Kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại Bãi Ông (Hòn Lao) cho thấy, cách đây hơn 3000 năm, con người đã đến sinh sống và biết cách khai thác các lợi thế, ưu đãi về điều kiện tự nhiên để phục vụ cuộc sống của mình. Trải qua các thời kỳ từ Tiền Sơ sử, Champa, Đại Việt - Đại Nam đến ngày nay, các lớp, các thế hệ cư dân Cù Lao Chàm bên cạnh phát huy lợi thế là đảo tiền tiêu ven biển Đông để trở thành bến cảng - điểm trung chuyển trong “con đường gốm sứ”, “con đường hương liệu” trên biển, việc chinh phục, khám phá vùng biển đảo Cù Lao Chàm cũng luôn được chú trọng mà minh chứng là hệ thống địa danh - tên gọi địa lý với hơn nửa nghìn đơn vị còn lưu lại cho đến ngày nay.
Các tư liệu lịch sử cho biết, Cù Lao Chàm trước đây còn có các tên gọi khác nhau như Sanf-Fulaw, Cham Pulaw, Ciam pullo, Pulociam pello, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La, Đại Chiêm dữ, Ngoạ Long dữ… Mô tả về Cù Lao Chàm vào năm 1696, Thiền sư Thích Đại Sán viết trong Hải ngoại kỷ sự: “Mấy hòn đảo bao quanh như vành ghế, ở giữa một vùng đất bằng phẳng, phía Đông khuyết, có 2 hòn núi, hai bên đối nhau như cửa ải làm cửa cho tàu thuyền ra vào (…). Dưới chân núi, một bãi cát bằng phẳng hình bán nguyệt. Có rải rác non trăm chiếc nhà tranh. Trừ những người già cả và trẻ con, có chừng 300 tráng đinh, dân nội tịch, sanh nhai bằng hai nghề đánh cá và hái củi. Cá nắm bay mùi hôi nhà nào cũng vậy. Núi toàn đá, cây cối rậm rạp, hoa quả khắp núi làm đồ ăn cho chim chuột và mục đồng”[1]. Còn Quốc sử quán triều Nguyễn thì chép trong Đại Nam nhất thống chí rằng: “Ở cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía Đông, ngất ngưởng giữa biển gọi là đảo Ngọa Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa Đại Chiêm. Dân phường Tân Hợp ở phía Nam núi, ruộng đất trên núi có thể cày cấy, thuyền biển nước ta và nước ngoài thường trông núi này làm chừng đi về đều đổ ở đấy để lấy củi, nước”[2]. Trong Hải trình chí, Phan Huy Chú ghi “[Đảo] Đại Chiêm (tên tục là “Cù Lao Chàm”) [thuộc] Quảng Nam là ngọn núi cọc tiêu thứ nhất trên hải trình. Từ cửa biển đi thuyền [đến đó] chừng hơn một canh giờ. Trên đảo có phường Tân Hiệp, dân cư đông đúc, núi nhiều tổ yến, triều trước(triều Lê) giao cho đội Hoàng Sa thu lượm…”[3]
Qua các tư liệu trên cũng cho biết rằng cư dân Đại Việt đã đến sinh sống, lập nên làng xã tại Cù Lao Chàm từ thời Lê với tên gọi là phường Tân Hiệp mà một số tư liệu gọi là Cù Lao xã[4]. Dưới thời Nguyễn, phường Tân Hiệp thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hoà Vang, phủ Điện Bàn. Trước năm 1975, Tân Hiệp là một ấp của xã Cẩm An, quận Hiếu Nhơn, sau ngày đất nước thống nhất, thôn Tân Hiệp thuộc xã Cẩm An, thị xã Hội An. Tháng 8 năm 1978, theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nay là Chính phủ), Tân Hiệp được tách thành xã đảo trực thuộc thị xã (nay là thành phố) Hội An với các thôn Bãi Hương, Bãi Làng và Bãi Ông.

Một góc Bãi Làng nhìn từ trên cao - Ảnh: Quang Ngọc
Trong 8 hòn đảo của Cù lao Chàm được khắc ghi trong ca dao lưu truyền từ xa xưa: “Ra Lao đón Lụi thật Dài, chờ cho Khô, Lá xuống Tai chực Nồm, duy chỉ Hòn Lao là có con người sinh sống. Hòn Lao với địa thế sườn Đông Bắc là những vách đá xừng xửng quanh năm âm vang sóng vỗ vào những hang đá nơi chim yến làm tổ, thì ngược lại sườn Đông Nam thoai thoải với những thung lũng đất tích tụ thuận lợi cho việc trồng trọt và những bờ - bãi biển cát trắng phù hợp cho cư dân trú ngụ như Bãi Hương, Bãi Làng và địa điểm cổ hơn 3000 năm là Bãi Ông. Bản khai folkore của làng Tân Hiệp năm 1943 cho biết “xã có 20 mẫu ruộng một vụ, có rừng, dân số được 300 nhân mạng. Thổ sản của làng này đặc biệt hơn hết là gỗ, cây, củi, mây, lá tơi cùng nhiều nhất là yến, đồi mồi, xà cừ. Làng có ruộng nên dân làng chuyên về nghề nông một ít. Nghề đánh cá cũng thịnh hành. Nghề làm củi trong những tháng mà không làm ruộng và không đánh cá”[5].
Chính do cư dân chủ yếu làm nghề nông với canh tác nương rẫy và trồng lúa trên ruộng bậc thang, khai thác lâm thổ sản trên đảo và đánh bắt hải sản quanh đảo nên việc quan sát, ghi nhận những đặc điểm đặc trưng về địa hình địa mạo sinh thái,… của từng khu vực, địa lý tự nhiên rồi đặt tên để ghi nhớ thuận tiện cho việc đi lại, chỉ dẫn trong canh tác, khai thác, đánh bắt,… đã tạo nên hệ thống đơn vị địa danh hết sức phong phú mà ít nơi nào có được. Qua thống kê trong địa bạ xã Tân Hiệp lập năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), sao lại năm Bảo Đại thứ 2 (1927) cho thấy, liên quan tới các xứ đất canh tác nông nghiệp có đến 55 đơn vị như: Rộc Kèo, Cây Dông, Cây Kiến, Cây Thị, Viên xứ, Ruộng Bến/Biển, Ông Vanh, Rộc xứ, Giốc Cùng, Man xứ, Cửa Máng, Trồng Dừa, Ruộng Máng, Ruộng Trên Cây Khô, Ruộng Trong, Ông Du, Ruộng Sum, Ruộng Viên, Ruộng Diêu/Gieo, Trong Máng, Trên Cồn, Trong Khe, Cây Tre, Đôi Đũa, Bên Mang, Bãi Làng Ông Quốc, Bãi Bìm, Rộc Mang, Ông Rộc, Bãi Ông, Ruộng Rộc, Ruộng Xe, Dưới Dược, Vũng Cầu, Ruộng Trên, Bãi Hương, Nà Khuê, Kèo Xứ, Ông Tôm, Bãi Bấc, Cầu Đá, Ông Tỵ, Ruộng Cồn, Bãi Chồng, Ruộng Cao, Giải Cùng, Ông Thuộc, Ruộng Cạn, Cây Búa, Trên Mương, Ruộng Ké, Ruộng Yến, Mương xứ, Cây Chí, Mít Nài, Sum xứ, Trong Mương, Cây Dầu, Xứng xứ, Đại Thạch, Ông Hói, Bãi Bìm Cây Sanh, Bãi Ông Đại Thạch, Khe Táo, Hà Khuê, Trung Lộc, Hiệp Hòa, Vẻn Kèo, Rộc Khe Trù…[6] Dọc quanh bờ biển Cù Lao Chàm, đặc biệt tại Hòn Lao là hệ thống địa danh hết sức đặc sắc gắn với nhiều từ tố chỉ địa hình tự nhiên như mũi, bãi, hang, vũng, đá… Địa danh mang từ tố chỉ “mũi” xuất hiện đến 50 lần (như mũi Tra, mũi Tai Dưới, mũi Ông Luỵ, mũi Nhàn, mũi Nậy, mũi Nần, mũi Hàm Ếch, mũi Đông Tai, mũi Đá Tròn, mũi Đá Trắng, mũi Đá Gai, mũi Đá Đứng…); “hang” xuất hiện 27 lần (như hang Dơi, hang Cột Buồm, hang Trán Quỹ, hang Tò Vò, hang Cả, hang Trăn, hang Xanh Rêu, hang Kỳ Trâu, hang Bà…); “bãi” xuất hiện 20 lần (như mãi Bấc, mãi Ruộng, mãi Ông, mãi Làng, mãi Xếp, mãi Chồng, mãi Bìm, mãi Cách/Khách, mãi Hương, mãi Nấn,…); “vũng” xuất hiện 19 lần (như vũng Ráng, vũng Bông Trang, vũng Cây Chanh, vũng Cây Trôi, vũng Đá Đen, vũng Đá Đỏ, Vũng Giếng, vũng Hố Lở, vũng Nhàn…). Trên đảo Hòn Lao là hệ thống các địa danh với từ tố chỉ địa hình địa mạo như nỗng (nỗng Bồ, nỗng Cây Lim, nỗng Eo, nỗng Hố Trò…), nhỏn (nhỏn Đài Trên, nhỏn Đài Dưới, gò Cồn…), hòn (hòn dại Trăn, hòn dại Ông Thê, hòn dại Bồ Quân, hòn dại Bò Bò, hòn dại Sơn Nghệ, hòn dại Cồn), gò (gò Cây Cui, gò Bà Cai, gò Cồn), dốc (dốc Suông, dốc Gắm, dốc Đá Bàn…), hố (hố Mít Nài, hố Trò, hố Cạn, hố Chè Tiên, hỗ Lở, hố Ông Chặc…), bằng (bằng Mè, bằng Mít Nài, lằng Than, bằng Lầu Tán…), khe suối (khe Giâm, khe Cây Chè, khe Cây Cừa, khe Cồn, khe Bàn Cờ, khe Cây Dừng, khe Mít, khe Nước Hẻm, khe Nước Nhỉ, khe Ông Thơ, khe Ông Son, suối Bìm, suối Chồng, suối Tình,…)

Một góc Âu Thuyền nhìn từ trên cao - Ảnh: Quang Ngọc
Qua thống kê cho thấy, hệ thống địa danh ở Cù Lao Chàm thể hiện sự kết hợp đa dạng các thành tố của ngôn từ. Có 31 địa danh mang từ tố chỉ người (trong đó có tới 28 địa danh mang từ tố chỉ nam giới) như hang ông Ái, hang ông Đô, bến ông Bùa,...; 92 địa danh mang từ tố chỉ cây cỏ (bãi Bìm, bãi Tra, hố Mít Nài, bằng Lầu Tán. eo Trầu Trên...), 22 địa danh mang từ tố chỉ con vật (đá Kỳ Lân, đá Hàm Ếch, bãi Xếp, hang Trăn, hang Kỳ Trâu...), 22 địa danh mang từ tố chỉ phương hướng (Eo Trầu Trên, Eo Trầu Dưới, Mũi Đông, Mũi Đông Tai, Bãi Bấc, Dòn Con Trên...), 74 địa danh mang tố chỉ hình dạng hoặc kích thước (Bãi Dòn Cụt, Bãi Dòn Dài, Đá Ba Tầng, Hòn Chồng, Đá Nôi, Đá Bao Gạo...), 20 địa danh mang từ tố chỉ màu sắc (mũi Đá Bạc, Đá Đen, Đá Trắng, Đá Bạc, Đường Đá Trắng...), 8 địa danh mang từ tố chỉ số lượng (Đá Ba Tầng, Đá Ba Lố,...) và 73 địa danh mang từ tố chỉ công trình xây dựng (Xóm Đình, Ruộng Chùa, Ruộng Thần Nông...).
Sự phong phú, nét đặc trưng về địa danh ở Cù Lao Chàm được thể hiện độc đáo qua hệ thống thơ ca dân gian hiện còn lưu giữ ở đây. Phản ánh về vị trí ở câu:
Ra Lao đến trước Mồ, Dài
Gần Khô có Lá gần Tai có Nồm
Thể hiện sự khó khăn cách trở về địa hình:
Trời mưa không dám dề (về) làng
Sợ truông Bãi Xếp, sợ đàng (đường) Ông Thê
Về đặc điểm tự nhiên sinh thái:
Tiếng đồn dưới Giáp nhiều ma
Trên Am nhiều khỉ, ngoài Nà nhiều ong
***
Rủ nhau cơm gói ra Hòn
Muốn ăn được yến phải lòn hang Khô
Địa danh - tên đất tên làng ở Cù Lao Chàm là sự hoá thạch của ngôn ngữ để lưu giữ những đặc trưng về địa hình địa mạo tự nhiên, sinh thái và những sự kiện, câu chuyện, giai thoại lịch sử thấm đẫm giá trị nhân văn, phản ánh bản lĩnh, khả năng chinh phục, khám phá và sáng tạo của các thế hệ cư dân Cù Lao Chàm. Đây là bộ phận quan trọng trong di sản văn hoá biển đảo Hội An, Quảng Nam, đồng thời cũng là nguồn dữ liệu ngôn ngữ để tìm hiểu, nghiên cứu về văn hoá, tâm lý của cộng đồng cư dân và lịch sử của vùng đất Cù Lao Chàm thân yêu.
Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, UB phiên dịch Sử liệu, Viện Đại học Huế, Sài Gòn xuất bản, tr.63.
Quốc sử quán triều Nguyễn (1999), Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, tr.358-359.
Viện Hán Nôm, VHv.2071, VHv.2656, Bản quốc hải trình hợp thái, Phan Huy Chú, 1833.
Giáp Ngọ bình Nam đồ, 1774, viện Hán Nôm cộng hòa Pháp, A.2499.Tr.141
Tập điều tra về làng xã Quảng Nam do Viễn Đông Bác cổ học viện thực hiện năm 1941-1943, Bản sao lưu giữ tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.
Địa bạ xã Tân Hiệp lập năm Thiệu Trị thứ 4 lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An do NNC Tống Quốc Hưng dịch.