Vai trò của đội ngũ nghệ nhân trong việc trao truyền nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm - Hội An

Thứ ba - 16/07/2024 21:18
Đan võng ngô đồng là một trong những nghề thủ công truyền thống đặc trưng của cư dân đảo Cù Lao Chàm, Hội An đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 02/2024.
     Theo thông tin của những cư dân sinh sống lâu năm tại địa phương cho biết, đan võng ngô đồng là nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời ở Cù Lao Chàm. Từ khá sớm, người dân nơi đây đã biết xử lý vỏ cây ngô đồng xe thành sợi để cột/buộc vật dụng và dùng để ràng tổ yến xuất khẩu, đặc biệt dùng sợi để đan võng rất bền chắc và được nhiều người ưa chuộng, từ đó hình thành nghề đan võng ngô đồng.

     Trước đây, đa số phụ nữ sống trên hòn đảo Cù Lao Chàm đều biết đan võng ngô đồng nhưng sản phẩm của nghề chủ yếu sử dụng tại gia đình. Theo thời gian, với tính năng vượt trội của chiếc võng ngô đồng vừa đẹp mắt, vừa bền chắc và mềm mại nên nhu cầu sử dụng sản phẩm tăng lên, người dân địa phương có điều kiện phát triển nghề đan võng ngô đồng. Tuy nhiên, trải qua những thăng trầm của thời cuộc, nghề truyền thống này có lúc tưởng như bị mai một, bởi sự xuất hiện và ngày càng phổ biến các loại võng sợi công nghiệp trên thị trường. Thế nhưng, để gìn giữ những kỹ năng, kinh nghiệm đã trở thành tri thức bản địa trong thực hành nghề, cư dân địa phương qua bao đời vẫn cố gắng bảo vệ và phát huy nghề đan võng đặc trưng của đảo. Vai trò của đội ngũ nghệ nhân trong việc gìn giữ, trao truyền nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm cho đến ngày hôm nay là rất quan trọng.

     Theo người dân địa phương, đa số phụ nữ sinh sống ở Cù Lao Chàm từ cách đây trên 50 năm trở về trước đều biết đan võng ngô đồng. Một số người đan võng đạt độ tinh xảo, có kinh nghiệm dù đã qua đời nhưng vẫn được nhiều người nhắc đến khi có ai đó hỏi về những nghệ nhân gắn bó lâu năm với nghề truyền thống này như bà Nguyễn Thị Môn, bà Tân, bà Là, bà Thiện, bà Học… Trong đó, bà Môn là cư dân bản địa gắn bó với nghề đan võng ngô đồng lâu nhất trên đảo Cù Lao Chàm. Cách đây trên 15 năm, tại đảo Cù Lao Chàm chỉ có bà Nguyễn Thị Môn và con gái là Mai Thị Rài còn thực hành nghề này. Bà Môn lúc đó đã gần 90 tuổi. Thời điểm đó, cư dân trên đảo đa số là ngư dân, chủ yếu sống bằng nghề đi biển. Lớp trẻ trên đảo không ai theo nghề vì để làm ra chiếc võng ngô đồng mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo của người thực hành, trong khi đó nhu cầu sử dụng sản phẩm không nhiều, thu nhập mang lại không cao. Một số người vẫn biết đan võng nhưng không thực hành nghề thường xuyên, thỉnh thoảng đan để sử dụng trong gia đình. Thế nhưng, mẹ con bà Môn vẫn miệt mài gắn bó với nghề qua những năm tháng khó khăn.

     Từ sau khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, du lịch ở Cù Lao Chàm bắt đầu phát triển, nghề đan võng ngô đồng cũng được du khách trong và ngoài nước biết đến rộng rãi hơn và được ghi nhận bởi sản phẩm độc đáo của nghề. Từ đó, cư dân trên đảo gắn bó lại với nghề, góp phần phục hồi nghề truyền thống đặc trưng này. Sự vực dậy và phát triển nghề truyền thống đan võng ngô đồng trong thời gian gần đây gắn liền với tên tuổi của những nghệ nhân có tay nghề như bà Nguyễn Thị Thể, Trần Thị Chức, bà Diễn, bà Rài (con gái bà Môn), Lê Thị Kề, Nguyễn Thị Quỳ, Nguyễn Thị Bợ, Lê Thị Lề…

 
trai nghiem dan vong ngo dong
Thực hành nghề đan võng ngô đồng - Ảnh: Lệ Xuân
 
     Qua quá trình thực hành, những người thợ lành nghề đã tích lũy được những kinh nghiệm, tri thức dân gian quý báu trong các công đoạn đan võng và được lưu truyền cho thế hệ hôm nay. Theo kinh nghiệm dân gian nên chọn những cây ngô đồng không quá già cũng không quá non sẽ cho sợi tốt để đan võng. Cây ngô đồng được chọn để lấy vỏ đan võng phải là cây thẳng, không có mắc mới lấy được sợi dài, thuận tiện trong việc đan võng. Trong quá trình phơi sợi ngô đồng cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, không phơi quá nắng, tránh nước mưa… Đặc biệt, những kinh nghiệm, tri thức dân gian còn thể hiện rõ trong quá trình đan võng, xe sợi, bện bìa võng…, đòi hỏi người thực hành nghề phải kiên trì, tỉ mỉ, khéo tay và đặc biệt phải đam mê, yêu nghề.

     Với bàn tay khéo léo và tài tình, sự cần cù, sáng tạo trong lao động, những thợ thủ công tại địa phương đã tạo ra những chiếc võng tinh tế, thẩm mỹ. Chính vì vậy, sản phẩm võng ngô đồng hôm nay không còn là hàng thủ công với nghĩa thông thường mà là những tác phẩm nghệ thuật, giá trị văn hóa kết tinh ở trong từng sản phẩm.

     Không những sáng tạo, làm đẹp cho chiếc võng về mẫu mã, chất liệu mà việc sáng tạo, tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là vai trò không nhỏ của đội ngũ nghệ nhân thực hành nghề thủ công truyền thống này ở Cù Lao Chàm. Họ là những người đã tiếp lửa cho nghề, gìn giữ để nghề đan võng ngô đồng ngày càng phát triển, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của đảo. Vì vậy, đội ngũ nghệ nhân không những có vai trò quan trọng trong việc kế tục, duy trì sự tồn tại của nghề đan võng ngô đồng, họ còn là những người trực tiếp tham gia thực hành, sáng tạo nên những giá trị và góp phần phát triển nghề.

     Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Hiệp có 07 người đang thực hành nghề đan võng ngô đồng, trong đó người có thâm niên thực hành nghề cao nhất trên 50 năm, đó là bà Lê Thị Kề, người có thâm niên ít nhất cũng 8, 9 năm (Ngô Thị Lê, Huỳnh Thị Út). Bà Lê Thị Kề sinh năm 1938, ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, là một trong những người có tay nghề cao, nắm giữ nhiều kinh nghiệm, tri thức dân gian trong nghề đan võng ngô đồng tại địa phương. Bà học nghề đan võng ngô đồng từ những năm 1960, đến nay đã trên 50 năm gắn bó với nghề, hiện nay dù đã ngoài 80 tuổi nhưng bà vẫn ngày đêm miệt mài với nghề dù đôi tay đã chai sạn, yếu dần đi. Cũng như những người thợ trên hòn đảo Cù Lao Chàm, bà Lê Thị Kề luôn trăn trở về việc duy trì, gìn giữ nghề của tiền nhân để lại, vì thế bà luôn khuyên nhủ con cháu và thế hệ trẻ của địa phương cố gắng học và giữ lấy nghề. Trong những năm gần đây, bà Lê Thị Kề đã tận tâm chỉ dạy 02 người theo học nghề và đến nay họ đã thành thạo nghề, hiện cùng bà đang tham gia thực hành nghề ở điểm trải nghiệm đan võng ngô đồng, do Hợp tác xã Du lịch làng nghề Cù Lao Chàm đảm nhiệm. Hàng ngày, tại điểm này có từ 2 đến 3 người thực hành đan võng ngô đồng và làm những sản phẩm thủ công từ sợi ngô đồng để giới thiệu du khách khi đến tham quan, tìm hiểu về giá trị văn hóa của hòn đảo này.

     Ngoài việc tham gia thực hành, trình diễn giới thiệu nghề truyền thống tại địa phương, một số người thực hành có tay nghề cao, yêu mến, đam mê với nghề  thường được mời tham gia các hoạt động giới thiệu quảng bá về nghề thủ công truyền thống của địa phương tại các sự kiện được thành phố, tỉnh tổ chức như bà Lê Thị Kề, Nguyễn Thị Quỳ, Ngô Thị Lê, Huỳnh Thị Út…
Với nhiều ưu điểm, tiện ích, đặc biệt là sản phẩm được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường nên sản phẩm của nghề đan võng ngô đồng đặc trưng đảo Cù Lao Chàm ngày càng được khách hàng xa gần ưa chuộng, nghề thủ công truyền thống này đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Song hiện nay, khi mà quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng, cũng như một số nghề thủ công truyền thống khác, nghề đan võng ngô đồng đang đứng trước nguy cơ bị mai một nếu không kịp thời bảo vệ, phát huy giá trị của nghề.

     Đội ngũ nghệ nhân là nhân tố mang tính quyết định cho sự duy trì, phát triển của nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm bởi họ chủ thể văn hóa đã sáng tạo, nắm giữ và thực hành, tái tạo và liên tục trao truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ đó, di sản nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm được chắt lọc, kế thừa, kết tinh thành những tinh hoa văn hóa, góp phần bổ sung và làm giàu thêm cho kho tàng Di sản văn hóa của dân tộc. Vì vậy, việc phát huy vai trò của đội ngũ nghệ nhân trong việc thực hành, trao truyền nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm là rất cần thiết, cần được quan tâm đúng mức, nhất là sau khi Hội An được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây