Bà Thủy Long là vị thần sông nước phổ biến trong văn hóa của cư dân duyên hải vùng Trung Bộ và Nam Bộ. Thần còn có tên gọi khác là Thủy Long Thánh Phi, Đệ nhất Thánh Phi nương nương, hay Thủy Long Hà Bá Thủy Quan tôn thần, dân gian thường gọi là Bà Thủy. Bà Thủy thường được thờ ở các ngã ba sông gắn với niềm tin của người dân miền biển rằng sẽ được Bà độ trì cho dân chài lưới vào lộng ra khơi được bình yên. Triều đình nhà Nguyễn gia tặng sắc phong cho thần là Uông nhuận Hoằng hạp Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần.
Lễ cúng tại lăng Bà An Bàng - Ảnh: Hồng Việt
Các vị thủy thần với những danh xưng Bà Thủy hay Bà Thoải, Yang Dak, phổ biến từ Bắc đến Nam. Danh xưng “Thuỷ Long thần nữ” liên quan đến hình tượng rồng - một thực thể gắn với nước. Người xưa phân chia giống rồng làm ba loại chính. Con lung (long) là giống có quyền lực nhất và thường cư ngụ trên trời. Con ly có sừng và sống dưới biển. Con giao mình phủ đầy vảy, thường sống ở các đầm lầy hay hang sâu trên núi. Tuy con lung (long) ở trên trời, nhưng hơi thở của long từ miệng phun ra như mây. Thỉnh thoảng biến thành nước và có khi trở thành lửa. Như vậy, long biểu tượng cho cả thủy lẫn hỏa - hai mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng. Do tính chất vốn là linh vật thủy sinh, hoặc có năng lực tạo ra mưa, lũ, cuộc sống của rồng gần gũi với nước, và hiện hữu trong nước như một thuộc tính, nên, phần lớn những thần hiệu liên quan đến chữ long trong truyền thuyết dân gian, đều nằm trong vùng quyền năng từ nước và của nước.
Trong thủy giới có sự quần tụ khá phong phú của nhiều vị thần trong quan niệm của dân gian. Sự hình thành mỗi vị thần trong thế giới thủy cung có khá nhiều tính chất đồng và dị, bị chi phối bởi vùng địa lý, đặc trưng tộc người, tín ngưỡng địa phương, giao lưu và ảnh hưởng văn hóa… Ở tín ngưỡng thờ Mẫu, đứng đầu Thủy phủ có “Thủy phủ chúa Động Đình Bắc Hải Đế quân” (nam thần) và Thủy phủ Long cung Thánh Mẫu (nữ thần). Và chư thần ở Thủy phủ hội tụ như một triều đình: Đệ nhất cung Xích Long tiên nữ, Đệ nhị cung Thủy tinh Thánh nữ, Đệ tam cung Xích Lân tiên nữ - Bạch ngọc Hồ trung Thủy tinh công chúa (Cô Ba thủy phủ), Đệ tứ triều Khâm sai Thánh nữ, Thủy giới Long cung chư vị Thánh bà, Thập nhị Thủy tề Tôn ông (12 ông Hoàng), Thủy phủ Ngũ vị Xích lân Hoàng tử, Tam vị Phụ quốc Trạng nguyên tôn ông, Ngũ phương duyệt lộ Hà Bá thủy quan, Tào liêu phán thuộc sỹ tốt lại binh. Nếu nhìn trên góc độ đối sánh, Thủy Long Thần Nữ không nằm trong khung những vị thần của tín ngưỡng thờ Mẫu, mà là sản phẩm thuần đặc trưng của cư dân gắn với sông nước. Và bản thân những vị thủy thần cũng là sản phẩm bị chi phối bởi văn hóa của từng địa phương trên nền ứng xử của con người với mỗi thủy vực cụ thể.
Khi định vị Thủy Long Thần Nữ trong quan niệm và đời sống tâm linh của cư dân sông biển, chúng ta cần đặt vị thần này trong tập hợp hay một khái niệm lớn hơn, đó là Thủy thần. Nếu nhìn ở góc độ phổ biến của hiện tượng, thì hệ thống thủy thần được tín mộ và thờ phụng của cư dân miền Trung và miền Nam nhiều hơn hẳn miền Bắc. Tín ngưỡng tứ pháp với quyền năng của 4 vị: Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Điện, Pháp Vũ, gần gũi với đời sống tín ngưỡng của cư dân miền Bắc. Điều này đã phản ánh sự khoanh tròn ước vọng của người nông dân nơi đây, xoay xung quanh việc cầu mưa (mây, sấm, chớp, mưa), nổi trội tâm thức nội đồng, và ít nhiều xa cách với những mối đe dọa từ biển.
Lễ cúng tại lăng Bà An Bàng - Ảnh: Hồng Việt
Việc thờ Ngũ Hành Nương Nương phổ biến ở cư dân miền Trung và miền Nam, thực chất họ không chú trọng hay biết tới quyền năng đích thực của các nữ thần này trong ý nghĩa tối thượng: cội nguồn của sự vận động không ngừng và tác động lẫn nhau của vật chất trong thiên nhiên, đưa đến sự biến hóa của mọi vật mà bởi niềm tin các vị thủy thần tạo nên cuộc sống của chính họ, làm nên họa phúc cho chính họ. Ở đây, thực chất hiện tượng thờ Ngũ hành trong các miếu chỉ là một dạng phiếm chỉ nhằm tôn vinh hai bà Thủy và Hỏa. Nhất là Bà Thủy, vì hệ thống miếu độc lập dành riêng cho Bà Thủy chiếm một vị trí khuynh loát so với Bà Hỏa. Khi Bà Thủy khi được tách khỏi Ngũ Hành Nương Nương để thờ phụng trong dân gian, thường hiện thân một cách độc lập (có quá trình), và, trong một số trường hợp, vị nữ thần này chẳng còn liên quan đến ý nghĩa là một thành tố của ngũ hành nữa.
Từ Bà Thủy, nhiều làng xã đối mặt với sông biển đã dần dần tiếp thêm một linh hiệu gắn liền với Bà qua tên gọi Thủy Long. Trong quan niệm dân gian, Bà là nữ thần giếng, Thần sông rạch, Thần cù lao, Thần hải đảo, tức vị thần cai quản vùng sông nước. Cũng có quan niệm Bà là hóa thân của Thiên Y Ya Na. Vị thần này thể hiện tính lưỡng diện, một mặt, Bà là nơi ngư dân gửi gắm sự bảo trợ của mình trong mỗi chuyến đi biển đầy thách thức và may rủi, mặt khác, nếu họ làm điều gì “xúc phạm” tới Bà, như thả các vật dụng xuống “thủy cung”, cứu người đã bị Bà “dìm” chết để trừng phạt, không làm lễ “vớt vong” hay “chuộc vong”… thì Bà lại trở thành vị ác thần đáng sợTrong nghiên cứu của mình về Tục thờ Mẫu ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Nguyễn xuân Hương đã liên tưởng giữa Bà Thủy Long Hà Bá với Bà Ma Nha, hay Ma Da. Đó là danh xưng mà người Bắc miền Trung thường gọi là Ma Rà. Đồng dao xứ Huế có đoạn hát về Ma Rà rằng: “Thả đĩa ba ba/Chớ bắt đàn bà/Tha tội đàn ông/Cơm trắng như bông/Gạo thuyền như nước/ Sang sông về đò/Chở mắm chở muối/Chở chuối hạt tiêu/Chở niêu cứt gà/Ai mà chịu bắt/Làm con Ma Rà”.
Trên thực tế Bà Thủy, là tên gọi phiếm xưng để chỉ một thế lực đầy quyền năng phò trợ, hoặc răn đe, phần lớn liên quan trực tiếp đến cuộc sống và nghề nghiệp của lớp cư dân sống gắn liền với sông biển. Bà Thủy có thể được tái lập hình tượng trong những cộng đồng cư trú khác nhau, hoặc, được quan niệm một cách không giống nhau trong sự định vị về vai trò và chức năng. Chính vì vậy, sự nhập nhằng giữa Mẫu Thủy (Mẫu Thoải) với Bà Thủy; sự đồng - dị giữa Ma Da (Ma Rà) với bà Thủy; điều giống nhau và khác nhau giữa Bà Thủy và những nhân vật hiển thần trên sông biển; những hóa thân của Thiên Y A Na… Tất cả đều xuất phát từ những điều kiện cụ thể của cộng đồng từng nơi, mức độ ảnh hưởng của giao lưu văn hóa, cũng như sự tác động trong hiệu ứng truyền miệng dân gian. Điều có thể khẳng định được là mối quan hệ trực tiếp và gắn kết giữa Bà Thủy với Thủy Long Thần Nữ trên cơ tầng văn hóa bản địa liên quan với môi trường sông biển, nhưng, trên dạng biểu tầng, Thủy Long Thần Nữ hiện thân dưới nhiều hình tượng khác nhau trong mỗi cộng đồng và từng địa phương, từng vùng.
Như vậy, Thủy Long Thần Nữ là mỹ tự, tên chữ, xuất hiện phổ biến trong văn cúng, sắc phong trong lễ nghi của cộng đồng làng xã. Ban đầu vị nữ thần này là một thành viên trong tập hợp của Ngũ Hành Nương Nương, nhưng do vị trí đặc biệt thiết thân với sự sống còn của cư dân gắn liền với sông biển và sinh kế của họ trong môi trường nước. Bà Thủy đã dần dần tách khỏi chư thần của Ngũ Hành và tồn tại một cách độc lập trong các miếu thờ. Yếu tính là thành viên của một nhóm gồm nhiều nữ thần đứng cạnh, từ sự ly khai chủ quan này, đã dần dần mất đi hình ảnh vốn có, thậm chí phai mờ hoặc xóa hẳn gốc gác để trở thành một hình tượng mới trong quy luật bản địa hóa.
Tại Hội An, chỉ làng Thanh Hà là có sắc phong riêng vị thần này vào năm Khải Định thứ 2 (1917), và sắc phong chung với các vị thần khác vào năm Khải Định thứ 9 (1924), nay chỉ còn bản sao. Theo nội dung bản sắc phong năm Khải Định thứ 2 (1917), Bà Thuỷ Long được trứ phong là Uông nhuận Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần. Đến năm Khải Định thứ 9 (1924), bà Thuỷ Long được gia tặng Hoằng hạp thượng đẳng thần.
Mặc dù duy chỉ có làng Thanh Hà có sắc thờ bà Thuỷ Long, nhưng trên thực tế nhiều làng xã ở Hội An vẫn có thờ vị thần này.
Tại khu vực An Bàng, Cẩm An, bà Thuỷ Long được cộng đồng cư dân địa phương phụng thờ tại di tích lăng Bà. Hiện chưa có tư liệu xác định chính xác thời gian xây dựng lăng Bà. Theo điều tra hồi cố các vị cao niên ở An Bàng cho biết, vào đầu thế kỷ XX lăng Bà đã được xây dựng và đến năm 1954 thì bị sụp đổ hoàn toàn do chiến tranh. Đến nay lăng Bà đã trải qua nhiều lần xây dựng mới và trùng tu, lần gần nhất vào năm 2015.
Trong không gian di tích hiện nay còn lưu giữ các cặp câu đối ca ngợi công tích của Bà Thuỷ Long như:
“Long thần hiển hách anh linh tại
Phù trì bổn vạn đắc vinh quang”
hay
“Thuỷ Long linh ứng thiên thu tại
Tiên nữ thông tri vạn linh tồn”.
Hàng năm, cư dân địa phương vẫn duy trì các lễ cúng Bà tại di tích vào ngày rằm tháng Giêng và ngày 12 tháng 6 âm lịch. Trong dịp này, bà con nhân dân làm lễ cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, tạ ơn các vị thuỷ thần đã phù trợ nhân dân.
Tài liệu trích dẫn:
Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế - Nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa, tr.102.
Nguyễn Hữu Thông, (2001), Sách đã dẫn, Nxb Thuận Hóa, tr.117.
Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.44.
Nguyễn Xuân Hương (2005), “Tục thờ Mẫu ở Quảng Nam, Đà Nẵng”, Tạp chí Văn hóa Dân gian số 1/2005.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2021), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 6: Sắc phong, Nxb Đà Nẵng, tr.123-124.
An Bàng trước đây thuộc Tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Theo Nguyễn Cường, “Di tích lăng Bà Cẩm An”, Tập Thông tin nghiên cứu Bảo tồn Di sản số 1 (37)-2017.