Nghệ nhân Nguyễn Đán – Một nghệ nhân góp phần quan trọng bảo tồn Bài Chòi ở Hội An

Thứ ba - 21/10/2014 03:39
Người dân Hội An đã rất thân quen với giọng hô ngọt ngào, hài hước khi xướng lời thai các con cờ Bạch Tuyết, Thái Tử, Ngũ dụm, Nhì bí, Xe, Tám giây (bát nứt)của anh hiệu Bài chòi Nguyễn Đán trong mỗi đêm phố cổ. Anh Đán 55 tuổi, người ấp Hậu Xá, làng Thanh Hà, có nghệ danh là Lương Đán và đã có 15 năm gắn bó với hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Bài chòi.
Nghệ nhân Nguyễn Đán – Một nghệ nhân góp phần quan trọng bảo tồn Bài Chòi ở Hội An
        Theo anh Đán, Bài chòi là trò chơi dân gian phổ biến qua hàng trăm năm ở vùng Quảng Nam và một số tỉnh ở Nam Trung bộ. Bài Chòi thường diễn ra vào dịp đầu xuân hàng năm, người ta thường dựng lên các chòi tranh ở vị trí trung tâm của làng, ấp, thôn để thu hút đông đảo bà con đến chơi nên có tên gọi là Bài chòi. Tính nghệ thuật của Bài chòi là trong khi chơi, người hô/gọi tên con cờ trong tổng số 32 con cờ bằng cách sử dụng lối hát nói dẫn từ các hình tượng, sự việc dân gian.
Ông Đán kể rằng, từ lúc 10 tuổi(1969) ông Đán được bà ngoại truyền khẩu những lời hô Bài chòi mộc mạc, dân dã và đã thuộc lời, xướng đúng âm, tiết tấu của các con bài trong Bài chòi khiến người thân luôn tấm tắc khen mỗi khi thưởng thức. Kỹ thuật luyến, láy, lấy hơi để diễn xướng bài chòi của ông Đán từng bước nâng lên khi được tham gia các lớp học nghiệp vụ nghệ thuật quần chúng trong thời gian đang là cộng tác viên của Phòng Văn hóa Thông tin từ năm 1985 - 1993. Ông Đán đã góp ông quan trọng trong việc phục hồi nghệ thuật hô hát Bài chòi Hội An kể từ khi được Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An chọn làm người hô hát chính trong Đêm rằm phố cổ từ năm 1999 đến nay.
Ông Đán còn mang những giai điệu Bài chòi tham gia các đợt liên hoan nghệ thuật quần chúng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên. Ngoài ra, ông Đán còn được mời hô/hát Bài chòi phục vụ các chương trình văn hóa khác tại Hội An, chương trình Hành trình Văn hóa; Làng Việt... của Đài truyền hình Việt Nam. 

        Ông Đán còn dựa trên các làn điệu Cổ bản, Xàng xê, hò Quảng, Xuân nữ và sử dụng các thủ pháp ước lệ, ẩn dụ để viết lời hô cho các con bài. Khi hô hát bài chòi, ông Đán linh động dùng những bài hô có tiết tấu nhanh, vui nhộn hoặc một số lời hô được trích từ một vài ca khúc nhạc nhẹ để xóa tan những cảm giác xa lạ ban đầu, thu hút người chơi dần dần làm quen với những tiết tấu, giai điệu, lời hát cổ của Bài Chòi trong thời gian sau của cuộc chơi. Kết hợp sử dụng các động tác diễn xuất hài hước của nghệ thuật tuồng phù hợp với nội dung lời hô Bài chòi vui nhộn. Khi hát những lời này ông Đán thường sử dụng kỹ thuật nhấn, luyến, nói để tạo sự gây cười làm cho không khí của trò chơi dân gian Bài chòi trở nên sôi động. Để có được những buổi diễn xuất tốt, ông Đán luôn nắm bắt kỹ về kiến thức lịch sử, văn hóa, các làn điệu Bài chòi để hướng dẫn, giải thích thêm cho người chơi, cho du khách. 

       Ngoài những đóng góp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Bài chòi, ông Đán còn là người góp công lớn trong việc hướng dẫn, truyền nghề cho nhiều thành viên của đội Văn nghệ quần chúng của Trung tâm Văn hóa Thể thao. Trong đó, đã hướng dẫn hô hát Bài chòi cho diễn viên nhiều năm kinh nghiệm là  Phùng Thị Ngọc Huệ và trực tiếp truyền dạy kỹ thuật hát, xướng, nội dung lời hát Bài chòi cho các diễn viễn trẻ là: Như  Quí, Trần Thị Thu Hương, Dương Thị Hoa, Nguyễn Thị Lệ Nga những người này đều đã trở thành người diễn xướng thành thạo.

      Có thể nói rằng, trong bối cảnh các tỉnh duyên hải miền Trung đang tập trung lập hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại thì ông Đán là người đang đóng góp vai trò quan trọng gìn giữ, phát huy lĩnh vực này tại Hội An, tỉnh Quảng Nam

Tác giả: Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây