Tết xưa ở phố Hội An

Thứ tư - 25/02/2015 20:59
Phố Hội An từ xưa vốn là nơi đô hội, khách thương hồ tứ xứ và khách buôn nước ngoài tập trung đông. Tại đây cũng có nhiều thương khách nước ngoài thường xuyên cư trú, đông nhất là khách Trung Hoa, Nhật Bản và một số nước phương Tây. Đô hội và đông đúc như vậy thì cộng đồng cư dân Hội An xưa đã đón tết như thế nào?
       Trước hết, do là một đô thị - thương cảng ngoại thương lớn nên những ngày cận Tết, phố Hội An - trung tâm của đô thị - thương cảng lại càng sôi động, nhộn nhịp hơn trong vai trò là một chợ tết quốc tế có sức thu hút và tập trung hàng hóa không chỉ ở phạm vi nội tỉnh mà còn có quy mô liên tỉnh, liên vùng và trong chừng mực là liên quốc gia, khu vực. Chợ tết Hội An là chợ tết của phố xá, đô thị chứ không phải là một chợ quê do vậy chắc hẳn sẽ có nhiều hàng hóa trên nguồn dưới biển, hàng trong nước và nước ngoài. Tại tấm bia trùng tu Chùa Cầu năm 1817 ghi: “...Phố Hội An là cảnh trí đẹp của xứ Quảng Nam. Sông giáp ba mặt, ghe thuyền buôn bán tấp nập, sản vật núi biển dồn về...”. Và sau đó vài chục năm, Quốc sử quán triều Nguyễn mô tả: “...Chợ Hội An ở xã Hội An về phía Đông huyện Diên Phước, tục gọi phố Hội An, phía Nam giáp sông Cái, trên bờ hai bên phố ngói liên tiếp chừng hai dặm; bến sông ghe thuyền đi lại tấp nập như mắc cửi. Có nhiều khách buôn người Thanh trú ngụ, có bốn bang là Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, buôn bán hàng hóa phương Bắc, có đình chợ và hội quán, buôn bán tấp nập, là nơi đô hội lớn xưa nay. Lại ở phía Nam sông là đầm Trà Nhiêu, chỗ thuyền buôn các nước dừng đậu...” [1]. Bình thường đã như vậy thì ngày tết chợ Hội An sẽ sôi động, tấp nập biết bao. Cùng với kẻ mua người bán trong nước chắc hẳn nhiều thương khách nước ngoài sẽ không bỏ lỡ cơ hội để bày bán hoặc thu mua hàng hóa. Chợ tết Hội An do vậy sẽ không giống cảnh chợ tết ở một vùng quê Bắc Bộ của Đoàn Văn Cừ mô tả, khi mà sự xuất hiện của một người Khách (người bán hàng gốc Trung Hoa) đã trở thành là một sự kiện lạ:

 
“... Người mua bán ra vào đầy cổng chợ
Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ
Để lắng nghe người Khách nói bô bô
Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán...”
 

          Có lẽ chợ tết ở Hội An sẽ có nhiều nét khác với cảnh chợ tết của Đoàn Văn Cừ. Đó là cảnh ghe thuyền tấp nập, khách buôn bán đủ mọi hạng người và nhiều quốc tịch, còn hàng hóa thì không thiếu thứ gì, “trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được”. Cảnh tấp nập này dù đã giảm sút so với trước nhưng bóng dáng vẫn còn ở những ngày họp chợ giáp tết gần đây, khi mà không gian mua bán mở rộng ra các đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú và một số khu vực lân cận chợ Hội An.

          Cảnh chợ tết là như vậy còn cảnh vui chơi, giải trí ngày tết ở phố Hội An có lẽ cũng náo nhiệt và sôi động không kém. Chúng ta hãy đọc đoạn nhận xét sau của Quốc sử quán triều Nguyễn về phong tục xứ Quảng Nam: “Tục ưa xa xỉ, ít kiềm thúc, hát xướng không tiếc tiền của, ăn mặc tất lượt là, thêu dệt tinh khóe, sa trừu không kém gì Quảng Đông. Đến như tết Nguyên Đán cúng tổ tiên, lạy cha mẹ, ngày hôm sau thì bầu bạn đi lại chúc nhau gọi là “mừng tuổi”. Đầu xuân thì sắm cỗ bàn tế thổ thần..., lễ dựng nêu và trừ tịch đều cúng rượu chè hoa quả, tế thần tất bày trò hát xướng, lễ mừng tất đốt pháo...” [2]. Đọc đoạn nhận xét này ta thấy đằng sau những dòng chữ là bóng dáng của cảnh ăn tết sung túc, đầy màu sắc và bên cạnh yếu tố nông nghiệp truyền thống còn có yếu tố thương nghiệp - ngoại thương thể hiện qua cảnh ăn tết quy mô, có hát xướng, có đốt pháo, có quần áo lụa là không kém Quảng Đông, có vui chơi ăn uống thả cửa, không kiềm thúc...

          Về các thú vui chơi ngày tết, ta hãy theo dõi đoạn ghi chép của J. Barrow, một nhà du thám người Anh viết vào năm 1793 khi đến thăm Đà Nẵng, Hội An:

          “... Dời khỏi chỗ những diễn viên đang diễn kịch, chúng tôi đi ngang qua những bãi cỏ xanh quanh làng, cũng là nơi họp chợ, ở đó chúng tôi được tiêu khiển với nhiều trò vui chơi thể thao, chạy nhảy khác nhau. Ngày 4 tháng 6 là ngày hội lớn ở vùng này của xứ Nam Hà. Ở một chỗ chúng tôi quan sát thấy hơn chục thanh niên đang chơi đá bóng với một cái bong bóng súc vật; Ở một chỗ khác họ đang trổ tài khéo léo nhảy qua một chiếc sào ngang; chỗ này một đám người đang chơi chọi gà, chỗ kia những cậu thiếu niên đang bắt chước đàn anh lớn của chúng huấn luyện những chú chim cút và những loài chim nhỏ khác, thậm chí cả những con châu chấu đánh xé nhau. Ở mọi góc đều thấy có nhiều người đang chơi bài hoặc gieo xúc xắc. Trò chơi thu hút sự chú ý của chúng tôi nhất là một đám thanh niên đá cầu, dùng lòng bàn chân của mình tung quả cầu lên không trung...”[3].

          Cảnh vui chơi trong một lễ hội được mô tả thật sinh động. Trò chơi sau cùng có lẽ là trò đá kiện vốn rất phổ biến ở Hội An cùng nhiều địa phương của xứ Quảng trước đây. Chúng ta thấy rằng tuy không phải là lễ tết Nguyên Đán nhưng hoạt động vui chơi được tổ chức rất quy mô. Nếu là tết cả chắc hẳn cảnh vui chơi sẽ nhộn nhịp, màu sắc hơn rất nhiều, nhất là ở khu vực phố thị như Hội An.

          Một tài liệu của xã Minh Hương cũng cho thấy rằng những ngày tết Nguyên Đán ở Hội An thật náo nhiệt với nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Đây là dịp để đón các quan chức của dinh Quảng Nam và các bộ nha ở kinh đô đến vui xuân cầu phúc. Vì vậy, đường phố được trang hoàng cờ hoa rực rỡ, có đốt pháo hoa, thả hoa đăng, hát tuồng... Một số hoạt động vui chơi đó đã được ghi lại như làm hồng đăng (đèn màu hồng), kết dây 6 màu, nữ nhạc hát chúc thọ, biểu diễn bát tiên chúc thọ, hát tuồng, thả hoa đăng; hát khai trương lợi thị (hát chúc mở hàng, có lẽ một kiểu hát sắc bùa)... Tư liệu dân gian cũng cho thấy tại phố Hội An vào dịp tết hay tổ chức các trò chơi như tào cáo, đánh lú, xăm hường, bài tới, mạc chược, bài kiệu,... Đây là các trò chơi có quy mô nhỏ, thường tổ chức trong phạm vi từng gia đình hoặc một số gia đình, phù hợp với không gian “đất hẹp người đông” của phố thị Hội An. Trong đó bài kiệu được một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng những hình họa của bộ bài này là sáng tạo của những tác giả người Nhật ở phố Hội An.

          Bên cạnh yếu tố phố thị, yếu tố giao lưu - hội nhập với bên ngoài, tết ở phố Hội An dường như dài ngày hơn các vùng quê lân cận. Người ta nói rằng, chỉ khi nào tiếng pháo đón Nguyên Tiêu tại các đình chùa, hội quán ở phố Hội An vang lên thì khi ấy nàng xuân mới thật sự từ giã phố phường để hẹn đến năm sau gặp lại và mọi người mới chính thức bước ra khỏi các cuộc vui chơi để bắt tay vào công việc làm ăn trong năm mới./.
 

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Thuận Hóa 1997, tr 376.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, tr 339.
[3] J. Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 – 1793, NXB Thế giới 2011, tr 69.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây