Một số bài thơ hay về Hội An của các thi sĩ

Chủ nhật - 22/06/2014 21:45
Trong quá khứ Hội An không chỉ là nơi đến mua bán, trao đổi hàng hóa của các thương nhân mà còn là nơi nhiều tao nhân mặc khách đã ở hoặc du hành đến đây và có cảm nhận thi vị thể hiện qua nhiều thi phẩm. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số tác giả và bản dịch thi phẩm của họ.
       Đầu tiên là Cao Bá Quát với bài thơ du Hội An phùng Vị thành ca giả,  tác giả bài thơ này trong hoàn cảnh bị biếm trục vào Quảng Nam năm 1847, tại đây ông đã du ngoạn nhiều nơi, khi qua Hội An ông viết bài thơ trên như sau:
                           “Gặp nhau đều tiếc muộn màng
                                    Huống nơi đất khách tình càng đắng cay
                            Sáo đàn trăng sáng đêm nay
                                      Quê hương đã mấy thu chày xa xôi

                     Be nồng, lệ đã cạn rồi
                              Tro lòng nguội đuốc còn sáng hồng
                                   Bạn xưa nay mấy người cùng
                               Hát cho trọn khúc, đầy cung hẹp gì”
      
         Qua bài thơ ta thấy tâm trạng của tác giả trước thời cuộc, dường như tất cả mọi thứ đều đến hồi kết, chia ly.
       
        Thi nhân thứ hai thuộc họ Nguyễn Tường tại Cẩm Phô - Hội An, ông tự là Quảng Thúc và Hy Nhân hiệu là Thứ Trai, Nguyễn Tường Phổ con của Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân. Ông đỗ tiến sĩ cập đệ năm 1842 từng làm việc ở Hàn Lâm viện làm Tri phủ Hoằng An và Giáo thụ Điện Bàn. Bình sinh ông thích ngâm thơ vịnh cảnh, có lần ông đi câu trên sông Hoài nhìn về phố Hội và viết bài thơ Lai Viễn kiều Tây xuân phiếm điếu đĩnh, hồi vọng Hội An phố thư hoài như sau:

Phố ngói nối liền suốt một thôn,
Quang cảnh phồn hoa cũ vẫn còn,
Ven sông cây cảnh khoe sắc mới,
Bên lối hoa đào đứng lặng thôi.
Bãi cạn lưa thưa ghe nôốc đậu,
Xuân về vang rộn tiếng đàn ca.
Bên cầu nhìn lại lòng chan chứa,
Lười bẻ cành tơ nâng chén mời.
 
          Nếu như ta bắt gặp tâm trạng buồn bã, chia ly tan tác trong bài thơ Du Hội An phùng Vị thành ca giả của họ Cao thì trong bài này ta lại thấy một sinh khí tràn trề khi mùa xuân về trên phố Hội của tâm cảm Nguyễn Tường Phổ.

          Một tác giả rất quen thuộc với Hội An là Đặng Huy Trứ, ông đậu Giải Nguyên năm 1847, Năm 1864 ông được bổ nhiệm chức Bố chánh Quảng Nam, tại đây ông đã có nhiều trứ tác, trong đó, có bài thơ vô đề như sau:
          Trằn trọc đèn khuya mộng chẳng thành,
          Bên song trăng sáng sắc càng trong,
          Xa nghe tiếng mỏ rền đứt nối,
          Gần vọng canh gà eo óc vang.
          Đau đáu nhớ ai bàn chí hướng,
          Xa xăm nào chốn hỏi bình sinh
          Tốt lành rồi sẽ lên kim bảng
          Nhớ lại người đi vạn dặm tình.
 
        Bài thơ thể hiện sự xao động, hoài cảm, nhớ bạn trước cảnh tình của đất Hội An. Bài thơ làm trong lúc ông được triều đình lệnh cho vào giúp đỡ nhân dân Quảng Nam vượt qua khó khăn khi gặp nạn đói lớn và ông đã làm tròn nhiệm vụ.
        Qua một số bài thơ của các thi sĩ trên đây chúng ta thấy rằng Hội An từng là đề tài và địa điểm sáng tác và tại đây đã có nhiều thi phẩm ra đời. Qua đó, giá trị văn hóa Hội An thêm một lần nữa, đẹp hơn, lung linh hơn trong mắt của tao nhân mặc khách.

Tác giả: Ngô Đức Chí

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây