Lễ lệ mùa xuân ở Hội An

Thứ tư - 25/02/2015 21:21
Từ sau tết Nguyên đán, khắp nơi các làng xã ở Hội An đều rộn ràng với lễ cúng cầu an (kỳ yên), lễ cúng đất và lễ cúng liên quan đến nghề nghiệp (cầu bông, cầu ngư hoặc cúng tổ nghề) - cả 3 lễ cúng này được tổ chức cùng ngày, hợp thành một lễ hội lớn đầu năm - Lễ hội mùa xuân. Riêng đối với cộng đồng cư dân người Hoa thì chỉ tập trung cúng tế vào ngày Tết Nguyên tiêu - ngày 16 tháng giêng.
          - Lễ cúng cầu an: Người xưa gọi là “Xuân thủ kỳ an” - tức Xuân cúng cầu an. Lễ cúng được tổ chức tại các đình làng, với mục đích chung nhất là cầu cho mưa thuận, gió hòa, dân tình yên ổn, làm ăn khấm khá, tránh được thiên tai, dịch bệnh. Lễ cúng này được dân cư cả làng tham gia, dù sinh sống bằng bất cứ nghề gì. Đối tượng được dân làng dâng tế cầu xin là thần Thành Hoàng cùng các chư thần của làng, các vị tiền hiền, hậu hiền đang được dân làng tín ngưỡng, thờ tự tại đình. Lễ cúng được diễn ra trong hai ngày. Ngày thứ nhất gọi là Lễ túc -  lễ cáo yết (báo cáo, mời thỉnh các chư thần). Vào ngày này, người ta phải tiến hành nghi lễ khiêng kiệu đi nghinh thần, thỉnh sắc, kiệu thần lần lượt đi qua các nơi có thờ tự của làng để mời/thỉnh chư thần - thánh hay tiền - hậu hiền của làng về hưởng tế. Ngày thứ hai là ngày tế lễ chính. Lễ vật dâng cúng bao gồm các loại bánh trái, hoa quả, gà luộc cả con, đầu heo (với đầy đủ đuôi, móng chân, bộ lòng...), rượu, trà, xôi, cơm, trầu cau, hương đèn, vàng bạc, giấy tiền... Không khí buổi hành lễ rất trang nghiêm, long trọng. Nghi thức của lễ tế này diễn ra theo lệnh hô của người xướng - thông thường lễ chính gồm 3 phần (3 tuần) sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ.

          - Lễ cúng đất: Thực ra lễ cúng đất là một phần nghi lễ không thể thiếu được của lễ cúng cầu an, bởi cúng đất cũng chính là để cầu an (tạ thổ kỳ an - cúng tạ đất đai để cầu an), đất đai yên ổn mới tránh được bệnh tật, mọi việc làm mới được hanh thông. Theo quan niệm dân gian ở Hội An, ngoài các vị thần cai quản về đất đai được nhà nước phong kiến sắc phong thờ trong đình làng, còn một lực lượng đông đảo rất quan trọng liên quan đến đất đai, đến sự yên ổn, cuộc sống làm ăn của dân làng đó là các vong linh phiêu dạt, không có con cháu thờ tự, các chiến sĩ tử trận, nạn nhân bị ôn dịch, bệnh tật, chiến tranh, thiên tai... đặc biệt có cả nhiều vị thần, cô hồn của người Chăm như: Chúa Lồi, chúa Lạc, Mọi, Rợ, Man, Ri, Mê linh, Khô cốt...  cần phải cúng cấp thường xuyên, chu đáo, gọi chung là cúng đất. Lễ này phải thiết/đặt bàn ở ngoài sân, xoay theo hướng ngược lại với bàn thờ ở trong đình, gồm 3 lớp (thượng, trung, hạ). Mỗi lớp đều có hương đèn, hoa quả, cau, trầu, rượu, giấy vàng bạc. Lớp thượng đặt bộ áo thổ thần, vật thực gồm có con gà, xôi, chè. Lớp trung đặt áo bà (2 bộ), 5 bộ áo ngũ phương. Lễ vật có miếng thịt heo luộc, xôi, bộ tam sên (gồm ba đĩa cua, trứng luộc chín, miếng thịt tợ luộc) và mâm cơm cúng. Đặc biệt có đĩa rau luộc, chén mắm cái và cá, tôm nướng. Lớp hạ đặt áo giấy, cháo, gạo muối, bánh tráng, bột nổ (đủ màu), khoai, đậu nấu... để cúng người Hời, người Mọi. Ngoài ra, người ta còn đặt một cái bè bằng thân cây chuối nhỏ, có cờ đuôi nheo dán bằng giấy cắm trên bè hoặc dán giấy trên sườn bằng nan tre hình Long Chu (thuyền rồng) - Vật này nhằm làm phương tiện để chuyên chở, tống khứ ôn hoàng, dịch lệ phá hoại dân làng. Bên cạnh đó còn có một cái bẹ chuối. Khi cúng xong, cái bè chuối hoặc long chu đem thả ra sông (không có sông thì thả ở bầu, ao), còn cái bẹ chuối thì bỏ đồ cúng mỗi thức một ít rồi đem treo ở ngã ba hay ngã tư đường. Về cách thức và trình tự cúng tế cũng giống như việc cúng các chư thần, bậc tiền - hậu hiền ở trong đình. Chú ý khi cúng tế xong phải nhớ phát lương (tức là lấy cháo, gạo muối, bột nổ vãi tung tóe xuống đất, xung quanh sân rồi đốt văn tế, giấy tiền, vàng bạc).

          Đặc biệt, lễ cúng đất còn được xem là một nghi lễ đầu tiên ở hầu hết các lễ cúng tại đình làng, miếu xóm, lăng, tại các nhà thờ tộc họ, chi, phái mỗi khi cúng tế và tại các gia đình vào những ngày giỗ/kỵ, lễ, tết...  
    
        - Lễ cúng liên quan đến nghề nghiệp:
       + Lễ cúng cầu bông của cộng đồng cư dân nông nghiệp: Nghi lễ được dâng cúng tại miếu Thần Nông - Đây là nơi thờ Thần Nông, tương truyền là vị thần đã dạy dân trồng lúa, hoa màu và các vị thần bảo hộ nông nghiệp khác. Lễ vật cúng chủ yếu là hoa quả, các loại bánh, những nông sản, đặc biệt là phải có nhiều chén cơm in, trên có muối đậu. Có làng cúng lớn hơn, ngoài lễ vật trên lại có cả đầu heo, con gà giò (gà trống mới lớn) luộc chín, kèm theo có miếng huyết, bộ lòng, cặp giò, cắm hoa trên miệng và dao trên lưng gà. Ngoài ra còn có đĩa xôi màu hồng. Nghi thức cúng tế được tiến hành trình tự giống như việc cúng tế tại đình, nhưng có một bài văn tế với nội dung cầu cúng riêng, mong các vị thần chứng nhận cho tấm lòng thành và cầu xin một vụ mùa lúa nặng hạt, trĩu bông.

          + Lễ cúng cầu ngư của cộng đồng cư dân ngư nghiệp: lễ cúng này chiếm một vị trí rất quan trọng trong tín ngưỡng dân gian của cộng đồng cư dân ngư nghiệp. Lễ cúng cầu ngư được tổ chức trên bãi biển nên phải dựng rạp, lập đàn, lập bàn thờ và được trang trí rất đàng hoàng. Có nơi được tổ chức trên mặt nước, ngay cửa biển (như làng Phước Trạch), bằng cách ghép các thuyền lại với nhau. Lễ vật dâng cúng nhiều, ít tùy vào điều kiện của mỗi làng/vạn, nhưng có một số lễ vật không thể thiếu là: Hương đèn, giấy tiền, hoa, rượu, bánh, chuối, xôi, chè, gạo - muối, heo (cả con hoặc cái đầu heo hoặc vài miếng tợ thịt heo) hoặc con gà... Tuyệt đối không được dâng lễ vật làm từ hải sản. Lễ cúng cầu ngư được kết thúc bằng nghi lễ không thể thiếu là xin hát trò bả trạo - gọi là xây chầu bả trạo.

          + Lễ cúng Tổ nghề (cúng tổ) của cộng đồng cư dân làm nghề thủ công - buôn bán: Lễ cúng tế nhằm tưởng nhớ đến công đức của thần Thành Hoàng cùng các chư thần; của các bậc Tiền - Hậu hiền và của Tổ nghề. Thông qua đó cầu mong một năm mới hành nghề được hanh thông, bội thu, phát tài, xóm làng được bình yên, vui vẻ...

          Lễ cúng được diễn ra tại các miếu thờ tổ nghề, Phổ nghề. Lễ vật cúng cũng đầy đủ hương, hoa, trà, quả, các loại bánh, mâm cơm cúng, đầu heo (đủ bộ lòng, móng, đuôi) và con gà trống (gà giò). Ngoài ra còn có một bài văn cúng tổ nghề để đọc/xướng dâng lên cáo tổ.

          Điều đặc biệt đáng lưu ý là sau các phần nghi lễ cúng cầu an, cúng đất hoặc lễ cúng liên quan đến nghề nghiệp thì các làng trong dịp lễ lệ mùa xuân này đều tổ chức các hoạt động vui chơi. Tùy vào khả năng và ý thích của mỗi làng, mỗi cộng đồng dân cư mà có các hoạt động như: rước đoàn/gánh hát bộ về biểu diễn, thi đấu cờ người, đá gà, chơi các trò chơi bài tới, bài chòi, đổ xăm hường hay các trò nhảy bao bố, kéo co, múa thiên cẩu, múa lân sư,... Đối với cư dân làm nghề chài lưới trên sông, biển thì không thể thiếu hội đua thuyền, cũng như đối với ngư dân ven biển thì xem hát bả trạo thu hút bà con rất đông và không muốn dừng lại... Có thể nói, lễ lệ mùa xuân (Xuân kỳ) gồm lễ cúng cầu an, cúng đất và lễ cúng liên quan đến nghề nghiệp tạo thành một lễ hội mùa Xuân hết sức sôi động, phong phú của từng cộng đồng, dân cư làng - xã ở Hội An.

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây