Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
Gia phả tộc Nguyễn Tường cho biết, dòng tộc này nguyên là Nguyễn Như, về sau đổi thành Nguyễn Văn, gốc ở xã Phúc Điền, tổng Hạ Bản, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa. Đến đời ông Nguyễn Văn Vân theo Nguyễn Ánh (
sau này là vua Gia Long) có công trong sự nghiệp phục dựng lại nhà Nguyễn, ông đã đổi từ Nguyễn Văn sang Nguyễn Tường. Nguyễn Tường Vân làm quan trong triều đình nhà Nguyễn và chuyển gia đình đến sinh sống tại xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay là phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
[1].
Nguyễn Tường Phổ là con trai thứ 3 của Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân, cuộc đời và sự nghiệp của ông được ghi chép trong nhiều tư liệu thư tịch lịch sử như Gia phả tộc Nguyễn Tường ở Hội An, Đại Nam liệt truyện và các khảo cứu, nghiên cứu, biên soạn của các tác giả như Khoa bảng Hội An, Quảng Nam của Trương Duy Hy, Quảng Nam đất nước và nhân vật của Nguyễn Q. Thắng, Các nhà Khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919 của Ngô Đức Thọ (
chủ biên), Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn của Phạm Đức Thành Dũng – Vĩnh Cao…
Theo các tư liệu cho biết, Nguyễn Tường Phổ tự là Quảng Thúc, lại tự là Hy Nhân, hiệu là Thứ Trai, ông sinh năm Đinh Mão (1807), mất năm Bính Thìn (1856). Nguyễn Tường Phổ lúc nhỏ thông minh, khẳng khái, học rộng nghe nhiều, ngoài chính Kinh (
kinh điển Nho học) còn tinh thông kiếm thư cầm phả.
Vào năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), ông được bổ vào làm ấm sinh trường Quốc tử giám. Năm Tân Sửu (1841) ông thi đỗ Cử nhân kỳ thi Ân khoa. Năm Nhâm Dần (
năm Thiệu Trị thứ 2 -1842) ông thi đỗ đồng Tiến sĩ kỳ thi Ân khoa.
Sự nghiệp quan lộ của ông bắt đầu từ tháng 11 năm 1842 với việc được bổ làm Hàn lâm viện Biên tu. Tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), được sung vào làm Hành tẩu ở Nội các. Tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), thăng làm Tu soạn và vẫn làm Hành tẩu ở Nội các.
Tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), ông được thăng hàm Chủ sự, thự Tri phủ phủ Hoằng An. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ông được bổ làm Tri phủ phủ Tân An.
Năm Tự Đức thứ 2 (1849), do bị lỗi ông bị giáng làm Chánh Cửu phẩm Thư lại ở thuộc ty của bộ Binh
[2].
Năm Tự Đức thứ 6 (1853), tháng 9, ông được bổ làm Giáo thọ phủ Điện Bàn, sau thăng quyền Đốc học Quảng Nam
[3].
Nguyễn Tường Phổ làm quan nổi tiếng liêm chính, công bằng, tính tình cao thượng, thương dân, thường trách người thái quá nên ít hợp với người khác, vì vậy có những việc không được may mắn, thuận lợi.
Ông dạy người thì lo phần đôn hậu, thực hành thì vứt bỏ hư danh, tính cương mà khí hào, tự mình giữ kỷ luật rất nghiêm, trách nhiệm hết mực đối với mọi người. Ông thường nói: “
Ta bình sinh không hay khoan thứ cho người, nên đặt hiệu là Thứ Trai mà tự là Quảng Thúc đó là muốn châm biếm cái tính thiên lệch mà chưa được. Giảng dạy nhàn hạ, rèm buông nơi tĩnh viện, có ý tưởng tượng như tiên ở ngoài hình vật, lại thích uống rượu, mà uống phải say, ngồi ngoảnh trông tự hào rằng: Vương Hiếu Bá có nói: danh sĩ không cốt ở tài lạ, cốt sao thường được vô sự, uống rượu thật thích, rồi đọc thuộc bài Ly tao, đó là danh sĩ”. Lúc sinh thời ông chỉ làm thơ, nói rằng: “
Ta không hay làm phú để cho rộng thêm, chỉ để lại quyển Thứ Trai thi tập thôi”. Được vài hôm ông ốm đau rồi mất. Thọ 50 tuổi
[4].
Người anh của Nguyễn Tường Phổ là Nguyễn Tường Vĩnh, tự là Tử Tu, hiệu Cẩm Giang. Minh Mạng năm thứ 19 (1838) đỗ Phó bảng. Làm quan triều Nguyễn được thăng làm Triều liệt đại phu, Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ, Tuần phủ Định Tường
[5].
Nguyễn Tường Phổ có con là Nguyễn Tường Tiếp nối nghiệp theo chí hướng của cha. Nguyễn Tường Tiếp có tên tự Chu Tá, hiệu Nghị Am, thụy Đôn Nhã, nhận chức Thừa Vụ Lang đồng Tri phủ, lãnh Tri huyện Thủy Nguyên (
tỉnh Hải Dương).
Đến đầu thế kỷ 20, ba anh em nhà Nguyễn Tường, cháu gọi ông Nguyễn Tường Tiếp là ông nội, là những cây bút nổi danh, thành viên sáng lập chính của nhóm Tự Lực văn đoàn vào năm 1932, gồm Nguyễn Tường Tam (
bút danh Nhất Linh); Nguyễn Tường Long (
bút danh là Hoàng Đạo) và Nguyễn Tường Lân (
bút danh là Thạch Lam).
Hiện nay, Nguyễn Tường Phổ được thờ tại Nhà thờ phái nhì tộc Nguyễn Tường, tọa lạc tại số 33 đường Lê Quý Đôn, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An. Nhà thờ phái nhì tộc Nguyễn Tường còn lưu lại nhiều di cảo của Nguyễn Tường Phổ như thơ, chúc thư, câu đối, văn tế, bản thảo văn bia, hành thuật… và nhiều tư liệu khác liên quan đến hành trạng của các nhân vật trong tộc Nguyễn Tường. Đây là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu những đóng góp của tộc Nguyễn Tường đối với Hội An nói riêng, và cả nước nói chung trong lịch sử.
[1] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2016),
Di sản Hán Nôm tập 2 – Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường, tr.5.
[2] Tờ khai lý lịch của Nguyễn Tường Phổ, trích từ Gia phả tộc Nguyễn Tường, tư liệu thuộc đề tài Nghiên cứu, biên soạn địa chí Hội An.
[3] Ngô Đức Thọ (chủ biên) (2006),
Các nhà Khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Nxb Văn học, tr.686.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006),
Đại Nam liệt truyện, tập 4, Nxb Thuận Hóa, tr.238.
[5] Đại Nam liệt truyện, tập 4, tr.239 và
Di sản Hán Nôm tập 2 - Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường, tr.56.