Góp phần tìm hiểu nguồn gốc của một số địa danh và vai trò của phố cảng Hội An

Thứ ba - 26/05/2015 03:57
I/ Từ con đường “Thượng Chùa Cầu - Hạ Ông Bổn”:
         Người Hội An thường dùng câu ví: “Thượng chùa Cầu, hạ Ông Bổn” để diễn tả về phạm vi nội ô của đô thị Hội An. Đó là phạm vi mở đầu thời kỳ phát triển thịnh vượng từ thế kỷ XVII.

         Từ con đường giới hạn chùa Cầu - ông Bổn, lịch sử đã ghi nhận nhiều sự kiện bổ sung liên tiếp từ cuối thế kỷ XVI, tiếp nối quá trình lịch sử cổ xưa khi phố cảng còn là một đô thành của nước Chiêm Thành.
 
          “Thượng chùa Cầu - hạ Ông Bổn” có quá trình ổn định lâu đời và ngày nay, mặc dù phạm vi của thị xã đã mở rộng hơn nhiều nhưng con đường Trần Phú hiện nay vẫn còn mang những dấu vết của một trung tâm đô thị cổ, tiêu biểu cho chiều dài cổ kính trên mặt đất. Vì thế có thể lấy “Thượng chùa Cầu - hạ Ông Bổn” và lịch sử kiều cư của hai thành phần thương nhân Nhật kiều và Hoa kiều tại phố Khách và phố Nhật làm điểm xuất phát mà lần theo từng bước, hình dung sự phát triển lịch sử của Hội An theo cả hai hướng:

          + Lịch sử đô thị Hội An của Đại Việt nối tiếp lịch sử đô thành mang cái tên Champa của Vương quốc Chiêm Thành. Những cái tên phố cảng Đại Chiêm cùng với những cái tên địa lý, văn hóa dị biệt trên địa phận thị xã Hội An ngày nay vừa mang tính chất phức hợp của nhiều nền văn hóa giao lưu, không chỉ của phương Đông mà có cả phương Tây ở từ nhiều thế hệ cổ kim trong lúc chưa có những kết quả khai quật khảo cổ học thì những sử liệu về tên đất tên người sẽ giúp cho cuộc đi tìm lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển một đô thị cổ mang tính chất quốc tế, cổ mà cho đến nay vẫn là một thị xã rất non trẻ, đương vươn lên trong giai đoạn đầu trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa.
 
          II/ Những cái tên của nhiều dân tộc trên chiều dài văn hóa thị xã Hội An:

          Phố Nhật :
          Khi thực dân Pháp đến nơi đây, phố xá “Thượng chùa Cầu - hạ Ông Bổn” vẫn cơ bản còn được giữ gần như ngày nay, nhưng Hội An lúc ấy chỉ còn ở vị trí là một thị trấn. Lúc bấy giờ, là thời kỳ công cuộc làm ăn kinh doanh của Hoa kiều phát triển toàn thịnh, họ là thành phần thương nhân ngoại kiều duy nhất trong thương trường Hội An, còn người Nhật đã từng có cơ ngơi bề thế trước tiên và ổn định nhiều năm từ trước thì lúc ấy đã hoàn toàn vắng bóng.

          Nếu quả thật “Thượng chùa Cầu - hạ Ông Bổn” là mảnh đất sản sinh ra phố Khách và chính nó là phố Khách ở phía tây phố Nhật, thì ắt hẳn người Pháp vẫn tôn trọng thực tế lịch sử sẽ đi tìm con đường phố Nhật ở phía đông vào địa phận xã Sơn Phong, Cẩm Châu ngày nay mà đặt cho nó một cái tên đường Cầu Nhật Bản. Và cũng rất hợp lý. Như vậy nếu họ đặt tên con đường chùa Cầu - ông Bổn một cái tên gốc Hoa, nếu nó vốn là phố Khách chớ không phải tên đường Cầu Nhật Bản.

          Nhưng lịch sử đã ghi nhận con đường chùa Cầu - Ông Bổn đã mang cái tên “Rue du pond Japonnaise” và ở phía Tây cuối con đường đó trước sau vẫn nối với Cầu Nhật Bản, cũng như đường Cantonnai do chính quyền thực dân Pháp đặt ra là vì hầu hết cư dân đều gốc người Quảng Đông.

          Đường Quảng Đông là đất mới bồi lấp về sau, mà đường Cầu Nhật Bản mang tên đường bờ sông từ trước, điều đó phù hợp với lịch sử kiều cư và mở mang việc buôn bán đầu tiên của Nhật kiều trên con đường chùa Cầu - Ông Bổn. Đó là Phố Nhật, một trong hai phố lớn của ngoại kiều có trước tiên của Phố cảng Đại Chiêm.

          Sớm hơn người Hoa kiều về vai trò buôn bán ở chợ Phố, Nhật kiều đã tham gia một số mặt hàng mỹ phẩm, mỹ nghệ, theo kiểu Nhật, trong cơ cấu thương nghiệp tại chợ Phố.
 
 Hàng trầu hàng cau là hàng con gái
Hàng bánh hàng trái là hàng bà già
    Hàng bông hàng hoa là hàng Nhật Bản 
 
          Trên con đường Trần Phú ngày nay, phố Nhật còn lưu lại tập trung những di tích của Nhật kiều: Một dãy phố dài thuần nhất nằm ở phía Nam, đường từ cầu Nhật Bản chạy thẳng đến chợ Hội An ngày nay, không một đình chùa nào của người Hoa xen vào, còn thấy những ngôi nhà mang dấu vết kiến trúc theo lối Nhật cổ, trong thư tịch về phố cổ Hội An còn có di tích chùa Tùng Bản, mà theo sử liệu cho biết nó tọa lạc tại khoảng địa điểm bưu điện Hội An ngày nay.

          Tất cả những sử liệu về ngoại kiều ở Hội An đều thống nhất rằng “phố Nhật ở phía đông phố Khách” và như vậy phố Khách phải ở phía tây cầu Nhật Bản.
          Phố Khách:
          Thành phần ngoại kiều thứ hai rất đông đúc tại Hội An là người Hoa: Người Hoa đến phố cảng Đại Chiêm có thể còn sớm người Nhật bởi lịch sử truyền thống của các cuộc di dân, phiêu bạt theo đường biển đã có lâu đời. Họ đến đây lẻ tẻ với thân phận của những người không thể sống được ở tổ quốc họ và tụ cư dần dần thành các xóm Phong Viên - Nam Phố - Phai  Phào. Đó là khu đất thuộc địa phận xã Cẩm Phô. Trong khi người Nhật buôn bán hàng bông, hàng hoa ở chợ Phố thì người Hoa ở Phong Viên - Hoa Phố làm các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống và sản xuất các món ăn Tàu như: hoành thánh, bánh bao, cao lầu, lục tầu xá, tương chao, làm giấy bạc, giấy vàng, dệt lụa, mở hiệu cao lầu, bán thuốc phiện.

          Đó là sự phân công tự nhiên giữa Hoa kiều và Nhật kiều xuất phát từ truyền thống nghề nghiệp và bản tính buôn bán phổ biến của Hoa kiều.

          Do cuộc cấm vận 200 năm của Vua Minh Chu Nguyên Chương từ 1371 nên số kiều dân Hoa từ chính quốc sang phố cảng rất ít. Mãi cho đến năm 1567, Minh Mục Tôn mới mở cấm vận xuống phía Nam, người Hoa lại tấp nập kéo sang. Giai đoạn kiều cư lần này hầu hết là thương nhân vượt biển bằng thương thuyền chủ yếu là dân ở các tỉnh duyên hải Trung Quốc: Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông.

          Sự kiện cấm vận đó đã tác động đến tình hình bùng nổ dân số Hoa kiều ở Phong Viên - Hoa Phố đồng thời lại mang thêm tính chất thương nghiệp bổ sung cho truyền thống dịch vụ từ trước. Tình hình đó đã đưa Phong Viên - Hoa Phố lên vị trí phố Khách là một thương phố lớn thứ hai của ngoại kiều tại phố cảng Đại Chiêm, ngang hàng với phố Nhật. Địa điểm của phố Khách sơ khai tiếp nối với phố Nhật ở phía Tây Cầu Nhật Bản.

          Người Nhật lúc bấy giờ đã hoàn thiện địa vị trong xã hội thương mại hơn người Hoa, do được chính quyền Đại Việt ở phố cảng sử dụng trong công việc quản lý giao thương. Đã có người Nhật - ông Sotara, lấy vợ là con gái Hoàng tộc của Việt Nam. Phố Nhật thịnh vượng cần phải mở đường thông thương ra vùng nông thôn Điện Bàn và phố Khách nên họ đã xây dựng Cầu Nhật Bản.

          Cho đến trước năm 1593, chính quyền Phong Thần Tư Kiết và Đức Xuyên Gia Khương liên tiếp mở cấm vận thì đến lượt thương thuyền Nhật Bản lại tấp nập kéo đến phố cảng.

          Người Nhật từ vai trò thương nhân ở chợ phố và chuyên viên quản lý tàu vụ, được phát triển thêm lên cương vị những nhà buôn ngoại thương, xuất nhập khẩu. Nhờ có ưu thế thuận lợi cho nên phố Nhật mạnh hơn phố Khách. Phố Khách và phố Nhật cùng phát triển thịnh vượng với mỗi thế mạnh khác nhau.

          Đến khi quân xâm lược Mãn Thanh tiến vào Hoa Nam, một số người tị nạn bỏ chạy sang Quảng Nam trong đó Thập Lão là những di thần bại tướng của nhà Minh.

          Cảnh giác với người Minh, mới trước đây đã tiến công xâm lược Việt Nam với chiêu bài “phù Trần diệt Hồ”, chính quyền Đại Việt không cho họ vào phố cảng và phân tán thành nhiều điểm tụ cư của người Minh trong khắp tỉnh: Tam Kỳ, Việt An, Thăng Bình v.v...

          Nhưng thực chất họ chỉ là người Minh tiêu cực, cầu an chạy sang Việt Nam chỉ vì mục đích sống còn của cá nhân và gia đình cho nên an phận làm ăn. Vì thế dần dần họ được phép nhập cư về phố cảng. Trong số đó chủ yếu và đáng kể là nhóm Thập Lão ở điểm Thăng Bình. Họ khôn khéo thiên di qua bước trung gian ở điểm Trà Nhiêu, là địa điểm tuy lúc ấy cũng thuộc trong phạm vi nội ô của phố cảng, nhưng đó là những điểm tập trung ở phao số không, còn chờ kiểm soát và làm đủ giấy tờ nhập cảng tàu nước ngoài mới được qua bến cảng nội ô. Rồi từ điểm ấy trên danh nghĩa là đất đô thị họ dễ dàng thiên di lần nữa với mục đích cuối cùng vào cho được nội ô và họ được chính quyền cho nhập cư ở Phong Viên - Hoa Phố nơi đã có cơ ngơi ổn định từ trước của đồng hương Hoa kiều. Nhưng bến phố Khách lúc ấy đã có hiện tượng bồi đắp ở khúc sông Thanh Hà dần dần nổi lên cồn cát (Ngọc Thành ngày nay) kéo dài mãi đến Cầu Nhật Bản. Sau khi đến được Phong Viên - Hoa Phố lại bắt đầu thiên di một bước nữa vào trung tâm.

          Sự bồi lấp sông Thanh Hà xảy ra các biến đổi quan trọng trong xã hội ngoại kiều Nhật - Hoa và ảnh hưởng đến cơ cấu thương nghiệp ở phố cảng.

          + Hội An có thêm đất Ngọc Thành.

          + Phố Khách tiêu điều do tàu thuyền không cập bến được dẫn đến xóa tên.

          + Từ Phong Viên - Hoa Phố, Hoa kiều thiên di theo hai hướng tùy theo thành phần giai cấp khác nhau của họ.

          - Hướng Cổ Trai: gồm nhóm người Phong Viên - Hoa Phố cũ, vì không có thế lực và lại không phải là dân buôn bán, nên bằng lòng thiên di qua phía đông phố cảng, tiếp tục các nghề dịch vụ sinh hoạt.

          - Hướng nội ô: Lập xã mới Minh Hương. Nhóm Thập Lão, Tam Gia và những nhà buôn giàu, có thế lực thì thiên di vào phía bắc phố Nhật, mua đất các thôn Hương Thắng, Hương Định tiếp giáp địa phận xã Cổ Trai, chạy lên phía tây tiếp giáp cầu Nhật Bản, song song và đối diện với phố Nhật. Tại đây, họ xin được thành lập xã Minh Hương.

          Đó là sự kiện xảy ra vào khoảng những năm 40 - 50 thế kỷ XVII.

          Những ngôi chùa: Vạn Tục đình, Bắc đế, chùa Ông, chùa Bà Mụ v.v... lần lượt xuất hiện.

          Tại địa phận Phong Viên - Hoa Phố, trong quá trình kiều cư  của dân phiêu bạt tứ chiến Hoa kiều, với trình độ văn hóa thấp, họ chỉ làm chung một ngôi đình để thờ chung các vị tiền hiền Hoa kiều. Đình đó gọi là Tổ đình. Khi họ thiên di về xã Cổ Trai và xã Minh Hương, thì giao cho một nhóm người ở lại tế tự. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, người Minh Hương và Cổ Trai đều đưa vật phẩm về đình xưa tế lễ thờ cúng.

          Sau khi lập xã Minh Hương, người Hoa xây cất Tổ đình khác dưới ảnh hưởng của các di thần nhà Minh nên cơ ngơi bề thế có tính văn hóa cao hơn. Đình đó gọi là Vạn Thọ đình ở vào địa giới giữa hai xã Cổ Trai và Minh Hương. Từ đó có hai đình, phân biệt bằng Vạn Thọ đình và Cẩm Hà cung đều là Tổ đình. Cẩm Hà cung phải chăng là tiền thân của đình Cẩm Phô ngày nay? (về sau đến năm 1883) dân xã Cổ Trai vốn là người Phong Viên - Hoa Phố nên đã tự nguyện sát nhập vào xã Minh Hương.

          Đến năm 1634, chính phủ Nhật ra lệnh cấm đạo Thiên chúa, chính lệnh ngặt nghèo không cho phép người Nhật xuất dương, không cho cư trú ở hải ngoại. Bây giờ ở Hội An đã có hai nhà thờ Thiên Chúa giáo, có giáo sĩ Nhật và có nề nếp xưng tội cho kiều dân Nhật. Vì thế trước đó hàng năm, giáo dân Nhật từ chính quốc vẫn vượt biên sang Hội An để hành lễ.

          Cuộc cấm xuất dương lần này đã dẫn đến số kiều dân Nhật ở Hội An giảm sút rất nhanh, trong khi đó thế và lực thương nghiệp của kiều dân Hoa trái lại phát triển rất thịnh vượng. Người Nhật giảm sút nên dần dần nhường bán nhà ở, cửa hàng trên phố Nhật cho người Hoa. Chẳng bao lâu phố Nhật bị Khách hóa và bắt đầu thời kỳ hai phố đồng nhất.  

          Phố Nhật bị xóa tại đây trong khi người Hoa tiếp quản toàn bộ rồi từ đó làm ăn phát đạt thịnh vượng thêm mãi. Nhiều người đến phố cảng vào sau thời kỳ đó, ngộ nhận đây là phố Khách của Hoa kiều họ nên họ đi tìm phố Nhật ở ngoại ô thị xã. Các sử gia Trung Quốc là người trước tiên bỏ quên cơ sở lịch sử của cái tên “Rue du pond - Japonnais” và còn tiến xa hơn nữa cưỡng đoán rằng cầu Nhật Bản là do người Hoa kiều xây dựng mà người Nhật chỉ là những công nhân làm thuê.

          Về sau sông Thanh Hà bồi lấp tiếp tục xuống phía nam bồi thêm đất bờ sông trước mặt phố Nhật. Người Hoa, đông và giàu có đã bỏ tiền mua trước và lập thêm khu phố Quảng Đông (Rue de Cantounais). Đó là đường Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng ngày nay.

          Đến đấy ta thấy từ đất đai ban đầu ở Phong Viên - Hoa Phố đến xã Minh Hương người Hoa dần dần đã tràn ngập bao trùm xã Cổ Trai, phố Nhật và khu đất mới bồi đắp từ Nguyễn Thái Học ra bờ sông.    
   
          Cũng do quá trình bành trướng của Hoa kiều, trùng hợp với quá trình phát triển thịnh vượng của phố cảng mà có người cho rằng thị xã Hội An vốn là của người Hoa kiều xây dựng lên, là đô thị hải ngoại của người Hoa mà tiền hiền là Thập Lão - Tam Gia. Từ đó họ cưỡng đoán rằng danh từ Faifo là xuất phát từ các tên gốc của các xóm Hoa kiều mang tên: Hoa Phố, Ba Phố, Phai Phào v.v... cái gì theo họ cũng là do gốc Hoa cả, kể cả Hải Phố cũng có thể là tiền thân Hội An.

          Về phía người Âu thì người Bồ đến phố cảng Đại Chiêm trước tiên, có công đặt nền móng cho tư bản thương nghiệp Tây Âu xâm nhập thị trường Quảng Nam. Họ để lại một di tích đáng quí đó là người trước tiên dùng cái tên phiên âm Faifo để gọi phố cảng. Nhờ đó ta biết rằng phố cảng lúc bấy giờ chưa có tên Hội An, chưa có sự kiện hội chợ mà nó vẫn giữ một cái tên Champa mà người Bồ phiên âm là Faifo. Cái tên Champa đó là Faifo, tên vua thuộc một dòng họ lớn của đế chế Chiêm Thành. Người Champa thường dùng họ tên Vua để đặt tên cho các phố cảng như Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết. Người Bồ còn để lại ở ngoại ô phố cảng vài ngôi mộ.

          Người Hà Lan còn để lại di tích một thương điếm tại phố cảng, ngày nay không rõ ở địa điểm nào. Ngoài ra, còn những sử liệu về các trận thủy chiến với quân Đại Việt tại cửa Đại Chiêm và vùng biển đông bắc Hội An.

          Vào thời kỳ tàu thuyền buôn ngoại quốc của nhiều nước đến cảng Đại Chiêm, chính quyền Đại Việt đã qui định những khu riêng cho kiều dân mỗi nước cư trú, cũng như các bến riêng cho tàu thuyền từng nước.

          Trà Nhiêu là phao số không, Thanh Hà là nơi khu biệt người Thanh. Minh Hương tập trung người Minh, nhưng người Hoa đã chết thì không còn phân biệt chính kiến nên chôn chung ở nghĩa địa Thanh Minh.

          Tàu Hà Lan được khu biệt tại 1 bến, ngày nay thuộc thôn 7 xã Cẩm Thanh. Từ xưa, mặc dù chưa xây cất nhà ở, nhân dân đã gọi đó là bến Khói lăng (biến âm của danh từ Hòa Lan).

          Từ thế kỷ XVI, các giáo sĩ phương Tây gồm cả người Ý, Đức, Pháp, Ái - Nhĩ - Lan, Tây Ban Nha, người Anh v.v... đều đã đến phố cảng. Họ chỉ để lại những mẫu sử liệu ghi nhận tình hình buôn bán và con người phố cảng trong các thư tịch giao thương cũng như những mẫu nhật ký truyền giáo.

          Người Pháp đến sau, khi mà toàn bộ nội ô “thượng chùa Cầu - hạ ông Bổn” đã tràn ngập người Hoa, cho nên những di tích của Pháp nằm ở ngoài khu người Hoa. Đó là di tích xưởng chè Robert, tòa sứ nhà giây thép, sở bang tá, nhà thương Hội An, trường sơ học Pháp - Việt v.v... Những di tích này nằm ở các con đường Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo ngày nay.

          Ngoài ra, thực dân Pháp còn làm cả đường xe lửa Hội An- Hà Thân để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu gồm: nông, lâm, hải sản và những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đã được chế biến tại Hội An ra cảng Đà Nẵng.
 
          III/ Về cái tên Faifo:    
          Bồ - Đào - Nha là nước phương Tây đầu tiên đến phố cảng Đại Chiêm vào những năm 40 của thế kỷ XVI.

          Cũng chính người Bồ là người đầu tiên dùng cái tên Faifo và sau đó mấy mươi năm cho đến đầu thế kỷ XVII, các thương nhân và giáo sĩ phương Tây đều dùng cái tên Faifo trong các thư từ giao thiệp hoặc nhật ký thương nghiệp.

          Vậy do đâu họ dùng cái tên Faifo.

          Thật ra họ dùng cái tên Faifo, cũng như ngày nay người Việt dùng cái tên Thị Nại để gọi cửa biển Thi-li-bi-nai hoặc người Pháp đọc là Tourane để gọi phố Turon của người Champa.

          Faifo là biến âm từ Champa giọng Tây Âu.

          Có người cho rằng Faifo là biến âm từ gốc các tên Hoa như Hải Phố, Hoa Phố, Ba Phố, Phai Phào hoặc từ gốc các Việt như Hoài Phố, Hai Phố, Phải Phố v.v...

          Về cái tên Hoài Giang, Hoài Phố chẳng qua là từ văn học. Bởi vì trong lịch sử tiếp quản đất nước Champa, người Việt không xem việc đổi tên sông, tên núi là cần thiết. Cho đến nay vẫn còn tồn tại những cái tên Trà Khúc, Chiên Đàng, Ô - gia, Thu Bồn.

          Trên thực địa, dòng Thu Bồn có khúc sông nào là Hoài Giang hoặc sông Hoài ? Chỉ có sông Hội An, sông Trà Nhiêu, sông Chợ Củi hoặc Sài Giang... Trong phủ biên tạp lục có thấy rất nhiều lần cái tên Thu Bồn, Trà Nhiêu, Hội An nhưng không hề có Hoài Giang, Hoài Phố.

          Còn về cái tên Hải Phố thì có một số ý kiến ước đoán cho rằng Faifo là do biến âm của Hải Phố (Thanh Tịnh, Thái Văn - A.Chapuis). Nhưng cũng chỉ là ước đoán với câu văn chỉ có mấy tờ, không hề nói đến phố đó ở đâu, xây cất từ bao giờ hoặc nêu ra di tích di chỉ nào cả.

          Liên quan đến vấn đề này là sự tích Thập Lão. Lý lịch Thập Lão cũng như Tam Gia về sau được xem là những di thần của nhà Minh đã chạy sang Quảng Nam vào những năm 40 của thế kỷ XVII, trong thời kỳ Mãn Thanh tiến chiếm Hoa Nam.

          Ông Trần Kinh Hòa dẫn lời ông Nguyễn Thiệu Lâu về sự tích chạy nạn của Thập Lão đã viết: Tương truyền có 10 người Minh ở Triết Giang, Phước Kiến chạy đến Quảng Nam xã Minh Hương. Từ đó ông Hòa đính chính và ghi rõ cuộc hành trình như sau: Các vị này khi mới đến không phải là đất Hội An mà ở về phía Nam chừng 15 - 16 công lý ở đất Thăng Bình... Ở đó một thời gian rồi từ Thăng Bình đến Trà Nhiêu. Tại đây có cất đền thờ Quan Công v.v... Bến Trà Nhiêu sau đó bị bồi cạn phải dời đến Thanh Hà tại đây họ lập một ngôi thờ chung gọi là Tổ đình... Chẳng bao lâu sông Thanh Hà cũng bồi cạn, họ mới dời về Cẩm Phô, Hội An Cổ Trai... lập miếu Quan Công ở phía Đông xây chùa Bắc đế ở phía Tây (trong nguyên văn ghi là Chùa Cầu là sai, vì cầu đã làm từ trước có lẽ do người chép lại sai ).

          Trong đoạn văn này ta thấy ông Trần Kinh Hòa “Sau khi đã sưu tầm rất kỹ nhiều tài liệu Đông - Tây rất quí và rất đầy đủ” (1) đã ghi khá rõ cuộc hành trình thiên di của Thập Lão, nói cả các công trình kiến trúc của họ ở từng nơi. Nhưng ông Trần Kinh Hòa cũng như Nguyễn Thiện Lâu đều không nói gì đến Hải Phố. Có nghĩa là Thập Lão  không ra đi từ Hải Phố và họ không biết gì về Hải Phố cả. Hơn nữa chính ông Trần Kinh Hòa cũng không tin vào khoảng thời gian 60 năm của cuộc hành trình này, dù chỉ đi tay không, không phải thiên di theo cả gánh Hải Phố. Bởi lẽ, nếu vừa đi vừa lắp ghép rồi lại bốc dỡ di chuyển Hải Phố trải qua 4 địa điểm thì dù có kỹ thuật xây dựng máy móc hiện đại cũng không ai làm được.

          Lại xét về biên niên thì Thập Lão là người Minh Quế ở Triết Giang, Phúc Kiến lánh nạn khi quân Mãn Thanh tiến chiếm Hoa Nam. Sự kiện lịch sử này xảy ra vào những năm 40 của thế kỷ XVII. Vào thời kỳ này phố cảng Hội An đã phát triển phồn thịnh qua 42 năm kể từ khi Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi (1613 - 1635) và đã cách thời gian người Bồ đến phố cảng trên 100 năm, cách sau người Hà Lan đặt thương điếm tại Hội An gần 40 năm. Vậy thì, nếu Thập Lão mang cái Hải Phố đến đây sẽ đặt vào đâu?

          Không thể có cơ sở nào để ghép cái ước đoán về từ Hải Phố của ông Thanh Tịnh vào câu chuyện di cư của riêng Thập Lão, thành cái Hải Phố là tiền thân của Hội An được.

          Hải Phố chẳng qua cũng là từ văn học chỉ chung các thành phố ở duyên hải, cũng như Hải đảo, Hải đăng, Hải cảng mà thôi.

          Khu di chỉ có tên phố ở Trung Phường thuộc thôn 9 xã Duy Nghĩa ngày nay là có thật sẽ được các nhà khảo cổ giải đáp, nhưng dù sao cũng không phải là tiền thân của Hội An. Điều này đến nay cũng đã có cơ sở để có thể khẳng định được.

          Về các cái tên Hoa Phố, Ba Phố, Phai Phào, ai cũng biết đó chỉ là những xóm kiều cư của người Hoa phiêu bạt từ trước. Phụ thuộc chính quyền một xã, có thể lúc bấy giờ là xã Cẩm Phô. Vai trò của các xóm Hoa kiều đó, cho đến trước khi Thập lão - Tam gia đến phố Khách thật là nhỏ bé trong xã hội cũng như trong thương trường phố cảng.

          Về mặt ngoại giao thì thời điểm người Bồ đến phố cảng là lúc chính quyền sở tại do Hoàng Thân Tín - Vương Mục Quyết cai trị. Họ Mạc đương cần sự công nhận vương quyền trên đất Thuận - Quảng sau khi họ vừa cướp ngôi nhà Lê.

          Về phía người Bồ và các giáo sĩ phương Tây, với mục đích xâm chiếm thị trường và truyền giáo đạo Thiên chúa sang Đông. Họ có thừa khôn ngoan để đặt nền móng giao thương tại phố cảng với sự chấp thuận của chính quyền Đại Việt. Vì thế lẽ nào họ lại lấy tên một trong các xóm nhỏ, không tên tuổi của Hoa kiều để đương nhiệm đặt cho một đô thị của một nước có chủ quyền. Hành động đó không kém một thái độ khiêu khích, vả lại không hề cớ mảy may lợi ích cần thiết cho tư bản phương Tây.

          Bởi vậy, quyết rằng người Bồ đã hành động một cách thận trọng trong buổi đầu bang giao và đã dùng ngay cái tên mà nhân dân địa phương và chính quyền Đại Việt đang dùng. Đó là một cái tên Champa cũ của phố cảng: Faifo là biến âm của Fanfo.

 
IV/ Sự ra đời một cái tên Việt Nam của phố cảng để thay thế cái tên Champa:
1. Quá trình diễn biến tình thế phải cần đổi tên phố cảng:
          Khác với tính chất Hoa của các tên Ba Phố, Hoa Phố, Hải Phố. Cái tên Hội An tuy cũng là từ Hán - Việt nhưng rõ rãng nó là danh từ gốc Việt. Vậy, Hội An phải là do chính quyền Đại Việt đặt ra, vào một dịp mà chính sự kiện thay tên đó có yêu cầu không thể thiếu được.

          Theo lập luận đó, điểm lại lịch sử phố cảng Đại Chiêm của người Champa, qua các lần gia nhập bản đồ Đại Việt để tìm ra thời điểm và lý do xuất hiện tên Hội An, thay thế cho tên Champa.

           Lần thứ nhất năm 1306 vua Trần Anh Tôn nhận đất Ô Rí của Chế đổi thành châu Thuận Hóa. Biên giới nam của châu Hóa, châu tức là đất châu Rí có lẽ là sông Bà Rén, gồm cả Duy Xuyên và Tiên Phước (1) (Chú thích Dư địa chí).

          Lần thứ hai năm 1402, Nhuận Hồ thu lại đất cũ của nhà Trần đã bị Chiêm Thành lấy lại sau khi vua Chế Hân mất và lấy thêm đất Chiêm Lũy, thành lập châu mới Thăng Hoa.

          Phố cảng bây giờ thuộc châu Hóa cho nên không có gì thay đổi. Nhà Hồ chỉ chia và đặt các tên Việt trong hệ thống tổ chức hành chính bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, từ đất Thăng Bình về nam, khoảng phía Nam sông Bà Rén trở vào.

         Lần thứ ba, năm 1471, vua Lê Thánh Tôn tiến quân chiếm đất đến tận đèo Thạch Bi, và sau bốn năm thì thành lập xứ Quảng Nam, Thừa Tuyên cũng là biên giới bắc của phủ Thăng Hoa thời Hồ. Vì vậy, cũng không có gì thay đổi tổ chức hành chính trên lãnh thổ Hóa Châu.

         Vả lại trên danh nghĩa, đất Hóa Châu trong đó có phố cảng Đại Chiêm vẫn là đất cũ của nhà Trần do quốc vương Chiêm Thành đã tự nguyện hiến dâng cho Đại Việt. Vì thế, cả ba lần đều chưa có yêu cầu phải thay tên, để công bố quyền chiếm hữu lãnh thổ như trường hợp nhà Hồ với đất Thăng Hoa.
 
         2. Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển kinh tế hàng hóa với vai trò suy thoái của các tập đoàn phong kiến cầm quyền trong nước:
         Vào cuối thế kỷ XV, chủ nghĩa tư bản ra đời ở phương Tây đang tìm đường bành trướng sang Đông thì ở nước ta triều đình nhà Lê đã rơi vào tình trạng suy thoái và suy yếu.

         Đầu thế kỷ XV các cuộc khởi nghĩa nông dân nổi dậy khắp nơi, trong khi đó, nội bộ các phe phái phong kiến diễn ra các cuộc tranh giành, xung đột ngày càng gay gắt, dần dần hình thành các phe đối lập, lộng quyền và âm mưu thoán đoạt. Đến năm 1525, họ Mạc cướp ngôi, nhưng tập đoàn Trịnh - Nguyễn còn đủ mạnh nổi lên chống lại dưới chiêu bài khôi phục vương triều chính thống.

         Khi người Bồ đến phố cảng thì cũng nhằm thời điểm nhà Lê trung hưng và cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều bắt đầu lan rộng khắp nơi.

        Nhân dân Thuận - Quảng nhạy bén với tình hình chính trị, đã nhận thấy bản chất thối nát của nhà Lê và xem nó là vật chướng ngại trên bước tiến của xã hội. Vì vậy họ đã dứt bỏ quan điểm chính thống, sẵn sàng hợp tác với họ Mạc, mong có cuộc sống hòa bình để phát triển nền kinh tế vốn có tiềm năng to lớn của châu thổ Thu Bồn đồng thời đáp ứng công cuộc giao thương với kinh tế phương Tây. Nhưng họ Mạc cũng chỉ là tập đoàn phong kiến quân phiệt, vì lợi ích của cá nhân và dòng họ mà cướp ngôi đoạt quyền, không đủ khả năng đem lại hòa bình thống nhất đất nước. Do đó, không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân Hội An nói riêng và công cuộc phát triển kinh tế và xã hội Thuận - Quảng trong tình hình mới.

        Tình hình đó kéo dài suốt trong thời gian nội chiến Nam - Bắc triều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra đời của chế độ cát cứ của tập đoàn phong kiến họ Nguyễn ở Đàng Trong và cũng là giai đoạn mở đầu của sự phát triển thịnh vượng của phố cảng. Yêu cầu phải có 1 tên Việt Nam cho phố cảng.
 
        3. Xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế hàng hóa của Thuận - Quảng:
        Phủ biên Tạp lục có ghi đoạn phỏng vấn khách buôn họ Trần người Quảng Đông. Y là thương nhân chuyên nghiệp đã từng đến buôn bán cả hai miền Nam -  Bắc nước ta.

      Theo y thì ở Sơn Nam, hàng xuất biên được chỉ có củ nâu, ở cửa Thuận chỉ mua được hạt tiêu. Còn ở Hội An thì hàng hóa Quảng Nam không món gì không có, các nước phiên khác không bì kịp.

       Tại phố cảng Đại Chiêm hàng hóa xuất biên nhiều cho nên nhập khẩu cũng mạnh: theo y thì hàng (nhập khẩu) bán đi chạy lắm nhiều lời không có ứ đọng. Hàng mang đến gồm vải, lụa đặc sản cao cấp của Trung Quốc, thuốc Bắc, các loại mỹ phẩm, mỹ nghệ, văn phòng phẩm, đồ dùng bằng thủy tinh, kim loại, đồ gỗ, thực phẩm gia vị, quả cây đặc sản, thức ăn khô đóng gói, các loại hàng tiêu dùng bách hóa.

       Hàng nội địa xuất khẩu tại Hội An, “không thứ gì là không có không một nước nào bì kịp” gồm cả hải sản, thủy sản, lâm thổ sản, dược liệu, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, khoáng sản. Vào thời kỳ mà phương tiện vận chuyển cơ giới chưa phát triển, hệ thống đường bộ chưa thông suốt, sức chở của tàu thuyền chưa lớn, thì rõ ràng Hội An là tụ điểm của mọi tiềm năng ưu việt, vượt tất cả các hải cảng trong nước về khả năng hội tụ hàng hóa tổng hợp của một phạm vi kinh tế liên hiệp rộng lớn.

        Mặt khác, khi nền kinh tế hàng hóa công nghiệp tư bản còn ở mức phát triển sơ khai thì sản vật thiên nhiên và lâm thổ sản, cũng như sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của Hội An, hầu hết đều đạt tiêu chuẩn hàng cao cấp quốc tế. Đó là dược liệu: trầm kỳ, ý dĩ, quế, sen, thảo quả, sa nhân, tô mộc. Đặc sản biển cả và hải đảo có: yến sào, vây cá, tôm khô, mực khô, hải sâm, hải mã, ốc hương, rau biển, ba ba, đồi mồi. Đặc sản rừng: có tê giác, gạc nai, xương gân hươu, da hổ, ngà voi, mật gấu, là khoáng sản: vàng, hoạt thạch, phấn kẽm. Gỗ danh mộc: trắc, mun, sơn. Sản phẩm tiểu công nghệp: đường trắng, đường phèn.

        Cho đến ngày nay, những vật phẩm kể trên mà phần lớn là ở nguồn thiên nhiên, cũng vẫn là những mặt hàng cao cấp, có giá trị kinh tế xuất khẩu cao, kể cả các nước công nghiệp phát triển vẫn ưa thích. Rõ ràng rằng chế độ thối nát Lê - Trịnh và cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều đương thời là một chướng ngại trong công cuộc kinh doanh và phát triển kinh tế Thuận - Quảng. Trong khi đó thì tình hình giao thương quốc tế đang mở ra một trang sử mới.
 
        4. Những tác động chủ nghĩa tư bản:
       Năm 1519, người Tây Ban Nha theo con đường vòng quanh quả đất của Vát-xao de Gama (1492), từ Nam Mỹ vào Thái Bình Dương phát hiện và chiếm đảo Phi - Luật - Tân lập thương cảng Manila, mở đường thông thương với các nước Đông Nam Á.

       Người Bồ tiếp theo phát triển mạnh nhất sang Đông. Đến năm 1535, đã lập căn cứ giao thương ở Áo Môn. Trước những biến động mạnh mẽ của nền kinh tế giao thương Đông - Tây. Năm 1567, vua Minh Mục Tôn mở cấm vận nhưng chỉ cho thương thuyền Trung Quốc đi xuống các nước phía Nam. Tàu buôn Trung Quốc tấp nập đến Hội An, Manila sau cuộc cấm vận 200 năm.

      Đáp lại chính phủ Nhật bèn cấp một lệnh mở cấm vận gọi là Ngư châu ấn trạng cho một số nhà buôn có lựa chọn đến Hội An để mậu dịch, mua các hàng chiến lược do Hoa thương chở lậu đến.

     Sau Bồ là Hà Lan. Năm 1602, họ đã lập công ty Đông Ấn ở Ấn Độ từ đó sang chiếm các đảo Sumatra, Java của Indonesia. Sau đó họ đến Hội An và lập thương điếm tại đây.

      Ngoài ra đến Hội An còn có thương thuyền của quân đội kháng Thanh của Trịnh Thành Công ở Đài Loan. Từ sau khi nhà Thanh diệt triều Minh, năm 1662 họ Trịnh tổ chức đường dây trên biển, sang Hội An mua lương thực, nguyên liệu vũ khí tiếp tục kháng Thanh cho đến 20 năm sau, năm 1683 mới bị diệt hẳn.

      Như vậy là cùng một thời điểm có khá nhiều yếu tố thuận lợi. Về ngoại thương cũng hội tụ tại Hội An.

      1) Nền kinh tế hàng hóa vùng châu thổ Thu Bồn giàu có với tiềm năng to lớn, bị bế tắc trong bối cảnh lịch sử thời Lê - Mạc đã được chính sách mở rộng giao thương của chế độ chúa Nguyễn Đàng Trong giải phóng.

      2) Do cuộc cấm vận hàng chiến lược giữa Nhật - Trung vẫn còn tiếp diễn, nhưng cả hai nước lại đều mở cấm vận ra biển, nên Hội An trở thành cảng trung gian, đại lý toàn bộ dịch vụ mậu dịch giao thương giữa Trung - Nhật - Đài Loan và các nước Tây Âu.

       Nền kinh tế hàng hóa Tây Âu trên đà phát triển mạnh mẽ ở đầu thế kỷ XVII lại tranh nhau bành trướng về phía Đông. Hội An là một thị trường lý tưởng bậc nhất vào thời kỳ đó. Trong những điều kiện thuận lợi như thế, Hội An trở thành một thương cảng quốc tế ở Đông Nam Á từ thế kỷ XVII. Sự phồn thịnh của phố cảng Hội An trong nhiều năm lúc bấy giờ có thể sánh với các thương cảng thời đó mạnh cùng thời như Trường Kỳ, Áo Môn, Manila.
 
       5. Vai trò của chúa Nguyễn ở Thuận - Quảng:
      Trong cuộc đọ sức giành quyền với họ Trịnh, Nguyễn Hoàng yếu thế buộc phải chạy trốn vào Thuận Hóa. Ngay sau khi vượt qua đèo Hải Vân năm 1602 Nguyễn Hoàng đã biết kết hợp thế mạnh vị trí chiến lược của phố cảng và tiềm năng nhân tài vật lực của vùng châu thổ Thu Bồn. Trong lúc đó tư bản thương nghiệp nước ngoài đến Hội An đương cần tiếp xúc và giao thương với một chính quyền sở tại, ổn định và có hiệu lực. Nhân dân Thuận - Quảng đương khát khao một nền hòa bình, thống nhất đất nước để làm ăn và phát triển sản xuất. Bởi vậy Hội An đương thời đã nhanh chóng được xây dựng và phát triển thành một cảng giao thông quốc tế loại phồn thịnh bậc nhất ở Đông Nam Á, đồng thời là một biểu hiện thái độ ly khai của chính quyền Chúa Nguyễn Đàng Trong.

        Sau khi Nguyễn Hoàng mất năm 1613 Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi vốn đã giữ vai trò một Phó vương trấn thủ dinh trấn Thanh Chiêm trong 12 năm đã có kinh nghiệm thực tế trong quá trình quản lý và kinh doanh phố cảng, đã phát triển đẩy mạnh hơn nữa công cuộc giao thương và kinh doanh phố cảng với những chế độ chính sách thích hợp có hiệu lực. Phục vụ riêng cho quyền lợi của dòng họ ở Đàng Trong. Vì thế mà mặc dù họ Nguyễn đã có công nâng phố cảng lên vị trí của một đô thành, một cảng giao thông quốc tế, nhưng lại phản bội lại nguyện vọng hòa bình, thống nhất đất nước của người dân phố Hội nói riêng và Thuận - Quảng nói chung.

        Người phố Hội vốn rất nhạy cảm chính trị, bởi vì họ là con của mảnh đất “chưa mưa đã thấm”. Vì vậy mà sau khi bị họ Nguyễn đẩy vào cuộc nội chiến Nam - Bắc phân tranh, họ đã thấy rõ ý đồ chia cắt  lâu dài đất nước của cả hai tập đoàn quân phiệt Trịnh - Nguyễn. Vì vậy họ cũng đã dứt khoát đứng lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chống lại cả hai tập đoàn Trịnh - Nguyễn, thực hiện ước mơ thống nhất nước nhà.
 
          V/ Sự kiện hội chợ định kỳ tại phố cảng - và cái tên Hội Phố: 
          Theo một số nhà truyền giáo phương Tây thì Nhật Bản và Việt Nam đã có mối bang giao rất cổ, bằng cớ là:

         Năm 1593, Linh mục người Ý đến Hội An, đã thấy số đông người Nhật đóng đô ở đây rồi. Louis Finut cũng xác nhận như vậy, và cho rằng những sự kiện buôn bán giữa hai nước (Nhật - Việt) đã hết sức thịnh vượng, nhất là từ năm 1593 (năm Nhật bắt đầu mở cấm vận) đến năm 1616 (1).

         Cứ vào đoạn sử văn trên, ta thấy các sử gia nhấn mạnh các từ “số đông”, “đóng đô”, “rất cổ” và “buôn bán hết sức thịnh vượng”. Từ đó, suy ra người Nhật đến đây đã từ đầu thế kỷ XVI có thể do cuộc cấm vận giữa Nhật và Trung Quốc từ 200 năm trước (năm đời Minh Thái Tổ).

          Cuộc cấm vận quá kéo dài đó, đã gây nên gián đoạn mối giao thương trực tiếp Trung - Nhật, cho nên thương nhân cả Nhật và Hoa kiều phải lén lút vượt biển, tìm một thương cảng trung gian thứ 3 để thông thương.

         Vượt biển lén lút phải dùng thuyền nhỏ, cho nên đã xảy ra hiện tượng “tránh đông” tại phố cảng Thu Bồn, vì thế mà xuất hiện yêu cầu kiều cư. Ngày càng đông và tiếp nối năm này qua năm khác cho nên phải đóng đô bằng xây dựng nhà ở, cầu đường liên hệ với bên ngoài. Việc mua bán thịnh vượng tất nhiên phải có nhiều cửa hàng. Khối lượng hàng hóa trao đổi vận chuyển tích trữ do đó đều phải nhiều.

         Hình dung tình hình cư trú và quan hệ buôn bán như vậy, có thể cho rằng phố Nhật Bản đã có từ trước năm 1593 vào thời kỳ mở đầu phồn thịnh của phố cảng, rất có thể là từ sau một thời gian kể từ năm 1540 khi người Bồ đến phố cảng.

         Về phía người Hoa, đương nhiên lý do kiều cư cũng do ảnh hưởng cuộc cấm vận Trung - Nhật, thêm vào đó là số người nghèo phiêu bạt xuống các nước phía Nam vốn là bản chất của xã hội Trung Quốc.

          Vì thế, khi người Nhật có phố Nhật ở phía Đông cầu Nhật Bản thì người Hoa đã định cư ở phía Tây cầu, với các xóm Hoa kiều, Phong Viên, Hoa Phố. Đến khi Minh Mục Tôn mở cấm vận năm 1567, thì thương thuyền Trung Quốc đua nhau đến phố cảng. Phong Viên - Hoa Phố trở nên tấp nập thịnh vượng và phố Khách hình thành trên cơ sở cấu trúc của Phong Viên - Hoa Phố ở phía Tây phố Nhật thuộc đất Cẩm Phô. 

          Như vậy là hai sự kiện người Bồ đến phố cảng và cuộc mở cấm vận của hai chính phủ Trung và Nhật đã dẫn đến tình hình giao thương phát triển thịnh vượng trong quan hệ với 4 thành phần thương nhân Nhật, Hoa, Bồ và Việt.

         Thực chất cuộc mở cấm vận của Trung Quốc năm 1567 và của Nhật năm 1593 chỉ là đối với các nước thứ ba, còn giữa hai nước Trung - Nhật họ vẫn cấm vận trực tiếp. Vì thế hàng hóa của hai bên chở đến phố cảng Đại Chiêm thường không thích hợp, có hiện tượng mất cân đối thừa ế. Vả lại từ đó ảnh hưởng đến việc tranh mua hàng nội địa để kịp rời bến.

         Do mâu thuẫn đó đã làm cho vai trò của giới thương nhân Hoa kiều và Nhật kiều ở hai phố Nhật và phố Khách trở thành những nhà trung gian, đại lý quan trọng có trách nhiệm thay mặt tất cả các chủ thuyền các nước, nhận hàng hóa, giải phóng tàu và tiếp tục giao thương trên bờ, để cho các chủ thuyền nhanh chóng có đủ hàng để rời bến.

         Đến đây, việc giao thương giữa các thuyền buôn ngoại quốc đã chuyển lên bờ. Những cửa hàng đại lý cho các hãng buôn nước ngoài được xây dựng thành dãy phố. Chợ kết hợp với phố mang tên chợ phố.

        Chính quyền chúa Nguyễn trước tình hình mới đã có chính sách khuyến khích công việc phát triển giao thương tại phố cảng và đứng ra xây dựng nhà cửa cho thuê và tổ chức quản lý thương trường để kinh doanh và thu thuế.

         Linh mục Christoforo Borri đã ở Hội An từ năm 1618 đến 1621, đã ghi lại trong sách hội truyền giáo Gia-tô ở Vương quốc Giao Chỉ như sau: Vua Giao Chỉ China ra lệnh lập hội chợ lớn, có đủ phương tiện mới cho người Hoa và Nhật, lựa đất thích hợp để kiến thiết thành thị trấn, trấn này gọi là Hội Phố. Nhờ đất rộng rãi nên họ mới làm thành hai đường phố: Một phố người Hoa và một phố người Nhật (1).

        Về phương thức: Hội chợ định kỳ đã xảy ra tại Hội An vào thời đó Borri viết: Ở Giao Chỉ China mỗi năm người Tàu và Nhật trên hải khẩu mở cuộc hội chợ (foire) định kỳ, khoảng 4 tháng có 1 phiên để mua bán. Thuyền Nhật chở đến số hàng khoảng 4 đến 5 vạn nén bạc, còn người Tàu dùng sản vật tốt của họ đem bán. Quốc vương Giao Chỉ do việc mua bán đó mà đánh thuế, ngạch thuế khá cao và cả nước cùng thu được mối lợi khá lớn (1).

        Phân tích đoạn sử văn trên, ta thấy Borri khẳng định: “Hội chợ mở định kỳ hằng năm trên hải khẩu” có ý nghĩa là khi Borri đến 1618 phố cảng đã có tên Hội Phố, việc giao thương giữa các thương thuyền đã chuyển lên bờ (trên phố) Hội Phố. Và câu “định kỳ hàng năm” tức là đã nhiều năm lặp lại định kỳ các cuộc hội chợ. Như vậy phương thức hội chợ định kỳ đã bắt đầu từ trước năm 1618, đó là thời Nguyễn Phúc Nguyên đương ở ngôi Chúa. Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi năm 1613, cũng là giai đoạn tàu thuyền các nước Nhật, Tàu, Bồ, Hà Lan đến phố cảng rầm rộ nhất là thời kỳ tiếp sau các cuộc mở cấm vận, đã có đủ thời gian để các thương nhân Trung - Nhật chuẩn bị phục hồi công cuộc giao thương đã gián đoạn do bị cấm vận, cũng là thời kỳ Nguyễn Phúc Nguyên mới lên ngôi, đương hăng hái thực hiện mộng cát cứ mà Nguyễn Hoàng chưa làm được và có lời dặn dò trước khi tạ thế.

         Vì vậy việc khuyến khích giao thương bằng phương thức tổ chức hội chợ định kỳ “có đủ phương tiện mới” là nhằm mục đích đề cao ảnh hưởng tăng thu lợi nhuận, biểu dương thái độ hữu nghị trên trường bang giao, đồng thời với những hành động cứng rắn và đã rõ thái độ ly khai với Bắc Hà.

        Với động cơ đó, thời điểm bắt đầu mở hội chợ của Phúc Nguyên phải sớm sau khi lên ngôi và nằm gọn trong khoảng từ năm 1613 (Phúc Nguyên nối ngôi) đến năm 1618 (Borri đến Hội Phố) và có thể ngay sau khi Phúc Nguyên nối ngôi hoặc sau một vài năm là cùng.

        Cũng trong thời gian này, Nguyễn Phúc Nguyên bắt đầu thực hiện tuần tự các biện pháp ly khai, trong đó có một chủ trương lớn nhất là cải tổ chức hệ thống hành chính, trong chính quyền mới của họ Nguyễn Đàng Trong. Cái tên thương nghiệp Hội Phố trở thành đô thị Hội An, một cái tên mang tính kinh tế, hành chính, có ý nghĩa như một điểm chính trị trong bản tuyên ngôn ly khai đối với chính quyền Bắc Hà, đồng thời công bố trước công luận trong và ngoài nước về việc xóa bỏ tên cũ và quyền quản lý lãnh thổ của các chế độ cũ. Từ đây, đất nước Thuận - Quảng là 1 quốc gia thuộc 1 chế độ mới, nhà Nguyễn đã thay thế các chính quyền cũ cai trị phố cảng.  
 
        VI/ Vai trò của phố cảng trong quan hệ hưng vong của chế độ Đàng Trong:
        Chỉ 2 năm sau khi mở đầu công cuộc kinh doanh phố cảng, Nguyễn Hoàng đã có điều kiện xúc tiến từng bước đường lối ly khai, đối địch với Chúa Trịnh.
Năm 1604, họ Nguyễn tách huyện Điện Bàn ra khỏi phủ Triệu Phong nâng lên cấp phủ, lĩnh 5 huyện trong phạm vi đồng bằng rộng lớn dọc suốt hai bờ hạ lưu sông Thu Bồn ra đến tận đèo Hải Vân, lấy vị trí hiểm trở của Hải Vân làm chiến lũy che chắn mặt bắc, xây dựng vùng châu thổ sông Thu Bồn thành một căn cứ địa chiến lược, có vai trò vô cùng quan trọng quết định cho việc mở đầu lịch sử 8 đời ngót 200 năm nghiệp Chúa Đàng Trong.

       Phố cảng vừa là tư sở của đơn vị hành chính cấp phủ (tương đương với chức năng của chính quyền một tỉnh về sau) đồng thời là thủ đô chính trị sau Thuận Hóa.

        Về mặt kinh tế, phố cảng là điểm trung tâm hội tụ mọi vật phẩm hàng hóa và tiềm năng kinh tế của núi rừng Trường Sơn từ đèo Hải Vân đến Cù Mông qua hệ thống giao lưu đường bộ, đường biển, thông qua hệ thống các cửa biển Nước Ngọt, Tam Quan, Sa Kỳ, An Hòa, đường thủy qua hệ thống các nguồn sông Thu Bồn, Chiên Đàn, Ô Da và sông Trường Giang.

       Cửa Đại Chiêm còn là một căn cứ của nền kinh tế biển cả - ven biển và hải đảo, với ngư trường bằng phẳng rộng lớn được che chở bằng mũi Nghê và tập đoàn Cù Lao Chàm.

       Về mặt quân sự, phố cảng cũng là nơi trung tâm đầu não của quân cảng với hệ thống các cứ điểm hải quân liên hoàn nương tựa và chi viện cho nhau trên tuyến duyên hải Bắc - Nam.

       Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi, tập trung quyết tâm vào công việc kinh doanh khai thác phố cảng.

      Cải tổ toàn bộ hệ thống tổ chức hành chính xứ Thuận - Quảng bãi bỏ thể chế nhà Lê, trả sắc phong, bỏ lễ cống, xây dựng văn hóa Đông - Tây, thay váy mặc quần, sửa áo tứ thân thành năm thân, búi tóc thay vấn trần, dùng hát bộ trong cung đình thay hát chèo, đặt lại toàn bộ các chức danh trong hệ thống tổ chức chính quyền quân đội, đặt địa danh địa giới.

      Về mặt quân sự binh bị: cải tổ tổ chức, chỉ huy, tăng số quân thường trực lên 30.000, ban hành chính sách tuyển quân, tuyển tướng. Tổ chức lực lượng bán vũ trang. Xây dựng lực lượng thủy quân, phân chia các vùng chiến thuật hải quân, tăng số lượng hạm đội và quân số. Bổ sung hoàn chỉnh các loại binh chủng: bộ binh, thủy binh, pháo binh, tượng binh.

      Đắp lũy Trường Dục, xây lũy Thầy với cái tên Định Bắc Trường Thành, thiết lập 2 đơn vị đại pháo, mang vũ khí hiện đại và mời chuyên gia quân sự phương Tây lập quân xưởng đúc súng kể cả đại pháo.

      Tổ chức định kỳ các cuộc luyện quân, diễn tập thủy binh, diễn tập hợp đồng binh chủng.

      Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng 1/4 thời gian Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận - Hóa, nguồn lợi nhuận thu được ở Quảng Nam mà chủ yếu là trung tâm Hội An, họ Nguyễn đã xây dựng được một nền kinh tế quốc phòng đủ mạnh để có thể đương đầu với lực lượng Bắc Hà đã có lịch sử xây dựng qua 200 năm.

      Đến khi họ Trịnh đem đại quân Bắc Hà với quyết tâm khuất phục họ Nguyễn thì đô thị Hội An lại đóng vai trò một lực lượng tổng dự bị phòng thủ tuyến 2, dùng đội thuỷ quân xuất phát từ phố cảng, thọc sâu đánh vào hậu phương và chia cắt đội quân viễn chinh họ Trịnh đồng thời làm nhiệm vụ hậu phương lớn vững mạnh cho chế độ Đàng Trong, buộc họ Trịnh phải cay đắng lấy sông Gianh làm giới tuyến, công nhận một sự chia cắt đất nước, phản lại nguyện vọng của nhân dân cả hai miền.

      Đến năm 1775, cơ đồ chúa Nguyễn sụp đổ. Đương nhiên nguyên nhân sâu xa của bước đường diệt vong đã manh nha từ khi Nguyễn Hoàng bắt đầu kinh doanh phố cảng, chỉ là nhằm với mục đích phục vụ cho quyền lợi của dòng họ, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước. Để lập giang sơn riêng, ở mảnh đất không bao giờ có thể chia cắt được của tổ quốc Đại Việt ở phía nam. Đến Nguyễn Phúc Nguyên lại tiếp tục phạm một sai lầm nghiêm trọng, bởi một chuỗi hành động nhằm phá vỡ nền văn hóa truyền thống thống nhất của dân tộc.

       Đến khi họ Nguyễn đẩy nhân dân Thuận - Quảng vào cuộc chiến Nam - Bắc phân tranh, thì nhân dân Hội An đã nhìn rõ bản chất phản động của chế độ Đàng Trong. Cho nên mặc dù đương trên đà phát triển phồn vinh, họ đã cương quyết đứng về phía nghĩa quân Tây Sơn cùng nhân dân Thuận - Quảng chống đánh cả quân Trịnh và quân chúa Nguyễn.

       Lúc bấy giờ lực lượng vũ trang của chúa Nguyễn cũng như nguồn thu nhập kinh tế tại Hội An không phải không đủ mạnh mà thực sự là còn mạnh hơn thời kỳ Nam - Bắc phân tranh, bởi đã được tiếp tục giai đoạn hòa bình xây dựng qua 100 năm sau khi cuộc nội chiến tạm ngừng.

       Một trong những yếu tố diệt vong của chúa Nguyễn là mất Hội An và lòng dân phố Hội. Mất Hội An, Thuận Hóa và triều đình họ Nguyễn hoàn toàn cô lập.
 
       VII/ Về lịch sử cái tên Champa của phố cảng:
       Lịch sử cho biết cuối thế kỷ thứ II, người Champa cư trú trên địa bàn miền Trung Trung bộ đã dựng lên ở đất huyện Lô Dung thuộc quận Nhật Nam, một nhà nước phong kiến được xem là đầu tiên với tên Lâm Ấp - về sau là nước Chiêm Thành.

       Huyện Lô Dung là đất Chiêm Động của Champa, tương đương với đất Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay. Người Champa rất giỏi về đóng thuyền vượt biển chiến đấu trên sóng nước, cho nên nước Chiêm Thành trong lịch sử tồn tại cường thịnh, đã xây dựng 1 binh chủng thủy quân và đội chiến thuyền hùng mạnh.

       Thủ đô đầu tiên của nước Lâm Ấp đóng tại Trà Kiệu nằm ở bờ nam sông Thu Bồn, cách cửa biển Đại Chiêm trên 10 km và tồn tại ở đây 800 năm, đến năm 1000 mới dời về Trà Bàn (1). Cửa biển Đại Chiêm vừa là cửa ngỏ của thủ đô, vừa là một quân cảng thủy quân của nhà nước Chiêm Thành.

        Trên tuyến tây đông, dọc hai bên bờ sông Thu Bồn từ Trà Đô ra cửa biển, ở nhiều địa điểm thỉnh thoảng còn đào thấy những di tích bến tàu, giây neo, cột buồm, mảnh ván... đó có thể là những dấu vết của các cứ điểm thủy quân bảo vệ thủ đô và khu ngoại vi như: Trà Nhiêu, Thanh Hà, Trà Quế, Thanh Chiêm. Bên ngoài hải đảo và duyên hải có thể cũng còn có những cứ điểm hải quân bảo vệ và tuần dương như Hà Mi, Cù Lao Chàm, cửa khe Trung Phường, Tam Ấp, cửa Lở, mũi Nghê...

       Nhìn tổng quát địa bàn khu trung tâm trải dài trên trục tây đông, từ tháp Mỹ Sơn qua thủ đô Trà Kiệu đến cửa biển Đại Chiêm, thì địa điểm thị xã Hội An ngày nay phải là 1 đô thành có vị trí chiến lược trong hệ thống đó: Đô thành vừa có nhiệm vụ án ngữ cho khu trung tâm từ sườn phía nam, hướng trọng điểm thường xảy ra các cuộc đột kích từ mặt biển - vừa là trung tâm kinh tế - giao thương trong cơ cấu, hệ thông cơ quan đầu não cấp nhà nước, cùng với trung tâm chính trị Trà Kiệu và khu văn hóa, nghệ thuật Mỹ Sơn.

       Một Đồ thành, đồng thời là một cảng giao thương, một cơ quan đầu não của tập đoàn cứ điểm hải quân có tầm cỡ chiến lược, đã tồn tại cùng với sự cường thịnh của nước Chiêm ngót 800 năm tại đây. Đồ thành đó phải có tên Champa, tồn tại trong thời gian tương ứng với chiều dài lịch sử nước Chiêm Thành, đồng thời vẫn tiếp tục tồn tại trên lãnh thổ Đại Việt như những cái tên: Trà Nhiêu, Thu Bồn, Đà Nẵng, Trà Khúc v.v...

        Cái tên Champa của đô thành cảng Đại Chiêm, được người Bồ Đào Nha dùng trước tiên phát âm theo giọng Tây Âu là Faifo.

        1)    Nguồn gốc tên Faifo:      
        Cho đến nay, còn nhiều tên sông, tên núi, tên đất và chợ búa mang cái tên Champa. Có thể phân tích và sắp xếp thành mấy loại sau đây :

        - Những địa danh sông núi thiên nhiên có vị trí chiến lược quan trọng thường mang tên dân tộc Champa, hoặc một dòng họ của Nhà Vua. Ví như nước Lâm Ấp gồm hai phần khu hành chính đầu tiên có tên Chiêm Động, Chiêm Lũy. Ngoài ra, còn có Cù Lao Chàm, cửa biển Đại Chiêm, Thanh Chiêm. Những tên đất thường mang họ Trà như: Trà Nhiêu, Trà Kiệu, Trà Quế, Trà Đóa, Trà Bồng, Trà Nô, Trà Linh.

         Có những con sông lớn mở ra cửa biển, cũng mang họ Trà, nhưng lại đọc thành Đà như Đà Nẵng, Đà Rằng...

         - Những phố cảng hoặc các phố ở duyên hải lại mang họ Phan như: Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết trong đó có Fanfo tức là phố cảng Đại Chiêm.

         Họ Phan là dòng họ lớn thuộc vương triều thứ hai trong lịch sử vương quốc Chiêm Thành.

          Vị Vua đầu tiên của Lâm Ấp là Cri Mara. Ông Vua khai quốc này không có con trai. Con rể của Cri Mara có lẽ là thuộc hoàng tộc Vua Phù Nam đương thời. Sau khi Cri Mara chết cháu ngoại nối ngôi. Tên ông Vua này ta đọc theo phiên âm Hán là Phạm Hùng. Thời Phạm Hùng, giữa Lâm Ấp và Phù Nam liên kết với nhau chặt chẽ. Con Phạm Hùng là Phạm Dật nối ngôi, có người bề tôi là Phạm Văn là người tài trí. Năm 336, vua Phạm Dật mất, Văn giết các Hoàng tử, cướp ngôi. Phạm Văn nối ngôi đã xây dựng lực lượng kinh tế, quân sự, nước Lâm Ấp trở thành cường thịnh. Và chính Phạm Văn đã có công đưa biên giới bắc của Lâm Ấp từ đèo Hải Vân ra tận đèo Ngang (năm 340). Thái tử Phạm Phật đã theo cha chinh chiến và đã có nhiều chiến công. Người Việt viết và đọc cái tên Fanfo theo âm Hán là Phạm Phật.

           Nhờ có nhiều công lao, nên các vua nối sau, mà có thể là con của Phan Phô, Phạm Hồ Đạt - đã lấy tên cha để đặt tên cho phố cảng.

          Nếu địa danh của Chiêm Thành phần nhiều mang họ Trà thì phố cảng của Chiêm Thành đều mang họ Phan thì Phan Phô nằm trong phương thức đặt tên như vậy.

          2)    Từ Fanfo đến Faifo:
          Trong thư tịch Trung Quốc, chữ Hán dùng phiên âm từ Phan, người Việt đọc là Phạm. Nhưng người Việt ở địa phương không biết thư tịch Trung Quốc, không theo thư tịch cho nên vẫn đọc theo âm Champa là Phan Phô cũng như Phan Rí, Phan Thiết.

          Người Bồ Đào Nha ghi âm thành Fanfo. Nhưng có thể ở chính quốc hoặc các nước dùng chữ La tinh đã qua thư từ mà xem chữ “N” đứng sau chữ “a” là hai chữ “i”.

         Về từ “phô” thì hoặc là một sự giao lưu văn hóa Chiêm - Việt hoặc người Việt đã Việt hóa từ phô thành phố. Bởi ta thấy nhân dân quanh vùng thường dùng từ đi phố, chợ phố. Và trên các địa danh của Hội An ngày nay vẫn còn nhiều từ phô: Sơn Phô, Cẩm Phô, có thể là những từ đồng loại với Phan Phô đã được Việt hóa.

         Lại có sự trùng hợp với từ Hán. Người Trung Quốc dùng từ Phố có nghĩa là phố phường như Hợp Phố, Ba Phố, Hải Phố.
 
         VIII/ Vai trò thành phố cảng trong quan hệ hưng vong của Vương quốc Chiêm Thành:
        Theo thư tịch Trung Quốc cổ thì nhóm người Khu Liên của Champa ở đất huyện Tượng Lâm (giáp với Lô Dung ở phía bắc) 1 trong 5 huyện của quận Nhật Nam, đã nổi dậy giết quan huyện cướp chính quyền Tượng Lâm. Thế nhưng người Champa chưa tuyên bố lập chính quyền Champa sau cuộc nổi dậy Tượng Lâm thắng lợi.

        Cũng có thể hiểu rằng nghĩa quân cần phải thừa kế phát triển tiến công đập tan cho được bộ máy quận trị Nhật - Nam để tránh đòn phản kích của quân đội đô hộ ở quận trị.

         Nhưng đặc điểm của cuộc nổi dậy ở Tượng Lâm không theo quy luật đó, có thể là người Champa đã biết rõ vị trí chiến lược vô địch của vùng địa lý, kinh tế lưu vực sông Thu Bồn và cửa biển Đại Chiêm. Cho nên họ chỉ cần chiếm thêm cho được Lô Dung và tại đây họ thành lập nhà nước Champa.

        Đương nhiên họ đã tính đến khả năng phản kích của chính quyền đô hộ Nhật Nam và cả đến lực lượng quân Hán ở Giao Châu và ở chính quốc.

        Quan Thái thú Giao Châu bấy giờ là Sĩ Nhiếp nổi tiếng tài ba thao lược thế mà đành phải chấp nhận nhà nước Lâm Ấp độc lập với đất đai ban đầu chỉ có hai huyện nhỏ bé chưa bằng một nửa lãnh thổ quận Nhật Nam.

       Hơn nữa, sau khi lập quốc, người Champa lại từ địa bàn châu thổ Thu Bồn liên tiếp mở những chiến dịch đánh đuổi quân Hán chiếm hết lãnh thổ Nhật Nam, cho nên năm 340 đã đưa biên giới bắc của Champa từ đèo Hải Vân lúc đầu ra tận đèo Ngang.

       Trong khoảng thời gian đó, quân Đông Ngô đã trấn áp cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu (248) nhưng vẫn không đẩy lùi được biên giới bắc của Chiêm Thành.

       Cuộc quật khởi của người Champa vào thế kỷ thứ II, đã làm nổi bật hiện tượng “khí thiêng sông núi” của Đô thành Phan Phô và tiềm năng to lớn của nền kinh tế hạ lưu sông Thu Bồn cũng là tiền đề cho công cuộc xây dựng nghiệp Chúa Đàng trong về sau vào thế kỷ 17.
 
       IX/ Vai trò của đô thành Fanfo trong lịch sử hưng vong của nhà nước Chiêm Thành:
      Sau khi dựng nước, dựa vào thế mạnh của nền kinh tế hạ lưu sông Thu Bồn và Đô thành Fanfo, người Champa đã xây dựng rất nhanh chóng lực lượng quốc phòng. Quân đội thường trực vào đầu thế kỷ IV đã đạt con số 4,5 đến 5 vạn với tỉ lệ 5 người dân 1 người lính, đủ các binh chủng thủy bộ, tượng binh và kỵ binh. Đội tượng binh có hàng ngàn voi và đặc biệt là đội thuyền chiến rất hùng mạnh, là cột sống của các chiến dịch mở rộng biên cương phía bắc, đã có vài lần đột kích vào cả kinh thành Thăng Long.

       Cũng trong thời gian đó, người Champa còn bắt đầu xây dựng khu Thánh địa Mỹ Sơn. Rất có thể công cuộc xây dựng phố cảng với quy mô Đô thành còn được ưu tiên hơn và cái đô thành Fanfo đã ra đời vào cùng thời kỳ với khu tháp Mỹ Sơn. Với sức mạnh và tiến độ phát triển cường thịnh thần tốc của nhà nước Chiêm Thành, nếu người Việt sau đó chưa kịp xây dựng nhà nước Đại Việt vào thời Đinh, Lê, để kịp chặn họ lại ở biên giới đèo Ngang, trên con đường bành trướng chiếm dần đất Cửu Chân Giao Chỉ, thì chưa biết người Chămpa sẽ tiến đến đâu trong quan hệ so sánh lực lượng với người Hán và cục diện đấu tranh để thu hồi lãnh thổ cũng như nền độc lập thống nhất của nhà nước Văn Lang sẽ tiên tiến ra sao ?

       Về phía người Việt đối với cuộc nổi dậy của người Champa trong những thập kỷ từ giữa thế kỷ thứ II và sự kiện Tượng Lâm năm 192 đã phối hợp nhịp nhàng các hoạt động kìm chân quân Hán ở đất Giao Chỉ với các cuộc khởi nghĩa của Chu Đạt năm 157, cuộc khởi nghĩa của Lương Long năm 178 - 181, góp phần rất quan trọng cho sự ra đời của nhà nước Lâm Ấp.

      Nhưng sau khi cường thịnh họ đã theo đuổi tham vọng đất đai lợi dụng các cuộc nổi dậy kháng chiến ở đất Giao Châu để đẩy lùi quân đô hộ nhà Hán, chiếm dần lãnh thổ phía Nam của nước Âu Lạc, mở rộng biên cương nhà nước Chiêm Thành.

       Khi cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu năm 248, đương bị quân Ngô dồn vào thế yếu, người Champa đã đứng ngoài cuộc chiến hoặc lợi dụng thời cơ để chiếm đất đai của quân Hán ở Cửu Chân. Nếu bấy giờ, người Champa một mặt liên quân với nghĩa quân Núi Nưa, mặt khác dùng thủy quân đánh vào hậu phương quân Ngô ở Giao Châu, thì cái cơ hội giải phóng cho cả hai dân tộc Việt - Chiêm khỏi ách đô hộ của nhà Hán có thể không chờ đến vua Ngô Quyền đuổi quân Nam Hán ở Bạch Đằng.

       Tham vọng chia cắt mảnh đất cực nam của nước Văn Lang cũng là mầm mống diệt vong của nhà nước Chiêm Thành. Và con đường phi nghĩa đó đã dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ Hoàng tộc Champa.

      Vào cuối thế kỷ thứ 8, hậu quả của những tham vọng đất đai và ngôi báu đã dẫn đến các cuộc khuynh đảo nội bộ, buộc họ dời đô về Đồng Dương, rồi Paraduranga.

        Ngay trong lần dời thủ đô đầu tiên, thì người Champa đã đứng ở bước ngoặc suy vong khi phải rời đô thành Fanfo về hạ lưu sông Thu Bồn. Hoảng sợ với tình thế đó, họ cố sức đưa thủ đô về lại Trà Kiệu, nhưng lại phạm sai lầm bang giao bởi hành động bắt giam 2 sứ thần của Đại Việt nên đã phải chạy về Trà Bàn khi chiến dịch phạt Chiêm năm 982 của vua Lê Hoàn tiến vào Đồng Dương.

        Năm 1000, người Champa buộc lòng phải dời hẳn kinh đô về Trà Bàn, đô thành Fanfo từ đó chỉ còn là một thị trấn ở xa cả hai thủ đô Chiêm - Việt.
Mất hẳn đô thành Fanfo và Trà Kiệu nước Chiêm Thành đi dần đến diệt vong cũng như trước đây có cửa biển Đại Chiêm và phố cảng của nó, người Champa đã dựng nên một vương triều cường thịnh ngàn năm.
 
      TÀI LIỆU THAM KHẢO
         * Lịch sử Thế giới Cổ đại: Chiêm Tê, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1970                                                              
            * Lịch sử Việt Nam tập I: NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 1976
            * Dư địa chí: NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976
            * Phủ biên tạp lục: Lê Quý Đôn - Khoa học Xã hội, Hà Nội 1964
            * Hoàng Lê nhất thống chí: Tiểu thuyết - Ngô Gia Văn Phái
            * Lê Quý Đôn toàn tập: Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978
            * Quảng Nam Nhân vật lược chí: Nguyễn Bội Liên Ty, tiểu học QN- 1969
            * Quảng Nam qua các thời đại: Quyền Thượng - Phan Du, Cổ học TT 1974
            * Sử lược Trung Quốc: Phan Khoang - Văn sử học, 1970
            * Việt Nam sử lược: Trần Trọng Kim, Trung tâm Học liệu, 1971
            * Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã: Trần Kinh Hòa viết tay
            * Tập san nghiên cứu lịch sử QN-ĐN: Số 2 - 1983
            * Tập san: Những di tích thời tiền và sơ sử ở QN-ĐN: Sở VHTT. QNĐN, 1985
            * Phố người Đường: Trần Kinh Hòa, tài liệu viết tay của Nguyễn Bội Liên
            * Báo Nhân dân số Xuân 1984 - 1985
            * Di chỉ Bầu Dũ: Báo nhân dân số 10868 - 1/4/1984
            * Lịch sử Hội An: Sưu tầm của Hồ Ngận, bản đánh máy của Văn Công Lư.
 
(Trích kỷ yếu Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An, từ ngày 23 - 24/7/1985)

Tác giả: BS. Nguyễn Ngọc Chung

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây