Ảnh hưởng kiến trúc Pháp ở Hội An

Chủ nhật - 27/04/2025 22:02
Cùng với quá trình xâm chiếm, đặt ách thống trị trên đất nước ta, thực dân Pháp đã để lại những dấu ấn nhất định về các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật… trong đó có ảnh hưởng không nhỏ đến kiến trúc.
     Ở Hội An cũng không ngoại lệ, như nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên từng nhận xét: Tiếp khi người Pháp đến thì việc xây cất kiến trúc cũng có nhiều phần theo lối Âu châu mà nay vẫn còn lại một ít trong các đường phố[1]. Hình thức kiến trúc Pháp có ảnh hưởng đến nhiều thể loại công trình khác nhau ở Hội An như chợ, nhà phố, nhà vườn, nhà thờ tộc và đặc biệt nhất là mộ táng. Nhiều công trình còn tồn tại đến ngày nay, được trân quý, gìn giữ, bảo tồn, trở thành di sản “kiến trúc thuộc địa”. Đặc điểm cơ bản giúp nhận diện các công trình này là các chi tiết phào chỉ trang trí ở mặt tiền cùng vòm cuốn, chi tiết vữa đắp nổi hình kỷ hà, pano bánh ú, mặt tiền có tính đối xứng, hệ cửa pano lá sách gỗ đặc trưng (có thể là cửa 2 lớp với lớp cửa trong bằng gỗ, kính), nhiều di tích có tường chắn mái được trang trí cầu kỳ…
 
kien truc phap
Nhà kiến trúc kiểu thuộc địa Pháp ở đường Phan Bội Châu, Hội An - Ảnh: Hồng Việt
 
     Loại hình công thự và nhà vườn mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp hiện tồn có số lượng rất khiêm tốn, có thể kể đến nhà số 02 và số 149 Phan Châu Trinh, số 02 đường Nguyễn Huệ... Có số lượng nhiều hơn một chút là các ngôi nhà thờ tộc mang ảnh hưởng kiến trúc kiểu Pháp, chủ yếu ở hạng mục mặt tiền, tiêu biểu như nhà thờ tộc Huỳnh (khối Sơn Phô 1, phường Cẩm Châu), nhà thờ tộc Trần Đắc (phường Cẩm Nam), nhà thờ tộc Nguyễn Văn (thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim)… Nhà thờ tộc La tọa lạc tại số 16 đường Nguyễn Thái Học, phường Minh An cũng là một ngôi nhà thờ với kiến trúc mặt tiền kiểu cổ điển Pháp rất đẹp, tuy nhiên lại nằm khuất sau nhà chính nên ít được biết đến. Mặt tiền nhà nổi bật với nhiều phào chỉ quét vôi màu trắng trên nền tường vàng, vòm cuốn, trát vữa và trang trí tinh xảo họa tiết hoa 5 cánh, dây leo uốn lượn mềm mại, lối vào với 04 bậc cấp cong lượn nhẹ có lan can xây gạch. Cá biệt trong số này phải kể đến nhà thờ tộc Huỳnh Đắc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Cẩm Phô, ảnh hưởng kiến trúc Pháp không biểu hiện ở mặt tiền như thường thấy mà lại ở không gian nội thất. Nhà thờ có hệ khung cột gạch chịu lực, bên trên xây tường gạch hình cuốn vòm cao giáp nóc thay cho hệ kèo để đỡ mái. Chân cột có tiết diện vuông, thân cột tiết diện tròn với các rãnh nhỏ theo chiều dọc; chân, đầu cột đắp phào chỉ và họa tiết trang trí, mô phỏng theo thức cột cổ điển phương Tây. 

     Chiếm số lượng nhiều nhất trong số công trình mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp là nhà phố (gọi tắt: nhà phố Pháp) phân bố rộng khắp trong Khu phố cổ, trên các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Nguyễn Thị Minh Khai… một số ít khác nằm rải rác ở vùng ven. Trong số đó, nhà phố Pháp được xây dựng tập trung, san sát nhau tạo thành “tuyến phố Pháp” ở đường Phan Bội Châu, phường Sơn Phong, bởi nơi đây từng là nhà ở của các công chức dưới thời Pháp thuộc. Căn cứ vào hình thức mặt tiền, có thể đưa ra nhận định hầu hết các ngôi nhà phố Pháp này có sự pha trộn nhiều phong cách kiến trúc, nhưng mang ảnh hưởng của hai phong cách chính là Tân cổ điển và Art Deco[2] thịnh hành trong khoảng nửa đầu thế kỷ 20 với sự giản lược các chi tiết phào chỉ, trang trí cầu kỳ, phức tạp, thay vào đó là sử dụng thủ pháp chia ô hình học và kẻ chỉ giật cấp, hình thức đơn giản (nhận định này mang tính chủ quan của người viết, cần có các nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này để có thể đưa ra nhận định chuẩn xác hơn).   

     Nhà phố Pháp vừa mang nét đặc trưng kiến trúc phương Tây vừa mang nét kiến trúc của nhà cửa hiệu truyền thống Hội An. Màu sắc mặt tiền ngôi nhà hài hòa với các gam màu chủ yếu là màu vàng và trắng, điểm xuyết một số chi tiết trang trí màu đỏ, bên cạnh đó, hệ cửa được sơn nhiều màu khác nhau tạo sự sinh động như: xanh dương, xanh lá (sẫm), đà, xám. Với một vài nhà có tường biên thoáng (không áp sát tường nhà lân cận), ta còn có thể nhìn thấy gờ chỉ trang trí ở ô văng đầu cửa, ô thông gió dưới đỉnh nóc.

     Một loại hình di tích mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp rất đặc sắc nhưng ít được chú ý so với các loại hình khác và cũng không được nhiều người biết đến, đó là các ngôi mộ táng ở khối Hậu Xá, phường Thanh Hà. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, tại khu vực này hiện tồn 13 ngôi mộ mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp ở nhiều mức độ khác nhau. Đây là những ngôi mộ của người Việt và người làng Minh Hương, hầu hết được tạo lập trong khoảng thời gian từ nửa sau thập niên 20 của thế kỷ XX, có giá trị cao về kiến trúc, mỹ thuật. Ngôi mộ có niên đại sớm nhất là mộ ông Đinh Thạnh Hương (tạo lập năm 1923, theo văn bia), muộn nhất là mộ ông Trần Ôn Giản (tạo lập năm 1961). Khác với các ngôi nhà phố Pháp trong Khu phố cổ với nhiều chi tiết phào chỉ được giản lược, ở những ngôi mộ táng này, phào chỉ trang trí cầu kỳ, đồ án cát tường dân gian được sử dụng dày đặc hơn, do đó, có thể nhận định các ngôi mộ này mang ảnh hưởng phong cách kiến trúc Pháp - Hoa.  

 
Mộ bà Lê Thiện Ký, phường Thanh Hà
Mộ bà Lê Thiện Ký, phường Thanh Hà - Ảnh: Hoàng Phúc

     Dấu ấn kiến trúc Pháp hiển thị qua các phào chỉ, mảng pano, lối đi hình cuốn vòm, một số họa tiết mang dáng dấp kiến trúc cổ điển phương Tây, phổ biến là dây nho, hoa lá tây, cột đỡ mái nhà bia ở bình phong hậu mô phỏng theo thức cột cổ điển phương Tây; ít phổ biến hơn là họa tiết hoa chuông, lá cọ, nguyệt quế... Hạng mục lối vào viếng mộ ở một số khu mộ gợi cảm quan thân thuộc, giúp liên tưởng ngay đến mặt tiền những ngôi nhà phố Pháp trong Khu phố cổ Hội An với các hàng trụ hiên chia ngôi nhà thành 3 gian, với tường chắn mái trang trí cầu kỳ. Tường rào bao quanh xây cao vừa phải với các mảng đặc, rỗng xen kẽ, ô thoáng bằng lục bình xi măng hoặc các loại bông gió đúc sẵn. Tất cả các hạng mục của ngôi mộ được đắp vẽ nhiều đồ án trang trí, từ đơn giản đến phức tạp, có sự giao thoa, kết hợp giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây với liễn đối, đồ án cát tường dân gian... Thủ pháp chủ yếu là đắp vẽ, quét vôi màu chứ không cẩn sành sứ như thường thấy ở các di tích tín ngưỡng.

     Một loại vật liệu thường được sử dụng trong nhà phố Pháp là gạch hoa xi măng cũng được bắt gặp tại các ngôi mộ mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp này, dùng lát nền, lát mặt bàn thờ, ốp tường thành nấm mộ. Gạch hoa xi măng, hay còn gọi là gạch bông, đã được người Pháp du nhập vào Việt Nam thời kỳ thuộc địa. Tại thời điểm đó, đây là vật liệu xây dựng khá mới mẻ nhưng lại có những họa tiết rất đỗi thân thuộc như hồi văn gãy khúc, đồng xu, dơi chầu chữ 壽 (Thọ) tròn. Thật thú vị khi được nhìn thấy các họa tiết phương Đông trên loại vật liệu du nhập từ phương Tây! Bên cạnh đó, một số mẫu khuôn bông gốm tráng men xanh, vàng nâu chỉ thấy được sử dụng tại những ngôi mộ mang kiến trúc kiểu Pháp trong giai đoạn này. Các trụ được đắp phào chỉ ở phần đầu và chân, các đường rãnh dài chạy dọc theo thân trụ làm giảm sự thô cứng của cấu kiện nhưng không làm giảm sự vững chãi của nó. Sự kết hợp đồ án trang trí Đông - Tây này không hề tạo cảm giác đối chọi mà có một sự hòa điệu nhất định, giúp tạo sự đa dạng cho kiến trúc mộ táng, mang một dấu ấn rất riêng.

     Các loại hình di tích kể trên phần lớn mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp đậm nét ở hạng mục mặt tiền, các thành phần khác của công trình như bố cục mặt bằng, phân khu chức năng, kết cấu hệ khung chịu lực, vật liệu xây dựng… đều mang tính kế thừa kiến trúc truyền thống địa phương. Có thể nói, các bậc tiền nhân đã kết hợp khéo léo kiến trúc Đông - Tây để tạo dựng nên các công trình mang giá trị thẩm mỹ cao, thể hiện rõ nét ảnh hưởng của văn hóa Pháp đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Hội An, góp phần tạo sự đa dạng về thể loại di tích kiến trúc. Bộ phận di sản kiến trúc này là một minh chứng quan trọng cho Tiêu chí 2 “Biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế”, một trong hai tiêu chí để Đô thị cổ Hội An được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.
 

[1] Trung tâm QLBT DSVH Hội An (2017), Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên, Nxb Đà Nẵng, tr.55.
[2] Dẫn theo “Những đặc điểm tiêu biểu của kiến trúc Pháp cổ ở Việt Nam”, nguồn: https://trendviet.vn/kien-truc-phap-co/
Phong cách kiến trúc Tân cổ điển: Lối kiến trúc này được áp dụng cho các công trình nhà dân với đặc điểm chung là lược bỏ các chi tiết phức tạp, cầu kỳ của kiến trúc Cổ điển. Thay vào đó là nhấn mạnh vào hình khối và kiểu dáng của các bức tường chứ không nhấn mạnh vào họa tiết trang trí.
Phong cách kiến trúc Art Deco: Những công trình xây dựng theo xu hướng này thường sử dụng những hình khối kinh điển, các khối vuông, chữ nhật kết hợp với các khối bán trụ. Thêm vào đó là các họa tiết trang trí bằng thép uốn hoặc đắp nổi bằng xi măng, thạch cao.
 

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây