Trung Phong Trần Văn Tứ Một Huyền thoại của bóng đá xứ Quảng

Thứ năm - 02/10/2014 23:07
Một lần tình cờ vào Hội An, một vài người bạn đã kể cho tôi nghe những mẩu chuyện về trung phong Trần Văn Tứ, một huyền thoại của bóng đá phố Hội. Trần Văn Tứ mất năm Giáp Thân (1944) ngay trên sân Hội An khi mới bước sang tuổi 25.

          Theo lời kể của ông Diệp Gia Tùng thì Trần Văn Tứ chính là con của một thủ từ chùa Quán Thánh (Hội An) tên là Việt. Tứ mồ côi cha từ năm lên 10 tuổi, được người bác ruột cưu mang. Ông Thủ Nha là bác ruột Tứ, biết chí hướng của cháu liền gửi Tứ ra Huế học võ ở lỏ võ Vĩnh Tiên. Sẵn có tố chất nhanh nhẹn, chịu khó, chàng trai xứ Quảng không mất nhiều thời gian để trở thành một võ sĩ nổi danh không chỉ ở chốn kinh thành mà còn ngang dọc khắp dải đất miền Trung, vừa dạy võ vừa kiếm sống.

         Thời trai trẻ, Trần Văn Tứ được nhiều người thương mến bởi tính nghĩa hiệp, trọng lẽ công bằng và hay bênh vực kẻ yếu bị hà hiếp. Lưu lạc một thời gian, Trần Văn Tứ quay trở về nơi chôn nhau cắt rốn - Hội An và xin đầu quân thi đấu cho đội bóng Faifo, một đội bóng quy tụ các cầu thủ người Việt có chí hướng và tinh thần dân tộc. Cái tên faifo khá nổi tiếng trong giới túc cầu xứ Trung kỳ, vốn là hậu thân của đội bóng Rạng Đông (Aurore) do ông Phạm Thêm, bí thư chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mệnh đồng chí hội tại Hội An làm “ông bầu”, bị chính quyền thực dân giải tán vào năm 1929 do tuyên truyền tư tưởng yêu nước, truyền bá cách mạng tại Hội An. Vốn có sẵn đam mê và chăm chỉ tập luyện, Trần Văn Tứ được chọn vào đá ở vị trí trung phong trong đội hình chính thức của Faifo.

          Đầu những năm 40, miền Trung có khá nhiều đội bóng tên tuổi của cả người Việt lẫn người Pháp. Thực dân Pháp hô hào, khuếch trương cái gọi là “tinh thần thể thao” để mị dân và lôi kéo tầng lớp thanh niên, đổ tiền treo thưởng, tổ chức các hoạt động thể thao như đua xe đạp, bóng đá, quần vợt… Tuy nhiên, ngay cả trong thi đấu thể thao, các vận động viên người bản xứ cũng không bao giờ được đối xử công bằng. Các đội bóng của người Pháp, hoặc các đội bóng do chủ Tây làm bầu, luôn được ưu ái, thiên vị còn các đội bóng của người Việt thì bị chèn ép đủ điều, bị phân biệt đối xử trong thi đấu. Faifo - một đội bóng người Việt lại có sẵn “tiền sự”, tuyên truyền tư tưởng yêu nước cũng không phải là ngoại lệ. Trong một lần ra Huế du đấu, các cầu thủ Faifo bị trọng tài xử ép một cách lộ liễu nên thua đội bóng liên quân Pháp - Việt trên sân Bảo Long thua 0 - 6. Thua nhưng không nản lòng, các cầu thủ Hội An quyết nuôi chí lớn, chờ cơ hội để phục thù.

          Nằm cách Hội An khoảng 30km, tại Đà Nẵng thời bấy giờ có một đội bóng khá nổi tiếng với cái tên Tourannais, được người Pháp bảo hộ, là kỳ phùng địch thủ nhiều lần đụng độ với Faifo. Dù thi đấu có lúc thắng, lúc thua nhưng các cầu thủ Hội An vẫn luôn bị o ép.

          Chờ đợi mãi, cuối cùng cơ hội để các cầu thủ Hội An rửa hận cũng đã đến. Chiều 3/2/1944, trận đấu giữa hai đội bóng Faifo và Tourannais được tổ chức ngay trên sân vận động thị xã Hội An. Trung phong Trần Công Tứ được vào sân ngay từ đầu. Tứ chạy năng nổ, tả xung hữu đột trên hàng tấn công, nhiều phen làm hàng phòng ngự của Tourananais khốn đốn. Cũng giống như những lần gặp trước giữa hai đội bóng, trận đấu diễn ra quyết liệt ngay từ những phút đầu. Touranais là niềm hãnh diện của người Pháp một đội bóng được bảo hộ, còn Faifo được các Cổ động viên người Việt dành cho nhiều tình cảm bởi tinh thần dân tộc và cả sự hào hoa trong lối chơi của các cầu thủ Hội An. Linh hồn trên hàng tấn công của Faifo chính là trung phong Trần Văn Tứ kỳ tài, nhanh nhẹn và khéo léo. Tứ có miếng sở trưởng của con nhà võ, tung người bàn vô lê rất chính xác và mang như trái phá. Hiệp đầu, không đội nào ghi được bàn thắng, cả hai đội chơi ở thế giằng co, dè chừng nhau. Đầu hiệp 2, trung phong Trần Văn Tứ của Faifo xuất thần, đắt bóng đột phá dũng mãnh, qua mặt các hậu vệ nổi tiếng chơi “chém đinh, chặt sắt” của Tourannais. Thủ môn Truyền buộc phải lao ra, nhưng Tứ nhanh chân hơn sút bóng tung lưới trước khi ngã gục xuống sân cỏ bởi một cú song phi đầy ác ý của thủ môn đội Tourannais. Sân vận động Hội An như muốn nổ tung trước tiếng reo hò, cổ vũ của các cổ động viên người Việt, trong khi Trần Văn Tứ, người ghi bàn thắng vào lưới Tourannais đâu đớn quằn quại trên sân. Đồng đội đưa tứ ra ngoài sân chăm sóc, nhiều người không khỏi lo lắng trước chấn thương khá nặng ở vùng bụng của trung phong Trần Văn Tứ. Từng là một võ sĩ, Trần Văn Tứ đã quen chịu đòn mỗi khi thượng đài, sau ít phút nghỉ ngơi, anh nén đau xin được đá tiếp. Trong trận đấu hôm ấy, Trần Văn Tứ thực sự trở thành người hùng trên sân Hội An. Chỉ ít phút sau khi vào sân Tứ lại ghi tiếp một bàn thắng nữa cho Faifo và trước khi trận đấu kết thúc, trung phong Trần Văn Tứ kiệt sức, gục ngã trên sân cỏ bất tỉnh. Mặc dù được đồng đội và người thân hết lòng chăm sóc, nhưng do chấn thương nội tạng quá nặng, Trần Văn Tứ đã phải vĩnh viễn chia tay với đồng đội và sân cỏ ở tuổi 25.

          Cái chết của trong phong Trần Văn Tứ ngay trên sân Hội An đã làm cho nhiều người xúc động và cảm phục tinh thần thi đấu quên mình. Theo lời kể của những người hâm mộ kỳ cựu ở phố Hội, đám tang của Trần Văn Tứ có hàng vạn người tiễn trong niềm tiếc thương một cầu thủ kỳ tài xả thân vì bóng đá. Ngay cả một số quan lại trong chính quyền thuộc địa như Tổng đốc Ngô Đình Khôi, công sứ Pháp tại Quảng Nam La - booc - dơ cũng phải miễn cưỡng tới dự tang lễ Trần Văn Tứ để lấy lòng dân chúng.

          Hơn nữa thế kỷ sau ngày trung phong huyền thoại Trần Văn Tứ qua đời, qua bạn bè và một số người thân thích của ông, chúng tôi đã tìm đến Hội An và bồi hồi nhớ lại những huyền thoại xưa. Bên nấm mộ của “người hùng sân cỏ” , huyền thoại của bóng đá Hội An một thời, tấm bia đã vẫn còn khắc ghi những dòng chữ đầy trang trọng đã phai mờ theo năm tháng: “Đây là mộ Trần Văn Tứ một danh tướng của nền túc cầu mà số mệnh đã tàn nhẫn cướp đi giữa tình thương yêu tha thiết của thân bằng quyến thuộc. Anh mất năm 25 tuổi, ngày 2 - 3 năm Giáp Thân (1944) sau khi đã phô diễn trên sân vận động Hội An cả can trường, nghĩa khí… Bạn hữu đều tiếc thương một cầu thủ không người thay thế và cái kỷ niệm vê sự dũng cảm ấy mãi mãi gắn ghi

          Bia một Trần Văn Tứ do Liên đoàn thể thao Quảng Nam tạc dựng, khắc bằng song ngữ Pháp -Việt. Một số bạn bè cùng thời với Trần Văn Tứ có cho biết, bà Thanh  - vợ của Trần Văn Tứ năm ấy, đã ngót 80 tuổi, vài năm trước còn sống tại làng Khương Hạ, Trung Phước, huyện Quế Sơn, Quảng Nam.

          * Ghi chú:
(Trích trong tập sách “Những cột mốc lịch sử 100 năm Bóng đá Việt Nam” do liên đoàn bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản - năm 2012)

Tác giả: Nam Phong

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây