Mối quan hệ Việt – Nhật và hoàn cảnh xuất hiện Chùa Cầu

Chủ nhật - 27/06/2021 22:54
Vào thế kỷ XVI-XVII, dưới thời các chúa Nguyễn, Hội An đã trở thành một hải cảng giao thương với nước ngoài phát triển khá mạnh mẽ. Trong dòng giao thương ấy, có những dấu ấn quan trọng của các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp… Trong đó, sự có mặt của những thương nhân Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của người Nhật tại Hội An.
chua cau
Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
 
        Hiện chưa xác định thời điểm người Nhật xuất hiện đầu tiên tại Hội An, nhưng cuối thế kỷ XVI, đã tìm được dấu vết của họ trong những tài liệu cổ. Theo Iwao Seiichi, năm 1578, việc thuyền buôn người Phúc Kiến là Trần Bảo Tùng chở đồng, sắt, đồ gốm đến Quảng Nam, bị hải tặc Nhật bắt về Nhật Quốc, đánh dấu sự xuất hiện của người Nhật tại vùng biển Việt Nam. Theo Noel Peri, năm 1583, đã có một tàu buôn Nhật đến khu vực cảng ở Đà Nẵng. Sách Đại Nam Thực lục tiền biên có ghi lại sự kiện năm 1585, thủy quân chúa Nguyễn tấn công nhầm tàu của Nhật là Bạch Tần Hiển Quý (Shiharama KenKi) ở Cửa Việt. Vì vậy, có thể khẳng định rằng trước thời kỳ của chế độ Mạc Phủ chính thức cho thuyền buôn ra nước ngoài buôn bán thì các thương nhân người Nhật đã đến bờ biển Đàng Trong buôn bán.

        Hội An trở thành khu thương nghiệp mang tính quốc tế phát triển thịnh vượng nhất kể từ sau năm 1592 sau khi Mạc Phủ (Tokugawa Ieyasu) ban hành chính sách Goysyuin – jo, “Giấy phép có đóng con dấu màu đỏ”,  còn được gọi là chế độ “Châu ấn thuyền” (Shuinsen) do Mạc phủ Tokugawa cấp. Thời đại này còn được gọi là “Thời đại Châu ấn thuyền” đánh dấu một nét rất đặc biệt trong lịch sử Nhật Bản, tức là một loại giấy thông hành cho các thuyền Nhật Bản đến buôn bán tại nước ngoài, xác lập mối quan hệ giao thương chính thức giữa Nhật Bản và Việt Nam từ đây.

        Năm 1596, một số thương nhân Nhật đến xin mua đất để lập phố, dựng chùa ở Hội An. Năm 1601, chúa Nguyễn đã có thư từ trao đổi với Nhật Bản, nội dung chủ yếu là việc trao đổi cho phép thuyền bè sang buôn bán, đóng thuế ở Hội An. Trong sách “Ngoại phiên thông thư” của Nhật Bản, tại phần “An Nam quốc thư” có của 56 bức thư của Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn gửi cho Mạc Phủ Tokugawa cùng với thư trả lời của Mạc Phủ viết trong thời gian từ năm 1601 – 1694. Lá thư đầu tiên là do Nguyễn Hoàng viết cho Mạc Phủ Tokugawa Ieyasu vào năm 1601.

        Chúa Nguyễn tạo điều kiện cho người Nhật buôn bán tự do hơn so với Đàng Ngoài như mở chợ ngay tại cảng, cho phép người Nhật cư trú, tự chọn nơi thích hợp để sinh sống làm ăn. Tất cả nỗ lực của chúa Nguyễn đều nhằm tăng thêm mối quan hệ thân thiết với thương nhân Nhật và chính quyền Nhật Bản và mong họ trở thành một đối tác quan trọng với Đàng Trong. Mặt hàng người Nhật mua chính là: tơ lụa, vàng, sợi, vải lanh, long não, gỗ, lô hội, da cá mập, đường đen, mật ong, tiêu, quế, song mây, đồ gốm… Người Nhật thường mang qua là tiền đồng, đôi khi là những vật lạ, sắt, một số loại vũ khí khác. Sự phồn thịnh của Hội An đã được Giáo sĩ C.Borri ghi lại vào năm 1618: “Thành phố có tên Hội An, khá lớn, chúng ta có thể nói là có hai thành phố, một là của người Trung Quốc, một của người Nhật Bản, hai thành phố ở tách riêng, cái này cách với cái kia, có quan cai trị riêng, người Trung Quốc theo luật lệ của người Trung Quốc, người Nhật theo luật lệ của người Nhật.”

        Vào thời Châu ấn thuyền (1592-1635), Nhật Bản có quan hệ với khoảng 18 khu vực lãnh thổ, nhưng địa bàn chủ yếu vẫn là các quốc gia Đông Nam Á. Trong thời gian này, chính quyền Mạc Phủ Edo đã cấp tổng cộng 355 giấy phép cho thuyền buôn Nhật Bản đi ra nước ngoài buôn bán. Trong đó, những địa điểm thuộc khu vực Đông Nam Á là 331chiếc, chiếm tỉ lệ 93,25%. Số thuyền Nhật Bản đến buôn bán tại các thương cảng thuộc lãnh thổ Việt Nam đương thời là 130 chiếc, chiếm 36,61%, trong đó thuyền đến Đàng Trong là 79 chiếc, chiếm 60,76%[1]. Như vậy, Hội An là một điểm đến hấp dẫn đối với các thương nhân Nhật Bản. Vì có thế lực hàng đầu về kinh tế, tài chính nên trong những năm đầu thế kỷ XVII, thương nhân Nhật Bản có vai trò hàng đầu trong hoạt động thương mại ở Hội An. Thương nhân Nhật lấn át cả người Hoa, đến nỗi thương nhân phương Tây gọi Hội An là “thương cảng của người Nhật”. Có thể nói, sự có mặt của người Nhật ở Hội An, đặc biệt trong thời đại Shiunsen - Châu ấn thuyền đã kích thích mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế ở Đàng Trong, đặc biệt là các nghề thủ công, thổ sản, lâm sản…, đồng thời góp phần làm cho mạng lưới giao thông rộng mở, kinh tế hàng hóa trong nước tăng trưởng, các thương cảng ở miền Trung, đặc biệt là thương cảng Hội An trở nên sầm uất.

        Sau chính sách đóng cửa của chính quyền Mạc Phủ, người Nhật quay trở lại quê hương. Những người Nhật sống trong khu phố Nhật ít dần đi, đến năm 1651, nhà truyền giáo W.Verstegen cho biết chỉ có sáu mươi gia đình người Nhật sống ở đây, dân số khoảng hai trăm người. Do mất liên lạc với chính quốc, và sự lớn mạnh của người Hoa ở Hội An, làm cho Nhật kiều rơi vào tình thế cô lập và uy thế yếu dần về mặt kinh tế. Vào những năm thế kỷ XVII, người Hoa tràn vào sống trong những khu phố Nhật trước đó. Đến năm 1695, khi nhà sư Thích Đại Sán đến Hội An, ông đã không còn nhắc đến khu phố Nhật và người Nhật[2]. Điều này chứng tỏ, người Nhật đã mất hết vai trò của mình ở Hội An vào những năm cuối thế kỷ XVII. Như vậy, khu phố Nhật cũng dần dần tàn lụi, dần chuyển chỗ cho sự phát triển lớn mạnh của người Hoa. Tuy nhiên, dấu ấn của Nhật Bản vẫn còn trong những nét văn hóa vật thể và phi vật thể tại Hội An, được nhân dân nơi đây gìn giữ và trân trọng từ đời này qua đời khác. Trong đó, một biểu hiện nổi bật là di tích Chùa Cầu.

        Theo những thư tịch cổ thì Chùa Cầu được người Nhật xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XVII. Có nhiều câu chuyện về nguyên nhân xây dựng cây cầu này. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, người Nhật xây dựng cây cầu này qua một con lạch nhỏ, nhằm để thuận tiện giao thương với người Hoa đang sống phía bên kia con lạch. Lại có một nguyên nhân mang chất huyền thoại là người Nhật cho rằng thế giới sống trên lưng một con Cù, họ gọi là “Namazu”, người Hoa gọi là Câu Long, đầu của nó tận bên Ấn Độ, đuôi của nó nằm trên xứ Phù Tang, mỗi lần nó quẫy đuôi là nước Nhật động đất, họ giải thích nước Nhật hay động đất là vì vậy. Họ tin rằng, Hội An nằm đúng trên lưng con Cù ấy, cho nên dựng cầu ở đây như yểm một thanh kiếm xuống huyệt lưng của nó, mong trừ tai họa động đất cho tổ quốc và mưu cầu cho sự bình yên cho chính họ tại nơi đây. Vào năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đã đặt tên cầu là “Lai Viễn Kiều”, với ý muốn nhắc nhớ về những người bạn từ phương xa đến nơi đây.

        Có thể nói, Chùa Cầu mang những giá trị độc đáo và có ý nghĩa văn hóa sâu sắc, biểu hiện cho mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa người Việt và Nhật Bản trong quá khứ. Hiện nay Chùa Cầu đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Đô thị cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới.

* Trích từ tham luận Chùa Cầu – những vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
[1] Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kim, Quan hệ văn hóa, giáo dục, Việt Nam, Nhật Bản và 100 năm phong trào Đông Du, Nxb ĐHQGHN, 2006, tr.164.
[2] Theo Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế xuất bản, 1963.

Tác giả: Lê Thủy Trinh - Võ Thị Hường Trang

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây