Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt

Thứ ba - 07/04/2015 04:24
         I/ Bản chất của thực thể:Hội An” (tính độc đáo, đặc thù của Hội An).
        a) Cho mãi đến thời thuộc Pháp (cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX) Hội An mới mang dáng vẻ là một trung tâm chính trị địa phương, với một dinh công sứ Tây. Mà lúc đó thì Hội An đã đi vào buổi xế chiều, tàn lụi của một quá trình diễn tiến mấy trăm năm dưới chính thể quân chủ Đại Việt, Đại Nam. Vả chăng, cái dáng vẻ chính trị ấy cũng mờ nhạt thôi, vì nó không có một bệ đỡ kinh tế phồn vinh vì tỉnh lỵ Quảng Nam của chính quyền Nam triều “bù nhìn" lại đặt ở La - Qua (trên đất Điện Bàn). Và nó càng mờ nhạt hơn vì đặt cạnh một Tourane - Đà Nẵng “nhượng địa” của Tây, một hải cảng, một thành phố Tây thực sự.

         b) Vào thời buổi phồn vinh kinh tế của Hội An dưới triều Đại Việt - Đàng Trong (thế kỷ XVII - XVIII) thì trung tâm chính trị của Dinh trấn Quảng Nam là ở Thanh Chiêm (trên đất Điện Bàn). Có một lúc khi Nguyễn Ánh lấy lại được đất Quảng Nam từ tay Tây Sơn thì đặt tạm lỵ sở Dinh trấn Quảng Nam ở phố Hội An, nhưng đến năm Gia Long thứ hai 1803 thì lại dời đến lỵ sở cũ (thời chúa Nguyễn Đàng Trong) ở xã Thanh Chiêm và đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833) dời trụ sở đến xã La - qua.

          c) Ở thời đại Champa của xứ Quảng, đất này có thể có 2 hoặc 3 trung tâm chính trị:

          - Thành phố Trà Kiệu hay Simhapura ở Duy Xuyên nay.

          - Thành cổ Đồng Dương hay Indrapura, ở Thăng Bình nay.

         - Thành cổ Hoàn Vương - theo Đại Nam nhất thống chí ở xã Thăng Bình huyện Diên Phước, tục gọi Vệ thành. Tương truyền, xưa Hoàn Vương đóng đô ở đấy (nay thuộc Điện Bình, Điện Bàn, mới lở theo dòng sông vùi mất). Cũng có người (Trần Kỳ Phương) cho là chỉ có một trung tâm chính trị Champa ở xứ Quảng xưa, là Trà Kiệu mà thôi, Simhapura hay Indrapura cũng là ở đó, còn Đồng Dương thì cũng như Mỹ Sơn chỉ là “Thánh địa” (Sanetuane) là trung tâm tôn giáo (Bà La Môn, Phật). Vấn đề này còn cần tiếp tục bàn bạc thêm. Nhưng dù Hội An, Hải Phố, Đại Chiêm hải khẩu có phải là Champapura như Trần Kỳ Phương suy đoán không thì nó cũng không bao giờ là trung tâm chính trị, là đô thành của Champa - Hoàn Vương - Chiêm Thành cả. 

 

 
           d) Vậy Hội An là cái gì ?
          Nó gần như vẹn thuần là một đô thị thương nghiệp, một thương cảng ở cửa sông, ven biển (Cửa Đại hay cửa Đại Chiêm) một trung tâm ngoại thương (là chủ yếu). Và đó là cái làm cho Hội An khác với tất cả các đô thị đương đại với nó.

          Khác Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội, khác Phú Xuân, Huế, thì đã đành, về phương diện loại hình học đô thị (typologte, des villes) đây là hai kinh thành (Ville capitale) đây là hai thành phố (Ville citadelle) có một đô thành - vương công (Cité royale) làm trung điểm cho một đô thị (cité civile) và cắt nghĩa một phần lớn, nếu không phải là tất cả cho sự ra đời và hiện hữu của những đô thị này. Ở Thăng Long, Kẻ chợ cũng như Phú Xuân, Huế, cái chất chính trị, quân sự chi phối và trội vượt hơn cái chất kinh tế thương nghiệp.

          Hội An của xứ Quảng cũng khác với Phố Hiến, Sơn Nam hay Bến Nghé - Sài Gòn, Gia Định.

          Khác về loại hình, vì Phố Hiến, Sài Gòn vốn là thành phố thành (ville citadelle)

          Khác về địa chiến lược, vì phố Hiến, Sài Gòn là cảng sông trong khi Hội An là cảng biển (port Maritime)

         Khác về địa chính trị, vì Phố Hiến, Sài Gòn, dù thương nghiệp rất phát triển, có thể cân bằng và thậm chí lấn vượt cả chất chính trị thì cũng vẫn phải tựa vào một trung tâm chính trị địa phương. Phố Hiến, như tên gọi, là  trụ sở của Hiến sát sứ ty trấn Sơn Nam, còn Sài Gòn, thì ai cũng biết là thành Gia Định, thủ phủ của đất Đồng Nai - Cửu Long.

          Cho đến nay, tôi chưa biết có một đô thị nào ở Việt Nam vào thế kỷ XVII - XVIII có thể sánh ngang bằng như với Hội An. Tôi biết ở thế kỷ XIX - XX có một thị xã Bắc Ninh, trung tâm chính trị và một Thị Cầu - Đáp Cầu trung tâm kinh tế thương nghiệp của xứ Bắc. Nhưng Thị Cầu là một thành phố sông (Ville Fleuve), nhỏ nhoi thôi và không hề là thương cảng ngoại thương.

          Đấy, theo tôi, là cái bản chất thực thể của Hội An và ta phải cắt nghĩa về nó, không có cách cắt nghĩa nào khác, là phải đặt nó:

          - Trong tiến trình thời gian lịch sử, nghĩa là phải tìm hiểu cội nguồn và quá trình phát sinh, phát triển rồi suy tàn của Hội An để rồi hiểu biết thêm cuộc hồi sinh hiện nay của nó và cách làm cho nó chóng hồi sinh.

          - Trong không gian xứ Quảng, và rộng ra trong không gian cả nước và cả vùng Đông Nam Á và thế giới đương thời. Muốn vậy phải có thời gian, phải có nhiều người và nhiều ngành cùng tham gia cắt nghĩa, tìm hiểu Hội An.

          Hội nghị khoa học về Hội An lần này chỉ là bước đầu. Và tôi chỉ là một thành phần nhỏ nhoi, và thú thật là không chuyên. Tôi không phải là một chuyên gia về đô thị học nói chung và về Hội An nói riêng.

          Hội An là một hiện tượng kinh tế, văn hoá đẹp đẽ và độc đáo, nó hiện lên rực rỡ trong ca dao chơi vơi trên ghe bầu theo sông nước Trường Giang từ Tam Kỳ ra hay theo sông Thu Bồn từ Quảng Huế xuống.

Hội An đất hẹp người đông

Nhân tình nồng hậu, lá bông đủ màu

Dạo từ sông nước, xóm sau

Dưới thì âm Bổn, Chùa Cầu bên trên.
 
          Hội An vẫn còn đẹp và vẫn như còn xuân sắc ngay trong buổi hoàng hôn của cuộc đời kiếp trước “phía Nam liền sông Cái, trên bờ hai bên phố ngói liên tiếp chừng hai dặm, bên sông thuyền ghe tấp nập đi lại như mắc cửi.. buôn bán tấp nập, là nơi đô hội lớn xưa nay, lại phía Nam sông là đầm Trà Nhiêu, chỗ thuyền buồn các nước đứng đậu”, “Cửa biển Đại Chiêm thuyền bè sum họp, chợ phố Hội An hàng hoá nhóm đầy, thực là nơi đô hội lớn” (Đại Nam Nhất thống chí tập II, quyển VII).

          Nhìn ráng chiều vàng rực rỡ mà có thể cảm thông được những sớm trưa Hội An đẹp nắng, phong nhiêu. Nắng hoàng hôn Hội An như một chất men kích thích đẩy chúng ta lần tìm trong chiều sâu thời gian, trong bề dày lịch sử, trở về với buổi bình minh của hừng đông Hội An - Cửa Đại.
 
          II/ Chiêm Cảng với cái nhìn về biển của người Chàm Cổ:
          “Tìm về cội nguồn” bao giờ cũng khó và thường chỉ gặt hái được những giả thuyết còn lâu mới trở thành Định Luận.

 

          a. Tìm về cội nguồn của Hội An lại càng khó vì những định kiến đã hằn nếp trong tư cảm nhiều người Việt, khiến họ khó vượt qua cái “ngưỡng” lịch sử của đời Hồng Đức nguyên niên (1471) và cái gọi là “thời hậu khai khẩn” đất Quảng của những chúa Tiên, chúa Sải, chúa Thượng, chúa Hiền ...

          Không có và không thể có một lịch sử đất Quảng chỉ bắt đầu từ thế kỷ XIV - XV. Có một đất Quảng thời tiền sử và sơ sử (Champa) rồi mới có một đất Quảng thời Đại Việt - Đại Nam. Cũng vậy theo tôi lịch sử Hội An, Cửa Đại nên được vạch theo mấy chặng sau đây: Một đất Quảng thời.

          1. Hội An, Cửa Đại thời tiền sử và sơ sử (thời khai sinh).

          2. Hội An, Chiêm Cảng thời đại Champa (đầu Công nguyên - XV, thời đại vàng son thứ nhất).

          3. Hội An Chiêm Cảng thời Lê sơ (thế kỷ X) , Thời suy thoái thứ nhất.

          4. Hội An Chiêm Cảng thời Mạc (thế kỷ XVI) thời sơ khởi Phục Sinh.

          5. Hội An, Hải Phố thời các chúa Nguyễn (cuối XVI - cuối XVIII), thời vàng son thứ hai.

          6. Hội An thời các Vua Nguyễn (thế kỷ XIX)

          7. Hội An Faifo thời thuộc Pháp và Mỹ, nguỵ (cuối XIX -1975) Sự nhường bước trước Tourane, Đà Nẵng, Cửa Hàn. Thời suy tàn.

          8. Hội An trên chặng đầu dựng xây chủ nghĩa xã hội (Thời sơ khởi phục hưng)

          Một tham luận ngắn ở một Hội nghị khoa học bước đầu về Hội An thì không nên và không thể có tham vọng trình bày chi tiết đủ tám chặng đường lịch sử của Hội An, tôi chỉ tự cho phép mình dừng lại và cũng dừng chân ngắn ngũi thôi, ở một vài thời kỳ xét thấy cần và có khả năng bàn góp.

          b. Cội nguồn của Hội An vẫn mù mờ vì nền khảo cổ học của xứ Quảng và về xứ Quảng  còn chưa đủ thời gian trưởng thành.

          Ai cũng biết ở đất Quảng "cửa biển có ba ngã, nguồn có sáu” (Quảng Nam tỉnh phú) ở xung quanh cửa An Hòa (Tam Kỳ) nền khảo cổ học xã hội chủ nghĩa của chúng ta đã phát hiện được một hệ thống khá dày đặc các di chỉ thời đại Đá (Bầu Dũ) đến thời đại kim khí (Bàu Tràm, Kỳ Xuân, Bàu Nế, Tam Mỹ, Phú Hòa).

          Trong khi đó ở xung quanh cửa Hàn và cửa Đại ta mới chỉ tìm thấy 1, 2 di chỉ thuộc phức hệ văn hóa Sa Huỳnh, ở Điện Ngọc, Núi Hỏa (trong khu vực Non Nước Ngũ Hành Sơn)

          Tôi đã gợi ý Đoàn khảo cổ của xứ Quảng và Viện Bảo tàng Lịch sử lần tìm dọc sông Trường Giang và sông Vĩnh Điện để xâu chuỗi các di tích Sa Huỳnh ven biển của Xứ Quảng lại với nhau và đặc biệt lưu ý cái vòng khoen Hội An - Cửa Đại là cửa giữa trung tâm của xứ Quảng. Công việc này cho đến hôm nay còn chưa làm được bao nhiêu, song nếu biết đẩy mạnh đầu tư khoa học khảo cổ vào đây thì chắc chắn sẽ có kết quả to.

          Thế nhưng dễ thường trong cuộc sống khuyên ta hãy tạm bằng lòng với những kết quả hiện tại. Nhìn vào bản đồ khảo cổ Quảng Nam - Đà Nẵng được vẽ lên sau 10 năm giải phóng ta thấy một sự thực này: trên cả ba ngọn nguồn hợp thành sông Chợ Củi - Hội An, nguồn Chiên Đàn, Sông Trạm, Sông Tiên (Tiên Hà), Nguồn Thu Bồn Sông Tranh (Quế Lộc) và nguồn Vu Gia (hay Ô Gia) Đại Lãnh đều có phân bố các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh. Phức hệ văn hóa ấy là từ cửa biển tỏa lên nguồn hay từ trên nguồn tụ xuống cửa khẩu miền ven biển thì cũng còn đang bàn cãi. Nhưng gần như mọi người đã nhất trí được hai điều:
          - Các di chỉ của phức hệ Sa Huỳnh phân bố dày đặc nhất ở xứ Quảng và có diễn tiến liên tục từ sớm (đồng) đến muộn (sắt).

          Cư dân Sa Huỳnh đã có cái nhìn về biển, giao lưu xa và chặt chẽ với miền cao nguyên Thượng Lào - Kòrat và miền hải đảo Thái Bình Dương, giao lưu với cư dân Đông Sơn và dân Đồng Nai theo cả đường bộ và đường ven biển và một điều là giả thuyết đáng tin: Cư dân Sa Huỳnh đó là cư dân Tiền Chàm hay là tổ của người Chàm.

          Người Chàm mà lịch sử biết đến từ cuối thế kỷ II sau Công nguyên là chủ nhân của đất nước và văn hóa Champa, được xây dựng trên dải đất chủ yếu là Nam Trung Bộ (Bình Trị Thiên là đất giáp ranh đan xen và nhiều đời tranh chấp giữa Champa và Việt). Đông Nam Bộ là đất giáp ranh đan xen và tranh chấp nhiều đời giữa Champa và Phù Nam (Chân Lạp). Trước, sau Công nguyên đất Quảng Nam là huyện Tượng Lâm hay Tượng Lâm ấp của quận Nhật Nam ở thời thuộc Hán. Chính quyền Đông Hán ở đây chỉ là "hữu danh vô thực" người Chàm cổ coi đây là đất đai của Nari Keta Vamsa, bộ lạc Dừa. Theo sử Trung Hoa chép cuối thế kỷ II, Khu Liên đã lập nước Lâm Ấp ở nơi này, đây có lẽ chỉ là sự tái sinh hay hồi sinh của Nhà nước cổ Sa Huỳnh. Và đây là nước Champa của người Chàm cổ. Dù trung tâm Champa (trước thế kỷ thứ X) là Thành Hoàn Vương ở Điện Bình bên bờ Thu Bồn (chưa được điều tra về khảo cổ) hay Simhapura ở Trà Kiệu bên bờ Bà Rén (sông nhánh của Thu Bồn) hay Indrapura ở Đồng Dương bên bờ LiLi thì cửa khẩu của kinh thành Champa đều là Cửa Đại. Sách vở Trung Hoa và Việt Nam đều gọi đó là cảng Đại Chiêm và bản đồ Tây phương thế kỷ XVII còn ghi là CACHIAM. Và trấn sơn cửa biển đó là Chiêm Bất Lao (theo Tân Đường thư địa lý chí), tức là sự phiên âm đảo PouloCham - Cù Lao Chàm hay đảo Đại Chiêm của sử sách Việt. Ở ngoài bãi biển Lâm Ấp có núi Bất Lao. Những người có tội bị đem đến núi ấy bắt tự tử (Tấn thư, Lâm Ấp truyện).

          Lần đầu tiên đến Hội An vào năm 1984, với cảm quan điền dã trộn với kiến thức sách vở trong đầu tôi đã nói với các bạn đồng nghiệp ở Viện Bảo tàng Lịch sử và phòng Văn hóa Hội An là phải tìm bằng được di tích Chàm ở Hội An và các vùng chung quanh. Đầu năm nay (1985) đứng trên lầu tháp Đức Bà trên ngọn núi Bửu Châu, Trà Kiệu, giữa cố đô Simhapura, thủ đô chủ chốt, nếu không phải là thủ đô duy nhất của Champa từ thế kỷ thứ hai đến thế kỷ X tôi nhận thấy ngọn núi Chúa (dưới chân là Thánh địa Chàm Mỹ Sơn) ngọn Bửu Châu và ngọn Tiêm bút của Cù Lao Chàm ở trên một đường thẳng. Tôi càng khẳng định cửa Đại Chiêm là hải cảng quan trọng bậc nhất của Chăm cổ đại. Tôi đã đề nghị các nhà khảo cổ Quảng Nam - Đà Nẵng và viện Bảo tàng Lịch sử trong mùa điền dã tháng 4,  tháng 5 - 1985 hãy để mắt tới Cù Lao Chàm và Hội An, vì đọc Inventaire des monuments Champs de LAnnam (Bảng tổng kê di tích Chàm) của H.Parmentier (1909) tôi đã thấy mấy dòng ghi một vài hiện vật Chàm ở tòa sứ Faifo. Cố gắng của giới khảo cổ đã được đền đáp bước đầu. Họ đã tìm thấy nhiều giếng Chàm ở cửa sông và cảng cổ. Điều đó càng củng cố thêm luận điểm của chúng tôi về tính cách văn hóa giếng của văn hóa Chàm do phát hiện lần đầu ở Tam Xuân, Tam Mỹ, Tam Kỳ đầu năm ngoái. Và thế là khẳng định một khu di chỉ Champa với nhiều giếng ở vùng Cửa Đại ngày xưa. Tạm bằng lòng với cái “Thà có ít còn hơn không” của khảo cổ học, ta quay về suy tư cùng sử sách. Như chúng tôi đã viết trong cuốn: Những di tích thời tiền sử và sơ sử ở Quảng Nam Đà Nẵng (3 - 1985): Tái tạo nên sự hưng thịnh của nền văn minh Champa là ở chỗ người Chăm cổ đã xây dựng được một cơ cấu kinh tế tổng hợp bao hàm nghề nông trồng lúa nước (2 mùa), dâu tằm - tám lứa kén/năm - bông và vải nhuộm nhiều màu, hoa màu, nghề rừng - khai thác lâm thổ sản: gỗ quí, quế, trầm hương,... nghề thủ công rèn sắt, dệt vải, lụa, chế tạo đồ thủy tinh, đá ngọc, khai khoáng (nhất là mỏ vàng) và làm nghề đồ mỹ nghệ vàng bạc - phát triển nghề buôn bán đường biển và đường sông, đường núi. Cơ cấu kinh tế tổng hợp của Champa là sự kế tục và phát huy trên một trình độ cao với một chất lượng mới cái cơ cấu có sẵn của phức hệ văn hóa Sa Huỳnh.

          Hay chỉ nói ở đây về nghề biển:

          Người Champa là một dân tộc đóng ghe bầu giỏi giang và truyền thống ghe bầu Champa khác truyền thống ghe bầu Nam Trung Quốc, đó là truyền thống ghe bầu Mã Lai có hội nhập những yếu tố văn hóa ghe bầu Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Champa có hàng trăm chiến thuyền có lầu (lầu thuyền) cũng lại có thương thuyền dài hơn 20 trượng (60m) cao hơn mặt nước hơn 2 - 3 trượng (6m) trông như nhà gác chở được 600 - 700 người, hàng vạn hộc sản vật. Ghe bầu Champa tham gia tích cực vào luồng giao thông - buôn bán ven biển quốc tế ở phương Đông hầu như liên tục từ cổ đại đến trung đại: Champa tham gia tích cực vào luồng giao thông - buôn bán ven biển quốc tế ở phương Đông hầu như liên tục từ cổ đại đến trung đại: Champa cùng với Giao Châu rồi Đại Việt là cái gạch nối giữa thế giới văn minh Trung Hoa với thế giới văn minh Ấn Độ, văn minh Trung Cận Đông và văn minh Địa Trung Hải. Thuyền buôn và thương nhân Hoa, Ấn, Ba Tư, Ả - Rập và thế giới Mã Lai (Nam Hải chư quốc) trong thư tịch Trung Hoa) khi đi và khi về đều ghé Champa để lấy nước ngọt và trao đổi/hàng hoá hai chiều ngay từ Tiền Hán thư đã nói rõ điểm dừng chân là Tượng Lâm, tức cảng xứ Quảng ngày nay (quyển 28 hạ). Sau đó các tên Lâm Ấp, Chiêm Bà, Chiêm Bất Lao trở thành quen thuộc với thế giới. Theo Tân đường thư địa lý chí, trên con đường ở biển từ Quảng Châu (Trung Quốc) đến Bagad (Ả - Rập) thuyền bè quốc tế bao giờ cũng ghé qua Chiêm Bất Lao Tăng Sơn, Môn Độc (Qui Nhơn), Cổ Đát quốc (Kau Thara, Nha Trang), Bôn Đà Lẵng Châu (Pandurraga, Phan Rang) là các cảng của Champa. Vàng, tơ lụa, trầm hương, đồ ngọc, đồ thủy tinh của Champa là những sản phẩm hàng hóa trên thị trường thế giới. Từ giữa thời Đông Hán (thế kỷ II) con đường thông thương bộ từ Trung Hoa đến đông La Mã qua Trung Á thường bị các tộc “Tây Vực” nổi dậy chống phá nên việc buôn bán đi lại không dễ dàng, do vậy con đường biển qua Champa - Lâm Ấp (Chiêm cảng) lại càng quan trọng hơn xưa và bắt đầu trở nên phồn thịnh vì người Chăm có cái nhìn về biển đúng đắn, biết tham dự và dấn thân tích cực vào luồng thương mại quốc tế trên biển, vua Lâm Ấp Phạm Văn (336 - 349) xuất thân từ người buôn bán với nước ngoài. Thế kỷ I qua lời Trương Trọng, Thái thú Nhật Nam, người Chàm cổ, qua lời Lâm Ấp ký (thế kỷ III) đã biết làm nghề lấy hương liệu để đổi chác với người ngoài. Theo ghi chép của Lương thư: Lâm ấp có núi vàng và người Chàm đã tổ chức rộng rãi việc khai thác ngọc (Thủy kinh chú) hổ phách (Thông điển) làm đồ trang sức để dùng và để bán. Người Chàm cổ còn bán cả tơ lụa cho thuyền buôn các nước ghé qua Lâm Ấp, Lâm Ấp ký (dẫn ở Thủy kinh chú) và chỉ cấm xuất khẩu lúa gạo vì trong nước không đủ lương thực. Như thế với cái nhìn về biển người Chàm đã thiết kế một cấu trúc kinh tế - sản xuất thương phẩm tương ứng, biết khai thác thế mạnh của đất nước để xuất khẩu cả lâm thổ sản (ngà voi, hương liệu, hổ phách), hải sản (đồi mồi, vỏ bối), cả sản phẩm thủ công (vải cát bá, đồ ngọc, đồ thủy) và sản phẩm nông nghiệp (tơ tằm, bông).

          Giao lưu kinh tế đi song song với giao lưu văn hóa, người Chàm cổ đã biết hội nhập nhiều thành tựu văn hóa của Ấn Độ, Ba Tư, Trung Hoa, Đông La Mã và Trung Cận Đông qua các hình thức tôn giáo Bà La Môn, Phật, Hồi giáo (kiến trúc, điêu khắc, ca múa nhạc, chữ Phạn,...)

          Có cảng tốt, có chính sách kinh tế và ngoại thương đúng nên mọi thư tịch Trung Hoa và thế giới đều ghi là: Thuyền buôn các nước đều ghé cảng Champa. Thế kỷ VIII - IX là thời kỳ quan hệ buôn bán giữa đế chế Ả - Rập (Empire des Chalifes de Bagdad) và Ấn Độ, Champa, Trung Quốc phát triển rực rỡ. Uy tín trên biển của Champa rất lớn cả về hàng hải và thương mại.

          1) Trầm hương Champa gọi là Canfi được đánh giá là tốt nhất trên thị trường thế giới, xức quần áo bền mùi nhất, đó là lời ghi của nhà sử học Ibn Abe Ya’kub (875 hoặc 880)(1)

          2) Biển Đông được các tác giả Ả - Rập, Ba Tư gọi là biển Champa(2)  

          3) Cảng chính của Champa (Chiêm cảng) và cảng Kungchang cách kinh đô Champa 10 ngày đường (G.Ferand đoán là Kauthara, Nha Trang) có đào nhiều giếng nên các thuyền buôn đều rẽ vào lấy nước ngọt (3)     

          Đến buổi hoàng hôn của Chiêm Cảng thời đại Champa thế kỷ XV (lúc này kinh đô Champa dời vào Vijaya đã lâu) mà thuyền buôn các nước vẫn vào đây buôn bán. Lê Thánh Tôn năm 1471 trên đường chinh phạt Champa, đóng quân ở Hải Vân quan có câu thơ:

Tam canh dạ tỉnh đồng long nguyệt

Ngũ cổ phong thanh Lộ hạc thuyền

(Thiên nam dư hạ tập)
(Trăng Đồng Long ba canh đêm tỉnh
Thuyền Lộ hạc năm trống gió thanh)


 
           Lộ Hạc theo Yamamoto Tatsuro, là Lopburi (Lavo) một quốc gia cổ ở hạ lưu sông Chao Praya (MéNam)(4)

          Chính ông Vua đại diện cho nền độc tôn Nho giáo, trọng nông ức thương này là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự suy thoái của Chiêm cảng ở cuối thế kỷ XV.
 
          III/ Hải phố Hội An với cái nhìn về biển của người Việt:
          a) Chiến tranh và sự thay đổi quyền lực chính trị đã gây nên sự xáo trộn và di động dân cư, sự suy thoái tạm thời của kinh tế xứ Quảng và do đó sự suy thoái về ngoại thương của Chiêm Cảng - Đại Chiêm cuối thế kỷ XV và nửa đầu thế kỷ XVI: Nó bị đặt trong một kết cấu kinh tế “bế quan tỏa cảng”.

          b) Sau một thời kỳ “khai khẩn lại” của lớp di dân Việt, chủ yếu từ Thanh, Nghệ đi vào, xứ Quảng Nam lại trải qua một thời kỳ khởi sắc kinh tế mới. Năm 1527, ở Đông Kinh - Thăng Long, một triều đại mới thay thế nhà Lê. Đó là nhà Mạc, triều đại chú trọng công thương nghiệp hơn, cởi mở hơn về tư tưởng, chứ không còn độc tôn Nho giáo. Với mọi sự hằn học với nhà Mạc, các sử quan của triều Lê mạt cũng phải ghi rằng vào năm 1532, Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho phép ty bắt. Từ đấy người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp... đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên.

          c) Rồi tiếp đó Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) và sau kiêm cả trấn thủ Thuận Quảng (1570).
          Năm 1572 Đại Việt Sử ký toàn thư (6) chép “Đất Thuận Quảng lại được yên. Hoàng trị nhậm mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa thường ban ân huệ, dùng phép công bằng, khuyên răn bản bộ, cấm trấp những kẻ hung ác, dân hai trấn đều cảm lòng mến, được thay đổi phong tục, chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, đổi trao phải giá, quân lệnh nghiêm cấm mọi người ra sức. Từ đấy người Mạc không dám đòm nom, trong cõi được yên ổn làm ăn

          Cái trớ trêu của lịch sử là chính vì Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn buổi đầu muốn cát cứ và đối địch với Lê Trịnh ở đằng ngoài mà có chính sách “thân dân” và sự nới rộng cơ chế cũ của nhà Lê, cho công thương nghiệp và ngoại thương phát triển. Trấn dinh Quảng Nam đóng ở Thanh Chiêm bên bờ Thu Bồn, không xa lắm với Hải Phố Hội An, thường được giao cho “thế tử” trị nhậm tập sự trước khi ra Thuận Hóa làm Chúa.

          Câu chuyện tình giữa Nguyễn Phước Lan (sau là chúa Thượng, 1635 - 1648) với cô gái hái dâu ở Chiêm Sơn bên bờ sông Thu Bồn (sau là Đoàn Quí Phi) cho ta biết ở cuối thế kỷ XVI đầu XVII nghề dâu tằm lại rất phát triển bên đôi bờ Thu Bồn và các nơi khác cung cấp tơ lụa, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Hải Phố - Hội An.

          Đã có nhiều tham luận đề cập thẳng đến lịch sử Hội An từ cuối thế kỷ XVI cuối thế kỷ XIX nên ở đây tôi không đi vào chi tiết như phần nói về Chiêm Cảng của Champa. Chỉ xin nói rằng: các thương thuyền bạn hàng cũ của Champa vốn quen thuộc với Chiêm Cảng thì vẫn ghé qua lại nơi đây. Hải Phố - Hội An cùng với những bạn hàng mới (Nhật Bản, phương Tây) vừa tới cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở phương Tây và Nhật Bản. Người Việt xứ Quảng trong những thế kỷ XVI - XVIII.

          - Vẫn tận dụng được những truyền thống của đồng quê Bắc Bộ và của người Chàm cổ về trồng dâu chăm tằm, ươm tơ, dệt lụa trên đôi bờ Thu Bồn mà có nguồn xuất khẩu lớn về tơ lụa.

          - Vẫn tận dụng và khơi sâu những nguồn lợi về rừng ở cả ba nguồn Thu Bồn, Vu Gia, Chiên Đàn mà xuất khẩu lâm thổ sản (gỗ quí, quế, trầm hương, mật ong...).

          Ba nguồn rừng, ba nguồn sông những mạch máu giao thông từ thẳm sâu cơ thể xứ Quảng phong nhiêu dồn tỏa ra biển Cửa Đại trong cùng một dòng sông Thu Bồn - Sài Thị đôi bờ ngàn dâu xanh ngắt một màu bộc lộ một nền kinh tế khỏe khoắn và vẫn còn giàu tiềm lực ở một miền đất rất cổ nhưng cũng rất mới mà lớp chủ nhân mới là những di dân cởi mở hơn trong tâm thức và thế ứng xử biết làm ruộng nhưng cũng biết buôn, biết bán. Nó bắt gặp một hoàn cảnh chính trị, một cơ hội lớn về chính trị lúc đó giới cầm quyền trong thế “chẳng đặng đừng” cần nới sức dân và cần vật tư thiết bị bên ngoài nước để tiến hành chiến tranh với Đàng Ngoài, do đó mà khôn khéo và cởi mở hơn các chính quyền cổ lỗ, quan liêu ở trong ứng xử thương mại Đông Kinh - Thăng Long.

          Nó cũng bắt gặp một bối cảnh Đông Á, giới thống trị Trung Hoa dưới triều Minh thắng Mông ở thế kỷ XIV nhưng thua Mãn ở thế kỷ XVII khiến gây ra sự di cư của hàng loạt Hoa Kiều theo buôn bán ở miền ven biển Đông Nam xuống kiếm tìm đất cảng buôn bán mới ở Đông Nam Á.

          Nó bắt gặp một hoàn cảnh quốc tế thuận lợi khi chủ nghĩa tư bản đang đà phát triển, khát khao tìm thị trường và sản phẩm hiếm quí ở phương Đông nhiệt đới.

          Nó bắt gặp một hoàn cảnh Đông Á những phần tử tư sản thương nghiệp Nhật Bản mới trỗi dậy dưới cái vỏ phong kiến hậu kỳ nhiều mặt giống Châu Âu của nước Nhật đang tìm cách để buôn lậu làm giàu.

          Và thế là nở bừng một thời đại vàng son mới của Hải Phố - Hội An và định hình nó là một đô thị mậu dịch đối ngoại khá vẹn thuần, mà chính quyền Trấn Quảng Nam chỉ ngồi ở dinh Thanh Chiêm bên bờ sông trong nội địa nhìn nó và buông thả nó tự lớn lên theo qui luật kinh tế, nói cho đúng chính quyền chúa Nguyễn buổi đầu cũng có biên một số thư mời thương nhân phương Tây (Bồ Đào Nha) đến Hải Phố - Hội An buôn bán để chính quyền kiếm lời phục vụ chiến tranh.

          d) Nhưng chính quyền của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong về bản chất giai cấp vẫn là chính quyền của một tập đoàn địa chủ quan liêu mới, nó vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một cơ cấu văn minh nông nghiệp, trọng nông ức thương “bế quan tỏa cảng” với cái thế ứng xử cổ lỗ và truyền thống là hướng nội và lục địa: Cái cơ cấu văn minh ấy như một cái mũi kim cô của Phật bà bỏ vào cái đầu Tôn Hành Giả thông minh phóng túng - đã bó chặt một dân tộc cần cù và thông minh nhưng ở miền ven biển mà không trở thành một dân tộc hàng hải. Cái cơ cấu văn minh ấy đã xếp thương nhân xuống hạng bét trong tứ dân (sỉ, nông, công, thương) và tệ hại hơn đã coi dân chài “không tất đất cắm dùi” cũng như dân ca xướng là “vô loại” vô loài (không xếp hạng trong bảng giá trị văn hóa xã hội).

          Thế chẳng đặng đừng và để phục vụ nhu cầu nhiều mặt của chiến tranh thì cái chính quyền ấy mở cửa, mở cảng, mở cảng nhưng không làm ngoại thương tích cực, đích thực, hai chiều. Nền ngoại thương của Đàng Trong ở Hội An cũng như của Đàng Ngoài ở Phố Hiến về thực chất mang tính chất một chiều: Họ tiếp thụ thương thuyền nước ngoài vào cảng biển, cảng sông buôn bán đổi trao hàng hóa nhưng không tổ chức các đội thương thuyền Nhà nước và khuyến khích các đội thương thuyền tư nhân đem hàng hóa đi bán ở các cảng nước ngoài. Đã có các thương thuyền Việt Nam ở thế kỷ XVII - XVIII đi buôn bán ở Trung Quốc, Singapore, Xiêm La v.v... nhưng đó là các chuyến buôn lén lút chứ không được pháp luật cho phép giao thiệp với nước ngoài (xem Nguyễn Bội Liên, Ghe bầu Quảng Nam và các tỉnh phương Nam. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam - Đà Nẵng số 1 - 1981,  trang 55 - 56).

          Việc buôn bán lớn ở Hội An cũng như ở Phố Hiến, Thăng Long, Cù Lao Phố, Bến Nghé, Sài Gòn chủ yếu nằm trong tay thương nhân nước ngoài thu lợi lớn ở Hội An và các đô thị của nước Việt là con buôn nước ngoài, nhất là Hoa Kiều. Phố xá chính ở Hội An, Phố Hiến: “phố Khách, phố Tàu, phố Nhật...”. Nhìn dưới khía cạnh đó Hội An cũng như Phố Hiến chỉ là những vật phụ gia của cơ cấu kinh tế Đàng Trong, Đàng Ngoài của nước Việt. Nó không hứa hẹn một quá trình đô thị hóa sôi nổi nối tiếp theo do sự thúc đẩy của nội lực kinh tế và nội lực giai cấp mới ở Việt Nam.

          Và thế là một khi chiến tranh đã kết thúc và cảm thấy thế đứng chân ở Đàng Trong đã vững chắc, thì chính quyền của tập đoàn địa chủ quan liêu nhà Nguyễn lại quay trở về với chính sách trọng nông ức thương và thế ứng xử hướng nội cố hữu của giai cấp mà nó xuất thân.

          Còn chút sức thừa có phần mạnh khỏe hơn chính quyền ốm yếu của Lê Trịnh ở Đàng Ngoài, chính quyền Nguyễn ở Đàng Trong chỉ thích và đã dấn thân vào một cuộc bành trướng canh nông xa hơn nữa về phía Nam, về phía Đồng Nai, Cửu Long chứ không hề và không bao giờ dấn thân vào công việc ngoại thương làm giàu cho tổ quốc và đổi mới đất nước này về mọi mặt.

          Từ đó mà ta có thể hiểu số phận của Hội An trong buổi hoàng hôn của chính thể quân chủ nho giáo chuyên chế trì trệ và lạc hậu mà ở đêm trước của công cuộc bành trướng tư bản của thực dân đế quốc phương Tây.
 
          IV/ Kết luận: Bài học lịch sử của Hội An      
          a) Vương triều Champa thời phồn thịnh của xứ Quảng (thế kỷ XV trở về trước) dạy cho chúng ta một bài học tích cực về cái nhìn hướng biển (Visien meritime) về việc xây dựng một cơ cấu kinh tế tổng hợp, đa dạng đủ ăn, đủ mặc, đủ ở đi ghe bầu, voi, ngựa, xe cộ đi lại và khai thác mọi tiềm lực đất nước trên rừng, dưới biển, trên mặt đất cát, trong lòng đất mẹ để xuất khẩu mà xây dựng một đất nước phồn vinh ở ngay  xứ Quảng.  
 
          b) Ba trăm năm có một Hải Phố - Hội An mậu dịch đối ngoại tưng bừng đã khiến cho người dân xứ Quảng một tính cách mới so với tổ tiên xưa ở Thanh Nghệ. Dân xứ Quảng biết làm ruộng giỏi nhưng cũng biết, cũng thạo buôn, thạo bán.

          c) Vương quyền Đại Việt buổi suy tàn dạy cho chúng ta một bài học phản diện về việc quay lưng với biển khơi, cái nhìn hướng nội và lục địa (Vision Intriverties continentale) trọng nông ức thương bế quan tỏa cảng... dẫn tới hậu quả đói nghèo và cuối cùng mất nước.

          d) Một dân tộc - cư dân cần cù, khôn ngoan, biết thích nghi với mọi hoàn cảnh như cư dân Việt, song bị trói buộc bởi một cơ chế quan liêu đóng kín của một dân tộc - nhà nước quân chủ thì vẫn không thể vươn lên kịp với thời đại, với hoàn cảnh quốc tế đã chuyển mình sang văn minh công nghiệp - đô thị từ thế kỷ XVI - XVII. Có Hội An, Phố Hiến, Bến Nghé... dân tộc này vẫn bị lỡ tàu và đã rơi tự do xuống vực thẳm thuộc địa.

          đ) Cái nghèo của miền Trung không phải hay chủ yếu không phải do địa thế khúc eo, đất xương xẩu, đất cằn, đất trắng đầy mình. Đó là hậu quả chính trị - kinh tế - xã hội của một nền quân chủ trọng nông ức thương suy tàn, một thể chế thực dân áp bức bóc lột dã man đã qua.

          e) Chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có khả năng biến “xứ nghèo miền Trung” thành xứ sở phú dũ phong nhiêu, hoàn toàn có khả năng là hồi sinh Hải Phố - Hội An, một khi đã tìm được con đường bước đi và cách làm thích hợp trên con đường công nghiệp hóa, công nhân hóa, đô thị hóa xã hội chủ nghĩa, của Hội An, của Quảng Nam Đà Nẵng, “của cả nước vì cả nước”...
 

 

(1) (2) (3)  Xem Khordasbeh (tác giả Ba Tư) sách về các con đường và các vương quốc (844 - 848) Fujayman. Sách về các hành trình của người A-Rập và người Ba Tư sang Ấn Độ và Trung Quốc (851) trích dịch trong G.Farand Relations de voyagos et textea geographiques qraber persans etclatfa à léxtrême erient du XII en XVII à slècles toms I, 1913. 
(4) Yamamoto Tatsuro An-nam, bocki Udon Tohogaluho IX, 1-1939 Tokyo, trang 280
 
(Trích kỷ yếu Hội nghị khoa học về Khu phố cổ Hội An 23 - 24/7/1985 )
 

Tác giả: GS. Trần Quốc Vượng

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây