Một số thông tin về Hội An, Quảng Nam qua ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam thực lục

Chủ nhật - 30/06/2024 22:35
Đại Nam thực lục là bộ chính sử của nhà Nguyễn do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm mới hoàn thành, tính từ khi bắt đầu làm (1821 - Minh Mạng năm thứ 2) đến khi hoàn thành và khắc in xong những quyển cuối cùng (1909 - Duy Tân năm thứ 3).
     Đại Nam thực lục được viết theo thể biên niên gồm 2 phần tiền biên và chính biên ghi chép về toàn bộ lịch sử Việt Nam từ thời các chúa Nguyễn đến các vị vua nhà Nguyễn. Nội dung dưới đây xin giới thiệu một số thông tin, sự kiện lịch sử có liên quan đến Hội An, Quảng Nam được ghi chép trong bộ sử liệu này.

     Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) là vị chúa thứ 6 trong 9 đời chúa Nguyễn. Ông là con trưởng của chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn, thân mẫu họ Tống, sau được truy tôn là Hiếu Nghĩa hoàng hậu. Năm 1691 chúa Nghĩa mất, ông lên nối ngôi khi mới 17 tuổi. Sự kiện chúa Nguyễn Phúc Chu đến phố Hội An và ngư ban cho Chùa Cầu bức hoành Lai Viễn Kiều được ghi lại như sau: “Kỷ hợi, năm thứ 28 [1719], mùa xuân, tháng 3, chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho”.[1]

 
1 goc pho co
Một góc phố cổ Hội An - Ảnh: Quang Ngọc
 
     Phong trào Tây Sơn (1771-1801) và những sự kiện lịch sử liên quan đến phong trào được ghi chép khá nhiều trong nhiều bộ sử liệu của triều Nguyễn. Bộ Đại Nam thực lục ghi chép khá nhiều thông tin về phong trào Tây Sơn, đặc biệt là những sự kiện của phong trào diễn ra trên vùng đất Hội An, Quảng Nam như sự kiện năm Ất Mùi (năm thứ 10 [1775] (Lê - Cảnh Hưng năm 36, Thanh - Càn Long năm 40), mùa hạ, tháng 4: “Đông cung do đường núi mà đi, nhân dân đi theo đông. Tập Đình và Lý Tài đem binh đuổi theo đến Ô Da, đánh phá được bọn Diện, Tường, ép mang Đông cung về phố Hội An. Tập Đình nhiều lần muốn hại, Lý Tài khuyên mãi mới thôi[2]. Sự kiện năm Tân Dậu (năm thứ 22 (1801) (Thanh - Gia Khánh năm thứ 6), tháng 3: “quân ta lấy lại dinh Quảng Nam. Nguyễn Văn Trương phá được Trà Khúc, thừa thắng tiến vào cửa biển Đại Chiêm, đánh ở các xứ Hội An và Phú Triêm, phá được cả. Đô đốc quản chi Kiên võ là Hoàng Văn Tự đem binh ứng nghĩa đuổi bắt được 24 thớt voi của giặc. Đại đô đốc giặc là Nguyễn Văn Xuân cùng với Trấn thủ thiếu úy Văn Tiến Thể giữ ải La Qua. Trương đốc quân đánh úp, bọn Xuân thua chạy, thu được hơn 80 cỗ đại bác và khí giới lương tiền vô kể. Bèn đóng đồn án giữ đất ấy. Tin thắng trận báo lên”.[3]

     Ghi chép về việc dời dinh lỵ Quảng Nam: “Năm Gia Long thứ 6 (1807), dời dinh lỵ Quảng Nam đến xã Thanh Chiêm (thuộc huyện Diên Phúc). Dinh lỵ Quảng Nam cũ (ở xã Hội An) chật hẹp, vua sai đình thần tìm nơi địa thế cao ráo sáng sủa, vẽ đồ dâng lên. Đình thần tâu xin đặt ở xã Thanh Chiêm. Bèn hạ lệnh dời dựng ở đấy”.[4]

     Quy định về việc buôn bán của người Thanh ở phố Hội An và Thanh Hà: “Năm Gia Long thứ 9 (1810) sai hai phố Thanh Hà và Hội An xét hỏi những người buôn nước Thanh. Phàm người Thanh đến buôn bán cứ 3, 4 tháng thì trở về nước, ai xin ở lại và đi nơi khác buôn bán thì địa phương phải cam kết, quan sở tại cấp bằng. Nếu tự tiện đi hay ở thì bắt tội”.[5]

     Trong suốt hơn 20 năm cầm quyền, vua Minh Mạng đã rất nhiều lần tuần du thị sát, xem xét tình hình quan lại, dân chúng ở nhiều địa phương trong cả nước. Riêng đối với Quảng Nam, vua Minh Mạng đã ba lần tuần du xa giá vào các năm 1825, 1827 và 1837, trong các chuyến đi ông đã đến thăm danh thắng Ngũ Hành Sơn và phố Hội An. Chuyến tuần du thị sát Quảng Nam năm 1825 được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép trong Đại Nam thực lục như sau: “vua sai bộ Hộ truyền dụ các địa phương Thừa Thiên và Quảng Nam rằng phàm đường xa giá đi qua, tất cả các thứ cung ứng như thuê phu, thuê thuyền, rơm cỏ cho voi ngựa, đều phải trả giá hậu, chớ bắt ở dân. Vua lại nghĩ quân lính theo hầu, hoặc có người ta sự nhiễu dân, xuống dụ rằng: “Loan giá đi tuần cốt ở thăm địa phương xét quan lại, giá ơn huệ cho nhân dân. Quan binh theo hầu, những nơi đia qua không được giày xéo ruộng lúa, không được làm càn quấy nhiễu. Một giải Hội An ở Quảng Nam tuy không được giàu có bằng trước, nhưng vẫn là nơi người ở đông đúc, hàng hoá tụ tập, nếu có người tham lận, yêu sách mua rẻ, làm cho chợ phố sợ hãi, thì cho dinh thần lập tức tra xét xử tội, người buôn bán cùng lý trưởng cũng được báo bắt, đúng thực thì được thưởng bạc lạng”. Lại truyền dụ cho các nhà phố cùng chợ búa hương thôn cứ làm ăn như thường, chớ có bày biện gì cả… Ngày Nhâm Dần, xa giá đến Hội An: Tha 5 phần 10 bạc thuế cho dân Minh Hương. Qua đền Quan công cho 300 lạng bạc; qua đền Thiên phi, cho 100 lạng bạc, qua xã Hải Châu Chính, cho chùa mới làm của dân ấy đổi tên làm chùa Phúc Hải, sắc cho dinh thần làm biển ngạch cấp cho. Rồi hội loan.[6]

     Ghi chép về việc người Thanh chở trộm phụ nữ ở Hội An năm Minh Mạng thứ 10 (1829): “Trước kia người Thanh là Đặng Phúc Hưng buôn ở Quảng Nam, lấy người con gái ở phố Hội An làm vợ, ngày về chở trộm người vợ về nước. Việc phát giác, giao xuống bộ Hình bàn, xin chiếu lệ đem người và quân khí ra ngoài địa giới và ra biển, giảm một bậc mà xử tội. Phúc Hưng thì phát đi sung quân ở nơi biên viễn, người vợ thì phát làm nô ở chỗ nhất định. Nhân xin lập rõ điều cấm: Phàm người Thanh đến ngụ ở nước ta, ở phố làm dân, đã đăng vào sổ hàng bang, thì mới được cùng dân lấy vợ lấy chồng, bất kỳ đến buôn bán thì đều cấm không cho như thế. Làm trái thì đàn ông đàn bà đều tội mãn trượng, và phải ly dị; người chủ hôn đồng tội, người mối lái, người bang trưởng và người láng giềng đều tội giảm một bậc. Quan địa phương biết mà cố ý dung túng thì giáng 1 cấp, đổi nơi khác. Nếu nhân thế mà chở đem về nước Thanh thì người đàn ông phát sung quân nơi biên viễn, người đàn bà làm nô ở chỗ nhất định, chủ hôn giảm một bậc, người mối, bang trưởng, láng giếng đều tội mãn trượng. Quan địa phương cố ý dung túng, tấn thủ không xét hỏi ra thì quan giáng 4 cấp đổi đi, lính trượng 90, có hối lộ mà dung túng thì kể tang mà trị theo luật nặng.

     Đình thần bàn lại, cho là: Bộ Hình bàn định lệ ấy, là muốn cho ngu dân biết mà răn sợ, và người xét hạch có chỗ cầm giữ. Lời bàn ấy là phải. Đến như người Thanh lấy người nước ta sinh con cái mà chở trộm về nước Thanh thì xin cũng nghiêm cấm. Nếu phạm cấm thì người đàn ông, người đàn bà, bang trưởng, và người láng giềng tư tình đều tội 100 trượng; địa phương cố ý dung túng, và tấn thủ không xét được thì chiếu lời nghị trước mà xử tội. Lại con sinh ra cấm không được bện tóc làm đuôi sam, làm trái thì người đàn ông người đàn bà đều tội 100 trượng; bang trưởng và láng giềng thì giảm 2 bậc. Vua đều theo cả”.[7]

     Ghi chép về việc thuyền buôn nước ngoài gặp nạn xin tị nạn ở phố Hội An: Tự Đức năm thứ 10 (1857), chiếc thuyền buôn của người Tây dương bị bão giạt vào phần cửa biển Đại Áp, tỉnh Quảng Nam. Trong thuyền có 8 người nước Thanh xin ở lại phố Hội An, đợi thuyền của người Thanh đến thì đáp nhờ. Còn 8 người Tây dương thì xin đi Gia Định đáp thuyền của người nước Thanh về Hạ Châu[8]. Đều chuẩn cho tuỳ tiện, nhưng sai cấp cho tiền lộ phí hằng ngày, các tỉnh luân chuyển nhau đưa đi và cấp cho áo quần.[9]

     Năm Tự Đức thứ 31 (1878), tỉnh Quảng Nam bị bão và nước lụt, (lần trước nước lụt sâu hơn 11 thước, lần sau nước lụt sâu hơn 9 thước), Khâm sai Hoàng Diệu phân phái đi chẩn cấp, lại phái tải gạo (5 thuyền gạo mỗi thuyền 70 - 80 phương hoặc 50 - 60 phương) phát ra bán, cho dân thế chấp đồ đồng để lĩnh gạo sinh sống. Khi ấy có người khách nước Thanh ở phố Hội An đặt ra một nơi để thu nuôi những đứa con đem bán, đều đem việc tâu lên. Vua sai phái nhiều người chia đi phát chẩn, không nên bắt thế chấp mới bán gạo, cốt cho dân được sống cả là hơn. Sai nghiêm cấm người buôn nước Thanh, những đứa con mua được ấy không được đem về nước Thanh, nếu có mua để giúp người, thì để ở phố, đợi sau được thư, giao trả hoặc cho chuộc về, mới là biết việc nghĩa. Trong hạt nếu không giúp được, nên tuỳ tình cho đến Kinh, do các nhà quan hay nhà giàu tạm mua đem về nuôi giúp cho, nếu có mang đi rồi, sau có thuyền công đến Hương Cảng, chi của công ra chuộc về trả cho chủ có con.[10]

     Mậu Tý, năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), Quan Pháp đổi lập sở Thương chính tỉnh Quảng Nam ở cửa biển Đại Chiêm (Nguyên đặt sở Thương chính ở Hội An thì triệt bỏ đi).[11]

     Đại Nam thực lục là bộ sử liệu quan trọng, có giá trị khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói chung, Hội An, Quảng Nam nói riêng. Những thông tin ghi chép về Hội An, Quảng Nam là những tư liệu quan trọng góp phần nhận diện, làm sáng tỏ hơn lịch sử, văn hóa, vùng đất con người Hội An, Quảng Nam trong lịch sử giai đoạn thế kỷ 19.
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, tr.137.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch đã dẫn, tr.183.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch đã dẫn, tr.434.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch đã dẫn, tr.714.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch đã dẫn, tr.784.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, tr.427-428.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, bản dịch đã dẫn, tr.906-907.
[8] Hạ Châu: tức Tân Gia Ba (Singapore).
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo dục, tr.238.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 8, Nxb Giáo dục, tr.316.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb Giáo dục, tr.238.

 

Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây