Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích liên quan đến Nhật Bản ở Hội An

Thứ ba - 16/07/2024 03:19
     Tổng quan về các di tích liên quan đến Nhật Bản ở Hội An

     Mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã bắt đầu khá sớm, thế kỷ 16 - 17 là giai đoạn mà mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển rực rỡ, gắn liền với sự hình thành của Đô thị thương cảng quốc tế Hội An. Mối quan hệ này không chỉ được minh chứng qua các tư liệu thư tịch mà còn qua các di tích vật thể vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay tại Hội An như di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều), các ngôi mộ thương nhân Nhật Bản như mộ ông Banjiro, ông Tani Yajirobei và ông Gusokukun.

     Từ khi Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973 đến nay đã có rất nhiều hoạt động nhằm xây dựng, gắn kết mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước nói chung, giữa Hội An và Nhật Bản nói riêng. Trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, có rất nhiều chuyên gia, tình nguyện viên từ các tổ chức, trường Đại học Nhật Bản đến hỗ trợ Hội An một cách tích cực, nhiệt tình và hiệu quả, góp phần tạo nên những thành tựu trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới.

     Chùa Cầu và các ngôi mộ thương nhân Nhật Bản là những di tích luôn được chính quyền địa phương và Nhân dân Hội An quan tâm gìn giữ thông qua các hoạt động quản lý, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phát huy.

     Di tích Chùa Cầu, tên gọi là cầu Nhật Bản, tên chữ là Lai Viễn Kiều (do Chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng vào năm Kỷ Hợi - 1719 khi ngài tuần du đến Hội An). Trải qua thời gian dài với biết bao tác động khắc nghiệt của thiên nhiên và thời cuộc nhưng Chùa Cầu vẫn hiện diện cho đến ngày nay, trở thành biểu tượng của di sản văn hóa thế giới Hội An, là dấu ấn tiêu biểu của mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa và các quốc gia Tây phương tại Hội An trong lịch sử.

     Ba ngôi mộ Nhật nằm ở vị trí không quá cách xa nhau. Mộ ông Banjiro tọa lạc tại một khoảnh đất cạnh đường Hai Bà Trưng, thuộc địa phận khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu. Theo thông tin bia mộ cho biết ngôi mộ này được xây dựng vào năm Ất Tỵ (năm 1665), mặt tiền quay theo hướng Đông Bắc, được xây bằng vữa hợp chất, nấm mộ được tạo hình yên ngựa, bia mộ bằng đá muối ghi nội dung: “Chính Hộ, Hiển khảo Phan Nhị Lang tự Viết Thuần tín thần mộ”, “Ất Tỵ niên cát đán, hiến nam Văn Công cung phụng tự”. Từ ngôi mộ ông Banjiro về hướng Bắc khoảng 300m là đến vị trí ngôi mộ ông Gusokukun (thuộc khối An Phong, phường Tân An). Qua nội dung bia mộ cho biết niên đại xây dựng ngôi mộ vào năm Kỷ Tỵ (năm 1629 hoặc 1689), mặt tiền xoay theo hướng Đông Bắc; tổng thể ngôi mộ gồm có: tường rào, trụ cổng, quynh, bia mộ, nấm mộ và nhà bia. Bia mộ bằng sa thạch màu xám, lòng bia ghi nội dung: “Nhật Bản; Khảo văn hiền cụ túc quân mộ; Kỷ Tỵ niên trọng thu cát lập; ? ? ? phụng tự”. Nấm mộ hình yên ngựa, xây bằng vữa hợp chất; quynh hình yên ngựa, bao bọc quanh nấm mộ.

 
mo dong banjiro
Mộ ông Banjiro - Ảnh: Quang Ngọc

     Từ vị trí mộ ông Banjiro về hướng Đông Bắc khoảng 600m là vị trí toạ lạc của ngôi mộ ông Tani Yajirobei, ngôi mộ trên một gò đất tương đối cao tại cánh đồng Trường Lệ, phường Cẩm Châu. Ngôi mộ được xây dựng vào năm Đinh Hợi (năm 1647). Các nhà nghiên cứu nhận định rằng ông Tani Yajirobei là một thương nhân thuộc dòng họ lớn ở Nhật Bản đến buôn bán, định cư và qua đời tại Hội An. Ngôi mộ có mặt tiền quay theo hướng Đông Bắc, trên một gò đất cao, xung quanh là ruộng lúa. Nấm mộ có dạng hình yên ngựa, được xây bằng vữa hợp chất, bia mộ bằng sa thạch, mặt bia ghi nội dung: “Hiển khảo di thứ lang binh vệ cốc công chi mộ. Đinh Hợi niên, mạnh thu lập”, hai bên hàng giữa ghi: “Nhật Bổn, Bình Hộ”.

     Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích

     Qua công tác khảo sát thực địa, nghiên cứu, xác định các di tích trên có giá trị đặc biệt, cần phải được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, do đó vào vào năm 1985, Phòng Văn hoá Thông tin Hội An đã ghi danh các di tích Chùa Cầu, mộ ông Tani Yajirobei, mộ ông Banjiro vào danh mục quản lý, bảo vệ của địa phương, đồng thời thực hiện lập hồ sơ khoa học để trình đề nghị các cấp xếp hạng di tích cấp quốc gia và được Bộ Văn hoá công nhận, cấp bằng (Chùa Cầu được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia tại Quyết định số 506/VHQĐ ngày 19/3/1985, cấp bằng ngày 17/2/1990; mộ ông Banjiro và mộ ông Tani Yajirobei cùng được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia cũng theo Quyết định số 506/QĐ-VH ngày 19/3/1985, cấp bằng ngày 29/11/1991). Đây là cơ sở pháp lý, khoa học để địa phương có cơ sở thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích này.

     Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di tích ở các địa phương, hạn chế sự xuống cấp và đảm bảo an toàn cho di tích, từ năm 2010, thành phố Hội An đã thành lập các Tổ quản lý di tích trên địa bàn thành phố, trong đó có di tích mộ ông Banjiro, ông Tani Yajirobei, Gusokukun; riêng di tích Chùa Cầu do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An ội Antrực tiếp quản lý.
Dựa vào các nguồn tư liệu cho biết đến nay Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần (vào các năm: 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996). Trải qua thời gian dài tồn tại, với nhiều nguyên nhân tác động, Chùa Cầu ngày càng xuống cấp nặng, do đó công tác tu bổ di tích này là nhiệm vụ quan trọng được chính quyền và Nhân dân Hội An đặc biệt quan tâm. Ngày 28/12/2022, UBND thành phố Hội An đã long trọng tổ chức lễ khởi công dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu với sự tham dự của đại biểu trong nước và quốc tế, cùng đông đảo Nhân dân, du khách. Đây là kết quả của một quá trình làm việc miệt mài, dài hơi trong công tác khảo sát, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng kỹ thuật cũng như giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của di tích đặc biệt này phục vụ xây dựng hồ sơ tu bổ. Hiện nay, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đang triển khai ở giai đoạn hoàn thiện, dự kiến tổ chức khánh thành vào đầu tháng 8 năm 2024 nhân sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20.

     Các ngôi mộ thương nhân Nhật Bản tại Hội An cũng không tránh khỏi sự tác động khắc nghiệt của thời gian đã làm cho các ngôi mộ này bị xuống cấp, hư hại, nhất là ngôi mộ ông Gusokukun (bị hư hại gần như hoàn toàn); mộ ông Banjiro qua thời gian cũng dần bị thấp trũng so với địa hình khu vực xung quanh; mộ ông Tani Yajirobei cũng bị hư hại một số hạng mục. Năm Chiêu Hòa thứ 3 (năm 1928), cộng đồng người Nhật sống tại Đông Dương đã ủy nhiệm ông Nakayama cư trú tại Thuận Hóa phụ trách giám sát tu sửa các ngôi mộ này (hiện nay vẫn còn lưu lại văn bia tu bổ tại cả 3 ngôi mộ).

     Mộ ông Gusokukun là ngôi mộ chịu nhiều tác động nặng nề nhất khi toàn bộ cấu trúc mộ bị hư hại, chỉ còn lại bia mộ và văn bia trùng tu năm 1928, hai hiện vật này được đưa về bảo quản tạm tại di tích Minh Hương Phật tự (13 Nguyễn Huệ, phường Minh An). Đến năm 2000, với sự hỗ trợ kinh phí của tập đoàn Taisei Coporation[1], thành phố Hội An đã thực hiện tu bổ, tôn tạo ngôi mộ, bia mộ và văn bia trùng tu năm 1928 được di dời về vị trí cũ, kiến trúc tổng thể ngôi mộ được giữ ổn định cho đến ngày nay. Năm 2020, thành phố Hội An tiếp tục đầu tư tôn tạo cảnh quan, khuôn viên ngôi mộ này, thiết lập bổ sung hệ thống bảng thông tin di tích bằng hình thức song ngữ Việt – Anh nhằm tạo nên một không gian công cộng phục vụ cho nhân dân địa phương, du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu giá trị di tích.

 
DJI 0214
Mộ ông Tani Yajirobei - Ảnh: Quang Ngọc
 
     Mộ ông Tani Yajirobei trải qua thời gian dài cũng bị hư hại nhiều vị trí (thành mộ bị đổ nát, bình phong bị hư, nấm, quách bị xói lở, bào mòn). Từ năm 1989 đến năm 1990, ngôi mộ được Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An (tiền thân của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An hiện nay) thực hiện nhiều đợt tu bổ nhỏ, đắp đường dẫn ra mộ. Đến năm 1997, được sự hỗ trợ của trường Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản, thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An) đã thực hiện tu bổ lớn ngôi mộ này. Theo hồ sơ trùng tu năm 1997 cho biết hiện trạng ngôi mộ nằm giữa cánh đồng ruộng, tình trạng kỹ thuật hư hỏng, nấm mộ và tường bao bị sụt lở nặng, muốn đi vào mộ phải qua một cánh đồng lầy lội, do đó ngoài việc tu bổ các hạng mục di tích thì cần phải xây dựng đường đi vào mộ bằng đá để đảm bảo sử dụng lâu dài. Tháng 7 năm 2023, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tiếp tục thực hiện trùng tu, sửa chữa ngôi mộ này, cụ thể ở việc gia cố đường dẫn vào mộ sau một thời gian dài sử dụng đã bị sạt lở, cỏ dại xâm lấn, các bia thông tin giới thiệu về ngôi mộ cũng đã được đục lại, sơn kẻ màu sắc sau một thời gian dài dưới nắng mưa khắc nghiệt đã làm cho nét chữ bị bào mòn.

     Những hộ dân sinh sống lân cận mộ ông Banjiro cho biết sau khi chiến tranh kết thúc (năm 1975), họ trở về nhà để sinh sống thì thấy ngôi mộ này đã bị vùi lấp dưới lớp đất do một thời gian dài không được chăm nom; mọi người bèn chung tay đào bới lớp đất để lộ ra ngôi mộ và chăm nom, hương khói cho đến tận ngày nay. Năm 2003, ngôi mộ được thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An) thực hiện tu bổ theo nguyên trạng.

     Ngoài các hoạt động lớn tu bổ di tích, công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đối với các di tích liên quan đến Nhật Bản được Hội An chú trọng hằng năm. Như di tích Chùa Cầu, hàng năm đều được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy, phòng chống mối mọt xâm hại, phòng chống thiên tai luôn được tiến hành thường xuyên nhằm hạn chế sự xuống cấp của di tích. Đối với các ngôi mộ Nhật, hàng năm đều được sơn kẻ lại các bia thông tin di tích, quét vôi lại các hạng mục.

     Ngoài công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, công tác chăm nom, hương khói tại các ngôi mộ Nhật luôn được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, Nhân dân Hội An. Các Tổ quản lý di tích mộ Nhật thực hiện công việc dọn vệ sinh, cỏ dại tại di tích tạo cảnh quan di tích sạch đẹp và thêm phần tôn nghiêm nghiêm, ấm cúng tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Hiện nay, vào các ngày rằm, mồng một hàng tháng, cư dân địa phương đến dâng hương, hoa quả tại di tích Chùa Cầu, các ngôi mộ Nhật. Đặc biệt, riêng vào dịp lễ hội Tết Nguyên tiêu, Nhân dân đến di tích Chùa Cầu dâng hương, xin lộc đầu năm, thỉnh kim ấn Bắc Đế Trấn Võ nhằm cầu mong được thần che chở, hộ trì.

     Với những giá trị đặc biệt về lịch sử - văn hoá, di tích Chùa Cầu đã trở thành một địa điểm thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, là điểm tham quan có thu phí đầu tiên ở Hội An. Kể từ thời điểm ngày 20/3/1986 (lần đầu tiên áp dụng bán vé tham quan cho cả khu phố cổ) đến nay, Chùa Cầu luôn được quản lý, phát huy hiệu quả, trở thành điểm tham quan quan trọng trong hệ thống các điểm tham quan ở Hội An. Theo số liệu thống kê, từ năm 2009 - 2020 đã có hơn 10 triệu lượt khách đến tham quan di tích Chùa Cầu.

     Các ngôi mộ người Nhật là địa điểm tham quan thu hút du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là đối với các du khách đến từ Nhật Bản, dường như tất cả đều không thể bỏ qua các địa điểm này. Năm 2012, tại sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 10”, UBND thành phố Hội An phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã quyết định khai trương tour du lịch “Dấu xưa Nhật Bản”. Khi trải nghiệm tour này, du khách sẽ được giao lưu văn hóa với người dân bản địa, tham quan các địa điểm di tích liên quan đến người Nhật Bản ở thế kỷ 16 - 17 trong lịch sử khi đến giao thương tại thương cảng Hội An gồm di tích Chùa Cầu, 03 ngôi mộ thương nhân Nhật, qua đó giúp cho du khách có thể cảm nhận rõ hơn về mối quan hệ khăng khít của các vị tiền nhân Nhật Bản trên đất Hội An và tình cảm của người dân Hội An đối với các di tích liên quan đến Nhật Bản tại nơi đây. Cả 3 ngôi Nhật đều đã được định vị trên Google Maps và được nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh và để lại đánh giá cao về việc các ngôi mộ Nhật được chăm nom, bảo quản rất tốt.

     Chùa Cầu và các ngôi mộ thương nhân Nhật ở Hội An là những công trình kiến trúc thể hiện mối bang giao hữu hảo từ lâu trong lịch sử giữa Việt Nam và Nhật Bản. Người dân Hội An luôn nhận thức rằng những di tích này là kết quả của quá trình giao thương, tiếp giao văn hóa giữa Hội An và Nhật Bản trong thời kỳ phồn thịnh của đô thị thương cảng Hội An, là bộ phận quan trọng trong tổng thể di sản văn hóa Hội An. Bảo tồn di sản văn hóa được chính quyền và Nhân dân Hội An xác định đó vừa là trách nhiệm, vừa là sự tri ân đối với thế hệ đi trước và gìn giữ cho thế hệ mai sau. Qua việc bảo tồn và phát huy tốt di tích Chùa Cầu và các ngôi mộ Nhật ở Hội An cũng là sự tiếp tục gìn giữ và phát triển thêm sâu đậm mối quan hệ giữa Hội An, Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian đến.
 
[1] Taise Corporation là một tập đoàn tại Nhật Bản có lịch sử 150 năm hình thành và phát triển (thành lập vào năm 1873), đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế của đất nước Nhật Bản hiện đại.

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây