Một số thông tin về lịch sử - văn hóa làng Thanh Tây

Chủ nhật - 05/09/2021 21:45
Thanh Tây là một trong những làng thuộc Thanh Châu xưa. Hiện chưa có tư liệu để xác định chính xác quá trình thành lập làng.
dinh thanh tay
Đình Thanh Tây - Ảnh: Trần Phương, Phòng Quản lý Di sản
 
        Trong những điều tra, khảo sát của Viện Viễn Đông Bác cổ trong Quảng Nam xã chí và Quảng Nam tỉnh tạp biên vào giữa thế kỷ XX (năm 1943 - 1944), có ghi chép về 11 làng xã ở Hội An tuy nhiên không thấy ghi chép về làng Thanh Tây[1].

        Từ cuối thế kỷ XIX đến trước năm 1945, do dân cư phát triển đông đúc, diện tích được khai phá, mở rộng nên làng Thanh Châu được chia thành các làng: Thanh Đông, Thanh Tây, Thanh Nam, Thanh Nhứt, Thanh Nhì, Thanh Tam[2]. Trong tác phẩm Đồng Khánh dư địa chí được biên soạn dưới thời vua Đồng Khánh (1886 - 1888), có ghi chép: “Thanh Tây là một giáp/làng của tổng Thanh Châu[3], huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn[4]. Qua những thông tin trên, bước đầu có thể đoán định làng Thanh Tây hình thành vào khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

        Sau năm 1945, Thanh Tây vẫn là một làng của tổng Thanh Châu. Năm 1946, sau khi bầu cử Quốc hội khóa I thành công, thực hiện chủ trương hợp nhất của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Hội An chia làm 8 khu[5], theo đó Thanh Tây thuộc Khu 5 (Nguyễn Bính)[6]. Từ năm 1976, sau bầu cử Quốc hội khóa VI, thị xã Hội An được thành lập (thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), gồm 3 phường trung tâm[7] và 6 xã ngoại ô[8], làng Thanh Tây thuộc xã Cẩm Châu (đến năm 2004phường Cẩm Châu). Hiện nay, Thanh Tây là 1 trong các khối thuộc phường Cẩm Châu[9].

       Làng Thanh Tây xưa hiện còn nhiều di tích lịch sử - văn hóa, trong đó đình Thanh Tây[10] là thiết chế văn hóa tín ngưỡng quan trọng của làng. Qua thông tin hồi cố và các vết tích hiện tồn của ngôi đình, bước đầu ghi nhận ngôi đình này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX (?), đình có kết cấu theo kiểu 3 gian 2 chái, khung chịu lực bên trong toàn bộ bằng hệ thống cột kèo gỗ, tường xây gạch. Đình thờ thần ở hậu tẩm, phối thờ các bậc Tiền hiền, Hậu hiền. Ngoài tiền đường là hữu ban và tả ban.

        Vào thời kỳ cách mạng tháng Tám năm 1945, đình Thanh Tây là nơi tập hợp lực lượng quần chúng của làng Thanh Tây để chuẩn bị tham gia cùng đoàn quân khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An vào ngày 18/8/1945. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, đình làng Thanh Tây trở thành địa điểm ra mắt của UBND Cách mạng lâm thời xã Thanh Châu.
Năm 1948, đình trở thành địa điểm trú quân của Trung đội 4 thuộc Đại đội 12 bộ đội địa phương của Thị đội Hội An. Trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ (khoảng năm 1958), ông Xã Yến cho họp dân làng sửa lại đình làng Thanh Tây, trong đình có xếp bàn ghế để dạy học và làm nơi hội họp của làng. Đến năm 1965, do chiến sự diễn ra ác liệt, ngôi đình bị bom đạn tàn phá và sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng và phần hậu tẩm hư hỏng nặng. Sau năm 1975, nhân dân trong làng đã đóng góp kinh phí tu sửa lại phần hậu tẩm để thờ phụng, tưởng nhớ các bậc tiền nhân khai ấp lập làng. Hiện nay ngôi đình đã được phục dựng khang trang.

        Ngoài đình Thanh Tây là thiết chế văn hóa sinh hoạt chung của cả cộng đồng, tại làng có nhiều di tích kiến trúc gồm miếu (miếu ông Địa, miếu bà xóm Đình, miếu bà Lê, miếu xóm Chùa, miếu Âm linh, miếu ông Địa), nhà thờ tộc (nhà thờ tộc Trần, nhà thờ tộc Phùng, nhà thờ tộc Huỳnh…), lăng.

        Về ngành nghề, làng Thanh Tây trước đây người dân sinh sống bằng nhiều nghề như nghề nông, đi buôn ghe bầu, nghề khai thác Yến sào, nò, sáo, chài lưới[11], nề, mộc, làm nhà tranh tre dừa… trong đó, nghề đi buôn ghe bầu rất phát triển. Làng Thanh Tây có nhiều ghe bầu như ghe bầu của ông Ngữ, ông Xã Yến, ông Canh, ông Phú Sơ, ông Chánh Rựa, ông Điện Khế, ông Hương Siêu… đặc biệt, ghe bầu có trọng tải lớn nhất của làng là ghe bầu của ông Xã Yến và ông Chánh Rựa, mỗi ghe bầu chở được 500 bao hàng hóa (mỗi bao nặng khoảng 1 tạ). Các ghe bầu của làng thường đi buôn bán khắp các vùng miền trong cả nước và thu mua hàng hóa về bán tại chợ Hội An. Vì phải đi buôn bán trên sông nước, những người đi buôn ghe bầu đã lập lăng Ông (hiện nay không còn) để thờ cúng nhằm cầu mong thần linh phù hộ, giúp đỡ, buôn bán đắc lợi… Sau các chuyến đi buôn, các chủ ghe bầu thường đậu ghe trước bến nhà của mình hoặc đậu tại sông Bàu Đà (sau này gọi là sông Đò) và sông Để Võng.

        Theo kết quả tham vấn, tại làng Thanh Tây trước đây không có địa điểm đóng ghe bầu, các ghe bầu của làng khi bị hư hỏng phải sang địa điểm nhà ông Thủ Biền (thôn 5 - Cẩm Thanh trước đây) để sửa chữa. Theo quan niệm của các chủ ghe, người phụ nữ không tham gia vào hoạt động buôn bán trên ghe bầu, họ chỉ đảm nhận công việc kiểm tra sổ sách, hàng hóa… tại các bến trước khi ghe bầu xuất bến hay sau khi cập bến.

        Về lễ lệ, tại đình Thanh Tây, nhân dân trong làng tổ chức lễ tế xuân thu nhị kỳ vào rằm tháng 3 và rằm tháng 7 âm lịch. Vào dịp này, tại đình làng thường tổ chức hát bội từ 3-4 đêm, do những người am hiểu hát bội trong làng biểu diễn như ông Thừa, ông Triện… Ngoài ra, trong làng còn tổ chức các lễ cúng liên quan đến xóm/ấp như miếu Ngũ Hành cúng ngày 20/1 âm lịch, miếu ông Địa cúng ngày 2/2 âm lịch, miếu bà xóm Đình cúng ngày 16/2 âm lịch, miếu bà Lê cúng ngày 9/2 âm lịch, miếu xóm Chùa cúng ngày 13/1 âm lịch, miếu Âm linh cúng ngày 20/1 âm lịch, miếu ông Địa cúng ngày 20/1 âm lịch, lăng Ông cúng ngày 10/2 âm lịch.

        Có thể nói, qua thông tin tham vấn cộng đồng và những thông tin sưu tầm, khảo sát được cho biết, làng Thanh Tây hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX. Hiện nay, tư liệu về làng Thanh Tây còn khá khiêm tốn. Những thông tin từ kết quả tham vấn cộng đồng và khảo sát, bước đầu đã nhận diện được lịch sử hình thành, phát triển và những giá trị văn hóa của làng Thanh Tây trước đây.
          
 
* Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
1. Lý lịch di tích đình Thanh Tây do Trần Phương, Chuyên viên Phòng Quản lý Di sản lập năm 2021.
2. Tham khảo kết quả tham vấn cộng đồng lịch sử làng Thanh Tây ngày 20/12/2018.
3. Trần Ánh, “Hội An với quá trình biến đổi địa danh hành chính”, Bài viết Tập thông tin nghiên cứu Bảo tồn di sản quý IV – 2018.
4. Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Viễn Đông Bác Cổ (2003), Đồng Khánh dư địa chí, Nxb Thế Giới, Hà Nội.
 
[1] Quảng Nam xã chí ghi chép về làng Thanh Đông và Thanh Nam, riêng Thanh Tây lại không được ghi chép mặc dù lúc này cả 3 làng này đều được tách ta từ làng Thanh Châu. Chúng tôi vẫn chưa lý giải được lý do tại sao.
[2] Dẫn theo Nguyễn Chí Trung, bài viết “Làng Thanh Châu”. Thông tin này cũng được ghi chép trong Quảng Nam xã chí, phần làng Thanh Đông.
[3] Tổng Thanh Châu gồm 13 xã, thôn, giáp.
[4] Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Viễn Đông Bác Cổ (2003), Đồng Khánh dư địa chí, Nxb Thế Giới, Hà Nội, tr.1460.
[5] Gồm: Khu 1 - Hường Hiệu, Khu 2 - Châu Thượng Văn, Khu 3 - Kiến trúc, Khu 4 - Lương Như Bích, Khu 5 - Nguyễn Bính, Khu 6 - Thanh Hiệp, Khu 7 - Tuy Nhạc, Khu 8 - Tân Hiệp.
[6] Dẫn theo Trần Ánh trong bài viết “Hội An với quá trình biến đổi địa danh hành chính”.
[7] Gồm Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong.
[8] Gồm Cẩm An, Cẩm Châu, Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Thanh.
[9] Phường Cẩm Châu gồm các khối: Trường Lệ, An Mỹ, Thanh Nam, Sơn Phô 1, Sơn Phô 2, Thanh Tây.
[10] Tham khảo và trích dẫn theo Lý lịch di tích đình Thanh Tây.
[11] Theo thông tin tham vấn có khoảng có 5-7 hộ gia đình làm nghề này.

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây