Thông tin về hoạt động “Phục dựng cây nêu ngày Tết” trên địa bàn thành phố Hội An trong 10 năm qua

Thứ tư - 22/12/2021 02:55
Với mục tiêu phục hồi phong tục dựng cây nêu ngày Tết trên địa bàn thành phố, tạo nên sắc màu vui tươi, ấm cúng, trang trọng trong dịp xuân về; tôn vinh, đồng thời giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của Hội An với du khách trong nước và quốc tế, UBND thành phố đã có chủ trương phát động phục dựng cây nêu trên địa bàn thành phố tại Kế hoạch số 2309/KH-BTC, ngày 12/12/2011, về hoạt động Hội Tết dân tộc Nhâm Thìn -2012.
neu
 
Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
      Trong đó, UBND thành phố giao Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chủ trì tham mưu thực hiện..

     Căn cứ Kế hoạch trên của UBND thành phố, hằng năm Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã xây dựng kế hoạch; tham mưu thành lập Ban Chấm chọn và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung, hình thức, thời gian, thể lệ dựng nêu, gửi kèm theo mẫu phiếu đăng ký đến các cơ quan, di tích, các khu dân cư, trường học… trên địa bàn; đồng thời, gửi thông báo đến các địa phương, các cơ quan có liên quan để phối hợp thực hiện.

      Trong năm đầu tiên, để hoạt động đạt được kết quả tốt, tạo cơ sở thuận lợi cho các lần tổ chức tiếp theo, Trung tâm đã mời đại diện chính quyền các địa phương, các cơ quan liên quan, đại diện các tổ quản lý di tích, chủ di tích, họp bàn công tác triển khai chủ trương của UBND Thành phố về hoạt động “Thi dựng nêu mừng xuân Nhâm Thìn”, tranh thủ sự hưởng ứng của các địa phương, cơ quan, tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, các doanh nghiệp, trường học trên địa bàn thành phố. Các đơn vị tham gia dự thi đăng ký bằng phiếu hoặc qua điện thoại với Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

      Trung tâm đã tăng dần số lượng đơn vị cần phát động tham gia từ 86 lên 150 đơn vị, mở rộng thêm một số đối tượng như: các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, du lịch; đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các chủ di tích, tổ quản lý di tích, các doanh nghiệp, nhất là các khách sạn, resort lớn trên địa bàn thành phố.

       Thời gian dựng nêu tùy theo truyền thống của mỗi địa phương, đơn vị, được ban tổ chức thống nhất kéo dài từ ngày 25 đến 30 tháng Chạp. Hạ nêu vào ngày mồng 7 Tết. Ban chấm chọn đến từng đơn vị tham gia để nhận xét, chấm điểm theo bảng tiêu chí và tổ chức hội ý trước khi quyết định đơn vị đạt giải. Giải thưởng được cơ cấu thành Giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích. Hàng năm, những đơn vị đạt giải đều được Ban tổ chức công bố và trao giấy chứng nhận cùng tiền thưởng để động viên, khích lệ phong trào.
Qua 10 năm tổ chức, đã có tổng cộng 51 đơn vị đăng ký tham gia dựng nêu. Nhiều trong số đó duy trì liên tục, đều đặn qua các năm Số liệu thống kê các đơn vị đăng ký qua từng năm cụ thể như sau:
 
STT Năm Số đơn vị được phát động Số đơn vị đăng ký và có dựng nêu Tỉ lệ % Số đơn vị được trao giải
1 2012 86 13 15 13
2 2013 100 21 21 11
3 2014 150 35 23 9
4 2015 150 35 23 10
5 2016 150 26 17 12
6 2017 150 30 20 14
7 2018 150 30 20 14
8 2019 150 32 21 15
9 2020 150 31 21 15
10 2021 150 23 15 16
          
      Qua bảng số liệu trên cho thấy số lượng đăng ký, tham gia dựng nêu tăng dần trong 3 năm đầu phát động, từ 13 lên 23 đơn vị, sau đó, duy trì ở mức độ trên dưới 30 đơn vị. Trên thực tế, ngay từ những năm đầu hoạt động này được khởi xướng trở lại, đã có nhiều đơn vị, tổ quản lý di tích hưởng ứng nhiệt tình, không cần đăng ký tham gia chấm chọn. Chẳng hạn như một số nhà thờ tộc, di tích, các khu thiết chế văn hóa ở Cẩm Kim, Cẩm Châu, Cẩm Hà, Cẩm Nam… vẫn tổ chức dựng nêu theo lệ truyền thống và duy trì xuyên suốt nhiều năm qua. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, song nhiều di tích, đơn vị vẫn nhiệt tình duy trì việc dựng nêu vào dịp Tết Nguyên Đán như đã thành thông lệ.

      Đối tượng tham gia dựng cây nêu ngày Tết khá đa dạng, từ các di tích tín ngưỡng, đến cơ quan công sở, doanh nghiệp, trường học, nhà thờ tộc họ, thôn/khối phố, doanh nghiệp. Một số xã phường đã phát động thành phong trào tại địa phương mình để hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương phục dựng cây nêu ngày Tết của thành phố như Cẩm Thanh, Cẩm Kim.

      Nhiều đơn vị đầu tư kỹ lưỡng cho cây nêu và có các hình thức trang trí sinh động, phù hợp với truyền thống của địa phương cũng như đặc điểm của mỗi di tích, đơn vị tham gia như khách sạn Palm Garden, Hoi An Silk sence Resort, trường THPT Nguyễn Trãi, Lăng Bà Cẩm Thanh, Văn chỉ Minh Hương… tạo nên những thông điệp văn hóa rất giá trị.

      Việc phục hồi phong tục dựng cây nêu ngày Tết trong những năm qua đã tạo nên màu sắc vui tươi, ấm cúng, trang trọng tại các điểm di tích, các công sở, trường học, thôn/khối phố trong dịp Tết cổ truyền. Trên khắp các đường làng ngõ xóm, phố phường, bóng dáng cây nêu ngày Tết được trang hoàng chu đáo cùng âm thanh vang vọng của chuông, khánh đã đem lại bầu không khí tươi vui, đầy màu sắc ngày xuân, thêm rộn ràng khí thế dịp đầu năm mới. Việc duy trì đều đặn hoạt động này trong 10 năm qua đã góp phần phục hồi một di sản văn hóa phi vật thể đã bị mai một trên địa bàn thành phố; lan tỏa trong cộng đồng ý thức giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa và tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy vậy, vẫn có những khó khăn, vướng mắc nhất định như: Các đơn vị tham gia, nhất là những di tích cộng đồng, gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện về nguồn nhân lực, việc tìm chọn nguyên vật liệu, nguồn kinh phí,... thời điểm cận Tết rất nhiều hoạt động cần triển khai nên thời gian dành cho việc dựng nêu cũng hạn chế. Vì vậy, số lượng đăng ký và số lượng dựng nêu trong năm đầu tiên chưa nhiều, chỉ đạt 15% số đơn vị được phát động. Qua các năm tiếp theo, tỉ lệ này đã tăng lên, với nhiều đơn vị doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố tham gia; tuy nhiên mới chỉ dừng ở mức 23% so với số đơn vị được phát động. Con số đó vẫn còn tương đối hạn chế; kinh phí đầu tư để dựng nêu và trang trí chung quanh cây nêu của mỗi đơn vị cũng khá lớn. Chính vì vậy, bên cạnh những đơn vị có đầu tư thì vẫn có đơn vị còn nhiều khó khăn, nên chất lượng một số cây nêu chưa đạt yêu cầu. Về kinh phí tổ chức: Cho đến nay, việc trao giải chỉ mang tính chất hỗ trợ cho những đơn vị đạt giải, trong khi đó, nhiều trong số các đơn vị không đạt giải còn khó khăn về kinh tế, sẽ khó duy trì hoạt động này hàng năm. Việc trao giải tổng kết hoạt động hàng năm là rất cần thiết và cần kịp thời để nuôi dưỡng, lan tỏa rộng rãi ý thức gìn giữ, bảo tồn phong tục văn hóa tốt đẹp này trong nhân dân, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều năm Ban Tổ chức khó có thể kịp thời tổng kết trao giải khi hoạt động vừa kết thúc do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân phân bố kinh phí chưa kịp thời.

      Việc phục dựng cây nêu ngày Tết là một nét đẹp phong tục của dân tộc đã có nhiều mai một trong đời sống văn hóa xã hội tại địa phương, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, sự chung tay của các cấp ngành và toàn xã hội, các tầng lớp nhân dân, mới có thể duy trì được lâu bền. Vì vậy, các ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố cần tiếp tục quan tâm, đầu tư, nuôi dưỡng phong trào và tăng cường vận động, tuyên truyền nhằm đẩy mạnh mức độ xã hội hóa sâu rộng trong nhân dân, các cơ quan, tổ chức, để phong tục này được phát huy tốt trên địa bàn. Các tổ chức, đoàn thể chính trị (nhất là lực lượng Đoàn Thanh niên) của các địa phương quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ thôn, khối phố, di tích thuộc địa bàn quản lý dựng cây nêu vào dịp Tết cổ truyền. Đẩy mạnh truyên truyền, giới thiệu hoạt động này trên các kênh tuyên truyền thông tin của Thành phố để tăng hiệu quả và mở rộng đối tượng huy động, hưởng ứng.
 

Tác giả: Nguyễn Cường – Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây