Nghề trồng lúa ở Cù Lao Chàm

Chủ nhật - 22/06/2014 21:59
Từ nhiều ngàn năm trước, Cù Lao Chàm là cụm đảo thuộc lãnh hải, lãnh thổ của vương quốc Champa và sau đó là của Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam với nhiều tên gọi Ciam pullo, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La… Nơi đây từng là điểm dừng chân quen thuộc của thương thuyền nhiều nước ở phương Đông cũng như phương Tây trên các chuyến hải trình dọc theo các con đường hương liệu, tơ lụa, gốm sứ trên biển.
Nghề trồng lúa ở Cù Lao Chàm
        Trải qua quá trình định cư và sinh sống lâu dài, cư dân Cù Lao Chàm sống dựa vào nghề đánh bắt hải sản, đốn củi bứt mây, trồng lúa.... Trồng lúa là một trong những nghề chính của cư dân ở đây trong lịch sử, có nhiều nguồn tư liệu nhắc đến nghề trồng lúa Cù Lao Chàm, sách Đại Nam Nhất thống chí trong chương viết về Quảng Nam, chép rằng: “Cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía Đông, ngất ngưỡng giữa biển gọi là đảo Ngoạ Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm; dân phường Tân Hợp ở phía nam núi; ruộng trên núi có thể cày cấy; thuyền bè nước ta thường trông núi này làm chừng đi về đều đỗ ở đây để lấy củi, nước…” [1], hay Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục có miêu tả:“Phủ Thăng Hoa, ở ngoài cửa Đại Chiêm có núi to gọi là Cù Lao Chàm, ba ngọn núi đối nhau, hai ngọn lớn mà xanh tốt, có dân cư ruộng nương, có các thứ cam, quýt, đỗ lạc, trên suối có nước ngọt, một ngọn thì nhỏ mà khô khan, ra biển 2 canh thì đến” [2]. Trong Bộ điền xã Tân Hiệp năm Thiệu Trị và tái đạc năm Bảo Đại thứ 2 (1927) ghi rõ về diện tích các thửa ruộng, họ tên người làm ruộng…[3]

         Theo hồi cố và các tài liệu lịch sử cho biết, những năm 1941 - 1943 lực lượng tham gia làm ruộng ở Cù Lao Chàm chiếm số lượng lớn, diện tích trồng lúa hơn 20 mẫu phân bố rộng rãi trên địa bàn thôn Bãi Hương, Bãi Ông, thôn Cấm… Hiện nay còn khoảng 5 hộ gia đình trồng lúa với diện tích canh tác 2ha.
         
          Nghề trồng lúa là nghề nặng nhọc và vất vả, từ khi gieo trồng đến thu hoạch trải qua nhiều khâu và công đoạn, trong đó quan trọng nhất là khâu làm đất và chăm sóc vì nó ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch sau này. Nguồn nước tưới tiêu cho ruộng thường sử dụng nước chảy ra từ các khe như Khe cây Thị, Khe ông Thơ, Khe cây Dừng, Khe ông Sang…

           Ruộng ở Cù Lao Chàm trước đây mỗi năm làm 3 vụ, những năm gần đây chuyển sang làm 2 vụ gồm Đông Xuân và Hè Thu. Giống lúa trồng rất đa dạng và phong phú với nhiều chủng loại như lúa Ba Trăng, nếp Hương, Hồng Ngự, lúa Trung Quốc, lúa Xuyệt, Thần Nông, lúa Vĩnh Long,… Đây là những giống lúa ngắn ngày, khoảng 90 ngày sau khi gieo là thu hoạch được, sản lượng đạt được 3 - 4 tạ/ sào. Hiện nay, cư dân Cù Lao Chàm trồng lúa Thơm là chủ yếu, vì hạt dẻo mềm và thơm ngon.
 Trước đây, cư dân dùng phân hữu cơ để bón ruộng. Phân hữu cơ thường là phân trâu bò và heo đem ủ mục với rơm rồi bón xuống ruộng trong công đoạn làm đất trước khi cấy, hoặc lúc cây lúa chuẩn bị làm đòng có thể bón thúc thêm một lần phân hữu cơ tạo sức mạnh cho cây lúa trổ đòng, ngậm được sữa, đậu nhiều hạt và hạt không lép.
Ngoài ra, trong quá trình làm nghề người nông dân đã đúc rút cho mình ít nhiều kinh nghiệm. Khi cấy/sạ cần sử dụng nguồn nước hợp lý trong từng giai đoạn để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt như lúa khi sạ thì nước ngang rò, khi cây lúa làm đòng thì lượng nước trong ruộng khoảng 20-25cm. Đối với phân bón, phải bón xuống ruộng trước khi cày, bừa nhằm tăng lượng chất dinh dưỡng cho đất, cây lúa sẽ phát triển tốt hơn.

          Đối với nghề trồng lúa, hằng năm vào ngày 16/12 Âm lịch, cư dân trồng lúa tổ chức lễ cúng Thần Nông tại lăng Thần Nông. Đây là lễ tế lớn nên cộng đồng tham gia rất đông. Đứng lễ thường là những người cao niên, có uy tín trong làng. Riêng các hộ gia đình làm ruộng, thường vào sáng 1/1 Âm lịch họ đem lễ vật ra nền Thần Nông cúng nhằm cầu cho mùa màng bội thu. Sau khi ruộng cấy/sạ xong người chủ ruộng thường làm một bữa cơm đơn giản đãi những người tham gia làm ruộng cho mình. Khi gặt xong thì cúng cơm mới.

           Bên cạnh các lễ cúng, để việc gieo trồng được thuận lợi người nông dân trồng lúa Cù Lao Chàm có những kiêng cữ riêng đối với nghề. Trong khâu ủ giống, họ kiêng cữ ma mới, người chuyên làm việc cải táng… nhìn vào hạt giống, vì như vậy giống sẽ không nẩy mầm và chết đi. Khi gặp các trường hợp này, người làm ruộng thường đem tro bỏ vào giống lúa để tránh hạt không nảy mầm, còi cọc.

         Nhìn chung, nghề trồng lúa ở Cù Lao Chàm có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu đời, đây là một trong những nghề chính của cư dân nơi đây trong lịch sử. Bên cạnh “tự cung tự cấp” đảm bảo nguồn lương thực cho gia đình, nghề trồng lúa còn có giá trị lịch sử - văn hóa góp phần nhận biết lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Cù Lao Chàm trong lịch sử.

            Hiện nay, hoạt động tham quan du lịch Cù Lao Chàm ngày càng phát triển, bên cạnh sự hiện đại, nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, sinh thái tại Cù Lao Chàm vẫn được giữ gìn và phát huy. Cùng với nhiều di tích như chùa Hải Tạng, giếng xóm Cấm, lăng ông Ngư, miếu tổ nghề Yến… ruộng lúa sẽ là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn khi du khách đến tham quan Cù Lao Chàm, đặc biệt là ruộng đồng Chùa trước chùa Hải Tạng và ở Bãi Ông cần được phát huy nhằm bảo tồn nghề truyền thống và phục vụ hoạt động tham quan du lịch tại địa phương.
 
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (1996), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, tr 358-359.
[2] Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.116.
[3] Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây