Giá trị văn bản sắc phong liên quan đến các nghề thủ công truyền thống ở Hội An

Thứ năm - 11/07/2024 22:35
Ngoài văn hóa, lịch sử, kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ lệ, lễ hội… Hội An còn tồn tại một nguồn di sản tư liệu Hán Nôm vô cùng quý giá. Trong đó, đặc biệt là thể loại sắc phong, được Hoàng đế triều đình nhà Nguyễn ban sắc tặng cho các vị thần linh trong tín ngưỡng dân gian hay cho những người có công đức với cộng đồng, có công với triều đình, truyền dạy nghề thủ công…

     Sắc phong được xem như là một loại văn bản pháp quy chính thống của nhà nước phong kiến, có văn phong đặc trưng. Thường vào những dịp quan trọng như đại lễ lên ngôi, mừng sinh nhật 40, 50 tuổi của vua, hay vào những ngày trọng đại của đất nước, đều sẽ thực hiện phong sắc cho các vị thần.

     Bên cạnh đó, sắc phong nhân vật (hay được gọi cáo mệnh, tích phong, sắc mệnh…) cung cấp nhiều thông tin trung thực về tên, tuổi, địa danh, đơn vị hành chính, cũng như công trạng, chức sắc được phong của các cá nhân được phong sắc, hoặc truy tặng thụy hiệu cho cha, mẹ của những người có công trạng... Ở Hội An, những người giữ trọng trách của bộ máy nhà nước phong kiến các cấp, có vai trò, công trạng lớn, các vị khoa bảng, những người giữ chức vụ lớn trong quân đội như Nguyễn Tường Vân, Nguyễn Tường Phổ, Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Văn Đằng,… Đặc biệt, Hội An được triều đình nhà Nguyễn ban sắc khen tặng cho những thợ lành nghề của nghề yến Thanh Châu, nghề mộc Kim Bồng, nghề gốm Thanh Hà, đã được triều đình trưng dụng, chiêu mộ để đóng sửa thuyền, làm gạch ngói, làm nhà cửa,… Họ là những người dân thường, thế nhưng họ lại có công trong việc khai hoang lập ấp, hoặc tạo dựng nghề, truyền dạy nghề thủ công, có tay nghề, năng lực, kinh nghiệm về nghề, như sắc phong cho Phan Văn Mưu nghề Nê tượng (nghề mộc), sắc phong cho Bùi Phước Ưng về nghề Ngõa tượng (nung ngói), sắc phong Đội trưởng Yến hộ cho Hồ Văn Hòa, Trần Văn Cuộc…

     Mặc dù số tài liệu phong sắc về nội dung này không nhiều, thế nhưng chúng đã tạo được sự vinh danh cho cả gia đình dòng họ, một vùng đất địa phương tự hào, và cũng tạo được tiếng thơm cho nghề nghiệp mà Tổ nghề đã truyền nối.

     1. Nghề gốm Thanh Hà

     Sau khi các tộc họ tiền hiền từ Đàng Ngoài đến Hội An sinh sống, lập nghiệp, đã lập nên làng Thanh Hà. Nhận thấy vùng đất này thuận lợi về sông, đất, đầm vũng, đã hình thành nên làng gốm Thanh Hà, chuyên sản xuất gốm, các vật dụng phục vụ cuộc sống hằng ngày, đến những đồ trang trí,… Bên cạnh đó, việc sản xuất gạch, ngói của Thanh Hà được ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí, về sản vật của tỉnh Quảng Nam ghi danh về nghề gốm Thanh Hà rằng: “Đồ gốm: sản ở Thanh Hà, huyện Diên Phước, có hộ chuyên nghiệp”. Trong quá trình giao thương, buôn bán của cảng thị Hội An lúc bấy giờ, đã tạo điều kiện cho làng gốm ở Thanh Hà phát triển vượt bật, và trở thành khu vực chuyên sản xuất gạch, ngói đặc trưng của vùng đất Quảng Nam.

     Cùng với sự phát triển đó, làng gốm Thanh Hà trở thành sản vật của địa phương, cũng đã tạo tiền đề cung cấp thợ lành nghề trưng tập về kinh thành Huế, làm việc trong cục Ngõa tượng. Đây là nơi tập hợp những người thợ xây, làm ngói, là một tổ chức tập hợp thợ thủ công, phiên chế thợ thủ công theo nghề có từ thời chúa Nguyễn. Dựa vào kinh nghiệm, kĩ thuật chế tác, sức lực, chuyên cần trong công việc sẽ được điều động đến từng chức trách trong các ty, cục cho phù hợp.

     Các sắc phong cho nghề thủ công về làm gạch ngói, đất nung của làng Thanh Hà hiện nay chỉ là các sắc phong được ghi chép lại trong Quảng Nam tỉnh tạp biên (bản sao được lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An). Mặc dù chỉ là bản sao, nhưng những tài liệu này cung cấp những thông tin quan trọng về làng nghề truyền thống Thanh Hà, Hội An.

     - Sắc chỉ cho ông Bùi Phước Châu

 
      Phiên âm

     Sắc chỉ Ngõa tượng cục Bùi Phước Châu quán Quảng Nam tỉnh Điện Bàn phủ Diên Phước huyện Phú Triêm hạ tổng Thanh Hà xã phục sự niên thâm am tường bản nghệ. Tư Công Bộ lân cử cụ đề chuẩn nhĩ bổ thụ y cục tòng cửu phẩm Tượng mục suất bản cục nhân đẳng, tòng cai quản viên sai phái công vụ. Nhược sở sự phất kiền hữu chính tại.

     Khâm tai.

     Thiệu Trị nhị niên thập nhị nguyệt nhị thập tứ nhật.
     
     Sắc chỉ cho thợ làm ngói là ông Bùi Phước Châu quê tại xã Thanh Hà, tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm việc đã lâu năm, am tường nghề nghiệp. Nay Bộ Công cân nhắc tuyển chọn đề xuất chuẩn cho ngươi được bổ nhậm là Tượng mục tòng cửu phẩm y cục, cùng các cai quản viên của cục được sai phái hoàn thành công vụ. Nếu công việc không cần cù thì trị theo phép nước.

     Kính thay!

     Ngày 24 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842).

     - Cấp bằng cho ông Bùi Phước Thạnh

     Phiên âm

     Vũ khố Vệ môn. Vi bằng cấp sự chiếu đắc Quảng Nam trấn […] ngõa tượng cục quyền sai Thủ hiệp Bùi Phước Thạnh quán Điện Bàn phủ Diên Phước huyện Phú Triêm hạ tổng Thanh Hà xã phả cai danh ứng vụ niên thâm, bổn nghệ am tường, thiêu tạo lưu li các sắc ngõa chuyên, vô năng cần cán kinh cai cục đầu mục bảo kết chuyên. Triếp thử hợp hành bằng cấp quyền sai vi Chánh cửu phẩm Tượng mục xướng suất nội cục đẳng, danh tòng phân suất viên phụng hành bị công vụ, yếu nghi xuất lực thừa hành dĩ mật sự công. Nhược thị thường sơ hốt hữu xử tu chí. Bằng cấp giả.

     Hữu bằng cấp.

     Chử ngõa Tượng cục Bùi Phước Thạnh cứ thử.

     Minh Mạng thập niên lục nguyệt nhị thập cửu nhật.

     Dịch nghĩa

     Cơ quan Vệ môn Vũ khố. Về việc cấp bằng, chiếu theo tại trấn Quảng Nam có Ngõa tượng cục quyền sai Thủ hiệp Bùi Phước Thạnh ở xã Thanh Hà, tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, là người trải qua nhiều năm, có thâm niên trong công việc, kĩ nghệ, am tường việc nấu men lưu li, các màu sắc của ngói, gạch nung, không những như thế ông còn chuyên cần, mẫn cán. Là người đứng đầu chịu trách nhiệm về công việc ở cục. Thực hiện việc này, bèn cấp bằng quyền sai, làm chánh cửu phẩm tượng mục phân y xướng suất trong cục ấy, phân theo các suất viên phụng hành công vụ, phải ra sức để thừa hành công việc.

     Nếu dám coi thường, công việc không được chu đáo, thì sẽ theo công pháp xử lý. Nay cấp văn bằng.

     Ở trên là bằng cấp.

     Tượng cục nấu ngói Bùi Phước Châu theo đó thi hành.

     Ngày 29 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 10.

     2. Nghề yến Thanh Châu

     Dưới thời nhà Nguyễn công việc quản lý, khai thác yến sào nhận được sự quan tâm đặc biệt, triều đình đã có nhiều bằng cấp, chiếu chỉ, chỉ thị… về những người đứng đầu các đội trưng thu, quản lý khai thác yến sào, việc thành lập các đội hải thuyền trong công tác canh giữ các hang yến từ bãi Cù Lao, về việc thu thuế từ yến hộ. Trong đó có Hồ Văn Hòa, Hồ Văn Bình, Hồ Văn Khải, Trần Văn Cuộc… người giáp Đông xã Thanh Châu, được triều đình nhà Nguyễn giao giữ các chức vụ quan trọng trong việc tổ chức, quản lý, trưng thu, khai thác yến sào ở các vùng yến hộ Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. 

     Nhận thấy tầm quan trọng, giá trị kinh tế từ nguồn yến sào tại địa phương, cũng như việc quản lý từ các đội yến hộ, triều đình nhà Nguyên đã ban các sắc phong, bằng cấp thăng thưởng các bậc hàm, tạo điều kiện về mặt quản lý, cũng như khuyến khích các hộ yến trong quá trình bảo vệ hang yến, thu thập, nộp thuế yến hộ... 

     - Chiếu cho ông Hồ Văn Hòa

     Dịch nghĩa

     Công đường quan ở doanh Quảng Nam kê

     Sai phái cho phủ Điện Bàn Võng Nhi thuộc xứ Thanh Châu đông giáp Hồ Văn Hòa tuân tri: ngày trước có đơn xin y lệ cũ thuộc nội xã cùng các xã khác phải chỉnh bộ ghe thuyền 3 chiếc để lập thành yến sào đội ở Thanh Châu thường năm thường đậu tại xứ Tân Non ở Cù Lao để canh thủ các hang hầu lấy tổ yến đem nạp theo lệ thuế.

     Vả mùa này chưa định nên cứ theo vật quý trọng giá cứ quyền nghi tạm cho y như lệ cũ để khai bộ trong xã được 7 tên xin vào bổn đội, nay mùa yến đã đến kỳ nhơn đó hiệp sai Hồ Văn Hòa cho làm đội trưởng là Hòa Đức Bá xướng xuất dân đinh theo thuyền 2 chiếc tại xứ Tân Non Cù Lao để canh thủ các hang yến. Phải cẩn thận không cho người nào được vào hang, đợi đến sang năm sẽ làm biểu dâng lên: tâu khâm mông, phải cẩn thận giữ nếu làm sơ sển thì phải can phạm công pháp. Kính đáng mà làm.

     Ngày 23 tháng 12 năm Gia Long thứ 3 (1804).

     Phiên âm

     Chiếu Yến hộ hộ trưởng Hồ Văn Hòa hướng lai thuế khóa vô ký khuy khiếm, gian hữu thuế ngạch tăng đa, thành vi cấp công úy pháp trước thăng thọ Chánh Đội trưởng Hòa Đức hầu trật tòng Lục phẩm nhưng lãnh yến hộ dĩ thị cổ lệ, yếu nghi củ soát cai yến hộ chiếu thu thuế lệ cúng nạp. Phàm chư sự thể thính tùng trực lệ Quảng Nam dinh thần quản hạt. Nhược khuyết chức phất kiền hữu quốc pháp tại.

     Khâm thử.

     Minh Mạng ngũ niên nhị thập tứ nhật.

     Dịch nghĩa 

     Chiếu cho Yến hộ Hộ trưởng Hồ Văn Hòa trước nạp thuế khóa không hề khiếm thiếu, mà lại thuế ngạch tăng cao, đó chính là lòng thành, biết sợ phép nước. Để nhằm cổ lệ khuyến khích nay thăng thọ làm Chánh Đội trưởng với tước Hòa Đức hầu trật Tòng Lục phẩm vẫn lãnh yến hộ, nên phải ra sức quản lý yến hộ và chiếu thu thuế lệ cúng nạp. Phàm mọi việc đều phải nghe theo quan quản hạt ở Trực lệ dinh Quảng Nam. Nếu khuyết chức không chịu chăm lo thì sẽ bị trị theo phép nước.

     Khâm thử.

     Ngày 14 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 5 (1824).

     3. Nghề mộc Kim Bồng

     Từ các tộc Nguyễn, Huỳnh, Trương, Phan… ở các vùng đất Thanh Hóa, Nghệ An theo phong trào Nam tiến đã có công khai dựng, lập làng, lập ấp dựng nên làng nghề mộc, nề của làng quê Kim Bồng. Nhu cầu sinh hoạt đô thị thương cảnh phát triển cũng đã thúc đẩy quá trình phát triển các nghề thủ công truyền thống ở Hội An, trong đó có làng mộc Kim Bồng. Kim Bồng đã có nhiều phát triển về nghề mộc phục vụ nhu cầu xây dựng và đóng thuyền, trong đó có thuyền buôn đường xa, trọng tải lớn… Trải qua quá trình phát triển, làng nghề Kim Bồng đã tạo nên một đội ngũ có tay nghề cao, những tri thức, kỹ thuật, cũng như kỹ năng, kinh nghiệm của các nghệ nhân về chạm, mộc, khắc,… tạo nên những hình khối, vật dụng, họa tiết, hoa văn vô cùng độc đáo, hấp dẫn, và mang tính đặc trưng riêng của vùng đất Kim Bồng. 

     Trong các gia đình, dòng tộc nổi tiếng với nghề mộc này, đặc biệt tộc Phan Xuân có ông Phan Văn Mưu được triều đình nhà Nguyễn sắc phong về Tượng mục, có tài hoa, tay nghề phát triển nghề mộc của địa phương.
 

     - Văn bản 1

     Phiên âm

     Vũ khố Đốc công nha

     Vi bằng cấp sự. Tư cứ Quảng Nam Ngõa tượng Tòng cửu phẩm Nguyễn Đình Bài, Phạm Văn Mai đẳng bẩm tự gian hữu tượng Phan Văn Mưu, quán Duy Xuyên huyện Mỹ Khê tổng Kim Bồng châu Đông giáp, ứng vụ hữu niên am tường bổn nghệ vi nhân cần cẩn khả tượng mục đẳng ngữ. Hợp hành bằng cấp y danh vi y cục cấp bằng tượng mục, nhưng tòng phân suất sai phái xướng suất cục nội nhân đẳng thừa hành công vụ. Nhược sở sự phất kiền hữu công pháp tại. Tu chí bằng cấp giả.

     Tả bằng cấp. 

     Quảng Nam tỉnh ngõa tượng cấp bằng tượng mục Phan Văn Mưu cứ thử.

      Thành Thái nguyên niên lục nguyệt sơ tam nhật.

     Dịch nghĩa

     Cơ quan Đốc công kho Vũ khố

     Nay cấp văn bằng. Căn cứ vào việc có các ông Nguyễn Đình Bài, Phạm Văn Mai là Ngõa tượng Tòng cửu phẩm, có trình bẩm rằng có thợ Phan Văn Mưu người ở Đông giáp châu Kim Bồng tổng Mỹ Khê huyện Duy Xuyên, là người có kinh nghiệm nhiều năm trong am tường nghề nghiệp, chuyên cần, cẩn trọng có thể làm tượng mục. Bèn xin cấp bằng cho y làm Tượng mục tại cục, nhưng phải theo sai phái xướng suất trong cục mà thừa hành công vụ. Nếu trong công việc mà không siêng năng thì theo pháp luật xử lý. Chuyển đến người được cấp bằng.

     Trên đây là bằng cấp.

     Giao cho Phan Văn Mưu cấp bằng Ngõa tượng Tượng mục tỉnh Quảng Nam.

     Ngày 13 tháng 6 năm Thành Thái thứ 1.

     - Văn bản 2

image 20240712094325 2

     
     Phiên âm

     Sắc Nê tượng cục Thí sai tòng cửu phẩm Tượng mục Phan Văn Mưu quán Quảng Nam tỉnh Điện Bàn phủ Duy Xuyên huyện Mỹ Khê tổng Kim Bồng châu Đông Trung giáp, thử thứ ứng biện công sở phả thuộc gian lao. Tư chuẩn thưởng thọ tòng cửu phẩm Tượng mục thị khuyến.

     Khâm tai.

     Thành Thái bát niên thập thất nguyệt thập lục nhật.

     Dịch nghĩa

     Sắc cho Tượng mục Thí sai tòng cửu phẩm ở Cục thợ nề Phan Văn Mưu người Đông Trung giáp châu Kim Bồng tổng Mỹ Khê huyện Duy Xuyên phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, từng làm việc ở Bộ Công trải qua gian lao vất vả. Nay chuẩn cho thưởng nhận chức tòng cửu phẩm Tượng mục để khuyến khích. 

     Kính thay!

     Ngày 16 tháng 11 năm Thành Thái thứ 8.

     Mặc dù, những nghề nghiệp này đã ra đời từ nhiều thế kỷ trước, có những thăng - trầm, chuyển - biến trong quá trình phát triển, thế nhưng các nghề nề, mộc, yến hộ từ lâu đã trở thành ngành nghề hoạt động thường xuyên của địa phương. Hội An trở thành một trong những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, góp phần tô điểm bức tranh nghề thủ công ở Quảng Nam dưới triều đình nhà Nguyễn thêm nhiều màu sắc phong phú, đa dạng, tạo nên tiền đề tiếp nối cho hiện tại, cũng như góp phần giúp hậu thế tiếp cận gần hơn với lịch sử dân tộc

Tác giả: Lê Thị Lưu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây