Trong bài “Hội An cổ”, A.Sallet đề cập đến những dấu tích văn hóa Champa ở Hội An như những viên đá có chạm hình người nằm nghiêng hoặc trang trí hoa nằm trong khuôn viên Tòa sứ Hội An, nay là Khách sạn Hội An; miếu Bà Lồi ở làng Sơn Phô. Liên quan đến dấu ấn văn hóa Nhật Bản, Sallet đã trích ghi chép của Christoforo Borri về chúa Nguyễn cho phép người Nhật lập khu phố riêng bên cạnh khu phố người Hoa ở thương cảng Hội An. Ông còn mô tả chi tiết về lịch sử, kiến trúc di tích Chùa Cầu và những ngôi mộ người Nhật ở Hội An.
Trong thời kỳ thịnh vượng của thương cảng Hội An, nhiều giáo sĩ phương Tây đã đến Hội An truyền đạo và có người đã yên nghỉ tại Hội An như giáo sĩ Sana. Trong “Hội An cổ”, A.Sallet đã mô tả tương đối cụ thể ngôi mộ giáo sĩ Sana cùng mộ của đồ đệ giáo sĩ Sana và mộ một giáo sĩ phương Tây khác ở Sơn Phô.
Thú vị hơn là những nội dung liên quan đến việc khai thác yến sào và tổ chim yến ở Hội An trong chuyên khảo “Tổ chim én: Những con én biển và tổ ăn được của chúng”. Trong chuyên khảo này, Sallet dành nhiều trang viết về cách phân loại và giá cả của tổ yến trên thị trường Hội An, cách thức sơ chế tổ yến tại nhà Quảng Phước Xương, các hang yến ở Cù Lao Chàm và làng làm nghề khai thác yến sào - làng yến/yến xã ở Hội An.
Về hang yến, vào năm 1930, có 4 hang ở Cù Lao Chàm có chim yến đến làm tổ là hang Khô, hang Cả (hang lớn), hang Vò Vò (hang con ong vò vẽ), hang Tây (hang ở phía Tây). A.Sallet mô tả khá kỹ về các hang yến này. Ông viết: “Hang đầu tiên (hang Cả) được coi là khó khăn do vị trí và sự bất tiện rất đặc biệt đối với người tìm tổ yến, nhưng tổ ở đây khá nhiều. Hang thứ hai là hang Vò Vò, cao và thoáng. Nó nổi tiếng vì nhiều tổ và tổ rất trắng, trắng hơn rất nhiều so với tổ ở hang khác. Người ta giải thích rằng sự kiện đó là do khoảng không rộng lớn trong hang, như thế tổ luôn được khô, không thể bị biến chất, luôn ở tình trạng tươi dễ nhận”.
Sơ chế tổ chim yến là công việc tuy không vất vả nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn của người làm. A.Sallet mô tả về việc sơ chế tổ chim yến tại nhà Quảng Phước Xương ở Hội An như sau:
“Một nhóm người làm công Việt Nam, ngồi xổm theo cách của họ thành vòng tròn chung quanh một đống tổ én do một chuyến thu hoạch mới đây ở Cù Lao Chàm mang lại. Với các dụng cụ nhỏ bằng tre hay sắt, kim hay móc, họ tầm tận đáy các mắt lưới của tổ, váy, móc ra không để bỏ sót các phế vật thấy được”
Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, tổ yến được giới thương nhân ở Hội An phân thành 3 hạng chính là quan yến, thiên tự yến, địa tự yến. Ngoài ra còn có yến bài và yến huyết nhưng hiếm gặp. Sallet giải thích về tên gọi của mỗi loại tổ yến như sau:
- Quan yến là tổ yến hạng nhất, chúng trắng một cách hoàn hảo, dày và lớn. Tên của chúng có nghĩa là tổ én của quan.
- Thiên tự yến có cùng kích thước với quan yến nhưng ít trắng hơn. Đây là tổ én của chữ thiên: trời.
- Địa tự yến là yến hạng thứ 3. Tổ màu gần vàng, chúng kém dày và nhỏ hơn về kích thước các loại trước. Tổ én của chữ địa: đất.
Yến bài và yến huyết do các con chim đã kiệt sức xây, có máu trộn lẫn trong nước bột của chúng. Các tổ này hiếm, người ta cho chúng có những đặc tính quý giá về y học nhất là trong các bệnh lao và cảm nhiễm suy thoái - chúng có giá trị cao”
Vào thời của Sallet khảo sát, loại yến quan khai thác kỳ I, bán với giá 140 đồng/cân, nhưng kỳ II giảm còn 100đồng/cân, kỳ III còn 90đồng/cân. Tương tự với yến thiên là 100 đồng xuống còn 64 đồng một cân, yến địa là 70 đồng xuống còn 64 đồng rồi 58 đồng một cân, yến bài là 70 đồng xuống còn 64 đồng một cân. Mặc dù yến huyết được xem có giá trị dược học cao nhưng giá bán chỉ bằng yến thiên trong cùng kỳ I, 100 đồng một cân.
Những chuyên khảo của Sallet nói trên là nguồn tài liệu quý góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề về lịch sử, văn hóa Hội An, đặc biệt là đối với nghề khai thác tổ chim yến ở Hội An.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền