Thông tin về làng Hội An trong tài liệu điều tra về làng xã ở Quảng Nam năm 1941 - 1943

Chủ nhật - 23/11/2014 21:56
Làng Hội An là một trong những làng được thành lập khá sớm trên mảnh đất thuộc thành phố Hội An hiện nay. Địa danh này đã được khắc ghi trên bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật có niên đại năm 1640 nằm tại động Hoa Nghiêm, Ngũ Hành Sơn. Trong lịch sử, làng Hội An giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của đô thị - thương cảng Hội An. Hiện nay, phần lớn diện tích làng Hội An thuộc phạm vị phố cổ và khu vực trung tâm thành phố Hội An. Trong bộ tài liệu điều tra về làng xã ở Quảng Nam do Viễn Đông bác cổ thực hiện vào năm 1941-1943, làng Hội An được đề cập với tên gọi là làng Điển Hội. Tên gọi này xuất hiện vào năm 1936 theo chỉ dụ của vua Bảo Đại ngày 20 tháng 7 năm thứ 11.
             Theo tư liệu điều tra của Viễn Đông bác cổ, vào năm 1941-1943, ở làng Hội An còn lưu giữ 22 đạo sắc phong thần về vị thần Thái Giám Bạch Mã, Thành Hoàng, Đại Càn, Ngũ Hành, Phiếm Ái được phong tặng, gia tặng nhiều danh hiệu, mỹ tự dưới thời vua Minh Mạng đến thời vua Duy Tân.

          Đình làng Hội An khá quy mô, được kiến lập vào thời Lê nằm ở vị trí giữa đường Lê Lợi hiện nay. Năm Gia Long thứ 17(1818), đình được tu bổ lại. Vào năm Thành Thái thứ 17, do bị mở đường nên đình được dời qua bên trái đường ở vị trí hiện nay. Đình được tiếp tục tu bổ vào năm Bảo Đại thứ 17 (1942). Vào thời điểm điều tra của Viễn Đông bác cổ, đình làng Hội An có quy mô rất lớn, kiểu chữ khẩu gồm hậu tẩm hai tầng với tầng trên thờ Đại Càn, tầng dưới có khám thờ được chạm trổ công phu để đặt sắc phong, tiếp đến là đình có bàn hương án lớn ở giữa, trước đình là sân trong có đặt bốn đôn bằng đá, bên tả hữu sân là nhà Đông và nhà Tây, phía trước sân là tiền đình. Sân trước tiền đình có đặt đôi voi bằng xi măng. Phía trước nhà Đông có một miếu thờ kiến trúc ba gian với gian ở giữa thờ Thành Hoàng, gian trong thờ Ba Bà, gian ngoài thờ Ngũ Hành. Trước miếu có hai con kỳ lân đá. Hiện vật có giá trị tại đình là cặp độc bình bằng sứ, một cái vẽ chữ thọ và một cái vẽ sơn thủy, 04 bộ ngũ sự bằng đồng, lư tròn, 01 bộ tam sự bằng đồng, lư vuông và 01 con voi bằng đồng nặng 1kg.

          Về diện tích, làng Hội An lúc này có khoảng 60 mẫu đất, trong đó thổ phố có 12 mẫu, còn lại là bạch sa thổ mộ. Dân cư chủ yếu là làm thương mãi.
          Tài liệu điều tra cũng cho biết vào năm 1941-1943, hương ước làng Hội An có 12 điều lệ nghiêm cấm uống rượu để mất trật tự trong khi có hội họp, cấm uống rượu say sưa, khi tế lễ phải giữ yên lặng và phải sạch sẽ, về lễ tang thì tùy theo người có công mà đi điếu nhiều hay ít, người hương chức phải một lòng tần tụy làm việc, khi làm việc gì có tiền phải trích một phần sung công,..

           Tập tài liệu về làng Hội An trong bộ điều tra về làng xã ở Quảng Nam năm 1941-1943 của Viễn Đông bác cổ cung cấp nhiều thông tin thú vị để nhận thức về lịch sử, văn hóa làng Hội An, làng/phố người Việt nằm ở đô thị thương cảng Hội An bên cạnh phố người Hoa và phố người Nhật. 

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây