Vài nét về lịch sử hình thành khu đô thị Hội An

Thứ sáu - 05/06/2015 03:20
"Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”: Câu ca ấy nhắc nhở về hai trung tâm thương nghiệp của nước ta ở Đàng Ngoài trong những thế kỷ XVII - XVIII. Thời bấy giờ ở Đàng Trong có Hội An sánh ngang và về mặt nào đó còn phát triển hơn cả Kinh kỳ, phố Hiến. ít nhiều trên sách vở các địa danh này đã được nhắc đến nhưng hình như các di tích ở đó chưa gây được sự chú ý đúng mức. Trải qua thời gian khó tìm thấy dấu vết của phố Hiến, Kinh kỳ xưa ở Hưng Yên, Hà Nội này. Riêng Hội An may mắn thay di tích còn lại tương đối nguyên vẹn.
           Hội An nay là một thị xã của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Đông - Nam.

          Khu di tích đô thị cổ nằm ở phía Nam thị xã, bao gồm các phố Trần Phú (tên cũ là Rue du Pont de Japonnais) Nguyễn Thái Học (Rue De Cantonnais), một phần phố Phan Chu Trinh (Rue Minh Hương) Nguyễn Thị Minh Khai (Rue Khải Định), cùng các phố cắt dọc các phố nói trên như phố Trần Quí Cáp (Place Du Marché) Lê Lợi (Rue Hội An), phố Nhị Trưng và đường Bạch Đằng chạy ven sông Hội An.

         Khu phố cổ này là một phần của đô thị Hội An xưa thường được nhắc đến dưới tên gọi: Faifo. Nguồn gốc của tên gọi này hiện vẫn còn là vấn đề tranh luận: Các ông Thanh Tịnh, Nguyễn Thiệu Lâu và A. Chapuis cho Faifo là phiên âm chữ Hải Phố (Phố Biển)(1). Ông Chenchin Ho cho rằng “quá trình âm Hội (An) phố biến thành Faifo là rất tự nhiên”(2). Ông Châu Phỉ Cơ ở Hội An thì nghĩ rằng Faifo là từ Hoa phố mà ra... Có ý kiến nói vì Hội An nằm ở cửa sông Hoài (sông Thu Bồn) nên còn có tên là Hoài Phố, người phương Tây phiên âm là Haifo (bản đồ 1653 của Alexandre de Rhiades) rồi thành Faifoo (bản đồ 1886 của R. Duval). Lại có ý kiến cho rằng khi mới đến người Châu Âu hỏi “Phải phố không?” Dân đáp “Phải phố” từ đó mà thành tên. Mỗi ý kiến đều có những lập luận, căn cứ riêng nhưng nói chung chưa đủ sức thuyết phục.

          ở thế kỷ XVII Hội An (Faifo) là một đô thị - thương cảng sầm uất và thịnh vượng. Bấy giờ Hội An không chỉ là thương cảng quan trọng của Việt Nam mà còn là một trung tâm buôn bán lớn của Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chủ yếu trong hành trình thương mại của các thương thuyền vùng Viễn Đông.

          Từ thế kỷ XVI thương nghiệp Việt Nam đã có nhiều chuyển biến, sang đầu thế kỷ XVII tình hình chính trị xã hội mới đã thúc đẩy thương nghiệp, nhất là ngoại thương phát triển. Cuộc giao tranh Trịnh - Nguyễn là nguyên nhân chính của sự thay đổi đó. Các Chúa quí tộc ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều tranh thủ sự giúp đỡ bên ngoài để mua sắm những nguyên liệu cần thiết cho cuộc chiến. Trên thế giới, chủ nghĩa tư bản đã phát triển mạnh ở Châu Âu và nhìn thấy ở phương Đông, trước hết là một thị trường tiêu thụ rộng lớn. Các thương thuyền phương Tây liên tiếp đến cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài xin được giao thương. Các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong tỏ ra cởi mở hơn so với các Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Họ ưu tiên sắp xếp các bến nghỉ và nơi đâu tàu dọc bờ biển “trong khoảng hơn 100 dặm người ta có thể đếm được trên 60 hải cảng, nơi cập bến lên bộ. Trong đó, Hội An là hải cảng đẹp nhất được tất cả các ngoại kiều đến”(3). Như được thiên nhiên ưu đãi, Hội An có đầy đủ các điều kiện để trở thành một thương cảng lớn. Nằm bên bờ sông Thu Bồn, Hội An là một cảng sông tiện lợi. Từ Hội An có thể ngược dòng Thu Bồn theo sông Vu Gia lên miền thượng du, theo sông Trường Giang vào đến Tam Kỳ. Nhưng Hội An chỉ cách cửa biển Đại Chiêm chừng 5km nên còn là một cảng biển. Nhìn rộng hơn về mặt địa lý, Hội An nằm ở điểm mũi nhô ra biển nhiều nhất trên bờ biển hình vòng cung của nước ta nên được đón nhiều thương thuyền dừng chân. Về hành chính Hội An cách dinh trấn Quảng Nam, thủ phủ thứ hai của Đàng Trong khoảng 8km. Vì vậy, Hội An là một vị trí lưu thông trao đổi buôn bán tốt, là cửa ngỏ quan yếu của tỉnh Quảng Nam nói riêng và Đàng Trong nói chung. Trong Phủ Biên tạp lục Lê Qúy Đôn dẫn lời một thương nhân Trung Hoa cho biết: Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, từ Thuận Hóa về cũng chỉ mua được một thứ hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam (tức Hội An) về thì hàng hóa không thứ gì không có. Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa đều hội tập ở phố Hội An. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù một trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được(4).

          Thương thuyền Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm La, Philippin, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp đã đến Hội An buôn bán. Trong đó thương thuyền Trung, Nhật đến đây đã từ lâu. Vẫn theo Ch. Borri thì “Người Trung Quốc và Nhật Bản là thương khách chủ yếu trong hội chợ, năm nào cũng mở và kéo dài gần 4 tháng ở Hội An”. Thậm chí họ còn tự nguyện ở lại Hội An để mua sắm hàng hóa cho thuyền mình sang năm tới chở về. Và họ được các Chúa Nguyễn chấp nhận, cho phép cư trú. “Vì muốn tiện cho việc họp hội chợ, Vua Cochin - Chine đã cho phép người Nhật Bản và Trung Quốc lựa chọn một nơi thích hợp để xây dựng một thành phố. Thành phố này gọi là Faifo. Nó lớn đến mức có thể nói rằng có hai thành phố, một của người Nhật, một của người Tàu”(5). Ch. Borri, thương nhân Anh Thomas Boyear đến Hội An tháng 8 năm 1695 cho biết “Phố Hội An cách biển ba dặm Anh, một đường phố dọc theo bờ sông, hai bên nhà cửa san sát”(6). Thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán đến Hội An cũng vào thời gian ấy có ghi lại trong hải ngoại ký sự “Hội An là nơi bến tàu tập hợp hàng hóa ngoại quốc. Một con đường lớn thẳng dọc bờ sông, dài chứng ba - bốn dặm, hai bên phố xá khít rịt liền nhau. Đường Nhơn Nhai chỉ gồm người Tàu, cuối đường là Nhật Bản kiều và Cẩm Phô. Bên kia sông là Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các thương thuyền ngoại quốc. Nhân dân trù mật, cá tôm rau quả tấp nập tới ngày”(7). Dân phố Hội An ngoài việc buôn bán còn kinh doanh bằng cách cho thuê nhà làm cửa hiệu đại lý. Theo PienecPoivre “Ở Hội An người ta có thể tìm thấy những đại lý cho thuê, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Đại lý lớn nhất giá thông thường là 100 đồng cho thời gian gió mùa”(8).

          Như vậy, đô thị thương cảng Hội An đã hình thành đồng thời với sự phát triển của kinh tế ngoại thương Đàng Trong vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Trong suốt thế kỷ XVII, Hội An phát triển mạnh, phố phường sầm uất, nhà cửa san sát, tàu bè ra vào tấp nập trên bến dưới thuyền. Sự phồn thịnh này còn kéo dài sang thế kỷ XVIII. Nhưng đến cuối thế kỷ XVIII tình hình chính trị - xã hội ở Đàng Trong không được ổn định. Trương Phúc Loan chuyên quyền, tàn bạo, nhân dân sống trong lầm than khổ cực vì sưu cao thuế nặng. Năm 1773 nông dân Tây Sơn khởi nghĩa chiếm thành Qui Nhơn. Tháng 5 năm ấy nghĩa quân tiến chiếm Quảng Nam. Lợi dụng tình hình rối ren của Đàng Trong, Chúa Trịnh đem quân đánh chiếm Phú Xuân rồi vượt đèo Hải Vân định tiến sâu về phía Nam. Tại làng Cẩm Sa, cách Hội An 10km về phía Bắc đã nổ ra trận giao chiến ác liệt giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn do Tập Đình chỉ huy. Tập Đình thua, quân Trịnh chiếm được dinh trấn Quảng Nam và Hội An. “Quân Trịnh đã tàn phá thành phố Faifo, làm ngưng trệ mọi hoạt động trong một thành phố có thể gọi là một trung tâm lớn của nền ngoại thương”(9). Song, nền kinh tế như có quy luật phát triển riêng của nó, nói như Enghen là nó “tự mở lấy đường đi” Chống Duy Rinh. Mặc dù không còn đóng vai trò quan trọng như trước, Hội An vẫn là một hải cảng trọng yếu của Trung Kỳ. Thương thuyền nước ngoài vẫn đến Hội An buôn bán. Năm 1797 nhà Tây Sơn vẫn đặt Tàu Ty ở Hội An để quản lý tàu bè ra vào buôn bán. Dưới con mắt của chủ nghĩa tư bản Pháp, Hội An vẫn là một thương cảng quan trọng. Vì vậy, theo hiệp ước Vécxay (28/11/1787), để đổi lấy việc quân Pháp giúp đỡ đánh lại Tây Sơn, nhà Nguyễn phải hứa sẽ nhường cho Pháp Hội An và đảo Côn Lôn.

          Chen Chin Ho trong bài nghiên cứu “Phố người Đường ở Hội An và công việc buôn bán ở đó thế kỷ XVII - XVIII” nói về sự phục hưng của Hội An như sau: “Thương nghiệp ở Hội An dần phục hồi, Hoa Kiều trở về Hội An cũng nhiều, tùy tình hình buôn bán không bằng mấy năm trước và cũng bớt phần trọng yếu nhưng Hội An vẫn là hải cảng quan trọng trong thế kỷ XIX, Hoa kiều qua lại buôn bán cũng khả quan”(10). John Barrow - một người Anh từng ở Đà Nẵng vào Hội An từ 24/5 đến 16/6/1793 cũng cho biết: “Công cuộc cách mạng dây dưa nhiều năm trên đất nước này, nhưng tình hình bất an ấy không làm cho hoạt động nông nghiệp và mậu dịch bị tuyệt diệt. Mỗi năm tàu buôn Trung Quốc đến nhiều. Ngoài ra, cũng có tàu của các nước khác. Hoặc từ Đông Âu đến mà mang cờ của một nước trung lập như tàu nước Anh có một vài chiếc từ Ấn Độ sang, một vài chiếc của Bồ Đào Nha từ Áo Môn đến cập bến. Số các tàu này cho ta thấy việc duy trì mậu dịch của Cochinchina với nước ngoài”(11). Đại Nam Nhất thống chí, quyển 5, phần hình thể còn chép: “Và nơi Hội An - Minh Hương phố xá đông đúc làm chỗ buôn bán đô hội, thực là nơi đô hội lớn mà là một tỉnh lớn trong khu Nam trực vậy”. Đến mục Chợ và Quán lại có chép: “Chợ Hội An ở xã Hội An về phía Đông huyện Diên Phước, tục gọi là phố Hội An, phía Nam liền sông Cái, trên bờ hai bên phố ngói liên tiếp chừng hai dặm, bến sông thuyền ghe tấp nập đi lại như mắc cửi, có nhiều khách buôn người Thanh trú trụ, có bốn bang là Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam, buôn bán hàng hóa phương Bắc, có đình chợ và hội quán, buôn bán tấp nập làm nơi đô hội lớn xưa nay. Lại ở phía Nam sông là đầm Trà Nhiêu, chỗ ghe thuyền buôn các nước dừng đậu”(12).

          Trong thế kỷ XIX, Hội An không chỉ được phục hồi mà còn phát triển rộng về qui mô. Năm Gia Long thứ 13 (1814) tổng diện tích Thu Bồn bồi thêm một mẫu ba sào, chín thước - mở thêm được một con tích chỉ có mười bảy mẫu, bảy sào, mười thước, năm Thiệu Trị nguyên niên (1840) sông/đường mới (Tân Lộ) tức Rue de Cantonnais nay là phố Nguyễn Thái Học, năm Tự Đức thứ 17 (1878) bãi sông phía Tây Nam Hội An lại bồi thêm một mẫu, một sào, mười bốn thước, tám năm sau (1886) mở thêm được con đường nữa, tức đường Bạch Đằng bây giờ. Tuy nhiên, cũng chính vì các biến động này những điều kiện tự nhiên của thương cảng Hội An/(Sài Giang) thay đổi dòng chảy, những đoạn sông lạch nước sâu trước đây dần bị bồi lấp, cạn đi thành các khu đất mới. Cửa Đại cũng bị phù sa bồi cạn nhiều. Thuyền bè đi lại khó khăn, ý nghĩa kinh tế của Hội An theo đó cũng giảm dần. Không còn thuận lợi như trước nữa. Các sông Thu Bồn, sông Chợ Củi.

          Thêm vào đó là sự phát triển và bành trướng của hệ thống giao thông đường bộ. Quốc lộ I, con đường giao thông bộ chính không chạy qua Hội An. Hội An bị biệt lập. Thay vào đó, Đà Nẵng nổi lên thành một trung tâm thương mại mới.

          Hơn nữa, trước âm mưu xâm chiếm của chủ nghĩa tư bản Pháp tập đoàn Vua quan Nguyễn lại thực hiện chính sách “Bế quan tỏa cảng” vì vậy không chỉ Hội An và nhiều đô thị khác bị suy yếu mà cả hoạt động ngoại thương của đất nước cũng đình trệ.
 
           Đôi điều nhận xét đánh giá
 
          Bằng sự hiện tồn của mình, khu di tích đô thị cổ ở thị xã Hội An nói lên nhiều điều.

          Trước hết, về giá trị lịch sử, khu di tích là một bằng chứng lịch sử quan trọng chứng minh sự phát triển kinh tế thương nghiệp nói chung và ngoại thương nói riêng của nước ta những thế kỷ XVI, XVII, XVIII.

          Trong lịch sử hình thành các đô thị, ngoài những đô thị được hình thành bên cạnh những thành lũy cổ, những trung tâm chính trị - quân sự (Les villes Citadéles) còn có những thành thị hình thành do việc mở mang kinh tế, xuất phát từ những hội chợ, những địa điểm giao thương từng thời kỳ hay thường xuyên (Les villes ports, les villes marches). Sự ra đời của những đô thị này nói lên trình độ phát triển kinh tế. Hội An được hình thành theo con đường thứ hai này. Từ một hội chợ, một hải cảng Hội An đã phát triển thành một đô thị - thương cảng (villes port de Commerce). Sự ra đời và phát triển của Hội An là kết quả của sự giao lưu kinh tế giữa các vùng trong nước ta và giữa nước ta với nước ngoài.

          Và như trên đã có nói, đây là khu di tích đô thị cổ duy nhất của nước ta hiện còn tồn tại một cách khá nguyên vẹn. Nhờ đó ta có thể biết được phần nào bộ mặt của một đô thị cổ Việt Nam. ở một vài nơi khác có thể còn tồn tại một vài kiến trúc dân dụng có niên đại sớm, nhưng đó chỉ là những di tích đơn lẻ, riêng biệt, không còn cho thấy các qui mô của một đô thị mà nó là một đơn vị. ở Hội An các di tích không chỉ nguyên vẹn hơn mà tập hợp quần tự với nhau thành một tổng thể. Và mặc dù diện tích của khu phố cổ không lớn (nếu không nói là nhỏ bé, với ba đường phố chính chạy dọc theo chiều dài và một số đường cắt ngang) nhưng nó vẫn tạo nên một không gian đô thị rất đặc trưng, hoàn chỉnh. Những đường phố, những ngôi nhà không quá to lớn cũng không quá nhỏ bé, hòa hợp trong một tương quan tỉ lệ, thích hợp với con người, gần gũi và ấm cúng.

          Trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc đã có nhiều loại hình di tích kiến trúc cổ (các đình, chùa, đền, miếu, lăng mộ ở các tỉnh phía Bắc, khu di tích cung đình Nguyễn ở Huế, các di tích kiến trúc dân tộc Chàm ở các tỉnh phía Nam...) nay được bổ sung, có thêm một loại hình mới, độc đáo: di tích đô thị cổ với các công trình kiến trúc dân dụng.

          Nhưng khác với các di tích khác, đều đã được thuộc loại di tích chết (hiện các di tích ấy không còn mang công dụng ý nghĩa ban đầu) khu di tích đô thị cổ ở thị xã Hội An là một di tích sống. Là đô thị cổ, khu cư trú dân cư tập trung trong lịch sử, đến nay, Hội An vẫn tiếp tục được sử dụng dưới chức năng ấy. Đặc điểm này cần được lưu ý trong khi giữ gìn bảo vệ và phát huy tác dụng khu di tích. Khu di tích còn có giá trị to lớn về tham quan du lịch, bởi Hội An nay có đủ điều kiện để trở thành một trung tâm du lịch, bởi Hội An nay có đủ điều kiện để trở thành một trung tâm du lịch lớn. Khu di tích đô thị cổ, riêng nó đã có một sức hấp dẫn lớn. Thêm vào đó ở ngoại ô thị xã, có mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà là hai hàng thủ công truyền thống. Điều kiện tự nhiên ở đây cũng rất thuận lợi, khúc sông Hội An thơ mộng, bãi tắm Cửa Đại duyên dáng Cù Lao Chàm hùng vĩ cũng góp phần tô điểm cho Hội An thành thắng cảnh. Đã đang và sẽ có rất nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến Hội An.
 
              Chú thích:
           (1) Thanh Tịnh - Dẫn con tìm mẹ - Hà Nội báo số 23 ngày 10/6/1936, Nguyễn Thiệu Lâu - La Formation et L’esvclution du village de Minh Hương - BAVH, 1941.
           (2) Chen Chin Ho - Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An - Việt Nam khảo cổ tập san số 1 - 3. Sài Gòn 1960.
           (3) Chri - Stoforo Borri - Relation de la nouvelle mission des Perres de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine Rennes 1631, tr. 92 - 93.
           (4) Lê Quý Đôn - Phủ Biên tạp lục - Nhà xuất bản khoa học, Hà Nội, 1964, trang 256, 257.
           (5) Ch. Borri Relation de la nouvella mission des Pères de la Compagnie... tr. 333.
           (6) Thomas Boyear đến Hội An ngày 18/8/1695 xin đặt thương điếm...
           (7) Thích Đại Sán - Hải ngoại kỷ sư - UB phiên dịch sử liệu, Viện Đại học Huế.
           (8) Pièrre Poivre - Memoire touchant la Cochinchine 1744 AME vol 743, pp 314 - 315.
           (9) Jean Koffler - Những người Bồ Đào Nha trên bờ biển Chiêm Thành và Việt Nam - Tài liệu dịch của khoa sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
           (10) Chen Chin Ho - Phố người Đường ở Hội An và công việc buôn bán ở đó khoảng thế kỷ XVII – XVIII, Tân Á học báo, quyển 3, Tân Gia Ba 1957.
           (11) John Barrow - A Voyage to Cochinchina in the years 1792 - 1793.
           (12) Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam Nhất thống chí, tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, các trang 296 và 330 - 331.
 
 (Trích kỷ yếu Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An, từ ngày 23 - 24/7/1985)
 

Tác giả: Nguyễn Hồng Kiên

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 41 trong 11 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 11 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây