Một vài thông tin về lụt và ứng phó với lụt ở Hội An trong lịch sử

Thứ năm - 03/04/2025 22:09
Cách đây hơn 400 năm, vùng đất Hội An đã xảy ra những trận lụt lớn và đã được ghi chép trong tư liệu. Qua tiếp cận các nguồn sử liệu, bài viết xin giới thiệu một vài thông tin về lụt và cách thức, kinh nghiệm của người xưa trong việc ứng phó với lụt ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung trong lịch sử.
lut hoi an 2022
Lụt ở Hội An năm 2022 - Ảnh: Quang Ngọc
 
     Giáo sĩ người Ý, Cristoforo Borri khi đến Đàng Trong (1618 - 1622) và có thời gian lưu trú tại Hội An (Quảng Nam) đã ghi chép về phong thổ, khí hậu như sau: “… xứ này ở vào giữa vĩ tuyến 11 và 17, dó đó, nóng chứ không lạnh[1]. Borri cho biết ở Đàng Trong có đủ bốn mùa trong một năm: Mùa hạ gồm ba tháng Sáu, Bảy, và Tám… tháng Chín, Mười và Mười Một thuộc mùa thu”[2] và mùa hạ thường nắng nóng kéo dài, mà theo Borri: “Trong thời gian đó, không thấy có một chút mây trên trời, ngày cũng như đêm, thành thử không khí luôn luôn bị thiêu đốt bởi ánh mặt trời...”[3]. Trái ngược với hiện tượng nắng nóng oi bức vào mùa hạ là hiện tượng lũ lụt vào mùa mưa như theo Borri miêu tả: “Nước lũ làm ngập khắp xứ, đổ ra biển, như thể đất liền và biển chỉ còn là một. Cứ mười lăm hôm lại xảy ra một trận lụt và mỗi lần kéo dài ba ngày[4] và “thường thì nước lũ tới bất thần, không ai ngờ, ban chiều chưa ai nghĩ tới, nhưng sáng ra nước đã kéo vào tư bề, và người ta bị nhốt trong nhà, tình trạng này diễn ra khắp xứ[5].

     Mặc dù mưa lụt thường xuyên xảy ra, ngập lụt khắp nơi gây thiệt hại cho nhân dân song mang lại một số ích lợi nhất định, mà theo Borri: “Ích lợi của nước lũ là không những nó làm cho không khí mát mẻ, mà còn đem phù sa làm cho đất phì nhiêu và dồi dào về mọi sự, nhất là về lúa, là thức ăn tốt nhất trời ban và là lương thực chung cho khắp xứ[6] và: “Cái lợi cuối cùng, không phải là nhỏ, đó là người ta có thể sắm sửa cho đủ mọi thứ cần dùng. Vì trong ba ngày này, nước lụt làm cho người ta có thể đi lại khắp nơi bằng thuyền một cách dễ dàng đến độ không có gì mà không chuyển được từ nơi này qua nơi khác[7].

     Một điểm khá thú vị được Borri ghi chép: “Trước hết mọi người ở đây đều mong nước lũ, không những để được mát mẻ và dễ chịu, mà còn để cho đồng ruộng được mầu mỡ. Thế nên khi thấy mùa nước tới, họ để lộ hẳn sự vui mừng và thích thú: họ thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, ôm nhau hò hét vui vẻ và nhắc đi nhắc lại “đã đến lụt, đã đến lụt” có nghĩa là nước đã tới, nước tới rồi. Nói tóm lại là không ai là không bày tỏ niềm vui, từ kẻ thế gia đến Chúa cũng vậy[8].

     Để ứng phó với mưa lụt, Borri cho biết: “Cũng trong ba ngày này, người ta đi lấy cây để thổi nấu và dựng nhà. Họ chất cây từ trên núi vào thuyền và dễ dàng bơi qua các nẻo, các ngõ và tới tận nhà vốn được cất trên các hàng cột khá cao để cho nước ra vào tự do. Ai cũng lên sàn cao nhất và phải khen họ vì không bao giờ lụt bén tới bởi họ đã lấy kích thước chính xác do kinh nghiệm lâu năm, của mực nước cao thấp, do đó họ không sợ vì họ biết chắc là nước luôn ở phía dưới nhà họ[9].

     Theo tư liệu của xã Minh Hương, vào ngày 24 tháng 10 năm Cảnh Hưng 19 (1758), Quan cai phủ tàu nội viện Nhuận Ân hầu, lệnh truyền cho xã Minh Hương và Hội quán phải khơi thông cống rãnh để tránh úng tắc khi mưa lớn, nội dung như sau: “Truyền cho hai bên phố các nhà khách cũ, mới, hễ nhà nào mà trước nhà có đường lớn, cùng cống rảnh nhỏ thông xuống sông có bị úng tắc thì phải đào khơi hay bồi đắp cho thông để đề phòng khi bị nước lụt hay hoả tai. Như hai bên đường đi trước chùa Cây Me ra đường lớn, nay hiệp truyền cho xã Minh Hương và Hội quán phải phối hợp dụng công đắp bồi để nước mưa chảy khỏi bị dơ nhớp đục bẩn[10].

     Đến khoảng giữa thế kỷ XIX, theo sử liệu nhà Nguyễn, Quảng Nam có: “Khí trời nóng nực, nhiều tạnh ít mưa, chất đất phù bạc, nhiều khô khan ít màu mỡ. Hết tháng chạp thì gió đông nổi, tiết kinh trập thì mưa xuân nhuần, gió nam mạnh về mùa hạ, gió bấc rét về mùa đông, mùa thu gió mát mà hay mưa lụt (các tháng 8,9,10 thường hay mưa lụt)… Thỉnh thoảng cũng có gió bão...[11]. Theo ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam thực lục, trong vòng gần 70 năm Quảng Nam xảy ra ít nhất 13 trận bão lụt lớn vào các năm 1811[12], 1823[13], 1828[14], 1832[15], 1833[16], 1839[17],1842[18], 1847[19], 1863[20], 1870[21], 1875[22], 1878[23], 1879[24]. Riêng trận lụt tháng 8 năm 1879, 4 huyện Hòa Vinh, Diên Phúc, Duy Xuyên, Quế Sơn ngập 1.503 nóc nhà, chết 122 người.

     Trong năm 1870: “Tỉnh Quảng Nam trong hai tháng 9 và 10 (âm lịch) bị mưa lụt hơn mọi khi, đều sai phát chẩn và phát thóc kho bán ra cho dân. Đến nay, kém đói, các huyện Diên Phúc, Hoà Vinh, Duy Xuyên là ngặt hơn, tha cho thuế thiếu và hoãn cho thuế chính cung[25].

     Đặc biệt, trận lụt năm 1878, Đại Nam thực lục chép rằng: “Tỉnh Quảng Nam bị bão và nước lụt, (lần trước nước lụt sâu hơn 11 thước, lần sau nước lụt sâu hơn 9 thước), Khâm sai Hoàng Diệu phân phái đi chẩn cấp, lại phái tải gạo (5 thuyền gạo mỗi thuyền 70 - 80 phương hoặc 50 - 60 phương) phát ra bán, cho dân thế chấp đồ đồng để lĩnh gạo sinh sống. Khi ấy có người khách nước Thanh ở phố Hội An đặt ra một nơi để thu nuôi những đứa con đem bán, đều đem việc tâu lên. Vua sai phái nhiều người chia đi phát chẩn, không nên bắt thế chấp mới bán gạo, cốt cho dân được sống cả là hơn. Sai nghiêm cấm người buôn nước Thanh, những đứa con mua được ấy không được đem về nước Thanh, nếu có mua để giúp người, thì để ở phố, đợi sau được thư, giao trả hoặc cho chuộc về, mới là biết việc nghĩa. Trong hạt nếu không giúp được, nên tuỳ tình cho đến Kinh, do các nhà quan hay nhà giàu tạm mua đem về nuôi giúp cho, nếu có mang đi rồi, sau có thuyền công đến Hương Cảng, chi của công ra chuộc về trả cho chủ có con[26].

     Dưới thời kỳ Pháp thuộc, Hội An trở thành đô thị tỉnh lỵ, nhằm tạo mỹ quan, đảm bảo thoát nước kịp thời và chóng sạt lở vào mùa mưa, ngày 3 tháng 2 năm 1917, Khâm sứ Trung Kỳ ra quyết định cho phép thi công công trình xây dựng bờ kè Faifo. Tổng chi phí thi công 1.500$00, được tính vào chi ngân sách địa phương[27]. Cũng trong năm này, tỉnh Quảng Nam bị bão lụt nặng, Công ty Liên Thành sử dụng 3 chiếc ghe bầu chở gạo trên tuyến Phan Thiết - Hội An cứu trợ kịp thời cho nhân dân. Quan tỉnh báo cáo về Huế và vua Khải Định ban thưởng cho Công ty Liên Thành một tấm hoành phi khắc bốn chữ “Hiếu nghĩa khả gia[28].

     Hiện nay, dù có những biến đổi nhưng lũ lụt luôn hiện hữu và tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương. Hội An dưới góc độ là một đô thị thương cảng, lụt và việc ứng phó với lụt đã có truyền thống từ lâu đời, thiết nghĩ vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu thêm.
 
[1] Cristoforo Borri (bản dịch 1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.14.
[2] Cristoforo Borri, bản dịch đã dẫn, tr.15.
[3] Cristoforo Borri, bản dịch đã dẫn, tr.14.
[4] Cristoforo Borri, bản dịch đã dẫn, tr.15.
[5] Cristoforo Borri, bản dịch đã dẫn, tr.16-17.
[6] Cristoforo Borri, bản dịch đã dẫn, tr.15.
[7] Cristoforo Borri, bản dịch đã dẫn, tr.17-18.
[8] Cristoforo Borri, bản dịch đã dẫn, tr.16.
[9] Cristoforo Borri, bản dịch đã dẫn, tr.18.
[10] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2017), Di sản Hán Nôm tập 3, Tư liệu xã Minh Hương, Quyển 1: Tờ truyền, trát văn và trình bẩm, Nxb Đà Nẵng, tr.30.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hoá, tr.393-394.
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.820.
[13] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.302.
[14] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, sách đã dẫn, tr.772.
[15] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.366.
[16] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 3, sách đã dẫn, tr.479.
[18] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 6, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.401-402.
[19] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6, sách đã dẫn, tr.1056.
[20] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.821.
[21] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, sách đã dẫn, tr.1260.
[22] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 8, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.142.
[23] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 8, sách đã dẫn, tr.316.
[24] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 8, sách đã dẫn, tr.372.
[25] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, sách đã dẫn, tr.1260.
[26] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 8, sách đã dẫn, tr.316.
[27] Tư liệu Trung tâm lưu trữ Quốc gia I. Bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[28] Hồ Tá Khanh (1984), Thông sử Công ty Liên Thành, Boulogne, tr.52.

Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây