Về hai tác phẩm bia ký ở Hội An do nhà nho Nguyễn Thuật biên soạn, phủ chính (hiệu đính)

Thứ hai - 30/08/2021 22:32
Đến nay có rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về nhà nho Nguyễn Thuật và các trước tác văn chương của ông đã được xuất bản trên sách, báo, tạp chí, tiêu biểu như: sách Hà Đình Nguyễn Thuật tác phẩm (2005), Sống đẹp Hà Đình (2009) của Nguyễn Q. Thắng; bài viết Hà Đình Nguyễn Thuật: nhà văn hóa đất Quảng của Dương Văn Út xuất bản trên tạp chí Xưa Nay (2011), hay Hà Đình Nguyễn Thuật, một con người văn chương, nghệ thuật của nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông đăng trên Tạp chí Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam (2015)[1] ... Gần đây, tác giả Nguyễn Hoàng Thân trong bài viết Nhà nho Nguyễn Thuật với các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam và Trung Quốc in trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng số 11 (2018) đã hệ thống, giới thiệu một số tác phẩm, trước tác của nhà nho Nguyễn Thuật liên quan đến các thiết chế văn hóa tôn giáo tín ngưỡng, trong đó có đề cập đến hai tác phẩm bia ký ở Hội An do nhà nho Nguyễn Thuật biên soạn, phủ chính. Qua khảo sát, tiếp cận tư liệu thực địa, bài viết này xin thông tin đến bạn đọc nội dung hai tác phẩm bia ký trên để cùng chia sẻ, cảm nhận về văn chương, con người tài hoa, đức độ “xứng đáng làm mẫu mực cho vạn thế”[2] này.
1. Tiểu sử nhà nho Nguyễn Thuật

Nguyễn Thuật (1842-1911), hiệu là Hà Đình, tự là Hiếu Sinh, tước An Trường tử, nguyên quán xã Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Ông là một danh thần triều Nguyễn, đồng thời là một sử gia, nhà giáo dục, nhà thơ, nhà văn lớn của nước ta nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ông xuất thân trong một gia đình nho giáo, cha ông là Nguyễn Đạo (1803-1872), từng hai lần đỗ Tú tài[3]. Thuở nhỏ, Nguyễn Thuật vốn nổi tiếng thông minh, hiếu học, được thân phụ cho theo học tại trường Huấn đạo Thăng Bình, rồi Đốc học Quảng Nam.

Năm Tự Đức thứ 20 (1867), tại trường thi Thừa Thiên, hội thi Hương khoa Đinh Mão, ông đỗ Cử nhân. Năm sau, tức Tự Đức thứ 21 (1868), khoa thi Mậu Thìn ông đỗ Phó bảng[4], được bổ chức Thị lang tại nội các, thăng làm Giáo đạo Dưỡng Thiện đường, dạy học cho các hoàng tử, rồi Tổng đốc Thanh Hóa: “Kỳ phúc thí… cho bọn Vũ Nhự 4 người là Tiến sĩ xuất thân và Đồng tiến sĩ xuất thân có bậc. Lại lấy đỗ Phó bảng 12 người (đệ nhị giáp 1 người là Võ Nhự, đệ tam giáp 3 người là Bùi Ước, Dương Khuê và Nguyễn Tái, Phó bảng: Võ Duy Tuân (Hội nguyên), Nguyễn Quán, Nguyễn Thuật… tất cả 12 người)”.[5]

Năm Tự Đức thứ 30 (1877), ông giữ chức quan duyệt quyển cho các kỳ thi Hội tại kinh đô Huế: “Phúc thí các cử nhân trúng cách. Lấy Thượng thư bộ Hộ sung Cơ mật viện đại thần, tước Kỳ Vĩ bá Nguyễn Văn Tường sung chức Đọc quyển. Hồng lô Tự khanh biện lý bộ Lại Nguyễn Hữu Độ, Thị độc Học sĩ sung biện Các vụ Nguyễn Thuật đều sung việc Duyệt quyển, cho bọn Phan Đình Phùng 4 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân (Phan Đình Phùng, Trần Hữu Khác, Trần Phát, Nguyễn Tài Tuyển). Lại lấy 3 tên Phó bảng (Nguyễn Quang, Phạm Văn Hành, Hoàng Côn)…[6]. Năm 1879, ông được bổ làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hương khoa Kỷ Mão tại Nam Định.

Năm Tự Đức thứ 34 (1881), ông được thăng hàm Tham tá các vụ, lãnh Thị lang bộ Hộ, rồi nhận lệnh làm Chánh sứ sang Trung Quốc hội thương với nhà Thanh. Đến khi về nước ông được thăng hàm Tham tri.

Năm Quý Mùi, Tự Đức thứ 36 (1883), ông tiếp tục được cử đi sứ sang Trung Quốc: “Các nơi ven biên giới Bắc Kỳ, từ sau khi có giặc quấy rối, nhân dân phần nhiều bị kẻ gian dỗ mua, giặc ngoài biên cướp bắt và quân nước Thanh đem về nước Thanh (Bằng Tường, Ninh Minh, Thái Bình, Nam Ninh, Ngô Châu, Quế Lâm). Sứ thần là Nguyễn Thuật đi sứ về, đem tình hình tâu lên[7]. Sau khi về nước ông được cử làm Tổng đốc Thanh Hóa, bổ làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hội khoa Giáp Thân (1884), tiếp đến cử làm Chánh chủ khảo trường thi ở Hà Nội và Nam Định.

Năm Ất Dậu (1885), Pháp đánh chiếm kinh thành Huế, bất mãn trước chính sách của triều đình, cùng với việc gia đình có người tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam[8], ông đề đơn từ chức nhưng không được chấp thuận. Thời gian này ông thực thụ Tả Thị lang bộ Lễ: “Đầu xuân ra ân. Văn ban: Chuẩn cho thự Vũ Hiển điện Đại học sĩ lĩnh Thượng thư bộ Binh Tôn Thất Thuyết thực thụ Thượng thư bộ Hộ. Phạm Thận Duật thăng thự Hiệp biện Đại học sĩ, vẫn lĩnh Tả tham tri bộ Công, gia hàm Chánh nhị phẩm. Chu Đình Kế thăng thự Thượng thư bộ ấy. Thự Tả tham tri bộ Binh quyền sung làm sự vụ Nội các, Nguyễn Thuật thực thụ Tả thị lang bộ Lễ, Lương Thành thăng thự Tham tri bộ ấy[9].

Năm Đinh Hợi (1887), niên hiệu Đồng Khánh thứ 2, ông tái lãnh chức Tổng đốc Thanh Hóa, được vua Đồng Khánh cử làm “Tuyên úy xử trí đại thần ở Tả trực kỳ[10].

Đến đời Thành Thái (1888-1907), ông làm Thượng thư bộ Binh, sung Cơ Mật viện đại thần. Năm Giáp Tý Thành Thái thứ 5 (1893), ông về kinh và được phong hàm “Hiệp tá Đại học sĩ” tòng nhất phẩm và được phong tước “An Trường tử”, lãnh Thượng thư bộ Binh. Năm Thành Thái thứ 8 (1896), ông làm Thượng thư bộ Lại kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán: “cho Thượng thư bộ Lại là Nguyễn Thuật, kiêm sung chức Phó tổng tài ở Quốc sử quán[11]. Đến năm Thành Thái thứ 13 (1901), ông đề đơn xin về hưu, trở về quê nhà mở trường dạy học tại gia.

Năm 1902, Cần chánh Nguyễn Thân và Hoàng Cao Khải có xung đột bất hòa, cả hai người bị chính quyền bảo hộ Pháp và triều đình sa thải. Thời gian này, vua Thành Thái đã cho triệu hồi ông cùng cựu Thượng thư Hồ Lệ (1848-1905) về lại triều đình để làm việc. Dưới đời Duy Tân (1907-1916), ông vẫn tham gia vào chính sự và giữ nguyên chức vụ cũ. Đến khi về hưu, ông trở về quê nhà tiếp tục mở trường dạy học, người dân địa phương thường gọi ông là “Cụ Thượng Hà Đình”. Ông mất tại quê nhà năm Tân Hợi (1911), hưởng thọ 69 tuổi.

Tài năng, phẩm hạnh của ông từng được vua Tự Đức nhận xét: “Nguyễn Thuật là người tuổi trẻ tân tiến, hiếu học, thông minh, đỉnh ngộ, biết lẽ phải, không a dua theo kẻ khác[12]; vua Thành Thái thì biểu dương: “Nguyễn Thuật là người khí tượng cao khiết, học thức uyên bác, giỏi mưu kế, mở mang uy tín triều đại thêm sáng rõ. Ông là một quan điển hình được triều đình trọng vọng, bạn đồng liêu ngợi khen không ngớt. [Ông] từng đem ơn ích cao thượng cho bao kẻ khốn cùng, chú niệm bảo vệ, sửa sang nhân phong làm cho nó lan tỏa khắp chốn. Người ấy một lòng khiêm trinh, là bậc hiền thần phụ tá ưu ái khôn nguôi, từng lập bao thành tích. Từ lâu ở triều đình cho đến biên quận, đâu đâu cũng kính trọng ông vì đức hạnh [ông] luôn luôn chăm lo cho dân không ngừng nghỉ. Thực ông là một người xứng đáng làm mẫu mực cho vạn thế[13]. Trong cuộc đời và sự nghiệp, nhà nho Nguyễn Thuật đã để lại nhiều tác phẩm, trước tác văn thơ, văn tập nổi tiếng như: Mỗi hoài ngâm thi thảo, Mỗi hoài ngâm văn thảo, Hà Đình văn tập, Hà Đình thi thảo, Vãng sư Thiên Tân nhật ký, Hà Đình văn sao, Hà Đình ứng chế thi sao, Thời chính tạp luận, Việt Nam cương giới vựng biên, Sử quán thư mục, Khoái thư trích lục…[14] Bên cạnh đó, ông còn biên soạn, hiệu đính nhiều tác phẩm bia ký, hoành phi câu đối đến nay vẫn còn hiện hữu trong nhiều di tích tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam, trong đó có Hội An, Quảng Nam.

2. Hai tác phẩm bia ký ở Hội An do nhà nho Nguyễn Thuật biên soạn, phủ chính

* Bia trùng tu chùa Phước Lâm năm Kỷ Dậu (1909):
 
mat truoc bia trung tu chua phuoc lam

Mặt trước bia trùng tu chùa Phước Lâm năm Kỷ Dậu (1909) - Ảnh: Văn Thịnh

Bia được dựng trong nhà bia tọa lạc về phía Đông bức bình phong trước sân chùa. Văn bia được khắc hai mặt, chữ sơn màu đỏ. Mặt trước (hướng Bắc, về phía chính điện) là bài tán tụng Thiền sư Vĩnh Gia (trụ trì đời thứ 6, từ năm 1887-1918), ghi lại việc trùng tu điện vũ (tên gọi trong văn bia) và tên họ, quan tước những người cúng dường xây dựng. Mặt sau (hướng Nam, về phía tam quan) tiếp nối mặt trước, ghi tên họ, quan tước những người quyên cúng. Bia hình chữ nhật, vát hai góc trên, được dựng trên một đế bia bằng đá kích thước 15cm x 100cm x 65cm. Bia cẩm thạch có kích thước 89cm x 137cm x 14cm, diềm bia rộng 9cm. Hoa văn hai mặt bia giống nhau, diềm bia trang trí dây hoa, rồng cách điệu triều lưỡng nghi, diềm trong kiểu hồi văn. Kích thước chữ mặt trước 1cm x 1cm, 2cm x 2cm. Kích thước chữ mặt sau 2cm x 2cm.

Nội dung bài tán tụng Thiền sư Vĩnh Gia và việc trùng tu điện vũ do nhà nho Nguyễn Thuật biên soạn:[15]

Nguyên văn:

福 林 寺 吾 省 一 名 籃 也 近 市 而 塵 囂 自 遠 經 劫 運 而烽 火 不 驚 其 憑 藉 於 佛 力 多 矣 而 夫 佛 殿 之 建 則 自 恩 霑上 人 卓 錫 暨 明 覺 上 人 經 始 之 貫 通 上 人 继 成 之 迄 今 百有 餘 年 樸 桷 仍 然 而 日 以 蠧 朽 榱 瓦 不 易 而 日 加 渗 漏 浸焉 [[]][16] 有 震 風 淩 雨 之 麌 如 此 而 猶 坐 待 佛 力 以 護 持 之 可 乎

永 嘉 褝 師 住 持 以 來 每 每 繫 念 無 柰 辰 匆 艰 也 力 不 給 也 迡 迡 焉 作 苦 於 佛 田 募 化 於 越 人 勿 信 師 之 心 不 各 捐 供 以 助 成 之 迺 於 今 春 鳩 工 庀 村 大 加 脩 造 朽 者 易 缺 者 補 卑 者 高 之 窄 者 廣 之 閱 八 月 而 工 竣 殿 宇 一 新 龕 [[]] 整 飾 莊 嚴 境 界 倍 勝 昔 [[]] 皈 依 者 回 向 者 無 不 歡 喜 賛 誦 稱 師 之 功 而 師 則 曰 否 否 此 十 方 之 賜 也 其 可 没 人 之 善 而 自 擅 其 美 乎 乃 [[]] 列 諸 捐 供 者 官 爵 姓 名 以 勒 于 后 石 而 乞 余 言 以 弁 之 師 為 余 同 縣 人 素 善 其 能 真 修 且 能 成 此 大 功 德 以 增 [[]] 祖 庭 而 恢 弘 象 教 也 故 畧 撮 其 事 為 師 敘 之

太 子 少 保 協 辨 大 學 士 安 長 子 荷 亭 休 叟 阮 敘

歲 次 己 酉 年 四 月 二 十 四 日

Phiên âm:

Phước Lâm tự ngô tỉnh nhất danh lam dã, cận thị nhi trần hiêu tự viễn kinh kiếp vận nhi phong hỏa bất kinh kỳ bằng tịch ư Phật lực đa hỹ. Nhi phu Phật điện chi kiến tắc tự Ân Triêm thượng nhân trác tích kị Minh Giác thượng nhân kinh thủy chi Quán Thông thượng nhân kế thành chi hất. Kim bách hữu dư niên phác giác. Nhưng nhiên nhi nhật dĩ đố hủ suy ngõa bất dịch nhi nhật gia sấm lậu tẩm yên [[]] hữu chấn phong lăng vũ chi ngu. Như thử nhi do tọa trì Phật lực dĩ hộ trì chi khả hồ.

Vĩnh Gia thiền sư trụ trì dĩ lai mỗi mỗi hệ niệm vô nại thời thông gian dã, lực bất cấp dã, trì yên tác khổ ư Phật điền mộ hóa ư Việt nhân. Hốt tín sư chi tâm bất các quyên cúng dĩ trợ thành chi nãi. Ư kim xuân cưu công phỉ thôn đại gia tu tạo hủ giả. Dịch quyết giả bổ tu giả cao chi trách giả, quảng chi duyệt bát nguyệt nhi công thuân. Điện vũ nhất tân kham [[]] chỉnh sức trang nghiêm cảnh giới bội thắng tích [[]] Quy y giả hồi hướng giả vô bất hoan hỉ tán tụng xưng sư chi công, nhi sư tắc viết: phủ phủ thử thập phương chi tứ dã, kỳ khả một nhân chi thiên nhi tự thiện kỳ mỹ hồ. Nhưng [[]] liệt chưa quyên cúng giả quan tước tính danh dĩ lạc vu hậu thạch, nhi khất dư ngôn dĩ biện chi sư bi dư đồng huyện nhân tố thiện kỳ năng chân tu thả năng thành thử đại công đức dĩ tăng [[]] tổ đình nhi khôi hoằng tượng giáo dã, cố lược toát kỳ sự vi sư tự chi.

Thái tử Thiếu Bảo Hiệp biện Đại học sĩ An Trường tử Hà Đình Hưu tẩu Nguyễn tự.

Tuế thứ Kỷ Dậu niên tứ nguyệt nhị thập tứ nhật.[17]

Dịch nghĩa:

Chùa Phước Lâm là một danh lam của tỉnh ta. Tuy gần chợ mà xa hẳn bụi nhơ, trải nhiều kiếp vận mà binh lửa không thiêu tàn được đó là nhờ sức hộ trì của đức Phật. Trông lên thì Phật điện này dựng nên từ vị Ân Triêm thượng nhân,  Minh Giác hòa thượng, Quán Thông hòa thượng kế tục xây thêm. Kể đến nay đã hơn trăm năm. Xà, tránh tuy y nhiên nhưng lâu ngày mối mọt rui ngói mà không thay ngày càng thấm lậu mục nát thì làm sao mà ngăn mưa đón gió được. Như vậy, mà cứ ngồi đợi pháp Phật hộ trì thì có được chăng?

Từ lúc Thiền sư Vĩnh Gia trụ trì đến nay hằng lo lắng, ngày tháng không nệ thời khó khăn, sức không đáp kịp, từ từ khổ công nhờ sức Phật lấy lời đạo nghĩa khiến cho người sinh lòng từ thiện của người Việt vậy. Người đều tin lòng thành của thiền sư chẳng tiếc tiền của quyên cúng mới có thể hoàn thành. Đến mùa xuân năm nay sắm đủ vật liệu khởi công tu tạo. Hư nát thì thay mới, thiếu thốn thì bổ thêm, thấp thì nâng lên cho cao, hẹp thì mở thêm cho rộng, qua tám tháng thì hoàn thành. Điện vũ đều mới mẻ, khám thờ được sơn thếp lại trang nghiêm, cảnh tượng đẹp khác hơn ngày trước xa. Kẻ đã quy y, người vừa theo Phật ai ai cũng đều vui mừng tán tụng cho là công đức của Thiền sư, song sư nói rằng: không phải, đây là ân huệ của thập phương đệ tử, không thể quên mất điều thiện của người mà giành lấy tiếng tốt cho mình. Bèn ghi lại các vị đã quyên cúng cả quan tước, họ tên để ghi vào bia đá. Ngài mới xin tôi viết cho mấy lời. Sư là người đồng huyện với tôi rất vui mừng thấy sư là bậc chân tu mà lại làm nên công đức lớn để tăng thêm tổ đình đẹp đẽ rộng lớn theo tượng giáo, nên lược ghi sự việc để sư vui lòng.

Tước Thái tử Thiếu Bảo Hiệp biện Đại học sỹ An Trường tử Hưu tẩu Hà Đình Nguyễn viết tự.

Ngày 24 tháng 4 năm Kỷ Dậu.[18]

* Bia trùng tu Tụy Tiên đường Minh Hương năm Duy Tân thứ 2 (1908):
 
bia trung tu minh huong tuy tien duong thay doi

Bia trùng tu Tụy Tiên đường Minh Hương năm Duy Tân thứ 2 (1908) - Ảnh: Văn Thịnh

Bia được gắn trên tường hiên phía Đông của di tích, viền bia đắp nổi rộng 12cm, cao 2,5cm. Bia nằm cách lối cửa đi qua nhà Đông 17cm, cách mặt nền hiên 65cm. Bia cẩm thạch màu trắng, hình chữ nhật có vạt góc đỉnh, mặt bia phẳng. Bia cao 154cm, rộng 94cm, bia không có trang trí hoa văn, chữ kiểu khải thư, có 23 dòng, trong đó dòng ngắn nhất có 2 chữ, dòng dài nhất có 44 chữ. Chữ được khắc sâu, đều nét và dày, kích thước khoảng 2,5 x 2,5cm, chữ sơn màu đỏ.

Nội dung văn bia do Cử nhân Trương Đồng Hiệp biên soạn và Hà Đình Nguyễn Tướng công phủ chính:

Nguyên văn:

古 稱 鄉 先 生 没 而 可 祭 於 社 者 以 其 有 功 德 當 崇 報 也 况 建 一 鄉 未 曾 有 之 功 貽 没 世 不 能 忌 之 德 則 美 而 傳之 尸 而 祝 之 何 能 已 乎 吾 鄉 祠 奉 祀 魏 莊 呉 卲 許 伍 十 大老 者 前 明 舊 臣 也 明 祚 旣 遷 心 不 肯 貳 遂 隱 其 官 衛 名 字避 地 而 南 至 則 會 唐 人 在 南 者 冠 以 明 字 存 國 號 也 三 六 省 皆 有 所 立 而 廣 南 始 焉 初 居 茶 饒 尋 遷 會 安 相 川 原 之 勝 通 山 海 之 利 井 里 畫 焉 闤 闠 設 焉 以 永 幹 年 于 玆 者 皆其 所 貽 也 十 大 老 旣 往 三 大 家 繼 之 曰 洗 國 公 呉 廷 公 張 弘 公 皆 能 修 前 人 功 為 桑 梓 計 始 建 地 簿 避 閒 土 益 之 以 新 培 而 民 居 以 廣 商 旅 以 聚 神 祠 寺 觀 營 造 壯 麗 而 祀 事 以 修 辰 有 鄭 門 呉 氏 發 願 捐 貲 買 田 土 附 之 惠 鸿 大 師 供 祠 土 廣 之 人 和 事 擧 俗 厚 風 淳 天 寳 物 华 為 南 州 一 都 會 自

黎 朝 迄 于 國 初 皆 別 格 特 之 與 土 著 異 鄉 篆 用 牙 政 屬 省 慶 賀 品 儀 得 附 奏 獻 復 兵 徭 歲 貢 絹 布 或 代 以 銀 人 有 材 智 出 衆 者 咸 在 簡 拔 列 仕 版 國 朝 中 興 功 臣 則 有 輔 國 大 將 軍 李 公 與 從 祀 忠 勇 廟 位 列 候 伯 許 多 人 名 在 史 乘 可 徵 也 嗣 後 户 口 日 繁 科 宦 相 繼 領 鄉 薦 者 三 秀 才 廾 以 倍 通 籍 者 幾 半  于 籍 益 徵 三 百 餘 此 專 擧 屬 省 轄 者 言 他 轄 不 及 也

溯 吾 鄉 以 有 今 日 肇 基 于 十 大 老 而 成 就 于 三 大 家 功 德 不 遷 变 葉 如 見 枌 榆 之 望 本 始 之 思 人 同 此 心 匪 今 斯 今 也

明 命 初 元 建 前 賢 祠 額 曰 萃 先 堂 嗣 德 二 年 重 修 歷 歲 旣 久 當 補 葺 而 地 夾 通 衢 暄 囂 弗 靜 成 泰 十 七 年 卜 遷 于 澄 漢 宮 之 左 坐 壬 向 丙 督 工 者 皆 悉 心 力 以 肆 月 起 工 捌 月 完 竣 計 需 銀 貳 仟 餘 圓 皆 社 内 紳 者 士 庶 並 有 物 力 者 所 捐 供 也 仰 玆 傑 構 慰 我 同 人 爰 竪 之 碑 以 記 之 以 表 揚 我 前 賢 之 功 之 德 於 無 窮 而 捐 供 諸 人 其 善 亦 不 可 没 也 因 疏 其 姓 名 以 附 于 後
辰 在 維 新 二 年 柒 月 吉 日

本 社 後 生 輩 仝 頓 首 拜 撰

甲 午 科 擧 人 張 同 浴 奉 代 撰

太 子 少 保 協 辨 大 學 士 管 領 吏 部 充 機 密 院 大 臣 經 筵 講 官 國 史 舘 副 總 裁 安 長 子 致 仕 荷 亭 阮 相 公 斧 正

 Phiên âm:

Cổ xưng hương tiên sinh một nhi khả tế ư xã dã, dĩ kỳ hữu công đức đương sùng báo dã, huống kiến nhất hương vị tăng hữu chi công di một thể bất vong chi đức, tắc mỹ nhi truyền chi thi nhi chúc chi hà năng dĩ hồ. Ngô hương từ phụng tự Ngụy, Trang, Ngô, Thiệu, Hứa Ngũ thập đại lão giả, tiền Minh cựu thần dã, Minh tộ ký thiên tâm bất khắng nhị, toại ẩn kỳ quan, vệ danh tự tị địa nhi nam chí tắc hội, đường nhân tại Nam giả, quan dĩ Minh tự tồn quốc hiệu dã. Tam lục tỉnh giai hữu sở lập nhi Quảng Nam thủy yên. Sơ cư Trà Nhiêu, tầm thiên Hội An, tương xuyên nguyên chi thắng, thông sơn hải chi lợi tỉnh lý họa yên, hoàn hội thiết yên dĩ vĩnh cán niên vu tư giả giai kỳ sở dĩ dã. Thập đại lão ký vãng, tam đại gia kế chi viết: Tẩy Quốc công, Ngô Đình công, Trương Hoằng công, giai năng tu tiền nhân công vi tang tử kế thủy kiện địa bạ, tị nhàn thổ ích chi, dĩ tân bồi nhi dân cư, dĩ quảng thương lữ dĩ tụ, thần từ tự quan doanh tạo tráng lệ nhi tự sự dĩ tu, thời hữu Trịnh môn Ngô thị phát nguyệt quyên ti mãi điền thổ phụ chi Huệ Hồng đại sư cúng từ thổ quảng chi nhân hòa sự cử tục hậu phong thuần thiên bảo vật hóa vi Nam châu nhất đô hội tự

Lê triều ngật vu Quốc sơ giai biệt các đặc chi dữ thổ trứ dị, hương triện dụng nha, chánh thuộc tỉnh khánh hạ phẩm nghi đắc thụ tấu hiến phục binh giao, tuế cống quyên bố hoặc đại dĩ ngân, nhân hữu tài trí xuất chúng giả hàm tại giản bạt liệt sĩ bản Quốc triều trung hưng công thần tắc hữu Phụ Quốc Đại tướng quân Lý công dữ tòng tự Trung Dũng miếu vị, liệt hầu bá hứa đa nhân dnh tại sử thừa khả trưng dã. Tự hậu hộ khẩu nhật phồn khoa hoạn tương kế, lĩnh hương tiến giả tam Tú tài, củng dĩ bội thông tịch giả cơ bán, đinh tịch ích trưng tam bách dư thử chuyên cử chúc tỉnh hạt giả, ngôn tha hạt bất cập dã.

Tố ngô hương dĩ hữu kim nhật triệu cơ vu thập đại lão nhi thành tựu vu tam gia, công đức bất thiên biến, diệp như kiến phần du chi vọng, bản thủy chi ân nhân đồng thử tâm phỉ kim tự kim dã.
Minh Mạng sơ niên kiến Tiền hiền từ, ngạch viết Tụy Tiên đường, Tự Đức nhị niên trùng tu. Lịch tuế ký cửu đương bổ tập nhi địa giáp thông cù huyên hiêu phất tịnh, Thành Thái thập thất niên bốc thiên vu Trừng Hán cung chi tả tọa Nhâm hướng Bính. Đốc công giai tất tâm lực dĩ tứ nguyệt khở công bát nguyệt hoàn tuấn, kê nhu ngân nhị thiên dư viên, giai xã nội thân giả sĩ thứ tịnh hữu vật lực giả sử quyên cúng dã. Ngưỡng tư kiệt cấu úy ngã đồng nhân viên thụ chi, bi dĩ ký dĩ biểu dương ngã tiền hiền chi công chi đức ư vô cùng, nhi quyên cúng chư nhân kỳ thiện bất khả một dã nhân sớ kỳ tính danh dĩ phụ vu hậu.

Thời tại Duy Tân nhị niên thất nguyệt cát nhật

Bản xã hậu sinh bối đồng đốn thủ bát soạn

Giáp Ngọ khoa Cử nhân Trương Đồng Hiệp phụng đại soạn.

Thái tử Thiếu Bảo, Hiệp Biện Đại học sĩ, quản lãnh Lại bộ, sung Cơ mật viện đại thần, kinh diên giảng quan, Quốc sử quán Phó Tổng tài An Trường Tử chí dĩ Hà Đình Nguyễn Tướng công phủ chính.[19]

Dịch nghĩa:

Người xưa nói rằng: Làng là nơi được sinh ra, qua đời thì được tế cúng ở Lễ Xã (lễ cúng trong làng hằng năm) đó là do công đức mà được báo đáp vậy. Huống gì kiến lập ra một làng vốn chưa có thì cái công lưu lại dù đến chết cũng không thể quên đức ấy. Mỹ đức [điều tốt đẹp] phải được truyền lại mà phải thi chúc thì sao mà mất được. Làng ta, đã phụng thờ họ Ngụy, Trang, Ngô, Thiệu, Hứa, Ngũ, 10 vị đại lão, trước đó đều là cựu thần nhà Minh. Vận hạnh của nhà Minh bị thiên di, lòng trung thành há phải chịu sự hoài nghi, mới giấu cả quan hàm, họ tên lánh sang vùng đất phía Nam. [Đến nới mới tụ họp] người Đường đến Nam trước lấy chữ Minh đứng đầu ý muốn giữ lại quốc hiệu. Ba mươi sáu tỉnh đều có (xã Minh Hương) lập nên, song Quảng Nam có trước cả. Trước ở đất Trà Nhiêu rồi thiên di về Hội An. Xem sông nước được nơi thắng thịnh, thông với nguồn biển có lợi thế, chợ buôn được lập ở đó để lại mãi cho đến đời sau. Thập đại lão (10 vị) qua đời rồi thì Tam đại lão (3 vị lớn) kế tục là: Tẩy Quốc công, Ngô Đình công và Trương Hoằng công đều noi theo công đức người trước vì tình quê nhà mà kiến lập địa bộ, mở đất hoang nhàn, lại khai rộng đất bồi cho dân mở mang buôn bán và tập hợp lập nên thần từ, chùa quán tráng lệ để phụng tự. Lúc bấy giờ có người dâu họ Trịnh là Ngô thị phát nguyện cúng tiền của mua ruộng, thổ phụ vào, lại có Huệ Hồng đại sư cúng đất thổ để mở rộng kiến thiết. Người hòa thì việc làm nên, phong tư thuần hậu, tục được hiếu tình, vật quý từ trời đất cảnh vật làm thành nơi đô hội của đất Nam châu.

Từ triều Lê đến lúc quốc sơ (Nguyễn) đều được nhờ ơn ưu đãi khác với các làng bản thổ tại đây, triện làng được dùng ngà voi, hành chính trực thuộc tỉnh, những vật phẩm trong lễ mừng được phụ vào (đưa thẳng về kinh đô) tâu xin được miễn lính và lao dịch, hằng năm cống nạp vải, lụa hay được thế bằng tiền bạc. Người có tài trí giỏi được tiến cử vào hàng quan chức như: Công thần lúc quốc triều trung hưng (Gia Long đại định) thì có Lý công làm đến Phụ quốc đại tướng quân được đặt thờ ở miếu Trung dũng. Lại có nhiều vị tước hầu, tước bá được ghi tên trong sử, kể cũng rạng rỡ. Rồi người càng đông, đường khoa giáp kế tiếp đỗ đạt. Khoa hương thì được 3 vị tú tài, người học hành thông khá cũng được nửa số. Dân đinh thêm đông, hơn 300 suất, đó là nói trong tỉnh, còn các tỉnh khác thì không bì kịp.

Nhớ lại, làng ta có được ngày nay là nhờ sự mở đầu của 10 vị đại lão, thành tựu là nhờ thêm 3 vị đại gia, công đức không sai, dù đời có đổi thay vẫn như trông thấy nơi phân du quê cũ, đồng nhơn cũng một tấm lòng đến tận ngày nay.

Minh Mạng năm đầu thiết lập nhà thờ tiền hiền, đề biển là Tụy tiên đường. Tự Đức thứ 2 trùng tu lại. Trải qua ngày dài cần phải tu bổ, vả lại trên nền cũ giáp đường lớn, ồn ào náo nhiệt, nên năm Thành Thái 17 mới dời đến bên tả Trừng Hán Cung (miếu thờ Quan Vân Trường) tọa hướng Nhâm, quẻ Bính. Những vị Đốc công gắng hết công sức, tháng tư khởi công đến tháng tám thì hoàn thành. Phí tổn hơn 2 ngàn đồng đều do thân hào, sĩ thứ cùng các vị nhà giàu có trong xã quyên cúng mới xây dựng được nơi cao lớn uy nghị, làm vui lòng đồng nhân. Do vậy bèn dựng bia này trước để ghi chép mà biểu dương công đức tiền nhân, sau được rõ thiện tâm của dân xã (những người quyên cúng tiền bạc), không có người nào là không có, nên ghi tên họ ra sau để lâu dài tưởng nhớ.
Thời là: Ngày lành tháng 7 năm Duy Tân thứ 2.

Kẻ hậu sinh trong xã cúi đầu kính soạn.

Cử nhân khoa Giáp Ngọ Trương Đồng Hiệp soạn

Thái tử Thiếu Bảo Hiệp biện Đại học sĩ, quản lãnh bộ Lại sung Cơ Mật viện đại thần, Kinh diên giảng quan Quốc sử quán Phó Tổng tài, An Trường tử, Hà Đình Nguyễn Tướng công phủ chính.[20]

3. Giá trị nội dung của hai tác phẩm bia ký

Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng từng nhận xét về nhà nho Nguyễn Thuật rằng: “Hà Đình là một nhà thẩm mĩ và cũng là một danh thủ về thư pháp Việt Nam vô tiền hậu của lịch sử thẩm mĩ học nước nhà[21], lối thư pháp của ông được ví: “như mây bay, như bày trận, mỗi nét móc như một cây cung cứng giương lên, mỗi nét chấm như một cái móc đồng, mỗi nét sổ như một sợi khô đằng vạn tuổi, mỗi nét phẩy như đôi chân phóng chạy…[22], vì lẽ ấy mà một Cử nhân như Trương Đồng Hiệp phải khiêm nhường kính nễ mà mời ông hiệu chỉnh, hay bậc Thiền sư lỗi lạc Vĩnh Gia cũng phải “xin tôi [Nguyễn Thuật] viết cho mấy lời”. Qua nội dung hai bia ký, phần nào có thể cảm nhận được tính cách, con người nhà nho Nguyễn Thuật, cũng như các quan niệm, nhân sinh quan của ông (quan niệm về làng/xã, ý thức của nhân sĩ thức thời…).

Không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, những thông tin, nội dung ghi trong hai bia ký là những tư liệu quan trọng, góp phần nhận diện, làm sáng tỏ thêm các giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Hội An; là cơ sở khoa học thực tiễn quý báu để phục hồi các giá trị văn hóa đã bị mai một, qua đó phục vụ mục tiêu bảo tồn di sản, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đồng thời khẳng định bề dày văn hóa, lịch sử của địa phương.
 
Tài liệu trích dẫn, chú thích:

[1] Ngày 15.9.2015, tại huyện Thăng Bình, quê hương của nhà nho Nguyễn Thuật, UBND huyện Thăng Bình phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Hà Đình Nguyễn Thuật - Danh nhân văn hóa”.

[2] Sắc khen tặng nhà nho Nguyễn Thuật do vua Thành Thái ngự bút. Theo Nguyễn Q. Thắng (2009), Sống đẹp với Hà Đình, NXB Văn học, tr.98.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện chính biên, NXB Thuận Hóa, tr.698-700.
 
[4] Cao Xuân Dục (2011), Quốc triều hương khoa lục, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, NXB Lao động, Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây, tr.370.
 
[5] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 7, NXB Giáo dục, tr. 1104.
 
[6] Đại Nam thực lục, tập 8, Sđd, tr.239.
 
[7] Đại Nam thực lục, tập 8, Sđd, tr.557.
 
[8] Em trai nhà nho Nguyễn Thuật là Nguyễn Duật (1847-1886) tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam năm 1885. Tham khảo: Võ Văn Hoàng, Nguyễn Duật (1847-1886) danh nhân Thăng Bình trên thangbinh.quangnam.gov.vn.
 
[9] Đại Nam thực lục, tập 9, Sđd, tr.123-124.
 
[10] Đại Nam thực lục, tập 9, Sđd, tr.359.
 
[11] Đại Nam thực lục, tập 9, Sđd, tr.313.
 
[12] Sống đẹp với Hà Đình, Sđd, tr.98.
 
[14] Tham khảo Nguyễn Q. Thắng (2005), Hà Đình Nguyễn Thuật tác phẩm, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
 
[15] Phần tên họ, quan tước những người cúng dường xây dựng chúng tôi không liệt kê.
 
[16] [[]] Chữ bị mờ, không đọc được. Mỗi [[]] tương ứng một chữ.
 
[17] Nguyên văn chữ Hán, phiên âm: Lê Thị Lưu.
 
[18] Người dịch: Lê Thị Lưu (có tham khảo, kế tục bản dịch của NNC Nguyễn Bội Liên năm 1992).
 
[19] Nguyên văn chữ Hán, phiên âm: Lê Thị Lưu.
 
[20] Người dịch: Lê Thị Lưu (có tham khảo, kế tục bản dịch của NNC Nguyễn Bội Liên năm 1992).
 
[21] Sống đẹp với Hà Đình, Sđd, tr.77.
 
[22] Sống đẹp với Hà Đình, Sđd, tr.76.

Tác giả: Văn Thịnh - Thị Lưu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây