Di sản văn hóa Hội An – Nền tảng cho văn hóa sáng tạo và công nghiệp văn hóa

Chủ nhật - 05/05/2024 21:59
Sở hữu nguồn vốn văn hóa giàu có, đa dạng, độc đáo được kết tinh từ lịch sử của một thương cảng quốc tế sầm uất mấy trăm năm trong quá khứ, cùng với truyền thống bền bỉ của một cộng đồng cư dân thuần hậu, kiên cường, khiêm cung và năng động, Hội An có nhiều cơ hội vượt trội để củng cố vị thế như một đô thị sinh thái - nhân văn nổi bật, một đô thị giàu bản sắc, hiện đại, bền vững và là nơi hội tụ của sự sáng tạo, kết nối toàn cầu.
don nhan danh hieu thanh pho sang sao
Diễu hành chào mừng sự kiện Hội An gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO - Ảnh: Khiếu Thị Hoài
 
      Một cách nhìn về văn hóa sáng tạo

      Văn hóa Hội An mang trong mình những chồng lớp sáng tạo với dấu ấn đặc sắc, là một phức hợp di sản, lịch sử, nhân văn, kiến trúc đô thị. Việc gia nhập “Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO” trước hết giúp cho Hội An nhận diện một cách đầy đủ, đúng tầm hơn về “vốn văn hóa”, “vốn xã hội”, “vốn con người”, cũng như tiềm năng và sức sáng tạo của thành phố mình; lĩnh hội những sáng kiến của UNESCO và kinh nghiệm của các thành phố sáng tạo trong nước và thế giới.

      Văn hóa, đến xã hội hiện đại có một vị thế mới, một tầm quan trọng mới đối với phát triển mà trước đây không có. Từ chỗ văn hóa chỉ được xem là sự kết tinh những giá trị tinh hoa, đến chỗ văn hóa phải kết hợp nhuần nhuyễn tính bác học và tính đại chúng. Từ quan niệm văn hóa chỉ là những giá trị thuần túy đến quan niệm các giá trị văn hóa có thể đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển kinh tế. Con người hiện đại đã nhìn thấy sức mạnh kinh tế của văn hóa và đang khai thác tích cực các tiềm năng kinh tế của văn hóa. Vì vậy, chúng ta phải đổi mới cách nhìn đối với văn hóa, không chỉ tự giới hạn tầm nhìn văn hóa trong phạm vi bảo tồn, giữ gìn bản sắc mà còn biết gia nhập tích cực vào hệ thống công nghiệp văn hóa toàn cầu, biến văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

      Thống kê sơ bộ cho thấy, ngành công nghiệp văn hóa của Hội An (gồm cả ngành thủ công mỹ nghệ và ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí) đóng góp 5,2% tổng giá trị sản phẩm GO của Hội An năm 2019, 4,6% năm 2020, 3,6% năm 2021, 6,2% năm 2022. Thành phố hiện có tổng số 658 cơ sở, 1.710 hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian. Trong đó có 3.013 lao động và 700 diễn viên, nhạc công, thu nhập bình quân từ 250 - 350 USD/1 lao động/1 tháng. Lực lượng nòng cốt hơn 200 nghệ nhân, thợ thủ công giỏi, biên kịch, biên đạo, nhạc công, thiết kế, kỹ thuật âm thanh ánh sáng,... chia thành các đội, nhóm, câu lạc bộ đảm trách các hoạt động thường xuyên của thành phố và hỗ trợ các cộng đồng, trường học.

      Rõ ràng văn hóa sáng tạo trên nền di sản của cộng đồng cư dân Hội An đã đóng góp vào những mục tiêu bền vững và tăng trưởng đa chiều như: bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, sự thịnh vượng về kinh tế và cố kết xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, qua đó củng cố, tiếp nối truyền thống sáng tạo đã có gốc rễ bền lâu trong lịch sử thành phố và tiếp tục thích ứng, nâng lên một tầm cao mới phù hợp với bối cảnh đương đại, dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các “vốn văn hóa”, “vốn xã hội”, “vốn con người” và các nguồn tài nguyên khác của Hội An.

      Các điển hình văn hóa sáng tạo của Hội An

      Có thể nhận thấy khả năng hội nhập và sáng tạo điển hình của cư dân Hội An qua sự độc đáo của quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An với sức hấp dẫn của một “bảo tàng sống” về kiến trúc, nơi cư trú, sinh hoạt, giao tiếp, lao động và lưu giữ các giá trị văn hóa. Trong những không gian sống bình dị như góc phố, vỉa hè, giếng nước, cây đa, sân đình, nhà thờ, chùa miếu, hội quán, ngõ hẻm, vườn hoa... để lại những dấu ấn sâu đậm về nếp sống, sinh hoạt tín ngưỡng, văn nghệ dân gian, nét tinh hoa của nhiều nghề thủ công mỹ nghệ của bao lớp cư dân Hội An. Các giá trị di sản văn hóa và phẩm hạnh “nhân tình thuần hậu”, tinh thần cố kết cộng đồng, cùng với một cấu trúc hình thái đô thị lồng ghép phố - làng và đan xen bên trong hệ thống cảnh quan sinh thái đa dạng chính là hạt nhân, nền tảng và môi trường cho sự sáng tạo và phát triển bền vững của Hội An.

 
hoi thi bai choi
Du khách tham gia hô hát bài chòi
 
      Các sản phẩm văn nghệ dân gian độc đáo do cộng đồng cư dân Hội An sáng tạo vô cùng phong phú và hấp dẫn. Bên cạnh nghệ thuật Bài chòi đã quá quen thuộc và được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vào năm 2023, Tết Nguyên Tiêu và Tết Trung Thu ở Hội An được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó có thể kể đến các loại hình dân ca, hát bội, hò khoan, bả trạo, sắc bùa, múa tứ linh, hò đưa linh... là những loại hình văn nghệ dân gian khá phổ biến ở Hội An, là chất liệu cơ bản của các sản phẩm văn hóa - du lịch đầy sáng tạo và độc đáo của Hội An như các chương trình Đêm phố cổ, Phố đêm, Phố dành cho người đi bộ, Đêm Hoài Giang, Hô hát bài chòi và chơi bài chòi. Trong đó, lễ hội trăng rằm Hội An (Đêm Rằm phố cổ) được đông đảo độc giả của nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới bình chọn xếp hạng là địa điểm thú vị thích hợp cho việc trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống về đêm. Đáng kể hơn, văn nghệ dân gian Hội An đã góp mặt hầu như khắp nơi trên đất nước Việt Nam và được mời đi biểu diễn ở Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Italia, Hungary, CHLB Đức…

      Các làng nghề là những thực thể văn hóa sống động, gắn với quá trình phát triển của các vùng đất và cộng đồng dân cư, với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không gian văn hóa, cảnh quan địa lý - sinh thái của từng làng xã. Với những nỗ lực không ngừng trong bảo tồn và phát huy, đến nay các nghề khai thác yến sào Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà và nghề trồng rau Trà Quế đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, Hội An cũng nổi tiếng với các nghề thủ công như: làm đèn lồng, da, may mặc, đầu lân, mặt nạ, hoa đăng, chạm trổ, điêu khắc, đắp vẽ… Đặc biệt gần đây, Hội An đã xuất hiện những nghệ nhân tiên phong trong các nghề thủ công sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ đất sét, tre, củi lũ, bẹ dừa nước, gốc cây, các vật liệu tái chế hay những thứ rác thải. Các không gian sáng tạo điển hình như: Làng nghệ thuật củi lũ của Lê Ngọc Thuận, Xưởng tái sinh của Nguyễn Quốc Dân, CAB Hội An của Chinh Ba, xưởng tre Taboo Bamboo của Võ Tấn Tân, xưởng vẽ tranh lụa của Phạm Ngọc Trâm, Vườn giấy Việt (từ cây dừa nước) của Trương Tấn Thọ... Làng chài Tân Thành là không gian sáng tạo của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước với nhiều dự án phát triển văn hóa và du lịch cộng đồng.

      Những không gian văn hóa sáng tạo điển hình về công nghiệp văn hóa có thể kể đến: Đảo Ký ức Hội An là một tổ hợp du lịch giải trí trên nền tảng văn hóa nghệ thuật - trình nghề và các sản phẩm thủ công tiêu biểu chế biến ẩm thực truyền thống. Cốt lõi là show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” với hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên, được bình chọn là chương trình nghệ thực cảnh quy mô lớn nhất và hay nhất Việt Nam. Trung tâm biểu diễn Lune Hội An là nhà hát bằng tre duy nhất tại Việt Nam với các chương trình độc đáo kết hợp giữa xiếc và nghệ thuật dân gian.

      Khu Du lịch sinh thái Cồn Bắp có không gian giao lưu văn hóa và biểu diễn ngoài trời trưng bày các sản phẩm và công cụ sản xuất, bảo tàng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Công viên Đất Nung tại Trung tâm làng gốm truyền thống Thanh Hà, là không gian kiến trúc độc đáo, hội tụ đông đảo kiến trúc sư, nghệ sĩ, nghệ nhân trong và nước ngoài tham gia các xưởng sáng tác, tạo mẫu và giao lưu văn hóa nghệ thuật, truyền nghề cho thiếu nhi.    

      Sáng tạo là động lực hành động

      Hội An xác định tầm nhìn và các định hướng chính sách trở thành một thành phố tiên phong của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á về mô hình phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hóa và sinh thái. Văn hóa, sinh thái và con người luôn được đặt trong vị trí trung tâm của mọi chiến lược phát triển, thể hiện qua các quy hoạch, đề án và chương trình xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, giàu bản sắc và hội nhập quốc tế; hài hòa và thống nhất về các phương diện văn hóa, xã hội, kinh tế và môi trường

      Hội An đã kiên trì nỗ lực và đạt rất nhiều thành tựu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, thúc đẩy sự sáng tạo của các nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm và thu nhập của người dân, tạo ra các sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo và hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay Hội An đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Nguồn nhân lực trong các hoạt động nghề thủ công và nghệ thuật dân gian suy giảm. Sản phẩm thiếu đa dạng và chưa có nhiều cơ hội đầu ra. Cơ sở vật chất còn thiếu, nhất là những điều kiện đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và tổ chức những hoạt động thực hành, khích lệ và lan tỏa sự tham gia sáng tạo của cộng đồng…

      Trong dòng chảy của toàn cầu hóa, Hội An cần có những cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Hội An rất cần tiếp nhận các yếu tố bên ngoài một cách có chọn lọc để không ngừng làm giàu thêm và tiếp tục tạo ra giá trị gia tăng từ văn hóa bản địa, phát triển một cách bền vững. Để làm được điều đó, Thành phố Hội An đã và đang triển khai thực hiện “Chiến lược xây dựng khả năng chống chịu, phục hồi” dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững được Chính phủ đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự Liên Hợp Quốc 2030. Chiến lược gồm nhiều chương trình hành động, trong đó tập trung xây dựng chính quyền kiến tạo; tạo điều kiện để doanh nghiệp, chuyên gia phát huy khả năng sáng tạo; hướng đến xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khẳng định tầm nhìn Hội An như một thành phố đổi mới sáng tạo toàn cầu.

      Trọng tâm và nền tảng là huy động sự tham gia của đông đảo người dân, nghệ nhân, nghệ sĩ, tầng lớp tinh hoa bình dân, doanh nhân, các chuyên gia… vào các quyết định liên quan đến sáng tạo và phát triển, các thực hành sáng tạo vì sinh kế và kết nối cộng đồng. Phát huy các nguồn lực hợp tác, thúc đẩy thiết kế các dự án, mô hình, không gian sáng tạo; mở rộng hơn chương trình khởi nghiệp, khuyến khích giới trẻ phát triển kỹ năng và sáng tạo, kêu gọi sáng kiến hỗ trợ sản xuất thủ công, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển, đổi mới theo hướng xanh, có chất lượng, đa dạng hóa và tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm, bắt kịp xu hướng thiết kế sáng tạo tiên tiến.

      Điều then chốt vẫn là có sự chuyển đổi trong nhận thức và hành động, làm cho sáng tạo thật sự là niềm cảm hứng cho mọi người. Và xem sáng tạo là phẩm chất của mỗi người chứ không đơn thuần là tài năng!

Tác giả: Nguyễn Văn Lanh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây