Cẩm Kim tham gia giải phóng quê hương Hội An

Chủ nhật - 30/03/2025 22:31
Cẩm Kim có vị trí chiến lược về chính trị, quân sự bởi đây là hành lang hiểm yếu ở Tây Nam Hội An, Cẩm Kim còn là một làng quê giàu truyền thống văn hóa, có bề dày lịch sử đấu tranh chống thực dân, phong kiến.
     Trong giai đoạn cách mạng từ 1930 - 1975, nơi đây thường xuyên bị địch phong tỏa, càn quét song với sự anh dũng, kiên cường, nhân dân Cẩm Kim đã vượt qua khó khăn, lập nên nhiều thành tích, chiến công. Cẩm Kim đã trở thành một địa phương cấp cơ sở ở Hội An có Tổ đảng hình thành sớm (1930), có phong trào cách mạng Tiền khởi nghĩa mạnh. Đảng bộ xã Cẩm Kim cũng đã xây dựng tốt chính quyền, hậu cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp.

     Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ, nhân dân Cẩm Kim đã vượt qua gian khổ, kiên trì bám trụ, từng bước giành thắng lợi trong các giai đoạn chiến tranh và có những đóng góp đặc biệt, tham gia cùng các lực lượng cách mạng ở Hội An tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương.

 
giai phong cam kim
Mitting mừng giải phóng Hội An - Ảnh tư liệu

     Cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến trường có những chuyển biến mau lẹ, hết sức thuận lợi cho cách mạng miền Nam vì vùng giải phóng được mở rộng trong thế liên hoàn nhiều huyện, tỉnh. Do vậy, từ ngày 30/12/1974 đến ngày 07/1/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng mở hội nghị mở rộng và nhận định rằng: Điều kiện để giải phóng miền Nam đã chín muồi. Trong lúc này, tỉnh Phước Long (Bình Phước ngày nay), nơi cách Sài Gòn khoảng 100km đã được giải phóng. Tin này củng cố thêm quyết tâm đề ra nhiệm vụ lịch sử của Bộ Chính trị là: thực hiện tiến công và nổi dậy trên quy mô lớn, mở những chiến dịch hợp đồng binh chủng và phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực. Đồng thời Hội nghị vạch ra những phương hướng tiến công cụ thể cho từng chiến trường[1].

     Ngày 31/01/1975, Đặc khu ủy Quảng Đà họp Hội nghị mở rộng tại xã Xuyên Hiệp thuộc vùng núi Hòn Tàu đã chủ trương tranh thủ thời cơ, giải phóng từng phần, tiến lên giải phóng từng mảng, làm chủ nông thôn.

     Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, cao trào tiến công nổi dậy, giải phóng miền Nam năm 1975 được mở đầu bằng chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột thắng lợi ngày 10/3/1975. Từ đó, quân ta tiến lên làm chủ Tây Nguyên. Sau đó, quân giải phóng đã phá tan hệ thống phòng ngự của địch ở Vĩ tuyến 17, tiến vào giải phóng thị xã Quảng Trị (ngày 19/3), thành phố Huế (ngày 25/3). Trong khí thế tiến công mạnh mẽ của quân giải phóng, tỉnh lỵ Tam Kỳ cũng được giải phóng vào ngày 24/3. Mất Huế, Quảng Trị, Tam Kỳ, quân địch co cụm về Hội An, Đà Nẵng. Nhưng quân địch ở Hội An và Đà Nẵng vẫn còn nuôi ý chí tử thủ bằng việc đưa thêm 2 tiểu đoàn Bảo An, pháo hạng nặng vào thị xã.

     Mặc dù địch có ý định tử thủ nhưng tin vui thắng trận trên chiến trường miền Trung diễn ra liên tiếp, làm cho khí thế giải phóng trong nhân dân Hội An càng dâng cao thêm. Đảng bộ thị xã nhận thấy cơ hội giải phóng hoàn toàn thị xã đã chín muồi nên đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa thị xã gồm các đồng chí Võ Hiên (Bí thư Thị ủy), Nguyễn Đức Minh, Đinh Văn Hớn, Phạm Văn Tín, Nguyễn Hưng... Thị ủy chủ trương xây dựng tốt lực lượng chính trị quân sự hợp pháp (tại vùng địch) để hỗ trợ trong công tác hậu cần, vận chuyển, thông tin, binh vận... và tập trung khởi nghĩa nhanh chóng, hạn chế thương vong.

     Trong những ngày cuối tháng 3, Cẩm Kim trở thành trọng điểm của sự chuẩn bị, khởi đầu một cuộc khởi nghĩa lịch sử, đồng chí Võ Hiên - Bí thư Thị ủy và một số đồng chí trong Ban thường vụ Thị ủy đã về vùng Thượng Phước - Cẩm Kim trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa của thị xã. Nhiều cán bộ của thị xã được phân công nắm các cơ sở công đoàn vận tải để chuẩn bị phương tiện giải phóng. Đồng chí Phạm Văn Tín, Phan Xuân Nhẫn được Thị ủy phân công về Cẩm Kim trước vài ngày, chuẩn bị lực lượng ở Cẩm Kim, Ngọc Thành - Cẩm Phô để tiến vào nội ô thị xã từ phía Tây Nam.

     Lúc này lực lượng bám trụ ở vùng giải phóng Cẩm Kim có 6 đảng viên, do đồng chí Phạm Tín - cán bộ của Thị ủy đứng điểm chỉ đạo tại xã, đồng chí Huỳnh Tấn Lộc được phân công phụ trách các thôn 1, 2; đồng chí  Nguyễn Văn Tiến, Đặng Thành phụ trách căn cứ Thượng Phước, phối hợp cho cuộc nổi dậy của nhân dân xã; nhiều đảng viên được phân công vận động nhân dân chuẩn bị lương thực, ghe thuyền đưa cán bộ Thị ủy, bộ đội thị xã, quần chúng sang sông giải phóng Hội An khi có lệnh. Du kích xã được kịp thời bổ sung lên thành 1 trung đội do đồng chí Nguyễn Thái chỉ huy để hỗ trợ lực lượng chính trị giải phóng xã nhà. Vào các ngày cuối tháng 3/1975, quân, dân Cẩm Kim tập trung cao nhất vật lực cho ngày nổi dậy, giải phóng quê hương, tích cực đào hầm, công sự, dựng lán trại tạo nơi ăn ở, họp bàn ở Thượng Phước để đảm bảo an toàn cho các đồng chí Thường vụ Thị ủy, cán bộ thị xã, bộ đội hoạt động. Các cơ sở hợp pháp tập trung công tác binh vận, tung tin về những chiến thắng của quân giải phóng ở miền Nam, uy hiếp tinh thần bọn địch ở Ngọc Thành nhằm khống chế sự phản công của địch khi ta tiến công.

     Nhằm mở rộng hành lang hoạt động từ Thượng Phước đến Ngọc Thành, mở đường cho quân tiến công trong cuộc khởi nghĩa sắp tới, vào ngày 20/3/1975, du kích Cẩm Kim đánh triệt hạ đồn thôn 3 - chốt điểm của địch ở khu vực nối giữa Thượng Phước và Ngọc Thành, loại khỏi vòng chiến đấu và bắt sống nhiều quân địch. Tuy nhiên, trong trận đánh này hai đồng chí Nguyễn Bé, Nguyễn Đình Tiến đã anh dũng hy sinh vào thời điểm chưa kịp chứng kiến quê hương được giải phóng hoàn toàn.

     Đến chiều ngày 26/3/1975, Ban khởi nghĩa Thị ủy Hội An triển khai thế trận tiến công cho các mũi, quán triệt chủ trương: Bằng mọi giá, lực lượng vũ trang địa phương, chính trị phải hợp đồng tác chiến hiệu quả, giải phóng thành công thị xã Hội An. Chiều ngày 27/3/1975, lệnh tấn công giải phóng Cẩm Kim được phát ra. Ở các thôn 1, thôn 2, các cán bộ binh vận hợp pháp đã tung tin: quân giải phóng đang tiến đánh Hội An khiến quân địch hoang mang và lần lượt từ bỏ các chốt điểm, ra hàng. Ở thôn 2, đội ngũ quân sự, chính trị, binh vận, du kích tấn công vào đồn, buộc địch giao nộp súng và kết hợp đánh chiếm toàn bộ các đồn địch, tấn công các tên chủ chốt trong cơ quan ngụy quyền Cẩm Kim, phá tan các khu dồn.

     Đến tối, Ban khởi nghĩa Cẩm Kim tổ chức mít tinh mừng thắng lợi giải phóng, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời do đồng chí Phạm Văn Tín làm Chủ tịch ra mắt nhân dân. Ủy ban ra lời kêu gọi bà con sẵn sàng thế trận giải phóng Hội An.

     03h ngày 28/3/1975, lệnh tấn công giải phóng thị xã được ban hành, một số cán bộ Cẩm Kim đã dẫn đường cho quân chủ lực từ Cẩm Kim tiến ra Đà Nẵng, chuẩn bị giải phóng thành phố này. Ở Cẩm Kim, quân ta mở đường cho hàng chục ghe, thuyền xuất phát từ cánh Cẩm Kim đưa hàng trăm cán bộ Thị ủy, bộ đội, du kích, quần chúng sang sông, tiếp cận vùng Ngọc Thành, phối hợp với các mũi tấn công phía Đông, phía Bắc cùng tiến về các cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Nam của địch đóng ở Hội An. Quân, dân Cẩm Kim và Bộ đội Thị xã nhanh chóng làm chủ khu vực phía Nam Hội An. Sau đó, các cánh quân tấn công quận lỵ Hiếu Nhơn, nội ô Hội An.

     Đối chọi với sức mạnh được vun đắp sau 20 năm kháng chiến của lực lượng cách mạng, bọn địch ở Hội An phải buông súng, đầu hàng. Đúng 6h ngày 28/3/1975, cờ giải phóng tung bay trên tòa Tỉnh tưởng ngụy và phất phới trên phố phường Hội An, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Hội An kết thúc thắng lợi hoàn toàn.

     Trong những ngày tháng 3 sôi động, trào dâng niềm vui chiến thắng ấy, thực hiện sự chỉ đạo của Thị ủy Hội An, Đảng bộ Cẩm Kim tập trung vận động binh lính ngụy ra hàng. Có hơn 450 quân nhân, người làm việc cho chính quyền chế độ cũ ở Cẩm Kim lần lượt trình diện, nộp hơn 350 súng đủ loại. Trong lúc tiến quân sang Ngọc Thành để tiến vào giải phóng nội ô Hội An, một số cán bộ Cẩm Kim được phân công ở lại Ngọc Thành, vận động nhân dân trở về các thôn 1, 2, 3 nhằm chuẩn bị cho công tác xây dựng chính quyền sắp tới.

     Ngay sau ngày Hội An được hoàn toàn giải phóng, lực lượng vũ trang xã được huy động thêm quân số lên đến 1 đại đội để phục vụ cho công tác củng cố trật tự trị an, tiếp nhận tù binh, đưa dân về quê cũ sinh sống và chuẩn bị sức người, sức của góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh vào tháng 4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

     Từ sự nghiêm túc lãnh hội chỉ đạo của cấp trên, duy trì tinh thần đoàn kết nội bộ, kiên trì bám trụ, sâu sát với nhân dân, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị bạn, các lực lượng cách mạng Cẩm Kim đã từng bước đưa phong trào cách mạng xã nhà vượt khó khăn này đến khó khăn khác, làm thất bại các âm mưu chiến tranh của Mỹ - ngụy, tiến đến giành thắng lợi cuối cùng. Góp phần cho quê hương Hội An được giải phóng còn có sự hy sinh anh dũng của 131 người con Cẩm Kim. Thành quả này còn bắt nguồn từ sự bảo vệ, nuôi giấu, giúp sức, dũng cảm đương đầu với địch trong các đợt đấu tranh chính trị của các mẹ, các chị... Đảng bộ, nhân dân Cẩm Kim đã trải qua 21 năm chiến đấu anh dũng, hy sinh mang lại hòa bình cho quê hương.

     Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh lớn lao của Đảng bộ và nhân dân Cẩm Kim trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân vào năm 2000.
 
[1] Đảng Cộng sản Việt nam (2004), Kết luận đợt hai hội nghị Bộ chính trị - Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36 (năm 1975), Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.6, 9.
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây