Một số thông tin về nghề y truyền thống Hội An qua tham vấn cộng đồng

Chủ nhật - 18/01/2015 21:22
Vào khoảng thế kỷ XVI-XVII, đô thị thương cảng Hội An trở thành nơi buôn bán và trao đổi hàng hóa nhộn nhịp của xứ Đàng Trong, giai đoạn này nhiều ngành nghề có điều kiện hình thành và phát triển, trong đó có nghề y. Theo các tư liệu lịch sử cho biết, khi đến Hội An vào năm 1695, Thiền sư Thích Đại Sán ghi chép lại trong tác phẩm Hải ngoại kỷ sự như sau: “Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của khách hàng các nước,… thuốc Bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây”. Hay những ghi chép của Lê Quý Đôn trong tác phẩm Phủ biên tạp lục cho ta thấy đương thời nghề thuốc ở Hội An rất phát triển, đa dạng và phong phú về chủng loại thuốc của địa phương “… ở Quảng Nam có rất nhiều vị thuốc như nhiều nhục quế, trầm hương, kỳ nam…”. Cristophoro Borri khi đến Hội An cũng đã miêu tả về nghề y trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621 “...về các thầy thuốc, cách chữa bệnh, cách thức tính tiền, cách dùng thuốc, kiêng cữ... trong nghề y”.
Bàn thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Ảnh: Phước Tịnh
Bàn thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Ảnh: Phước Tịnh
        Theo kết quả tham vấn cộng đồng cho biết, nghề y Hội An thời kỳ thế kỷ thứ XIX - XX tập trung hoạt động mạnh trên các tuyến đường chính như Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Hoàng Diệu…với nhiều tiệm thuốc Bắc, thuốc Nam như Thái An đường, Thuận An đường, Hòa Xuân đường, Xuân Thu đường, Duy Ích đường, Triều Phát, Bửu An đường… Cùng với nhiều thầy thuốc giỏi, có kinh nghiệm trong việc hành nghề y như thầy Mười (hiệu Triều Phát), thầy Chấn Nam Thành (nhà Phi Yến), thầy Ba Chung, thầy Trương Hùng Cơ… sự đa dạng về chủng loại thuốc cùng với sự có mặt của các thầy thuốc nổi tiếng đã góp phần đáng kể vào việc phát triển nghề y ở Hội An, Quảng Nam cũng như cả Đàng Trong. Đặc biệt, sau ngày quê hương Hội An được giải phóng, các cơ sở buôn bán Đông dược tư nhân tại Hội An được Nhà nước, Chính quyền địa phương vận động hợp tác thành lập Phòng Chẩn trị y học dân tộc tập thể và bầu ra ban chủ nhiệm để điều hành, đồng thời UBND Thị xã ra Quyết định thành lập Hội đồng Y học Dân tộc. Trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, đến cuối năm 2000 trở lại lấy tên là Hội Đông y Hội An cho đến nay. Hiện Hội Đông y thu hút nhiều thầy thuốc, lương y vào tham gia sinh hoạt và trao đổi chuyên môn.    

         Hiện nay vẫn còn rất nhiều tiệm thuốc Bắc, thuốc Nam duy trì hoạt động như Nam Xương đường, Xuân Thu đường, hiệu thuốc của thầy Vàng, thầy Cân cùng khá nhiều đội ngũ các lương y, thầy thuốc Nam ở khắp các xã/phường trên địa bàn thành phố Hội An. Qua khảo sát, chúng tôi đã thống kê được đội ngũ thầy thuốc, lương y Hội An có hơn 70 người đang hoạt động, với hơn 17 cơ sở tập trung trên địa bàn các phường Cẩm Phô, Tân An, Sơn Phong, xã Cẩm Kim, Cẩm Hà. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có 2 sở buôn bán Đông dược là nhà thuốc Hội Phố và nhà thuốc Dui Giao.

          Nghề y truyền thống Hội An hoạt động chính trên hai lĩnh vực thuốc Nam và thuốc Bắc. Thuốc Nam là để chỉ các cây cỏ làm thuốc (dược liệu) mọc hoặc được trồng ngay trên đất nước ta. Thuốc Bắc là những loại cây mọc hoặc trồng tại bên Trung Hoa và được bán sang nước ta. Hiện nay, hai từ thuốc Nam, thuốc Bắc là để phân biệt tại Trung Hoa lục địa và ở trong nước ta. Nói chung, cùng một cây cỏ làm thuốc, ở Việt Nam có thì Trung Hoa lục địa cũng có và ngược lại, nhưng còn rất nhiều loại cây cỏ trong các phương thuốc theo các y văn do người Trung Hoa và danh y Việt Nam biên soạn thì ở Việt Nam chưa phát hiện, cho nên muốn thực hiện hoàn hảo một phương thang để điều trị cho bệnh nhân thì phải sử dụng hai nguồn thuốc Nam, thuốc Bắc. Nhìn chung, khi các hiệu thuốc của người Hoa còn hoạt động trong Khu phố cổ, nguồn Đông dược rất phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy thuốc sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mang lại hiệu quả nhanh chóng hơn.



Tham vấn cộng đồng nghề y tại Hội An - Ảnh: Phước Tịnh 

        Trong những năm chiến tranh chống Mỹ gần như nguồn dược liệu trong nước không phát huy mà phần lớn dùng thuốc Bắc, do không thể trồng hay thu hái đâu được. Trong khi đó thì thuốc Bắc thuận tiện hơn, các cửa hiệu lớn ở Đà Nẵng như hiệu thuốc Phước Thọ Đường phải mua dược liệu ở Trung Quốc rồi về phân phối lại khắp các tỉnh/thành trong cả nước, trong đó có các hiệu thuốc ở Hội An.

        Nghề y truyền thống Hội An là một nghề mang tính khoa học rất cao bởi nó không sử dụng các phương tiện hiện đại để chẩn đoán bệnh như Tây y. Theo các thầy thuốc cho biết, để chẩn đoán, điều trị thì Đông y thiên về chức năng của cơ thể, sinh lý con người và chức năng của nhân tố gây bệnh, đa phần chữa các bệnh thuộc về cơ năng. Tây y thiên về thực thể của cơ thể, sinh lý con người và hữu hình của nhân tố gây bệnh. Sau khi chẩn bệnh, căn cứ vào tình hình cụ thể của bệnh, thầy thuốc thường kê đơn thuốc dặn dò cách sử dụng và kiêng cữ khi dùng thuốc. Cách kê đơn dùng thuốc căn cứ vào tình hình cụ thể của bệnh, nội dung có thể là những bài thuốc gia truyền kinh nghiệm, cũng có thể là những bài thuốc sẵn có rồi gia giảm thêm, có khi thầy thuốc có thể dựa hoàn toàn vào các triệu chứng tật bệnh chẩn đoán được mà kê một bài thuốc hoàn toàn theo sáng kiến kinh nghiệm của mình. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi đã thống kê được hơn 120 bài thuốc cổ phương (phương thang) của 31 nhóm bệnh như cảm, ho, phong tê thấp, tiêu hóa, chóng mặt, hen suyễn... Đồng thời, đã thống kê được hơn 329 loại dược liệu được các thầy thuốc, lương y Hội An sử dụng để khám chữa bệnh.

      Trong quá trình hành nghề, các thầy thuốc, lương y sử dụng những công cụ chủ yếu như tủ đựng thuốc, cân tiểu ly, bàn tín, dao cầu, thuyền tán… Ngoài ra còn dùng một số công cụ mới như máy điện châm, kim châm cứu, máy xay thuốc… và hàng chục đầu sách các loại phục vụ cho nghề.

      Bên cạnh những kiêng cữ, hàng năm các thầy thuốc Hội An đều tổ chức lễ cúng tổ nghề y. Qua kết quả khảo sát, hầu hết các tiệm thuốc người Việt ở Hội An thờ vị tổ nghề y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, một vị danh y sống vào thời Lê-Trịnh. Đối với các thầy thuốc người Hoa thì họ thờ Hoa Đà, Biển Thước, Lý Thời Trân. Các vị danh y được những thầy thuốc xem như là những vị tổ nghề y. Một số nhà còn thờ một số nhân vật như Huỳnh Đế, Kỳ Bá, Lôi Công... có nhà thờ Thần Nông, một nhân vật huyền thoại thời cổ đại trong lịch sử Trung Hoa, đã dạy cho dân về nông nghiệp và dùng thảo dược chữa bệnh. Theo các thầy thuốc cho biết, họ thường cúng tổ vào ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch. Phòng chẩn trị Đông y tại số 50 Nguyễn Thái Học là nơi tổ chức cúng Tổ nghề y. Lễ cúng diễn ra rất linh đình và có đọc văn tế.

          Hiện nay, nghề y truyền thống Hội An có dấu hiệu phục hồi và phát triển. Thông qua việc kiểm kê nghề y góp phần nhận diện những giá trị lịch sử, các lễ nghi tín ngưỡng, các kinh nghiệm, tri thức dân gian của nghề, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghề y truyền thống ở Hội An.
 
* Tài liệu tham khảo:
            1/ C. Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
            2/ Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
            3/ Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Ủy ban phiên dịch sử liệu, Viện Đại học Huế xuất bản.
            4/ Trung tâm QLBT Di tích Hội An (2008), Nghề truyền thống Hội An.
            5/ Biên bản tổng hợp tham vấn cộng đồng nghề y truyền thống Hội An ngày 30/11/2014.
            6/ Tài liệu do ông Trương Tổng - Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hội An cung cấp.

 
 
 
 
 

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây