự hành chính của tỉnh trong bán kính khoảng 1 - 1,5 km. Nhà lao Hội An là vành đai chiến lược bảo vệ khu vực nội ô Hội An và chính quyền Ngụy tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là địa bàn giáp ranh với khu vực có phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Hội An là Trường Lệ, Trà Quế. Do vậy, Nhà lao Hội An là địa điểm quan trọng được chính quyền Ngụy kiểm soát và cũng là mục tiêu trọng điểm mà các lực lượng vũ trang Thị xã, Tỉnh tấn công giải phóng nhà lao, giải thoát tù nhân chính trị yêu nước.

        Nhà lao Hội An có đầy đủ các thiết chế phục vụ cho đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng cho những ngụy quân quản lý nhà lao: phòng hội họp, nhà ăn, nhà nguyện... cũng như có các hạng mục để cầm cố, khai thác tù nhân chính trị: bót gác, nhà giam nam, nhà giam nữ, xà lim, giếng nước, khu hỏa thực, nhà y tế, phòng thẩm vấn, tra tấn. Hòng khuất phục tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước, moi móc thông tin về các cơ sở, cách mạng để đánh giá phong trào kháng chiến ở Hội An, Quảng Nam và nhiều nơi khác, bọn quản lý nhà lao sử dụng các hình thức tra tấn dã man các tù chính trị như đánh đập, cho đi tàu bay, đóng đinh vào tay, đốt cồn ở đầu móng tay, giam cầm trong xà lim tối tăm, chật hẹp... Thậm chí chúng còn dùng cực hình đối với những chiến sĩ cách mạng đang ở tuổi vị thành niên. Đặc biệt có những cuộc tra tấn tù chính trị đến tàn phế hoặc để lại di chứng nặng nề cho cuộc sống về sau. Xảo huyệt hơn, chúng đưa ra những ưu đãi về vật chất, tinh thần để mua chuộc, chiêu dụ các tù nhân chính trị từ bỏ con đường cách mạng, ly khai Đảng, khai báo ra những cá nhân, cơ sở cách mạng quan trọng ở các địa phương trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.

        Đối với các tù chính trị yêu nước, kiên trung, bọn quản giáo chủ động thả tù nhân với số lượng ít, sau đó theo dõi, bí mật thủ tiêu. Bên cạnh đó, chúng còn đưa các tên tay sai trà trộn vào nhiều phòng giam để thám thính, tố giác những chiến sĩ cốt cán nhằm phá vỡ các kế hoạch vượt ngục, các phong trào đấu tranh tập thể của cán bộ và quần chúng cách mạng. Bị giam cầm, bị đàn áp và khủng bố về thể chất, tinh thần nhưng ngay từ năm 1962 các chiến sĩ Cộng sản trong tù đã thành lập Ban cán sự nhà tù có 10 đảng viên, do đồng chí Lê Phước Toàn làm Bí thư, đồng chí Trần Ngọc Sơn làm Phó Bí thư. Tổ chức Đảng ra đời trong nhà lao là một bước ngoặt lớn, thúc dẩy phong trào đấu tranh trong nhà lao phát triển mạnh mẽ và tiếp tục duy trì hoạt động đến tháng 3/1975. Để tránh sự theo dõi của địch, Ban cán sự hoạt động bí mật, chỉ đạo cán bộ nòng cốt vận động quần chúng trong nhà lao đấu tranh chống tra tấn, đàn áp tù nhân và dòi cải thiện điều kiện ăn, ở của từ nhân. Không những thế, các tù nhân chính trị còn tổ chức vượt ngục thành công cho các tù chính trị cốt cán để các đồng chí này được về với Đảng với nhân dân, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tiêu biểu là cuộc vượt ngục thành công của hai đồng chí Trần Ngọc Sơn ở Hội An, đồng chí Nguyễn Thái Học ở Duy Xuyên vào năm 1965.

        Về sau, các đồng chí này tiếp tục tham gia cách mạng và lãnh đạo phong trào đấu tranh ở địa phương. Đặc biệt nhà lao Hội An là nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt giải phóng nhà lao Hội An. Vào đêm 14/7/1967, quân ta gồm lực lượng bộ đội Tiểu đoàn 2 (V25) tỉnh Quảng Đà, Thị đội Hội An chia làm ba mũi bất ngờ tấn công Nhà lao Hội An, đặt bộc phá mở toang cửa chính nhà lao, tiêu diệt lính tại các bót gác, khống chế sự phản công của quân địch trong nhà lao. Sau đó, các chiến sĩ vũ trang xông thẳng vào các phòng giam, bẻ khóa, đập tan xiềng xích nhà giam, giải phóng, dẫn đường cho 1.200 đồng bào, chiến sĩ yêu nước, cách mạng rút theo hướng xóm Chiêu (Cẩm Châu) về Cẩm Thanh an toàn. Sự kiện này diễn ra ngay giữa lòng nội ô Hội An đã gây cho ngụy quân, ngụy quyền ở Quảng Nam bất ngờ, hoang mang. Đối với ta, đây là một thắng lợi to lớn, quân ta giải thoát tù nhân chính trị yêu nước trở về với cách mạng, với Đảng, tiếp tục góp sức cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng quê hương thắng lợi. Đồng thời chiến thắng này thể hiện khả năng tập kích nội ô của lực lượng vũ trang tỉnh, thị xã.

        Sau đó, vào ngày 27/3/1975, một ngày trước khi thị xã Hội An được giải phóng, quân ta đã chủ động tấn công Nhà lao Hội An, giải phóng cho hàng ngàn tù chính trị yêu nước thoát khỏi nhà lao.

        Nhà lao Hội An là di tích có vai trò lịch sử quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ ngụy của quân dân Hội An, tỉnh Quảng Nam, là chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, là địa chỉ đỏ quan trọng để giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần chiến đấu anh dũng của các thế hệ chiến sĩ cách mạng tiền bối, những cống hiến lớn lao của quân và dân Hội An, Quảng Nam, cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Di tích được công nhận di tích cấp Tỉnh theo Quyết định số 559/QĐ - UBND ngày 08/02/2007 của UBND Tỉnh Quảng Nam.

Trích từ Lý lịch di tích Nhà lao Hội An năm 2006

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây