Chùa Phật Quan Âm

Thứ sáu - 17/05/2024 05:54
Bên cạnh những ngôi nhà gỗ với niên đại hàng trăm năm, Khu phố cổ Hội An còn nổi tiếng với nhiều di tích tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Các di tích này do người Việt, người Nhật, người Hoa, Minh Hương… xây dựng, hình thành liên tục trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này, thể hiện sự cộng cư, đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của các nhóm cư dân.
     Đây là bộ phận quan trọng cấu thành di sản văn hóa Hội An, vẫn được gìn giữ, bảo tồn gần như nguyên vẹn qua nhiều thế hệ. Chùa Phật Quan Âm làng Minh Hương (Minh Hương Phật tự, chùa Chiên Đàn, chùa Bà, tọa lạc số 13 đường Nguyễn Huệ) là một trong số các di tích tiêu biểu minh chứng cho nhận định này. Chùa nằm nối tiếp phía sau miếu Quan Công (Trừng Hán cung, chùa Ông, tọa lạc tại số 24 đường Trần Phú). Hai công trình này đều đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1991. Dưới đây là một số thông tin về ngôi chùa độc đáo này.  

     1. Lịch sử di tích chùa Phật Quan Âm

    Hiện chưa có tư liệu xác định rõ năm khởi dựng di tích, nhưng cùng với miếu Quan Công, chùa có lẽ được xây dựng từ khá sớm. Ở tấm bia trùng tu năm Quý Dậu 1753 (hiện để trong miếu Quan Công) có câu: “Quan Thánh đế miếu và Quan Âm Phật tự bản xã đã xây dựng 100 năm”, nghĩa là chùa được xây dựng muộn nhất cũng vào năm 1653[1]. Như vậy, tính đến nay, ngôi chùa có tuổi đời khoảng 370 năm. Chùa ban đầu thờ Quan Thế Âm Bồ Tát…Tín ngưỡng Quan Thế Âm rất phổ biến đối với tín đồ Phật giáo Đông Nam Á, nhất là đối với những người hành nghề buôn bán bằng tàu thuyền[2]. Tại di tích hiện có một số hoành phi, câu đối có nhắc đến Chiên Đàn Lâm[3], Quảng An Phật tự[4], Chiên Đàn Lâm chính là tên gọi khác của chùa Phật Quan Âm chứ không phải là một ngôi chùa nào khác ở Hội An.
Hòa thượng Thạch Liêm qua tác phẩm Hải ngoại kỷ sự có đoạn nhắc đến chùa: “Sáng bữa sau (tức mồng 2 tháng 7), đình trú ở chùa Di Đà[5]. Nhà chùa chật hẹp, không đủ chỗ chứa đông người, phải phân tán ở Quan Âm đường và các nơi khác[6]. Đây là sử liệu ghi chép sớm nhất về chùa Di Đà và Quan Âm đường (觀 音 堂). Tác giả Hải ngoại kỷ sự dùng từ “đường ” chứ không phải “tự ” như sau này.

     Căn cứ hai tấm bia “Chiên Đàn Phật tự” và “Quảng An Phật tự[7] lập năm Giáp Thìn (1904), Thành Thái 16, làng Minh Hương tu sửa chùa cùng tượng Phật. Năm Bảo Đại thứ 18 (1943), làng Minh Hương đứng ra trùng tu chùa Phật, cung Trừng Hán và Tụy Tiên đường[8]. Đó là hai lần trùng tu chùa giai đoạn gần cuối triều Nguyễn.

     Theo mô tả trong tư liệu Quảng Nam xã chí do Viện Viễn Đông Bác cổ thực hiện năm 1943 – 1944 thì ở chùa có con đường hẻm có thể qua nhà Tiền hiền (Minh Hương Tụy tiên đường). Hai căn nhà (dọc theo hẻm) là hai phương trượng của chùa Phật, cạnh đó có giếng nước uống của chùa. Hiện trạng, con hẻm không còn nữa nhưng giếng nước vẫn còn, hai phương trượng đã được thay thế bằng nhà đông và khối công trình phụ.

     Từ năm 1975 đến năm 1989: ngôi chùa được sử dụng làm trụ sở UBND phường Minh An. Từ cuối năm 1989, Ban Quản lý Di tích (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An) tiếp quản ngôi chùa, tiến hành tu bổ, phục hồi bàn thờ Phật và sử dụng di tích làm Nhà trưng bày Lịch sử - Văn hóa Hội An phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và tham quan du lịch. Trong khoảng thời gian đó, việc thờ tự chỉ gói gọn trong phạm vi gian giữa nếp nhà sau của chính điện. Sau lần đại trùng tu năm 2015, Nhà trưng bày được chuyển về Bảo tàng Hội An. Ngôi chùa đã được trả lại chức năng vốn có vào năm 2016, bố trí lại không gian thờ tự như ta thấy hiện nay.

     2. Kiến trúc di tích

     Ngôi chùa có mặt tiền quay về hướng nam. Phía tây giáp đường Nguyễn Huệ, phía đông và bắc giáp nhà dân. Tổng thể khuôn viên di tích gồm có tam quan, sân trước, chính điện và nhà đông. Do đặc điểm tọa lạc (nằm phía sau miếu Quan Công), tam quan chùa không nằm trên trục thần đạo như thường thấy mà nằm về phía bên phải chùa (theo hướng quy ước). Tam quan có hình thức đơn giản với 4 trụ biểu vuông, hai trụ giữa cao hơn hai trụ bên để chia thành ba lối đi, đỉnh trụ gắn búp sen trang trí. Phía trên nối liền bốn trụ biểu là xà cách điệu làm trán cổng, bên trên không có mái che. Trán cổng xây cao, hình thức như các bức hoành phi, bên trên đắp họa tiết trang trí. Hai mặt tam quan đắp nổi nhiều Hán tự, câu đối. Cụ thể: 

 


     * Mặt trước (hướng nhìn từ trước vào): chính giữa, phía trên có chữ: 明 鄉 佛 寺 (Minh Hương Phật tự, tạm dịch: Chùa Phật (làng) Minh Hương). Bên phải: 真 空 (Chân Không), bên trái: 妙 有 (Diệu Hữu).
Câu đối trên hai trụ chính giữa:
明 鏡 非 臺 參 到 真 如 憑 妙 諦
鄉 關 是 處 宏 開 般 若 紹 宗 門
Phiên âm:
Minh kính phi đài, tham đáo Chân như bằng diệu đế[9];
Hương quan thị xứ, hoằng khai Bát nhã thiệu tông môn.
Tạm dịch:
Gương sáng chẳng phải đài, tham cứu đến Chân như nhờ Diệu đế;
Quê nhà là chốn ấy, mở mang thông Bát nhã nối Tông môn.
(Thích Quang Định phụng dịch)
Câu đối trên hai trụ hai bên:
廣 安 寺 碑 文 千 秋 功 德
旃 檀 林 勝 蹟 萬 眾 瞻 依
Phiên âm:
Quảng An tự bi văn thiên thu công đức;
Chiên Đàn lâm thắng tích vạn chúng chiêm y.
Tạm dịch:
Văn bia chùa Quảng An nghìn năm công đức;
Thắng tích rừng Chiên Đàn muôn chúng kính ngưỡng.
*Mặt sau: chính giữa, phía trên cổng đắp các chữ Hán:
六 祖 師 偈
菩 提 本 無 樹
明 鏡 亦 非 臺
本 來 無 一 物
何 處 惹 塵 埃
保 大 十 六 年 夏
本 社 恭 錄
Phiên âm:
Lục Tổ sư kệ:
Bồ đề bổn vô thọ,
Minh kính diệc phi đài.
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.
Bảo Đại thập lục niên hạ, Bổn xã cung lục.
Tạm dịch:
 Bài kệ của đức Lục Tổ:
Bồ đề vốn không cây,
Gương sáng cũng không đài.
Xưa nay không một vật,
Nơi nào vướng trần ai.
Mùa hè năm Bảo Đại thứ 16, Bổn xã kính lục.
Bên trái (hướng nhìn từ sân chùa ra), phía trên cổng đắp chữ: 智 慧 (Trí Tuệ), bên phải: 慈 悲 (Từ Bi). Câu đối trên hai trụ chính giữa:
明 月 净 初 心 境 對 䌓 花 空 门 自 在
郷 風 敦 善 俗 地 留 古 蹟 𣑽 宇 重 光
Phiên âm:
Minh nguyệt tịnh sơ tâm, cảnh đối phồn hoa, Không môn[10] tự tại;
Hương phong đôn thiện tục[11], địa lưu cổ tích, Phạm vũ trùng quang.
Dịch nghĩa:
Trăng sáng làu sạch tựa mối sơ tâm, tịnh cảnh đối phồn hoa, cửa chùa luôn tự tại;
Nếp quê nhân hậu thấm vào phong tục, đất thiêng gìn tích cũ, nhà Phật sáng hơn xưa.
(Thích Quang Định phụng dịch)
Câu đối trên hai trụ hai bên:
一 塵 不 到 菩 提 地
萬 善 同 歸 般 若 門
Phiên âm:
Nhất trần bất đáo Bồ Đề địa;
Vạn thiện đồng quy Bát Nhã môn.
Tạm dịch:
Bụi trần không đến đất Bồ đề;
Muôn thiện cùng về cửa Bát Nhã.

     Qua tam quan là một khoảng sân nhỏ trước chùa, trang trí đơn giản với hòn non bộ nhỏ tạo tiểu cảnh, vài cây xanh điểm xuyết. Khoảng sân này cũng giúp phân cách ước lệ khu vực chùa và miếu (vì hai công trình này thông nhau). Chính điện có kiểu thức nhà 3 gian, gồm 2 nếp mái (tạm chia thành nếp nhà trước và nếp nhà sau), kết cấu: hệ khung gỗ chịu lực, tường bao xây gạch, mái lợp ngói âm dương. Bờ nóc, bờ chảy trang trí đơn giản, cong nhẹ làm cho hệ mái trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Hệ vì nếp nhà trước có kết cấu kiểu kết hợp “trính chồng trụ đội” và “chồng đấu con sơn”. Các chi tiết chạm trổ giúp làm mềm hóa sự thô cứng của các cấu kiện trính, trụ đội. Do hệ mái nếp nhà trước khá lớn nên phần hiên được làm thêm mái giả giúp phân định không gian chức năng và tăng thêm phần thẩm mỹ. Theo đó, chỉ ½ hệ vì ở hiên tham gia chịu lực, ½ hệ vì còn lại mang chức năng trang trí nhiều hơn là hỗ trợ chịu lực. Bông trính đỡ đòn tay dưới cùng ở mái hiên được tạo hình hoa sen rất kỳ công, đoạn giữa chạm nổi đồ án “sư tử hí tiền”, kết hợp con ke hai bên chạm thủng đồ án dây lá hóa rồng.

     Con sơn đỡ thanh trính hạ cũng được chạm nổi dây lá hóa rồng, đội đài sen. Trụ đội được chia làm ba đoạn, chạm các rãnh theo chiều dọc kiểu trái bí. Các trụ đội liên kết với nhau và với hai đầu cột bằng các thanh gỗ được tạo hình khum cong như vỏ cua. Từ trụ đội có các thanh gỗ vươn ra hai bên như những cánh tay đỡ đòn tay. Hệ vì bên trong nếp nhà trước được làm tương tự hệ vì ở hiên, tạo sự đồng nhất về hình thức kết cấu. 

 


     Nếp nhà sau có diện tích nhỏ hơn nếp nhà trước, hệ vì kèo suốt, có hình thức rất đơn giản, không chạm trổ. Bức tường ngang chia nếp nhà này thành hai khu vực: phía trước là không gian thờ tự, phía sau dùng làm kho vật dụng. Nhà đông nằm bên trái chính điện, dùng làm nơi trưng bày thư họa, chỗ nghỉ chân cho du khách.

     Có thể nói, tài hoa của những người thợ đục chạm được thể hiện rõ nét nhất, đặc sắc nhất trong công trình này là ở hệ vách gỗ mặt tiền. Chính giữa là bộ cửa đi thượng song hạ bản 6 cánh, bản chính chạm thụ – điểu (cò – cây đào), rồng, long mã, rùa, hổ, tùng – lộc rất chi tiết, tinh xảo. Hai gian bên có bộ cửa đi thượng song hạ bản 4 cánh, bản chính chạm chữ 寿 (Thọ) viết theo kiểu chữ triện. Các bản nhỏ trên cửa chạm các đồ vật trong bát bửu, dây lá hóa rồng, hoa sen và hồi văn. Các ô hộc ở liên ba (vách ván gỗ trên đầu cửa) chạm nổi “thập bát La Hán” kết hợp một số đồ án cát tường khác. Nhận xét một cách chủ quan của người viết, đây là một trong số ít những bộ cửa thượng song hạ bản đẹp nhất hiện còn ở Hội An.

      Về bố trí thờ tự: tường biên hai bên hiên tôn tượng Hộ Pháp Vi Đà và Tiêu Diện Đại Sĩ. Các án thờ ở nếp nhà sau chính điện thờ bộ tượng Di Đà Tam Tôn, gồm: gian chính giữa thờ Đức Phật A Di Đà, gian trái thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, gian phải thờ Đại Thế Chí Bồ Tát. Ngoài ra, tường biên bên phải gian thờ còn có hương án thờ Địa Tạng Vương Bồ tát.

 


Tại chùa Phật Quan Âm vẫn còn nhiều di vật quý được bảo lưu. Trang trí nội thất tuy đơn giản nhưng trang trọng, tôn nghiêm với một số bức hoành phi:

     - Hoành phi trên xuyên gian giữa chính điện: 林 檀 旃 (Chiên Đàn lâm). Thượng khoản chạm thành hai hàng dọc: 慶 德 癸 巳 歲 腊 月 榖 旦 - 信 官 簫 燧 烜 敬 立 (Khánh Đức Quý Tỵ tuế, lạp nguyệt cốc đán - Tín quan Tiêu Toại Huyên kính lập; Tạm dịch: Ngày lành tháng chạp năm Quý Tỵ (1653) niên hiệu Khánh Đức. Tín quan là Tiêu, Toại, Huyên kính lập). Hạ khoản chạm một hàng ngang và một hàng dọc: 成 泰 甲 辰 本 社 重 修 (Thành Thái Giáp Thìn bổn xã trùng tu; Tạm dịch: Năm Giáp Thìn (1904) niên hiệu Thành Thái, bổn xã trùng tu). Bức hoành ghi được thông tin năm lập chùa và năm trùng tu 1904, từ đây chùa lấy tên là Chiên Đàn, theo bức hoành treo gian giữa.

     - Hoành phi trên xuyên gian bên trái chính điện: 慈 恩 永 庇 (Từ ân vĩnh tí; Tạm dịch: Ơn từ mãi che). Thượng khoản chạm: 歲 次 乙 亥 年 季 秋 下 浣 (Tuế thứ Ất Hợi niên quý thu Hạ Hoán; Tạm dịch: Hạ Hoán cuối thu năm Ất Hợi). Hạ khoản chạm: 明 香 社 鄉 長 員 職 仝 造 (Minh Hương xã, hương trưởng, viên chức đồng tạo; Tạm dịch: Hương trưởng, viên chức xã Minh Hương cùng lập)

     - Hoành phi trên xuyên gian bên phải chính điện: 圓 通 殿 (Viên thông điện[12]; Tạm dịch: Điện Viên Thông, tức điện thờ Bồ Tát Quán Thế Âm). Lạc khoản chạm theo hàng dọc: 己 亥 年 [] 一 天。弟 子 陳 玉 恩 (Kỷ Hợi niên [] nhất thiên. Đệ tử Trần Ngọc Ân; Tạm dịch: Nhất thiên [] năm Kỷ Hợi, đệ tử Trần Ngọc Ân). Hoành phi viết bằng thảo thư cả đại tự lẫn lạc khoản.  

 
 
     Hai trong số các hương án ở chính điện là di vật cổ của chùa, có kiểu dáng, họa tiết trang trí rất đẹp, được sơn son thếp vàng. Hương án đặt trước bàn thờ gian giữa chính điện có chân đế cao tạo dáng kiểu chân quỳ, phần đầu hai chân đế chạm nổi hình mặt rồng. Mặt trước hương án chia thành các ô hình chữ nhật, chạm nổi các đề tài: cúc - sóc, mai - điểu, sen - hạc, mẫu đơn - hươu, lựu - chim… Hương án đặt trước bàn thờ gian bên phải chính điện có hình thức tương tự hương án ở gian giữa nhưng có kích thước nhỏ hơn, trang trí có phần đơn giản hơn.

     Bên cạnh đó, tại chùa còn lưu giữ một số tượng cổ có giá trị. Tượng Phật A Di Đà màu vàng đồng được đặt trên đài sen bằng gỗ, bên dưới là chân đế trên bàn thờ chính giữa chính điện. Tượng ngồi xếp bằng trong tư thế tọa thiền trên đài sen, tay bắt ấn thiền, khuôn mặt phúc hậu, mắt nhìn xuống, miệng hơi mỉm cười. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng gỗ, đặt trước tượng Phật A Di Đà trên bàn thờ chính giữa chính điện trong tư thế đứng trên đài hoa sen, tay trái cầm bình tịnh thủy. Tượng Đại Thế Chí Bồ Tát: đặt trên bàn thờ gian bên phải chính điện, tượng bằng kim loại (làm rỗng bên trong, bề mặt sơn màu) trong tư thế tọa thiền. Ngoài ra, còn có bộ tranh thập bát La Hán (gồm 6 bức, còn 5). Các bức đang treo tại chùa hiện nay là bản sao từ bản gốc sau khi đã được phục chế (bản gốc đang được lưu giữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An).

     Tạm kết

     “Việc một chùa thờ Phật được thiết lập ngay tại khu phố cư dân đông đúc, gần sông và sau này lại thêm gần chợ là hiện tượng độc đáo. Một mặt, phản ánh giới tu hành gắn bó với đời thường, mặt khác phản ánh làng Minh Hương Hội An có đầy đủ các thiết chế văn hóa sinh hoạt cộng đồng trong cư dân khi được các chúa Nguyễn cho định cư ở Hội An[13]. Sự hiện tồn của ngôi chùa là minh chứng cho quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo của thương cảng Hội An. Mang trong mình một chiều dài lịch sử với các giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc trưng, chùa Phật Quan Âm là một trong những di tích kiến trúc Phật giáo quan trọng, góp phần làm nên giá trị chung của di sản Phật giáo Hội An và của Khu phố cổ Hội An. 

     Hiện nay, di tích là điểm sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng của người dân địa phương. Cùng với miếu Quan Công, chùa thường xuyên mở cửa để phục vụ bà con, du khách gần xa lễ bái, tham quan. Ngoài việc dâng hương, hoa quả vào ngày rằm, mồng 1 hàng tháng, tại chùa còn có hai ngày lễ lớn trong năm là ngày vía Quan Thế Âm bồ tát (19 tháng 2 âm lịch) và ngày Tết Nguyên tiêu (16 tháng Giêng). Rất đông người dân địa phương và các khu vực lân cận đến dâng hương, viếng chùa trong hai dịp lễ này.

* Tài liệu tham khảo:
1. Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 1: Văn bia.
2. Lý lịch di tích chùa Quan Âm, Hồ sơ lưu trữ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An.
3. Quảng Nam - Minh Hương Tam bảo vụ do Ban trị sự Tam bảo vụ Minh Hương lập năm 1972.
4. Thạch Liêm, Hải ngoại kỷ sự sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII (bản dịch của Hải Tiên Nguyễn Duy Bột), Viện Đại Học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Huế, 1963.

 
* Tài liệu trích dẫn: 

[1] Dẫn theo Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 1: Văn bia, trang 44.
[2] Theo Lý lịch di tích chùa Quan Âm, Hồ sơ lưu trữ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An.
[3] Chiên Đàn lâm: rừng cây Chiên Đàn có hương thơm phức để ví cho chốn tùng lâm thanh tịnh, nơi cư trú của bậc long tượng. Từ này cùng nghĩa với từ Tùng Lâm hay Thiền Lâm. (Thích Nguyên Tâm, Sớ điệp công văn, tập 2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2013, trang 691) Chùa Quan Âm treo biển “Chiên Đàn lâm” nhằm ca ngợi ngôi chùa trang nghiêm thanh tịnh, là chỗ thờ Phật và hành lễ. Sau này, chùa đổi tên thành Chiên Đàn Phật tự như tấm bia năm Thành Thái 16 có ghi và sử dụng làm tên cho đến trước năm 1975. Trên cổng ghi chữ Hán “Minh Hương Phật tự”, phía dưới chữ quốc ngữ đề “Chùa Phật Quan Âm”. Xét ra, chùa vốn tên là Quan Âm, sau gọi là Chiên Đàn và chùa do làng Minh Hương lập nên cũng gọi là chùa Phật Minh Hương.
[4] Theo Quảng Nam - Minh Hương Tam bảo vụ do Ban trị sự Tam bảo vụ Minh Hương lập năm 1972 thì: Miếu Quảng An thành lập năm 1682, tọa lạc tại đường Phan Châu Trinh, nằm cạnh Văn chỉ Minh Hương.   
Khi thành lập là một ngôi chùa Phật vĩ đại của người Tàu (sau giao qua cho Minh Hương) nằm trên một khoảnh đất chữ nhật, từ cạnh đất chùa Văn Thánh đến hết miếu Quảng An, choán ngang qua đường Phan Châu Trinh bây giờ. Vì là một ngôi chùa lớn nên sau chùa có một miếu thờ Ngũ Hành, trong chùa có cả Trú trì, tăng sãi… Sau khi Pháp chiếm Hội An, muốn khai quan đường sá nên đã triệt hạ ngôi chùa này, còn giữ lại ngôi miếu, làng tu bổ và lấy tên miếu là Quảng An. Qua nhiều biến cố, miếu bị điêu tàn sụp đổ, cho đến nay cũng không còn trên thực địa.
Cũng có một vị sư cúng đất cho làng và giúp làng những thuần phong mỹ tục rất nhiều công phu họ Lương tên Huệ Hồng, nhờ vậy Minh Hương có nhiều uy tín hơn các xã khác. Đức Huệ Hồng Tổ sư còn là một vị trụ trì tứ đợi tại chùa Phật Quảng An. Sau chùa Phật Quảng An suy sập, ngài tạ thế, bài vị đem về thờ tại chùa Phật Minh Hương và mai táng ngài tại gần đó trước Quan Thánh miếu kề Giếng Máy chợ Hội An, sau thiên di ra lập tháp tại chùa Chúc Thánh đến nay (vào năm 1848). 
[5] Chùa nay không còn.
[6] Thạch Liêm, Hải ngoại kỷ sự sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII (bản dịch của Hải Tiên Nguyễn Duy Bột), Viện Đại Học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Huế, 1963, tr. 154.
[7] Hiện nay, sau tường chùa Ông (trước chùa Quan Âm) có gắn hai tấm bia thuộc chùa Quảng An. Một tấm bia “Quảng An tự bi” có trang trí hoa văn, lập năm Canh Thân (1740) và tấm bia công đức lập năm Thành Thái Giáp Thìn (1906). Điều đó cho thấy, chùa Quảng An bị tàn phá, làng Minh Hương đã đưa bia về gìn giữ. Không những bia chùa Quảng An mà bia chùa Bà Mụ cũng được đem về dựng trước chùa Quan Âm.
[8] Căn cứ tấm bia “vô đề” lập năm Bảo Đại 18 (1943), được gắn sau tường chùa Ông.
[9] Diệu đế: nói cho đủ là tứ diệu đế, tứ thánh đế.
[10] Không môn: chỉ cửa chùa, còn gọi là sơn môn.
[11] Thiện tục 善 俗: 1. Chỉ phong tục thuần hậu, lương thiện. 2. Chỉ việc làm giúp phong tục thánh thiện.
[12] Trước đây có người đọc viết thành Viên Thông Trí, nhưng nghĩa lý không được thông. Viên Thông điện tức ngôi điện thờ Bồ tát Quan Thế Âm. Bức hoành thích hợp với tên chùa là “Quan Âm tự”.
[13] Theo Lý lịch di tích chùa Quan Âm, tư liệu đã dẫn.
 

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây