Tín ngưỡng thờ Nữ thần ở làng Kim Bồng

Thứ hai - 08/04/2024 00:17
Tín ngưỡng thờ Nữ thần là một trong những loại hình tín ngưỡng phổ biến trong xã hội Việt Nam, tín ngưỡng tôn thờ hình tượng người phụ nữ trên cơ sở truyền thống coi trọng vai trò người mẹ trong gia đình và xã hội người Việt. Từ đó các cơ sở thờ tự, nghi lễ, lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng khác liên quan cũng được hình thành, phát triển, góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hóa Việt Nam. Tại Hội An nói chung, dân gian thường tôn xưng chung các vị Nữ thần là Bà với tâm thế kính ngưỡng.
Di tích lăng Bà (Phước Thắng)
Di tích lăng Bà (Phước Thắng)
 
      Tại làng Kim Bồng xưa, tín ngưỡng thờ Nữ thần là một trong những tín ngưỡng quan trọng trong đời sống cư dân nơi đây, điều đó thể hiện qua việc nhân dân địa phương đã xây dựng các công trình tín ngưỡng để thờ tự các vị Nữ thần và tổ chức các hoạt động nghi lễ liên quan nhằm tôn vinh ơn đức các vị. Trước đây, mỗi vị thần được cư dân xây dựng công trình tín ngưỡng riêng để thờ tự. Tuy nhiên, trải qua biến cố lịch sử đã hủy hoại phần nào các công trình này, do vậy, hiện nay có một số ngôi đình, miếu có sự phối thờ các vị thần khác bên cạnh Thần chủ.

      Qua khảo sát, thống kê trên thực địa cho thấy tại làng Kim Bồng tôn thờ các vị Nữ thần gồm có Ngũ Hành Tiên Nương, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thủy Tinh Thần nữ, Thủy Long Thánh Nương. Cũng như đa số các làng xã khác tại Hội An, cư dân làng Kim Bồng thường tôn kính chung các vị Nữ thần là Bà với tâm thế kính ngưỡng, đối với cơ sở thờ tự Nữ thần thường gọi là lăng Bà.

      Đối với cơ sở thờ phụng riêng vị Ngũ Hành Tiên Nương tại làng Kim Bồng hiện nay chỉ còn di tích lăng Bà Phước Thắng (nay là thôn Phước Trung). Ngũ Hành Tiên Nương là danh xưng gọi chung cho 5 vị Nữ thần, có nguồn gốc là nhiên thần, bao gồm: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi và Thổ Đức Thánh Phi. Ngũ Hành trong quan niệm dân gian liên quan tới mọi mặt đời sống con người, không kể người làm những nghề nghiệp hay sinh sống ở những khu vực khác nhau. Con người thờ Ngũ Hành và cầu mong được ơn trên phù hộ trong việc làm ăn, cầu sức khỏe, may mắn, tránh rủi ro, hoạn nạn trong dòng đời mưu sinh[1].

      Về niên đại xây dựng lăng Bà đến nay vẫn chưa có tư liệu để xác định được, tuy nhiên, qua thông tin hồi cố từ các vị cao niên cũng như quy mô, kiểu dáng kiến trúc, bố cục và hoa văn trang trí có thể đoán định niên đại xây dựng lăng vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ 20. Tại lăng Bà còn được trang trí các câu đối Hán Nôm ca ngợi ơn đức của vị thần chủ: “Hiển hách anh linh chân Thần nữ, Chiêu chương đức hóa thị Tiên nương”; “Tam tài khởi tá thiệu thiên thu, Ngũ đức hóa sinh thuỳ vạn cổ”.

      Trên khám thờ bàn thờ chính được khảm sành sứ các chữ Hán Nôm được phiên âm là Ngũ Hành miếu. Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ cúng tế trang trọng theo nghi lễ truyền thống ngay tại lăng Bà vào ngày 10 tháng Giêng và ngày 10 tháng 7 Âm lịch. Ngoài ra, tại di tích miếu Trung Giang (thôn Trung Hà), bên cạnh thờ Thần chủ là Quan Thánh Đế Quân thì tại đây còn phối thờ Thành Hoàng và Ngũ Hành Tiên Nương. Tại lăng Ông Phước Thắng (nay là thôn Phước Trung) cũng có sự phối thờ vị Ngũ Hành Tiên Nương tại một gian riêng với Thần vị được sơn son thếp vàng, chạm trổ công phu.

 
Lăng Bà Tân Tịnh
Lăng Bà Tân Tịnh
 
      Tại thôn Đông Hà, trước đây có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như chùa Hội Nguyên, miếu Bà, miếu Thiện Nghệ phổ, nhà Hội… Tiếc thay, do thiên tai địch họa đã làm cho các công trình này đã sụp đổ hoàn toàn; mãi đến những năm gần đây các Đạo hữu Phật tử, cư dân địa phương mới có điều kiện phục hồi lại được chùa Hội Nguyên và miếu Bà. Theo lệ truyền, hàng năm cư dân địa phương vẫn duy trì lễ cúng tại miếu Bà vào ngày 16 tháng Giêng.

      Trước đây, cư dân địa phương tổ chức lễ cúng tế các vị Tổ nghề ngay tại miếu Thiện Nghệ phổ. Khi miếu không còn thì người dân đã chuyển về tổ chức tại đình Tiền hiền Kim Bồng. Đây là một hoạt động ý nghĩa, nhân văn nhằm thể hiện sự tưởng nhớ, tạ ơn các vị Tổ nghề, Tiền hiền của làng, đồng thời cầu mong ơn trên gia hộ cho công việc làm ăn của dân làng được “thuận buồm xuôi gió” trong năm mới; đặc biệt trong đó có thể hiện sự tôn kính đối với vị Nữ thần Cửu Thiên Huyền Nữ - vị thần được người Việt tôn sùng là tổ của nghề mộc, nghề nề.

      Tại thôn Trung Hà hiện nay, trên tuyến đường giao thông dọc theo bờ sông còn hiện diện một cơ sở thờ Bà của cư dân xóm Tân Tịnh (cách miếu Trung Giang khoảng 100m về hướng Đông Bắc) với tên gọi là lăng Bà Tân Tịnh. Nguyên trước đây, lăng Bà Tân Tịnh có qui mô tương đối lớn nhưng bị sạt lở xuống sông, về sau người dân địa phương xây dựng lại với quy mô nhỏ để thờ tự Bà. Tại đây có một tấm sa thạch, tương truyền là của lăng Bà trước đây, bề mặt tấm sa thạch được chạm trổ khá đẹp, tinh xảo, chạm nổi kiểu thức “tam sơn”, trong đó vị trí chính giữa chạm trổ đồ án đầu con giao lá đội mặt nhật, viền trong chạm nổi hồi văn chữ Vạn (卍), hai bên trang trí đồ án Đông bình Tây quả.

      Tại di tích lăng Ông Phước Thắng (nay là thôn Phước Trung) ngoài thờ Thần chủ là Cao Các Đại Vương thì tại đây còn phối thờ các vị Nữ thần như Ngũ Hành Tiên Nương, Thủy Tinh Thần Nữ, Thủy Long Thánh Nương. Các vị Nữ thần này đều có thần vị riêng bằng gỗ, sơn son thếp vàng với đường nét trang trí khá đẹp mắt.

      Về nguồn gốc, lai lịch của vị Thuỷ Long Thánh Nương, các nhà nghiên cứu đã nhận định đây là vị Nữ thần mang yếu tố sông nước khá phổ biến trong văn hoá tín ngưỡng của cư dân duyên hải miền Trung và miền Nam. Là một vị phúc thần bảo hộ ngư dân trong công việc khai thác nguồn lợi trên sông nước, do đó Thuỷ Long Thánh Nương đã được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong, chuẩn cho nhân dân các nơi được thờ phụng. Thần vị của Thuỷ Long Thánh Nương tại di tích lăng Ông đề các dòng chữ Hán Nôm được phiên âm là Phụng thỉnh Thuỷ Long Thánh Nương gia tặng Linh diệu Chiêu ứng tôn thần.

      Về nguồn gốc, lai lịch của vị Thuỷ Tinh Thần Nữ, đây là một vị Nữ thần thuộc chư thần của Thuỷ phủ với danh hiệu là Đệ nhị cung Thuỷ Tinh Thần (Thánh) Nữ. Cũng như Thuỷ Long Thánh Nương, vị Thuỷ Tinh Thần Nữ có quyền năng phò trợ đối với chủ thể trong nghề nghiệp gắn liền với sông nước, biển cả. Thần vị của Thuỷ Tinh Thần Nữ tại di tích lăng Ông đề các dòng chữ Hán Nôm được phiên âm là Phụng thỉnh Thuỷ Tinh Thần Nữ Nương Nương thần vị).

      Qua hệ thống thờ tự các vị Nữ thần, có thể nhận thấy vị thế quan trọng của Nữ thần trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cư dân làng Kim Bồng. Sự hiện diện của các vị Nữ thần trong hệ thống thần linh được tôn thờ tại đây đã góp phần tạo nên giá trị văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của làng Kim Bồng, thể hiện dấu ấn sâu đậm của quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa tại vùng đất Kim Bồng nói riêng, Hội An nói chung trong lịch sử, đồng thời còn góp phần tạo nên sự đa dạng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.


* Tài liệu tham khảo:
1. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2015), Thông tin nghiên cứu Kim Bồng - Cẩm Kim.
2. Phạm Hữu Đăng Đạt (2002), Chuyện làng nghề đất Quảng, Nxb Đà Nẵng.
3. Các hồ sơ di tích trên địa bàn thành phố Hội An, hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
 
[1] Ngô Đức Thịnh, Ba dạng thức thờ Mẫu của người Việt, Website của khoa Văn hóa học, trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây