1. Đồng chí Hà Mùi, sinh năm 1909, quê ở làng Ngũ Giáp, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn. Đồng chí Hà Mùi là người thu thuế chợ, đã hoạt động tích cực trong tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1928, 1929. Đồng chí Hà Mùi đã có sự cộng tác mật thiết với đồng chí Phan Văn Định (
Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Quảng Nam), Trần Cần. Tháng 12/1929, đồng chí Hà Mùi cùng với đồng chí Trần Cần kết nạp đồng chí Trần Thị Dư vào tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau khi Chi bộ Cộng sản Hội An ra đời, đồng chí là Bí thư đầu tiên của tổ chức Đảng ở Hội An, phụ trách chỉ đạo các hoạt động. Đến tháng 10/1930, đồng chí bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An, sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động bí mật và từ trần tại Hội An vào năm 1960
[1].
2. Đồng chí Nguyễn Vỹ, sinh năm 1909, quê làng Kim Bồng nay là xã Cẩm Kim. Vào cuối thập kỷ 20, thế kỷ XX, Hội An với vai trò là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa của miền Trung nên các tờ báo “
Người cùng khổ”, “
Thanh niên” do Nguyễn Ái Quốc sáng lập cũng được lưu hành tại đây. Người thanh niên, thợ mộc tiến bộ Nguyễn Vỹ đã đọc được từ các tờ báo này những tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Ái Quốc. Vào tháng 4 năm 1930, đồng chí Nguyễn Vỹ được trở thành thành viên của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Hội An,phụ trách tổ chức Công hội đỏ của công chánh Hội An và làng thợ Kim Bồng. Sau khi Chi bộ Đảng ra đời, đồng chí Nguyễn Vỹ đã giới thiệu hai đồng chí Nguyễn Tỵ, Nguyễn Em ở Kim Bồng
[2] để chi bộ Hội An kết nạp Đảng. Trong thời gian này, Chi bộ Đảng có chủ trương tuyên truyền sự kiện ra đời của Đảng, biểu dương lực lượng vào ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Đồng chí Nguyễn Vỹ cùng các thành viên tổ chức Công hội đỏ bí mật treo cờ Đảng trên cây đa ấp Vĩnh Hưng, rải truyền đơn trên bến đò phố mà hiện nay là bến đò Cẩm Kim sang Hội An và khu vực giáp ranh giữa Kim Bồng, Thanh Hà để hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động. Đây là lần đầu tiên, nhân dân Kim Bồng được nhìn thấy cờ búa liềm công nông, được tiếp nhận các truyền đơn: “
nam nữ bình đẳng”, “
chia lại ruộng đất cho dân cày”. Hoạt động này làm dấy lên phong trào đấu tranh của nhân dân yêu cầu địa chủ, hương lý trong xã giảm thuế, giảm tô tức.
Vào tháng 10/1930, Chi bộ Hội An bị địch đánh phá, đồng chí Nguyễn Vỹ bị bắt, nhưng địch không đủ chứng cớ kết án nên phải trả tự do. Về sau bị địch ép đi lính thợ nhưng đồng chí vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia thành lập “
Chi bộ binh lính”, xây dựng mạng lưới cơ sở nội tuyến trong đồn lính khố xanh Hội An, tham gia vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Tháng 8/1945 ở tỉnh lỵ Quảng Nam. Từ sau năm 1945, đồng chí Nguyễn Vỹ tiếp tục hoạt động cách mạng ở nhiều địa phương, nghỉ hưu và qua đời vào năm 1981 tại Đà Lạt - Lâm Đồng.
3. Đồng chí Huỳnh Lắm, sinh ngày 20/4/1912, quê ở làng Cẩm Phô. Đồng chí Lắm cũng là người có mối quan hệ mật thiết với các đồng chí Phan Văn Định, Hà Mùi và là người yêu của đồng chí Trần Thị Dư. Đồng chí Lắm đã đóng góp nhiều trong công tác tuyên truyền, in ấn, liên lạc của tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên tại Hội An. Tháng 4 năm 1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của Hội An được thành lập, đồng chí Lắm là một trong bốn thanh viên của Chi bộ. Đồng chí có những đóng góp quan trọng trong tổ chức cơ quan bí mật của Tỉnh ủy ở Xóm Da, phường Cẩm Phô và tổ chức mitting diễn thuyết giữa ban ngày tại trước chùa (
hội quán) Quảng Triệu để kêu gọi quần chúng đấu tranh cách mạng, ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh
[3]. Tháng 8 năm 1930, Hội nghị tỉnh ủy Quảng Nam họp tại Hội An chủ trương đẩy mạnh phong trào cách mạng ở nông thôn, đồng chí Huỳnh Lắm được bổ sung vào Ban chấp hành, trực tiếp phụ trách các hoạt động của Chi bộ Đảng Hội An và đã tham gia gây dựng nhiều cơ sở cách mạng.
Vào tháng 10/1930, giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì cơ quan của Tỉnh ủy ở Hội An bị địch phát hiện. Thực dân Pháp nhanh chóng mở các cuộc càn quyét, truy bắt cán bộ trong toàn tỉnh mà trung tâm là cơ quan của Tỉnh ủy Quảng Nam. Đồng chí Huỳnh Lắm và một số cán bộ thuộc Chi bộ ở Hội An bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An, rồi đày đi Côn Đảo. Từ đây, phong trào đấu tranh ở Hội An tạm lắng xuống. Năm 1934, đồng chí Huỳnh Lắm được ra tù nhưng đã chuyển địa bàn hoạt động, giữ nhiều chức vụ quan trọng của Tỉnh ủy và Liên Khu V, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Đến năm 1975, đồng chí về hưu và qua đời ở Đà Nẵng vào năm 2002.
4. Đồng chí Trần Thị Dư, sinh năm 1910, quê ở làng Cẩm Phô, Hội An, từ nhỏ đã mồ côi mẹ, nên phải đi làm ở xưởng chè Phi - a của Pháp để kiếm sống. Được người anh là Trần Cần dìu dắt, chỉ bảo, đồng chí Dư đã được tiếp xúc với đồng chí Hà Mùi và đồng chí Phan Văn Định. Tháng 12 năm 1929, đồng chí Dư được đồng chí Hà Mùi và Trần Cần kết nạp vào tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí Dư trở thành thành viên cốt cán trong một tổ có trách nhiệm chính là rải truyền đơn, treo cờ, canh phòng, bảo mật. Với những nỗ lực ban đầu đó, ngay sau khi Chi bộ đảng đầu tiên của Hội An ra đời vào tháng 4 năm 1930, thì đến tháng 5 năm 1930, đồng chí Dư được kết nạp vào Đảng, phụ trách phụ nữ giải phóng và làm liên lạc, in ấn tài liệu, rải truyền đơn cách mạng. Trong quá trình hoạt động, đồng chí Dư đã quen và yêu đồng chí Huỳnh Lắm, một thành viên của Chi bộ đảng Hội An. Đặc biệt, để phục vụ cho hoạt động của cơ quan bí mật Tỉnh ủy, đồng chí Dư phải làm đám cưới giả với đồng chí Lội, thuê nhà ở tại Xóm Da - Cẩm Phô để che mắt địch. Tại ngôi nhà ở Xóm Da, các đồng chí Trần Kim Bảng, Trần Đại Quả đã bí mật in ấn các truyền đơn, tài liệu của Tỉnh ủy. Trong khi đó, đồng chí Dư giả vờ làm nghề giao hàng nhưng thực tế là ngược xuôi các địa bàn để giao tài liệu của Tỉnh ủy cho các cơ sở. Đồng chí Dư còn phụ trách việc rải truyền đơn tại các điểm nhạy cảm, nguy hiểm trong phố Hội An là Tòa sứ, Trụ sở cảnh sát, nhà thương, kho bạc, sở thương chánh và khu vực từ chùa Âm Bổn lên đến Chùa Cầu. Sau lần đồng chí Trần Kim Bảng diễn thuyết tại trước chùa Quảng Triệu khoảng 2 tháng, Cảnh sát Pháp và lính khố xanh đã đến nhà đồng chí Dư và bắt đồng chí Dư, Bảng, Quả… Từ đây, hoạt động của Chi bộ Đảng Hội An bị tạm lắng xuống. Mặc dù trải qua những ngày tháng bị tra tấn, chịu đựng đời sống khắc nghiệt trong nhà lao nhưng đồng chí Dư vẫn kiên quyết đấu tranh tuyệt thực, phản đối chế độ lao tù hà khắc của địch. Cuối năm 1932, đồng chí Dư được tự do, tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau năm 1954, đồng chí Dư công tác tại Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao, nghỉ hưu năm 1975 từ trần tại Đà Nẵng năm 1997.
Nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tưởng nhớ lại buổi đầu gian khó của những người đầu tiên gieo hạt giống Cách mạng ở Hội An để thấy rằng thành quả của địa phương hôm nay được có những đóng góp hết sức lớn lao của các thế hệ cách mạng đi trước, những người đã không tiếc hy sinh xương máu, lợi ích cá nhân để cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp Cách mạng.
[1] BCH Đảng bộ thị xã Hội An: Kỷ yếu Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An qua các thời kỳ (1927 - 2004) , tháng 12/2004, tr 13.
[2] BCH Đảng bộ xã Cẩm Kim: Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Kim (
1930 - 1975), Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng 2010, tr 28.
[3] BCH Đảng bộ thị xã Hội An: Kỷ yếu Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An qua các thời kỳ (1927 - 2004) , tháng 12/2004, tr 13.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền