Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng ở Hội An

Chủ nhật - 05/01/2025 21:37
Kể từ khi thực dân Pháp, tiếp đến là đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến xâm lược nước ta, quân và dân Hội An đã phát huy truyền thống yêu nước, hòa chung khí thế của dân tộc, đứng dậy đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng cho đến ngày giải phóng quê hương, thống nhất nước nhà. Trên chặng đường dài, liên tục ngót cả trăm năm ấy, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Hội An người đi trước ngã xuống, kẻ hậu bối đứng lên dương cao ngọn cờ yêu nước - cách mạng để “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, biến đau thương thành hành động hiệu triệu biết bao con tim vùng lên đánh giặc. Từng tấc đất, cành cây, ngọn cỏ trên mảnh đất Hội An đã thấm máu hồng, mồ hôi, công sức của bao thế hệ cách mạng và đồng bào xả thân trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc.
tong dai nguyen duy hiue
Tượng đài Nguyễn Duy Hiệu - Ảnh: Quang Ngọc
 
     Cho đến nay, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò, trách nhiệm của ngành văn hóa, chúng ta đã khảo sát, kiểm kê, lập danh mục đưa vào quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị cho tổng cộng 70 di tích lịch sử cách mạng phân bố ở tất cả các các xã, phường trên địa bàn thành phố.

     Về mặt loại hình và nội dung sự kiện di tích, có thể thấy rằng phần lớn di tích là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân Hội An, gắn với thành tích của các lực lượng vũ trang của tỉnh trên địa bàn Hội An qua các thời kỳ kháng chiến. Nhiều di tích là nơi ghi dấu các sự kiện cách mạng quan trọng của tỉnh và Hội An. Trong đó có những di tích tiêu biểu như: Di tích nhà Đức An ghi dấu sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Hội An vào tháng 10/1927; di tích Cây Thông Một ghi dấu sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam vào tối ngày 28/3/1930; di tích Nhà ông Huỳnh Đủ ghi dấu sự kiện diễn ra hội nghị của Ủy ban khởi nghĩa Hội An vào ngày 17/8/1945, quyết định thời gian Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; di tích đình Thanh Nhất ghi dấu sự kiện thắng lợi của của phong trào Đồng khởi ở Cẩm Thanh diễn ra vào đêm ngày 27/9/1964… Nhiều di tích là căn cứ địa, nơi đóng quân, nơi trú chân của lực lượng cách mạng, trong đó tiêu biểu là: Di tích Rừng dừa Bảy mẫu, di tích Xóm Chiêu, di tích thôn Trà Quế, di tích xóm Mồ Côi… Di tích là nơi ghi dấu tội ác của địch, đặc biệt có 03 nhà lao do thực dân và đế quốc xây dựng ở Hội An, tồn tại kế tiếp nhau gồm: Nhà tù Faifo từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945, Nhà lao Thông Đăng từ năm 1947 - 1959, Nhà lao Hội An từ năm 1960 - 1975. Đây là 3 nhà lao quy mô lớn cấp tỉnh, ở mỗi nhà lao, địch giam cầm hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào yêu nước trong tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh khác; trong đó, nhiều đồng chí sau này trở thành lãnh tụ của đất nước, cán bộ cao cấp của Trung ương, tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Quảng Nam - Đà Nẵng và các tỉnh.

     Về đặc điểm hiện trạng, do đặc điểm, tính chất của di tích, do sự tàn phá của chiến tranh và một số nguyên nhân khác mà hiện nay, hầu hết di tích lịch sử cách mạng ở Hội An chỉ còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử. Dấu tích vật chất còn lại là khá khiêm tốn. Duy, chỉ có di tích Nhà lao Hội An là còn khá nguyên vẹn về không gian và cấu trúc các hạng mục của nhà lao trước đây; đã được đầu tư tu bổ, phục hồi đến nay khá hoàn chỉnh.

 
nha lao hoi an
Di tích nhà lao Hội An - Ảnh: Quang Ngọc
 
     Về giá trị và ý nghĩa: Đã có 14 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh, 01 di tích đang trình hồ sơ để UBND tỉnh xem xét công nhận trong thời gian đến. Riêng hệ thống nhà lao thời kỳ thực dân, đế quốc cũng đã được đề nghị cơ quan chuyên môn cấp tỉnh lập hồ sơ để đề nghị cấp thẩm quyền xếp hạng cấp quốc gia. Có thể nói, đây là bộ phận di sản có ý nghĩa quan trọng cấu thành nên giá trị chung của di sản văn hóa Hội An.

     Hệ thống di tích lịch sử cách mạng ở Hội An là bằng chứng sinh động về chặng đường dài đấu tranh gian khổ nhưng rất đi vinh quang, tự hào để giành lấy độc lập, tự do, giải phóng quê hương của quân và dân Hội An; thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần đấu tranh anh dũng, khát vọng tự do cháy bỏng, lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, niềm tin chiến thắng trong các cuộc chiến chính nghĩa thuộc về ta; có giá trị giáo dục truyền thống hết sức sinh động, trực quan và ý nghĩa, qua đó thôi thúc ý chí, nghị lực vươn lên của thế hệ đi sau vượt qua mọi khó khăn, thử thách hướng đến xây dựng và bảo vệ quê hương Hội An ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ, di tích lịch sử cách mạng còn góp phần giáo dục đạo đức, lối sống tốt đẹp, lòng biết ơn, xây dựng hoài bão, ước vọng, khát khao cống hiến sức trẻ, lòng nhiệt huyết và trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

     Xác định vai trò quan trọng của việc giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Hội An anh hùng, từ ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ Hội An đã quan tâm nhấn mạnh công tác này trong các văn kiện Đại hội. Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 14/12/2015 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030, đến nay, cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố đã dành nhiều sự quan tâm, lồng ghép triển khai nhiều hoạt động thiết thực và khá sôi nổi. Trong nỗ lực chung đó, ngành văn hóa đã sớm quan tâm triển khai công tác điều tra, khảo sát, khoanh vùng bảo vệ di tích cách mạng trên thực địa; sưu tầm tư liệu về các sự kiện lịch sử liên quan đến di tích; lập hồ sơ quản lý; xây dựng hồ sơ khoa học trình xếp hạng các cấp. Công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo cũng dần được đẩy mạnh. Hầu hết di tích đến nay đã được dựng bia thông tin, được duy tu bảo dưỡng thường xuyên; nhiều di tích được đầu tư khuôn viên khang trang, mỹ quan phục vụ công tác phát huy. Trong số đó đã hình thành Nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh tại di tích nhà Đức An phục vụ tham quan từ năm 2010 đến nay; hình thành phòng trưng bày truyền thống cách mạng tại Bảo tàng Hội An; hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo và hạng mục trưng bày tại di tích Nhà lao Hội An. Hiện có 02 dự án trọng điểm là tu bổ, tôn tạo di tích Rừng dừa Bảy Mẫu và di tích Cây Thông Một đã có chủ trương và đang xúc tiến thủ tục triển khai trong thời gian đến.

     Về công tác phát huy, từ sớm, ngành văn hóa đã chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng các bài báo cáo, video giới thiệu về di tích để tuyên truyền trong các trường học, các cơ sở đoàn. Trong những năm qua, nhiều bài viết giới thiệu di tích, nhân vật lịch sử được đăng trên Tập san văn hóa, Tập thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản, Chuyên mục phát thanh bảo tồn di sản hàng tuần. Cuốn Sổ tay địa chỉ đỏ của tuổi trẻ ở Hội An phát hành năm 2019, nâng cấp năm 2021 được phổ biến rộng rãi đến các Đoàn xã/phường trên địa bàn thành phố phục vụ công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động dã ngoại về nguồn của các cơ sở Đoàn. Việc ứng dụng số hóa tuyên truyền về di tích cũng bước đầu được triển khai, như: Giới thiệu cuốn Sổ tay địa chỉ đỏ của tuổi trẻ Hội An bằng hình thức trực tuyến; thực hiện “Bản đồ số” định vị các di tích, địa chỉ đỏ của thành phố trên bản đồ Google-Map; thực hiện trưng bày trực tuyến “Một số địa chỉ đỏ của tuổi trẻ phố Hội”; số hóa thông tin 24 di tích gồm tiếng Việt và tiếng Anh và gắn “Bảng mã QR” tại di tích.

     Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, di tích Nhà lao Hội An trở thành địa chỉ tham quan trọng điểm, thu hút ngày càng đông đảo khách tham quan với tổng cộng 74 đoàn gồm 4.456 lượt người đến tham quan, thuộc nhiều đối tượng khác nhau: Học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên, tù yêu nước, cựu chiến binh, cán bộ - viên chức,… ở trong và ngoài thành phố. Hiện nay, Trung tâm đang xúc tiến để đầu tư thêm hạng mục trưng bày, hệ thống trang thiết bị, xây dựng các chương trình để tổ chức hoạt động tham quan, phát huy giá trị di tích ngày càng hiệu quả hơn.

     Trong thời gian đến, với sự quan tâm vào cuộc của hệ thống chính trị nói chung, ngành văn hóa nói riêng, đặc biệt là vai trò của ngành giáo dục và các tổ chức đoàn thể của tuổi trẻ thành phố, công tác phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trong thế hệ trẻ hứa hẹn sẽ ngày càng đạt nhiều thành quả, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hội An.

 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây