Ông Nguyễn Đường - một trong những người giữ gìn hồn phố

Thứ hai - 30/06/2014 21:11
Nhiều nhà báo, nhà văn hoá hiện nay đang nói nhiều về từ hồn phố. Hồn phố ở Hội An bàng bạc trong những đình, chùa, ngõ hẽm…trong những con người thành đạt và cũng có những con người hết sức bình dị đang hàng ngày góp phần làm cho hồn phố thêm đẹp. Trong đó có ông Nguyễn Đường - người gánh nước giếng Bá Lễ.
Ông Nguyễn Đường - một trong những người giữ gìn hồn phố
        Ở Hội An có một giếng nước cổ, nằm sâu trong kiệt Bá Lễ - đoạn nối giữa đường Trần Hưng Đạo và Phan Chu Trinh. Giếng này được người dân Hội An gọi là giếng Bá Lễ để ghi công ông Bá Lễ sống ở gần giếng đã bỏ ra 100 đồng tiền Đông dương tu bổ giếng vào đầu thế kỷ XX. Không người dân nào sống lâu năm ở phố cổ Hội An mà không biết đến một giếng Bá Lễ - nước giếng ngọt, mạch nước dồi dào và có phong cách xây dựng theo kiểu giếng Chăm. Nguồn nước giếng này góp phần tạo nên sự mềm, giòn của sợi cao lầu cũng như là nguồn nước uống ngọt ngào của nhiều cư dân sống ở vùng gần sông của khu phố cổ. Chính vì lý do đó mà đã tạo nên một cái nghề rất dân giã nhưng đã góp phần tạo nên hồn phố Hội An - nghề gánh nước thuê.
Có một vợ chồng gắn dấu ấn đặc biệt với nghề này là vợ chồng ông Nguyễn Đường, người chồng năm nay đã 78 tuổi. Ông Đường là người Hội An gốc, vào Sài Gòn gặp vợ là bà Lê Thị Mỹ người Đại Lộc cũng di cư vào đó. Rồi hai người về sống ở Hội An và gắn bó với nghề gánh nước đến nay cũng đã hơn 40 năm. Hằng ngày, vào buổi sáng sớm từ 5 - 7,8h sáng, bước chân cùng những gánh nước của vợ chồng ông Đường trải đều trên các con phố cổ, từ những nhà dân ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, hay những nhà hàng ở đường Nguyễn Thái Học… Ông Đường, cùng vợ và con trai của mình là anh Quốc, anh này bị mắc bệnh thần kinh bẩm sinh, mỗi người một gánh đôi thùng nước đã đi như vậy suốt 40 năm ở Khu phố cổ. Những thùng nước bình dị đã đem tới cho người dân phố cổ vị ngọt ngào của tự nhiên, không những góp phần tạo nên hương vị riêng có của những món ăn đặc sản Hội An như  Cao lầu, hoành thành, mỳ quảng, xí mà…mà còn làm cho các món ăn thức uống hàng ngày ở nhiều gia đình thêm thơm ngon, vừa miệng.
 
         
 
          Nhà ông Đường là một căn nhỏ chừng 60m2 nằm trong kiệt Giếng Bá Lễ và chỉ cách giếng Bá Lễ chỉ chừng 50 m về phía Tây Nam. Theo lệ thường, vợ chồng ông Đường cùng con thường dậy từ 4h sáng, họ đến giếng, lặng lẽ, nhẹ nhàng múc nước đầy hai thùng nhôm 20 lít rồi gánh đi đến các nhà cần dùng nước. Ông Đường cho biết: ngày nào cũng gánh cả chục đôi nước đi khắp cả phố, đến nhà ông bún chả, chị giáo viên, bà bán cao lầu. Mỗi đôi nước được trả từ 3 - 5 ngàn đồng, tính cả ngày cũng được 50 ngàn đồng. Những năm gần đây, vợ ông yếu dần, không còn ghánh nước nữa, nên gánh nặng những đôi nước trên vai cũng như công việc gia đình trông cậy vào ông Đường và người con bị bệnh thần kinh. Vất vả là vậy, nhưng ông vẫn vui vẻ khoe với chúng tôi về những tấm ảnh của các nhà báo, khách du lịch ghi hình về ông, nhanh nhảu kể về chuyện đã được nhiều lần lên phim và cũng tự hào mình là người nổi tiếng với một nghề rất đơn sơ ở Khu phố cổ. Nhìn vào những hình ảnh mà những du khách và hàng xóm ghi hình đôi vợ chồng ông chải tóc cho nhau rất vui vẻ, hay gương mặt ông lúc nào cũng tươi vui khi được chụp hình tôi thấy họ đang rất hạnh phúc với những gì họ đang làm và đang có.
Ngoài vợ chồng ông Đường, bà Mỹ đang giữ hồn cho vị ngọt của nước giếng cổ của phố Hội, trong những năm gần đây còn có anh Trần Trung Mẹo ở Cẩm Hà, anh Nguyễn Văn Nhẫn ở Minh An và bà Dương Thị Thương ở Cẩm Phô… cũng đang làm nghề gánh hoặc chở nước bằng xe ba gác, xe đạp từ giếng Bá Lễ đi bán ở các nơi trong phố cổ và một số vùng ven khác của Hội An như Bến Trễ - Cẩm Hà. Hàng năm những người khai thác nước giếng Bá Lễ thay phiên nhau vét giếng, giữ gìn tốt mạch nước giếng cổ.
       
        Những bước chân, những vòng xe chở nước của ông Đường và những người làm nghề này đã trở thành những chuyển động lặng lẽ để chuyên chở vị ngọt của nước, của vị đặc trưng trong những món ăn ẩm thực và trong phong cách sống người phố Hội - Và họ thật là những con người bình dị đang gìn giữ hồn phố cổ.

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây