Đình ở Hội An

Thứ hai - 30/06/2014 21:31
Với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, đình là bộ phận thiết yếu trong các công trình kiến trúc thuộc thiết chế văn hóa làng xã cổ truyền của người Việt, là hình ảnh thân quen với bao thế hệ cư dân gắn với những kỷ niệm vui buồn của cuộc sống. Ở Hội An, đình được hình thành muộn hơn so với ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, gắn liền với quá trình di dân thành lập cộng đồng làng xã người Việt ở Hội An. Theo các kết quả nghiên cứu, làng xã người Việt được hình thành sớm nhất ở Hội An đến nay được biết là làng Võng Nhi, được hình thành vào cuối thế kỷ XV. Từ thế kỷ XVI-XVIII, nhiều làng xã khác ở Hội An cũng được thành lập như làng Cẩm Phô, Hoài Phô, Hội An, Thanh Châu, Thanh Hà,…
Đình Xuân Lâm - Cẩm Phô
Đình Xuân Lâm - Cẩm Phô
        Theo một số nhà nghiên cứu, đình ở Hội An là tên gọi chung cho 2 thiết chế văn hóa làng/xã, đình thờ thần và từ đường thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền của làng. Do nằm trong môi trường địa lý bất lợi, sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh và ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nên không ít đình ở Hội An bị sụp đổ hoàn toàn hay bị thay đổi về quy mô, bố cục hoặc chuyển dời vị trí.

       Qua khảo sát, tại một số làng/xã ở Hội An, ngoài ngôi đình chung của làng còn có đình ấp. Hiện nay ở Hội An có 16 đình làng/ấp bảo tồn được gần như nguyên vẹn các giá trị nguyên gốc. Cũng như nhiều công trình kiến trúc thuộc thiết chế văn hóa làng xã cổ truyền khác ở Hội An, đình được xây dựng ở nơi đắc địa nhất của làng theo thuật phong thủy, nằm trên gò đất cao ở trung tâm của làng hoặc vị trí thuận lợi về giao thông, có phong cảnh hữu tình, mặt tiền thường xoay về hướng Nam hay Tây Nam. Tuy nhiên cũng có trường hợp mặt tiền xoay về hướng Tây, Bắc hoặc Đông.
       
       Đình ở Hội An có bố cục mặt bằng tổng thể truyền thống gồm phía trước là tam quan, tiếp đến là bình phong, khoảng sân rộng, chánh điện, hậu tẩm, hai bên là nhà Đông và nhà Tây. Tuy nhiên, do điều kiện về diện tích đất, kinh tế,… và theo quan niệm của mỗi làng, ấp mà trong bố cục tổng thể có thể có thêm tiền đình, phương đình hoặc không có tam quan, bình phong, nhà Đông và nhà Tây. Trường hợp đặc biệt chỉ có chánh điện và hậu tẩm.
     
       Tam quan xây bằng gạch, vữa vôi, trụ hình tròn kẻ chỉ hoặc hình vuông. Bình phong là hạng mục quan trọng trong tổng thể kiến trúc đình làng, ấp ở Hội An, phần lớn được làm theo kiểu cuốn thư, mặt trước và sau thường trang trí đề tài Long mã phụ hà đồ, hình hổ, chim, cá, hoa lá,... theo hình thức đắp nổi cẩn mảnh và vẽ màu.

       Các hạng mục như tiền đình, chính điện, hậu tẩm, nhà Đông và nhà Tây có hệ khung chịu lực bằng gỗ với cột gỗ tròn hoặc vuông, vì kèo kiểu kẻ chuyền và kiểu trính chồng trụ đội. Mái được lợp ngói âm dương. Đặc biệt trên mái chính điện và hậu tẩm có các đề tài, chi tiết trang trí cầu kỳ, độc đáo bằng hình thức đắp nổi kết hợp cẩn sành sứ và vẽ màu như đề tài “Lưỡng long triều nguyệt”, “Lưỡng long tranh châu”, các con vật trong tứ linh, cá, hoa điểu, hoa quả,… Ngoài ra, diềm mái và bờ chảy phía trước của một số ngôi đình có gắn các đĩa sứ nhằm làm tăng thêm vẻ uy nghiêm, cổ kính và bề thế của ngôi đình. Tường bao của các ngôi đình được xây gạch vữa vôi. Hệ cửa mặt tiền thường làm theo kiểu thượng song hạ bản. Nền láng xi măng hoặc lát gạch đất nung. Hầu hết các hạng mục như nhà Đông, nhà Tây, tiền đình có bố cục kiểu ba gian; hậu tẩm có bố cục một gian. Riêng chánh điện có bố cục kiểu ba gian hoặc ba gian hai chái. Duy nhất đình làng Xuân Mỹ có bố cục kiểu một gian hai chái. Đặc biệt, hậu tẩm đình Ông Voi được xây dựng với kết cấu hai tầng. Đây là kiểu hậu tẩm duy nhất ở Hội An và hiếm gặp ở nơi khác, tạo cho đình Ông Voi mang nét độc đáo riêng về nghệ thuật kiến trúc.
       
      Đình ở Hội An là một trong những thành phần cơ bản của thiết chế văn hóa làng xã cổ truyền, là trung tâm văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng và là biểu tượng văn hóa của mỗi làng xã. Chính vì thế, đình làng ở Hội An được xây dựng không chỉ hướng đến sự bền vững lâu dài với việc sử dụng những vật liệu tốt mà còn phải khẳng định những giá trị thẩm mỹ về kỹ thuật kiến trúc lẫn các hình thức, chi tiết trang trí trên công trình kiến trúc từ bố cục tổng thể đến các thành phần chi tiết. Bên cạnh đó, những yếu tố phong thủy của ngôi đình cũng được đặc biệt xem trọng nhằm cầu mong sự bình an, phát triển của làng xã. Hiện nay, đình ở Hội An trở thành một bộ phận quan trọng trong di sản kiến trúc làng xã được bảo tồn chu đáo, phát huy hiệu quả. Có 06 ngôi đình được xếp hạng cấp quốc gia (đình Xuân Mỹ, Đế Võng, Sơn Phong, Cẩm Phô, Tụy tiên đường Minh Hương và Đình Tiền Hiền Tân Hiệp), 06 ngôi đình được xếp hạng cấp Tỉnh (đình An Mỹ, Sơn Phô, Thanh Hà, Tu Lễ, Xuân Lâm và Đình Tiền Hiền Kim Bồng). Các ngôi đình trở thành điểm tham quan hấp dẫn trong tuyến tham quan phố cổ Hội An và là điểm tham quan chính yếu trong các di tích nằm ngoài khu vực phố cổ./.

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây