Một số tư liệu về ngôi chùa cổ tại Hội An

Thứ hai - 20/04/2015 05:46
Hội An, nơi còn giữ lại được hầu như nguyên vẹn các phố cổ với phong cách kiến trúc nghệ thuật từ các thế kỷ XVI - XVII hiếm hoi và vô cùng quí giá, chỉ với bấy nhiêu thôi cũng đã xứng đáng gọi Hội An là “thành phố bảo tàng” và là một “thành phố bảo tàng” duy nhất trên đất nước ta. Bởi vì sự tồn tại diệu kỳ của Hội An, bởi vì Hội An đã vượt qua thời gian hàng thế kỷ, vượt qua binh hỏa của chiến tranh triền miên, để đến với chúng ta ngày nay với giá trị cổ kính diệu kỳ. Hội An xứng đáng được hưởng mọi đặc ân và của hết thảy mọi sự gia phong.
Tam Quan Chùa Bà Mụ - Ảnh tư liệu: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
Tam Quan Chùa Bà Mụ - Ảnh tư liệu: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
          Hội An không những chỉ có các khu phố cổ mà còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị mà tuổi đời cũng ngót hàng thế kỷ. Những di tích ấy tượng trưng cho tinh thần của cộng đồng dân cư Hội An xa xưa, dù là người Việt, là người Hoa, là Nhật kiều... Những thế hệ đã tìm đến nơi đô hội ở ven sông này mà khai khẩn, tác nghiệp và cộng đồng sáng tạo ra mọi giá trị văn hóa, tinh thần.
 
          Cổ tích của Hội An có khá nhiều, trong thời gian trước đây nhiều người đã từng viết, từng giới thiệu về nó, hẳn là tiếng thơm, tiếng đẹp của cầu Nhật Bản đã bay khắp bốn phương trong giới tham quan du lịch và những người chuộng cổ, và nữa những hội quán, từ đường của người Hoa ở đây cũng rất được chú ý và nhiều người biết đến. Năm 1960 - 1962, trên tạp chí Việt Nam khảo cổ học, xuất bản tại Sài Gòn, có một bài giới thiệu khá đầy đủ về Minh Hương ở Hội An(1) và trước kia nữa, Viễn Đông bác cổ học viện của Pháp đã xếp hạng 3 di tích văn hóa, lịch sử của Hội An, đó là: Cầu Nhật Bản (Pont Japonais), chùa Ông Chú (trong văn bản ghi là Pagode de la Maternitéouou Temple - Bà Mụ) và chùa Triều Châu(2).

           Tư liệu về các di tích lịch sử, văn hóa của Hội An có rất nhiều, nhưng tản mác, chưa sưu tầm, hệ thống và gia công xử lý để đưa vào sử dụng. Trong đó có di tích chùa Ông Chú mà trên Việt Nam khảo cổ học, Trần Kinh Hòa có nói đến, song rất sơ sài, những thông tin chỉ khai thác theo hướng tài liệu quan phương. Nhân Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An lần này, chúng tôi có ý định cung cấp thêm một số tư liệu chưa được hệ thống về di tích này, may ra có thể góp thêm chứng cứ để khẳng định thêm giá trị cổ kính của khu phố cổ Hội An.    

           Cho đến hiện nay, chúng ta chưa biết đích xác về năm khởi dựng tòa kiến trúc, nhưng trên đại thể thì kiến trúc này xuất hiện vào đầu thế kỷ XVII. Theo những tìm kiếm đã công bố cho thấy rằng vào thời kỳ đó có chừng 10 người của nhà Minh thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Triết Giang chạy loạn sang Quảng Nam và họ được người Minh Hương tôn làm Thập lão hoặc Tiền hiền tức là những người sáng lập ra Minh Hương. Đầu tiên họ tụ cư tại một phố nhỏ thuộc Thăng Bình, cách Hội An chừng 15km, sau đó dọn đến ở Trà Nhiêu, tại đây họ xây miếu Quan Công. Sau nữa họ tìm được khu đất thuộc các xã Cẩm Phô và Thanh Hà, trên phần đất giáp ranh xã đó, người Minh Hương dựng một nhà thờ chung để cúng tổ tiên, gọi là Tổ Đình. Tòa kiến trúc này cũng được gọi là cung và gọi là cung Cẩm Hà (tên này hình thành do việc ghép chữ Cẩm của Cẩm Hà với chữ Hà của Thanh Hà mà có). Lại sau đó nữa, người Minh Hương chuyển tòa kiến trúc của họ về vị trí trung tâm Hội An, tức là vào địa điểm hiện tại, ở đây họ tậu được một khu đất chừng 15 mẫu để sinh sống và xây cất những công trình công cộng, trong đó có cầu Nhật Bản, miếu Quan Công... còn ngôi Tổ Đình được xây cất ở phía nam của phố Minh Hương. Theo Trần Kinh Hòa thì sự việc này xảy ra vào năm Bính Dậu đời chúa Sãi Vương họ Nguyễn tức là năm 1626. Nhưng theo kê khai về Fol- klore vào cuối năm 1937, thì sự việc này lại xảy ra vào năm Gia Long thứ 5 tức là năm 1806, nghĩa là cách nhau đến 200 năm(3). Chúng tôi chưa có điều kiện để xem xét lại các niên đại này và chọn niên đại thích hợp.

          Từ sau khi chuyển sang đất mới, tòa kiến trúc không những được giữ nguyên nếp cũ, mà còn được xây cất thêm vào ngay cạnh một tòa cung nữa gọi là cung Hải Bình, cung này cũng được gọi là chùa Bà Mụ hay là chùa Bà Mới.

          Ngoài những tên gọi như đã được biết ở trên, tòa kiến trúc này có một tên mà dân cư Hội An quen gọi hơn cả. Đó là chùa Ông Chú. Chùa Ông Chú, theo như cách giải thích của người kê khai Folklore năm 1937, thì vì ngôi chùa do người Minh Hương tức người Hoa xây cất và đồng thời là chùa riêng của họ. Vả lại, người Việt thường gọi người Hoa là khách hay là chú khách, từ Chú ở trong những trường hợp tương tự cũng đồng nghĩa là Khách hay Hoa. Vì vậy, ngôi chùa được gọi là chùa Ông Chú, tức chùa của người Hoa. Nhân tiện đây, xin được nói về nhầm lẫn hay là sự bỏ sót của xếp hạng di tích của Viễn Đông bác cổ học viện Pháp, vì thực ra 2 di tích này (chùa Ông Chú và chùa Bà Mụ) nằm trong tổng thể không chia cắt được, do đó ở trong danh mục xếp hạng, phần dành cho Trung bộ (tức An Nam) chỉ ghi là chùa Bà Mụ là không đủ.

          Những nguồn thông tin còn lại cho chúng ta biết rằng Tổ Đình hay Cẩm Hà cung thờ vị thần chính là Huyền Thiên Đại Đế. Theo thần tích và huyền thoại của cư dân Minh Hương thì từ thuở xa xưa tại quãng sông khoảng khu vực cầu Nhật Bản hiện tại là hang ổ của một con thủy quái mà nhân dân gọi nó là “con Cù”, hàng ngày thủy quái ẩn dưới nước nhưng hễ mỗi lần thủy quái quẫy mình thì nước sông dâng lên làm ngập cả khu phố. Để yểm trừ nạn thủy quái, dân lập đền và rước vị thần có đủ tài năng ngăn chặn tai vạ do thủy quái gây ra. Vị thần đó chính là Huyền Thiên Đại Đế, vốn vị thần này được thờ trong ngôi chùa đặt ngay trên cầu Nhật Bản đồng thời được thờ chính trong chùa Ông Chú ở gần cạnh.

          Cũng theo thần tích của làng Minh Hương Đệ nhị phường thuộc tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn thì Huyền Thiên Đại Đế có nguồn gốc từ phương Bắc đến. Tục truyền từ xa xưa ở phía Bắc lục địa Châu Á có một con quái vật, tục gọi là “con Cù”, đầu ở tận phía Bắc, mình nằm ở Nhật Bản và đuôi của nó dài sang tận nước ta. Mỗi lần “con Cù” trở mình thì cả lục địa Châu Á rung chuyển, đặc biệt Nhật Bản chịu nhiều tai họa nhất do quái vật gây ra, đó là nạn động đất triền miên ở đất nước này, được giải thích là sự trở mình của quái vật. Vì vậy, người Nhật Bản tôn sùng một vị thần có đủ sức ngăn chặn tai họa đó, đồng thời ở Nhật Bản hình thành một lớp người luyện tập theo phép của vị thần dũng mãnh này, và xuất hiện một lớp người chuyên làm nghề xem phong thủy. Tục truyền rằng khi người Trung Hoa sang sinh sống ở nước ta, họ thường mời những đạo sĩ và những người giỏi thuật phong thủy của Nhật sang xem thế đất, dựng lập đền thờ vị thần này, tức là Huyền Thiên Đại Đế để trấn an.

          Cùng thờ với Huyền Thiên Đại Đế là Thái Thượng Lão quân và Bảo Sanh Đại Đế, hai vị thần này cũng là những thần tượng vốn được những người theo đạo giáo tôn sùng. Truyền thuyết dân gian trong vùng Hội An và khu vực rộng hơn không giải thích về sự hiện diện của 2 vị này như Huyền Thiên Đại Đế.

          Ngoài 3 vị thần ở trên, chùa Ông Chú còn thờ 36 vị thần khác, mà đại đa số là các nhân vật trong lịch sử Trung Quốc và những người có công sáng lập ra Minh Hương, từng có vai trò đối với cộng đồng cư dân Minh Hương Hội An. Tuy không cần truy tìm sự tích của các nhân vật được thờ phụng này nhưng thấy cần giới thiệu đầy đủ cả 36 vị để tiện theo dõi:

          1. Triệu Minh Công              19. Vương Thiết
          2. Quan Công                      20. Cao Đồng
          3. Hưng Vương                   21. Mạnh Sơn
          4. Điền Ba                           22. Dương Bưu
          5. Trương Kiện                    23. Lý Sư
          6. Quảng Trạch                    24. Phó Ưng
          7. Tạ Sĩ Vinh                       25. Ân Cao
          8. Châu Ngạn Phu               26. Vương ác
          9. Đảng Quy                       27. Thiết Đầu Hòa thượng
          10. Khương Tịch                 28. Mã Nguyên Súy
          11. Bàng Kiều                     29. Lã Tướng quân
          12. Cao Viên                       30. Thôi Tướng quân
          13. Lưỡng Điền                   31. Ly Lâu Đại Hiền
          14. Đặng Thanh Phán          32. Sư Khoán Đại Hiền
          15. Tần Giang Phi               33. Lôi Công
          16. Trương An                    34. Thạch Thần
          17. Lưu Hậu                       35. Châu Bội Nương 
          18. Lôi Quỳnh                     36. Châu Bột Nương   
 
          Cung Hải Bình hay chùa Bà Mụ thờ các vị thần không liên quan gì với các vị thờ ở chùa Ông Chú, đó là 2 vị: Thiên Hậu Thánh Mẫu và Sanh Thai thập nhị Tiên Nương. Sự tích của các vị này gắn liền với tôn giáo phong tục của dân cư Minh Hương. Trong đó vị Thánh Mẫu được thờ ở những kiến trúc lớn của Minh Hương Hội An từ thuở xa xưa, đó là ở Hội quán Phúc Kiến và Trung Hoa hội quán tức Dương Thương hội quán trước đây. Thánh Mẫu được thờ ở Hội An, xưa kia có tượng vàng, được nhiều văn bia và các tài liệu khác ghi chép lại.

          Tổng hợp lại một số tư liệu ít ỏi vừa dẫn ở trên, chúng ta có thể có một vài nhận xét ban đầu về tòa kiến trúc này đối với cộng đồng dân cư Minh Hương Hội An trong quá trình phát triển của nó, đồng thời cũng là nét chung về lĩnh vực văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân cư sinh sống tại Hội An:

          - Quá trình hình thành và phát triển của di tích tôn giáo này gắn chặt với sự hình thành và xác lập của Minh Hương Hội An trong suốt lịch sử của nó, mà cho đến nay chúng ta đều đã biết được một cách khá chính xác rằng Minh Hương Hội An ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XVI, tức là vào khoảng cuối triều nhà Minh. Vào thời gian này, những người Hoa vì nhiều lý do đã tìm mọi cách trốn tránh sang Việt Nam để sinh sống và lập nên Minh Hương. Từ Minh Hương ban đầu là chỉ tiếng thơm của nhà Minh nhưng về sau, theo tài liệu khai báo năm 1937, thì vào khoảng niên hiệu Minh Mạng (1820 - 1840), đổi chữ Hương nghĩa là thơm thành chữ Hương với nghĩa là làng xóm (3). Với tòa kiến trúc này, chúng ta thấy rằng, ngay từ đầu những người Minh Hương khi tạo lập điểm cư trú để làm ăn sinh sống cũng đồng thời tìm mọi điều kiện thuận tiện để duy trì và giữ gìn phong tục tập quán và truyền thống văn hóa... của cộng đồng dân cư mình. Có thể nói được một cách chính xác rằng di tích kiến trúc này là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị nhất và chủ đạo nhất của người Minh Hương Hội An. Chúng ta có thể khai thác trong kiến trúc tôn giáo này nhiều biểu hiện của Minh Hương Hội An trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của nó.

          - Với việc thờ phụng một cách khá phổ biến Huyền Thiên Đại Đế tại khu vực Hội An, thêm một tài liệu nữa để chứng minh rằng vào khoảng thế kỷ XVII, đạo Giáo đã rất thịnh hành ở nước ta. Ở ngoài Bắc, đạo Giáo phát triển nhất là Hà Nội mà trung tâm là chùa Quan Thánh và pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Võ đúc vào năm 1677. Ở Hội An, truyền thuyết về quái vật, tức là “con Cù” được lưu truyền và việc những người Minh Hương cải biên lại truyền thuyết và cho thờ cúng Huyền Thiên trong chùa quán của mình là những dẫn chứng tiêu biểu. Đồng thời ở Hội An ngay từ thế kỷ XVII, tồn tại một lớp người chuyên môn sống bằng nghề phong thủy, mà truyền thuyết đã dẫn nói về việc người Trung Hoa sang nước ta sinh sống, mời các đạo sĩ và thầy phong thủy người Nhật chọn đất xây quán thờ Huyền Thiên trấn an thủy quái, những biểu hiện như vậy hoàn toàn phù hợp với sự tăng trưởng của đạo Giáo. Tất nhiên trong các chùa quán của Minh Hương không chỉ có thờ đơn lẻ Huyền Thiên, mà thờ nhiều loại khác nhau như chúng ta đã thấy. Qua hiện tượng thờ cúng này, chúng ta có thể tìm thấy sự giao lưu và thâm nhập lẫn nhau giữa tín ngưỡng của dân cư Minh Hương với tín ngưỡng Việt diễn biến ngay tại đất Hội An đô hội xa xưa...

          Về mặt kiến trúc của quần thể di tích này là một đề tài lý thú, song trong điều kiện rất hạn chế, chúng tôi không thể trình bày được trong báo cáo có tính chất thông tin này, ở đây chúng ta nên lưu ý đến các niên đại xây cất, trùng tu tòa di tích. Như đã nói là có hai niên đại khác nhau về việc dựng lại di tích, hoặc là năm 1626 như Trần Kinh Hòa hay 1806 như kê khai vào năm 1937. Đại bộ phận những cấu phần chính của di tích có lẽ phản ánh công việc của lần trùng tu vào năm 1848 và sau đó là năm 1922, nhưng đồng thời giữ lại những vết tích cổ .

          Việc giới thiệu thêm một số tài liệu có liên quan đến một trong những di tích văn hóa có giá trị của cộng đồng cư dân Minh Hương, có thể giúp ích ít nhiều cho việc tìm hiểu về Hội An cổ kính xa xưa, mà hiện tại chúng ta trân trọng giữ gìn những gì  biểu hiện ở công trình này, đa phần thuộc về người Minh Hương, nhưng lại xảy ra trong cảnh quan thiên nhiên Việt Nam thuộc phong cách của Hội An. Truyền thuyết “con Cù” ở Hội An hay truyền thuyết con Hồ tinh chín đuôi ở Hồ Tây Hà Nội là những cải biên cho phù hợp với thổ ngữ nước ta. Vả lại, như chúng ta thấy rằng từ 300 năm trước đây cư dân Minh Hương là một trong những cấu phần quan trọng của cộng đồng dân cư Hội An, bộ phận có đóng góp đáng kể vào việc tạo dựng nên và duy trì cuộc sống của các khu phố Hội An cổ kính cho đến bây giờ.

          Như vậy, thì tất cả mọi đóng góp của cộng đồng dân cư Hội An xứng đáng được trân trọng và ngưỡng mộ không những của chúng ta ngày nay, mà của mãi mãi các thế hệ con cháu chúng ta sau này.
 

(1) Tạp chí Việt Nam khảo cổ học Sài Gòn.
                Số 1/1960 - tr. 2 - 30
                Số 3/1962 - tr. 7 - 40
(2) Liste Général de classement des Nonuments historiques de L’Indochine.
(3) Bản khai Folklore các làng thuộc tỉnh Quảng Nam năm 1937.
(Trích kỷ yếu Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An 23 - 24/7/1985)

Tác giả: Bùi Thiết

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây