Dư âm tiếng lòng...

Chủ nhật - 14/09/2014 21:13
Những đêm nhạc trong không gian phố Hội đã chuyển tải nhiều thông điệp khác nhau, nhưng chung quy lại đều là “cái tình” của người xứ Quảng với môn nghệ thuật chạm vào tâm thức con người bằng cả giai điệu lẫn ca từ.

          Nhạc xưa ở phố

         Hội An - khi màn đêm buông xuống, là không gian âm nhạc đầy chất tự tình. Những tình khúc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy… vang lên, không ồn ào nhưng đủ sức níu bước chân người ngang qua. Đó là không gian của Quê Nhà - nơi người em trai ca sĩ Ánh Tuyết, sau nhiều bận rong ruổi giang hồ, trở về phố cổ và lập ra, như một nơi chốn để những tâm hồn yêu nhạc nơi này gặp nhau. “Đài các” hơn, là Hạ Uy Cầm, với gian phòng đủ rộng để dành cho những lữ khách đường xa tìm về chốn này. Gần gũi hơn, là những nhóm “nhạc đường phố” - như kiểu của thập niên 50 - 60 thế kỷ trước, ngồi đồng trước hiên nhà, đàn ca tới đêm muộn. Như lời một người Hội An, gần như cả cuộc đời gắn bó với phố cổ, chia sẻ: “Đã không ít lần lang thang vào những phòng trà ca nhạc chuyên nghiệp ở các thành phố lớn, tôi vẫn cảm thấy ở những nơi đó như thiếu một điều gì đó, như là một đốm lửa dành riêng cho âm nhạc. Ở Hội An, mọi người chơi nhạc với tất cả lửa lòng mình dành riêng cho âm nhạc. Những con người nghiệp dư chơi nhạc một cách chuyên nghiệp”.
 


Một đêm nhạc tại không gian gia đình ở Hội An. Ảnh: X.HIỀN
 
       Âm nhạc như một nét duyên làm nên đêm Hội An. Có bận chứng kiến trên một khoang tàu trên sông Hoài, chỉ vài ba người, một cây guitare, cũng đủ làm nên một đêm nhạc say mê lòng người. Nhịp sống phố cổ có lẽ thừa điều kiện để những gia đình lâu đời ở Hội An sắm cho riêng mình một ban nhạc. Khách đến phố Hội cứ muốn nhung nhớ về một thời của “cung đàn xưa” với những tay đờn, tay trống điệu nghệ như La Gia Quảng - cháu ruột nhạc sĩ La Hối, Hoàng Tú Mỹ…, hay nhóm nhạc của cựu học sinh trường Trần Quý Cáp, nhóm nhạc Vĩnh Lợi, nhóm văn nghệ Việt Hoa… Giờ những nhóm nhạc này đã lùi vào dĩ vãng, nhưng đời sống vẫn cuộn chảy để cho ra đời những nhóm nhạc mới, đủ mọi lứa tuổi. Từ một Cung Trầm Phố với đủ đầy cảm xúc của một ban nhạc gia đình, từ người đệm đàn đến người hát, giờ tuy đã đổi tên thành Phê café, nhưng có lẽ không gian này vẫn còn ám ảnh người quen mỗi bận về phố. Nhiều người nói với chúng tôi, có lẽ phong trào âm nhạc ở Hội An đang phục hồi và phát triển mạnh trở lại, từ sau những thăng trầm của thập niên 90. Đến nay, Hội An có chừng 20 nhóm nhạc gia đình. Và như vậy, Hội An, ngoài phố, ngoài cảnh sắc êm đềm, những không gian âm nhạc xưa cũ, ấm cúng cũng đủ níu khách quay về.

         Song hành những không gian âm nhạc trữ tình, sang trọng, ở những góc phố, vẫn còn những nhóm nhạc dân ca, có thể ngẫu hứng mà ngồi hát cho khách nghe. Và cũng đôi khi, khách gặp những cụ ông, cụ bà lớn tuổi, ngồi gõ mạn thuyền, say sưa hát trên sông, hay những lớp học hát dân ca dành cho con trẻ, tối nào cũng sáng đèn.

          Những mảng màu mới

         Văn nghệ sĩ đất Quảng, thi thoảng vẫn có cho nhau riêng những đêm nhạc, để cùng lắng lòng nghe những tâm tình của bạn mình, chuyển tải qua ca từ, giai điệu. Mỗi bận có album mới sắp phát hành, Chi hội Âm nhạc lại tổ chức những đêm ra mắt album, tác phẩm mới, như một cách để quảng bá và kiếm tìm đồng vọng dành cho người sáng tác. Chính từ những đêm nhạc như vậy, phần nào đó, người nhạc sĩ sẽ tìm thấy được cho riêng mình những tri âm, hay đơn giản, chỉ để tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng. Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích, Chủ tịch Hội VH-NT chia sẻ: “Đội ngũ những người sáng tác âm nhạc Quảng Nam vẫn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm âm nhạc có chất lượng tốt, đương đại và đậm đà chất liệu dân ca của quê hương đất Quảng. Dù thế nào đi nữa, âm nhạc đương đại vẫn kế thừa truyền thống và luôn tồn tại như một mạch ngầm trong lòng đất…”.

       Chi hội Âm nhạc (thuộc Hội VH-NT Quảng Nam), tính đến nay đã qua 16 năm dựng nên vóc dáng hình hài. Còn âm nhạc xứ Quảng, có lẽ đã có “bản sắc” riêng từ những ngày có điệu hò khoan, điệu dân ca xứ Quảng. Đương đại, đã có hàng trăm ca khúc ra đời, đi vào những ngõ ngách cuộc sống, mọi nẻo quê hương và những cung bậc tình cảm khác nhau của công chúng âm nhạc. Nhạc sĩ Phan Văn Minh tâm sự: “Ngày càng có nhiều tác phẩm của anh chị em nhạc sĩ vượt ra khỏi địa giới tỉnh nhà để đến những miền đất khác, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao”. Riêng năm 2014, ca khúc “Rừng gọi A Sơn Dun” của Phan Văn Minh đã đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc các tỉnh phía Nam. Gần đây nhất là ca khúc “Cần Thơ trên bến dưới thuyền” của nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải đoạt giải Ba cuộc thi sáng tác ca khúc do TP.Cần Thơ tổ chức.

       Đêm nhạc kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam (3.9) vừa qua, người yêu nhạc xứ Quảng lại thêm một lần nữa cảm thụ chính những âm giai của người quê mình viết nên. Là Ngọc Phước - với những tác phẩm đậm đặc tính sáng tạo, hát mà như kể chuyện đời mình, kể chuyện đời bạn. Hay Phan Văn Minh, vẫn tài năng và bền bỉ trong cuộc chơi với con trẻ, trong album mới vừa phát hành “Con nít con nôi”. Hay như “Tiếng lòng” của Nguyễn Đăng Vinh - nhạc sĩ có tuổi đời trẻ nhất Chi hội Âm nhạc, vừa được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam… Tình yêu dành cho âm nhạc, cũng như tình yêu dành cho cuộc sống này, có lúc thăng lúc trầm, nhưng các nghệ sĩ vẫn luôn đến đời “tiếng hát trái tim”.
 

Tác giả: SONG ANH

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây