Địa danh ở Hội An qua địa bạ Triều Nguyễn

Thứ ba - 22/04/2025 03:27

1. Vài nét về địa bạ các làng xã ở Hội An

Kể từ khi lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam vào năm 1471, quá trình di dân của người Việt từ khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ vào khai khẩn lập ấp lập làng ở Quảng Nam nói chung, tại Hội An nói riêng diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tại Hội An, bia mộ tổ tộc Trần Văn ở thôn Võng Nhi - xã Cẩm Thanh cho biết vào năm Cảnh Thống Mậu Ngọ (năm 1498), làng Võng Nhi đã được lập. Đây là làng được lập sớm nhất ở Hội An hiện nay được biết đến với niên đại rõ ràng. Theo gia phả tộc Nguyễn Viết ở Thanh Hà, tộc Huỳnh ở Cẩm Phô có thể suy đoán 2 làng Thanh Hà và Cẩm Phô được thành lập khoảng cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16. Trong tác phẩm “Ô Châu cận lục” do Dương Văn An nhuận sắc năm 1553 có đề cập đến 2 làng ở Hội An là Cẩm Phô và Hoài Phô[1]. Từ nửa cuối thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 18 có nhiều làng ở Hội An được hình thành như làng Thanh Châu, Để Võng, Hoa Phô, Hội An, Xuân Mỹ, Kim Bồng, An Mỹ, Sơn Phô, Tân Hiệp,... Không lâu sau khi tụ cư thành làng ấp, xã hiệu cũng được hình thành, đây là đơn vị hành chính cơ bản cấp cơ sở dưới thời phong kiến ở Việt Nam. Theo thống kê, trên khu vực thuộc thành phố Hội An hiện nay có khoảng hơn 20 làng xã[2] được thành lập từ khoảng cuối thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Cũng trong thời gian này đến đầu thế kỷ 20, một số làng xã ở Hội An sát nhập thành làng xã lớn hơn hoặc chia tách thành những làng xã nhỏ hơn, một số khác thì thay đổi tên gọi[3].

Sơ đồ hòn Lao trong địa bộ Tân Hiệp năm Bảo Đại thứ 2

Để quản lý dân cư, đất đai, thu thuế, bắt phu, đi lính… theo quy định của triều đình, các làng xã đều lập sổ đinh và điền bạ (sổ điền, địa bạ). Điền bạ là sổ ghi chép/kê khai về giới cận, tổng diện tích của làng xã; diện tích của từng loại đất công tư, cây trồng, thần từ, Phật tự, thổ mộ,…; diện tích, vị trí, giới cận và chủ sở hữu của từng loại đất tư… Dưới thời Gia Long, địa bạ của mỗi làng xã phải lập thành 3 bản Giáp, Ất, Bính nộp lên Bộ Hộ đóng dấu. Bản Giáp lưu ở Bộ Hộ, bản Ất lưu ở trấn thành, bản Bính các làng xã giữ làm bằng. 


Hiện nay Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã sưu tầm tập hợp được địa bạ của 17 làng xã xưa trên địa bàn thành phố Hội An. Các bộ địa bạ này được lập dưới thời Nguyễn, chủ yếu là thời Gia Long. Cụ thể như sau:

STT Địa bạ các làng xã Năm lập địa bạ Tổng số trang bản gốc Ghi chú
1 Xã Đại An    Gia Long thứ 13 (1814) 12 Bản sao
2 Xã Đông An    Gia Long thứ 13 (1814) 12 Bản sao
3 Xã Hòa An    Gia Long thứ 17 (1818) 13 Bản sao
4 Xã phụ lũy Hội An    Gia Long thứ 13 (1814) 13 Bản sao
5 Xã Phước An    Gia Long thứ 14 (1815) 11 Bản sao
6 Xã Tân An    Gia Long thứ 13 (1814) 11 Bản sao
7 Châu Kim Bồng    Gia Long thứ 13 (1814) 510 Bản sao
8 Xã Thanh Châu    Gia Long thứ 14 (1815) 412 Bản sao
9 Xã Thanh Hà    Gia Long thứ 17 (1818) 475 Bản sao
10 Xã Tân Hiệp    Thiệu Trị thứ 4 (1844), sao lại năm Bảo Đại thứ 2 (1927) 119 Bản sao
11 Xã Phong Hộ    Gia Long thứ 13 (1814) 10 Bản sao
12 Xã Minh Hương    Gia Long thứ 13 (1814) 14 Bản sao
13 Xã An Mỹ    Gia Long thứ 13 (1814) 63 Bản sao
14 Phường Xuân Mỹ  美坊 ? 18 Bản sao
15 Xã Phụ lũy Cẩm Phô    Gia Long thứ 17 (1818) 220 Bản sao
16 Xã Hoa Phô    Gia Long thứ 13 (1814) 218 Bản sao
17 Xã Để Võng    Gia Long thứ 13 (1814) 53 Bản sao

 

Bên cạnh những số liệu về đất đai, địa bạ các làng xã ở Hội An còn cung cấp nhiều thông tin thú vị về đặc điểm sinh thái của vùng đất, tộc họ dân cư, nghề nghiệp, mộ cổ, các công trình tín ngưỡng, tên gọi các vùng/xứ đất của làng,…

2. Tên gọi các vùng đất (địa danh) ở Hội An qua tư liệu địa bạ

Bên cạnh các địa danh hành chính là các xã hiệu (xã, phường), trong 2184 trang tư liệu địa bạ về 17 làng xã ở Hội An nêu ở trên chúng tôi đã thống kê được ít nhất 150 đơn vị địa danh về xứ đất. Cụ thể[4]

Xã Đại An (大 安 社) có các xứ đất: Xứ Kinh Tất (涇 㴽 處), Đại Phước(大 福 處), Trồng Sơn (槞 杣 處).

Xã Đông An (東 安 社) có xứ đất: Xứ Bến Giá (𣷷 這 處).

Xã Hòa An (和 安 社) có xứ đất: Xứ Hòa Ma/Mè (禾 麻 處).

Xã phụ lũy Hội An (會 安 社) có xứ đất: Xứ Hổ Bì (虎 皮 處).

Xã Phước An (福 安 社) có các xứ đất: Xứ Đại An (安 社 處), Bãi Dài Phù Sa (罷 曳 浮 沙 處), Làng Câu (廊 鉤 處), Đại Phước (大 福 處), Cồn Cát (𡑱 葛 處).

Xã Tân An (新 安 社) có xứ đất: Trường Lộc/Trường Lệ (長 麗 處).

Châu Kim Bồng (金 蓬 洲) có các xứ đất: Xứ Hà Lầy (河 𣱽 處), xứ Hà Nhưn, Trung Giang, Ông Vĩnh, Ông Ngọc.

Xã Thanh Châu (青 洲 社) có các xứ đất: Xứ Trà Quân (茶 軍 處), Thân Lân (。麟 處), Bãi Dặm (罷 。處) , Làng Tròng (廊 。處), Hoa /Ba Nhàn (花 閑 處), Thượng Ba/Hoa Nông (上 花 農 處), Hạ Ba/Hoa Nông (下 花 農 處), Cồn Đò (壀 渡 處), Cây Giá (核 柘 處), Cồn Giữa (壀 𡧲 處), Trung Châu (中 洲 處), Tâm Chiếu (心 照 處), Bãi Đồi/Đùi, Phù Sa, Cồn Chợ.

Xã Thanh Hà (青 霞 社) có các xứ đất: Xứ Lâm Lộc (林 鹿 處), Trà Lịnh (茶 令 處), Thanh Chiếm (青 占 處), Bộc Thủy (濮 水 處), An Bang (安 邦 處), Suối Chử (𣷮 渚 處), Bàu Đưng (泡 澄 處), Bàu Tắc (泡 測 處), Bàu Tràm, Bàu Lụt (泡 潦 處), Bàu Ốc (泡 沃/ 渥 處), Bàu Trám (泡 檻 處), Bến Trễ (𣷷 𣑶 處), Lâm Đùi/Điên (林 顛 處), Nhà/Trà Quế (茹 桂 處), Đồng Nà (洞 那 處), Cửa Suối (𨷶 𣷮 處), Trảng Kèo (廊 橋 處), Đồng Tróc (洞 捉 處), Ly Ý (離 意 處), Cồn Sạ (壀 。處), Cồn Động (壀 。處), Trảng/Lang Dài (廊 。處), Lâm Sa (林 沙 處), Hậu Xá (後 舍 處), Cửa Đầm (𨷯 潭 處), Trùi Tích (榷 積 處), Phù Sa, Kim Bồng (金 蓬 處), Quan Đàm (官 潭 處), Đồng Nà, Lội Giai, Bà Đệ (婆 第 處), Bàu Súng (泡 𦼟 處).

Phường Tân Hiệp (新 合坊 ) theo địa bộ lập vào năm Thiệu Trị thứ 4 có các xứ đất: Bãi Làng (罷 廊 處), Rộc Kèo, Cây Dông, Cây Kiến, Cây Thị (核 柿 處) Viên xứ, Ruộng Bến/Biển (𤳱 𣷷 處), Ông Vanh (翁 荣 處), Rộc xứ, Giốc Cùng, Man xứ, Cửa Máng, Trồng Dừa, Ruộng Máng, Ruộng Trên Cây Khô, Ruộng Trong, Ông Du, Ruộng Sum, Ruộng Viên, Ruộng Diêu/Gieo (𤳱 揺 處),  Trong Máng, Trên Cồn, Trong Khe, Cây Tre, Đôi Đũa, Bên Mang, Bãi Làng Ông Quốc, Bãi Bìm (罷 駢 處), Rộc Mang, Ông Rộc, Bãi Ông (罷 翁 處),  Ruộng Rộc, Ruộng Xe, Dưới Dược, Vũng Cầu, Ruộng Trên (𤳱 𨕭 處), Bãi Hương (罷 鄉 處), Nà Khuê (那 圭 處), Kèo xứ, Ông Tôm, Bãi Bấc (罷 北 處), Cầu Đá, Ông Tỵ, Ruộng Cồn, Bãi Chồng (罷 。處), Ruộng Cao, Giải Cùng, Ông Thuộc, Ruộng Cạn, Cây Búa, Trên Mương, Ruộng Ké, Ruộng Yến,  Mương xứ, Cây Chí, Mít Nài, Sum xứ, Trong Mương, Cây Dầu, Xứng xứ, Đại Thạch, Ông Hói, Bãi Bìm Cây Sanh, Bãi Ông Đại Thạch (罷 翁 大 石 處)[5].

Trong địa bộ sao lại vào năm Bảo Đại 2 có ghi thêm các xứ đất: Khe Táo, Hà Khuê, Trung Lộc (中 禄 處), Hiệp Hòa (合 和 處), Vẻn Kèo (𡻖 嶠 處), Rộc Khe Trù (𤀓 溪 廚 處), Bãi Làng Cồn xứ (罷 廊 𡑱 處), Bãi Làng Ông Truông (罷 廊 翁 𣐄 處), Bãi Làng Nà Khuê (罷 廊 那 圭 處), Bãi Cồn (罷 𡑱 處), Ông Bản (翁 本 處).

Xã Phong Hộ (豊 户 社) có xứ đất: Xứ Lâm Sa (林 沙 處)

Xã Minh Hương (明 鄉 社) có các xứ đất: Xứ Hương Định (香 定 處), Hương Thắng (香 勝 處)

Xã An Mỹ (安 美 社) có các xứ đất: Xứ  Lân Đồi/Đùi (鄰 頹 處), Bãi Dặm, Rong Khâu, Tâm Chiếu (心 照 處), Quyết Mộc (橛 木 處), Bãi Tuần (罷 廵 處), Cồn Vọng (𡑱 望 處), Hói Nhũ (海 乳 處), Hói Lác (海 落 處), Bãi Đồi/Đùi (罷 頹 處), Tầm Vông (尋 𣒾 處), Sông Lạp (滝 垃 處)

Phường Xuân Mỹ (春 美坊) có các xứ đất: Châu Bang, Bến Lội

Xã phụ lũy Cẩm Phô (錦 鋪 社) có các xứ đất: Xứ Lâm Sa (林 沙 處), Kinh Tất (涇 㴽 處), Tu Lễ (修 禮 處), Chương Phô (章 鋪 處), Cồn Giữa (𡑱 𡧲 處), Hậu Xá (後 舍 處), Chuôi Bầu (璀 𤃛 處), Hổ Bì (虎 悲 處), Trồng Dương (槞 楊 處), Trồng Thất (槞 室 處), Trồng Gia (槞 咱 處), Trung Giang (中 江 處)

Xã Hoa Phô (花 鋪 社) có các xứ đất: Xứ  Lân Đồi/Đùi (鄰 頹 處), Cồn Chài, Tầm Vông (尋 𣒾 處), Cồn Nhỏ, Kinh Tất (涇 㴽 處), Thượng Trạch Hạ Trạch, Bãi Đồi/Đùi (罷 頹 處).

Xã Để Võng (底 網 社) có các xứ đất: Bãi Đồi/Đùi (罷 頹 處), Phù Sa (浮 沙 處), Tầm Vông (尋 𣒾 處). Ngoài ra, làng Để Võng còn có thủy điền đặt đăng, nò tại các xứ đất thuộc các làng xã từ xã Hà Bảng đến xã Hà Lam như: Xứ Hà Tôm Trung Cụ, Hàng Trú, Môi Ất, Vân Đóa, Tỉnh Thủy, Phú Quý Hạ, Cồn Trĩ Bản Nhiêu, Hàng Cái An Hòa Đông, Hói Dừa, Đầm Vũng Heo, Hà Bảng, Lôi Mây, Hàng Trạng, Cồn Giá, Hàng Kiện, Hàng Chùa, Hàng Cái Đại Chiêm, Hai Lỗ Kình Cửa Đại, Hàng Kình, Mụ Ất, Hàng Kinh, Câu Hoa, Cồn Giữa, Đăng Lương, Lạc Câu, An Lương, Ông Lại, Cồn Lạc, Cát Bạc, Kỹ Miên, Độ Chỉ Phụ, Doanh Quan, Đại Khánh, Hàng Âm, Ông Lựu, Dông Đồng, Cây Kiều, Cây Sứ, Cồn Hà, Cồn Lãng, Sâm Linh, My Đông My Tây, An Hòa, Hàng Cửa, Ngòi Ly, Hàng Cửa An Hòa.

3. Một vài nhận xét bước đầu

Từ những liệt kê ở phần trên cho thấy, số lượng địa danh (tên gọi các xứ đất) có làng xã chỉ có một đơn vị duy nhất như xã Đông An, Hòa An, Hội An, Phong Hộ, song có làng xã có số lượng nhiều (10 đơn vị trở lên) như xã Cẩm Phô, Tân Hiệp, An Mỹ, Thanh Hà, Thanh Châu. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố mà có lẽ trước hết liên quan đến diện tích tổng thể của làng/xã nhiều hay ít, rộng hay nhỏ; địa hình, địa mạo, đất đai của làng/xã đồng nhất hay đa dạng; quá trình khai phá, sử dụng và nghề nghiệp của cư dân mỗi làng xã. Có một số xứ đất, có lẽ do phạm vi rộng hoặc do đặc điểm, vị trí cuộc đất, hay lịch sử khai phá mà thuộc địa phận của nhiều làng như: Xứ Hổ Bì trải rộng từ xã Hội An sang xã Cẩm Phô; xứ Hậu Xá một phần ở xã Cẩm Phô và một phần ở xã Thanh Hà; xứ Tâm Chiếu nằm ở địa phận xã An Mỹ và xã Thanh Châu; xứ Lân Đùi và xứ Tầm Vông nằm ở địa phận 3 xã An Mỹ, Hoa Phô, Để Võng,… 

Có một số xứ đất đã từng được ghi chép trong những văn bản Hán Nôm vào cuối thế kỷ 18. Tên của nhiều xứ đất được kế thừa, sử dụng để đặt tên thôn khối phố hiện nay. Mặc dù quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi địa hình, địa mạo, bàu hói, cồn bãi, song tên gọi của các xứ đất vẫn được cộng đồng cư dân gìn giữ, bảo lưu qua các văn cúng đất đai, cầu an, cúng tiền hiền làng xóm, tộc họ,...

Qua những ghi chép trong địa bộ các làng xã ở Hội An cho thấy tên gọi của rất nhiều xứ đất xuất phát từ sự kết hợp từ chỉ địa hình địa mạo với từ chỉ đặc điểm về sinh thái: Hói Lác, Bàu Đưng, Bàu Ốc, Bàu Súng, Bãi Bìm, Trảng Kèo,…;  từ chỉ địa hình địa mạo kết hợp với từ chỉ kích thước: Cồn Nhỏ, Trảng Dài, Bãi Dài,…; từ chỉ địa hình địa mạo kết hợp với từ chỉ vị trí: Cồn Giữa,...; từ chỉ địa hình địa mạo kết hợp với từ chỉ hình dạng: Bãi Đùi, Bãi Chồng,…; từ chỉ địa hình địa mạo kết hợp với từ chỉ nghề nghiệp: Cồn Chài, Bến Trễ,… Hầu hết các tên gọi các xứ đất ghi chép trong địa bộ đều có cấu tạo 2 âm tiết, chỉ có một vài trường hợp cấu tạo từ 1 âm tiết (Man xứ, Rộc xứ), 3 âm tiết (Thượng Ba Nông, Hạ Ba Nông), và 4 âm tiết (Bãi Ông Đại Thạch).

Địa danh (tên gọi các xứ đất) được ghi chép trong địa bạ các làng xã ở Hội An không chỉ có ý nghĩa khoa học trong nghiên cứu lịch sử của vùng đất mà còn có giá trị trong nghiên cứu về đời sống văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân, trở thành bộ phận quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể. Nghiên cứu địa danh cũng chính là khơi dậy ký ức và niềm tự hào của cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa - xã hội của địa phương


Tài liệu trích dẫn:

[1] Dương Văn An (1997), Ô Châu cận lục, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.43.

[2] Làng Võng Nhi, Hoài Phô, Cẩm Phô, Thanh Hà, Hội An, Cổ Trai, Thanh Châu, Xuân Mỹ, Kim Bồng, Để Võng, Hoa Phô, An Mỹ, Tân Hiệp, Minh Hương, Hòa Yên, Phước Trạch, Đại An/An Bàng, An Thọ, Đông An, Phong Niên, Mậu Tài, Tân Hòa/An Phong

[3] An Thọ, Đông An, Phong Niên, Mậu Tài sáp nhập thành làng Sơn Phong; làng Thanh Châu chia nhỏ thành làng Thanh Đông, Thanh Tây, Thanh Nam, Thanh Nhứt, Thanh Nhì, Thanh Tam; Hoa Phô đổi thành Sơn Phô, Đại An đổi thành An Bàng, Tân Hòa đổi thành An Phong.

[4]  Trong bài này, toàn bộ chữ Hán Nôm do CN. Lê Thị Lưu thực hiện.

[5] Địa bạ xã Tân Hiệp lập năm Thiệu Trị thứ 4 lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An do NNC Tống Quốc Hưng dịch.

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây