Đội "Chim chèo bẻo" Hội An ngày ấy…

Thứ tư - 27/05/2015 04:02
Hơn 40 năm trôi qua, nhưng trong ký ức các chị Phạm Thị Thạnh, Võ Thị Hóa và Nguyễn Thị Kiểm - ba trong số 9 thành viên của đội thiếu niên hợp pháp “Chim chèo bẻo” xã Cẩm Thanh, thị xã Hội An năm xưa vẫn còn đó những ngày say mê đem tiếng hát lời ca, điệu múa phục vụ nhiệm vụ cách mạng trong vùng địch. Tuổi mười bốn, mười lăm, các chị đã trở thành những thiếu niên dũng cảm, bất chấp hiểm nguy, đưa đội thiếu niên “Chim chèo bẻo” Cẩm Thanh trở thành một tổ chức cách mạng vang tiếng ở Hội An một thời...

        Nhắc lại những ngày tháng hoạt động sôi nổi trong vùng địch Cẩm Thanh năm xưa, chị Phạm Thị Thạnh không khỏi bùi ngùi xúc động khi nhớ về những anh em trong Đội “Chim chèo bẻo” đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đất mẹ. Giờ đây, khi mái đầu đã điểm bạc, chị vẫn nhớ như in và hát rất “ngọt” lời hát dân ca chào đầu trước khi mở màn vở diễn “Đội kịch chim chèo bẻo” ngày nào:
 



Những thành viên của đội kịch “Chim chèo bẻo” năm xưa.Ảnh: KHÁNH ĐỨC
 

         Mở màn vở diễn chúng em xin báo cáo vài lời
         Đội kịch chúng em cũng mới ra đời
         Sức tài còn kém, tuổi đời còn non
         Sợ e nhiệm vụ chưa tròn
         Nhưng lòng tin tưởng bà con thương tình.
         Tập tành quá ít thời gian
         Sợ rằng lời lẽ lớp lang chưa nhuần

         ...
 

        Chị Thạnh nói, ngày xưa lớp thiếu niên như chị, chị Hóa hay chị Kiểm... yêu thích dân ca khu 5 lắm. Chính vì niềm yêu thích này mà năm 1965, khi các anh, các chú lãnh đạo cách mạng xã Cẩm Thanh quyết định thành lập đội thiếu niên hợp pháp “Chim chèo bẻo”, các chị lập tức xung phong và được chọn lựa nhờ giọng hát hay, múa đẹp. Ban đầu, đội chỉ có 6 đội viên gồm: Võ Thị Hóa, Phạm Thị Thạnh, Phạm Thị Thu, Nguyễn Thị Én, Trần Thị Tám, Lê Tiến Diện. Sau đó, đội kết nạp thêm 3 thành viên khác gồm Kiểm, Mới và Phùng. Đầu tiên, đội tập luyện những bài hát đơn ca dân ca như:Chờ con má nhé, Thuyền qua Cửa Đại, Vui về Trường Sơn hay Ngày vui được mùa... Sau đó, mới bắt đầu tập vở kịch dân ca “Đội kịch chim chèo bẻo” với nhiều vai diễn, nhiều lớp lang và tình huống thú vị, đầy kịch tính.

          Mặc dù buổi đầu tập luyện những làn điệu dân ca gặp không ít khó khăn, nhưng bằng niềm đam mê, nhiệt huyết cách mạng, những “con chim non” trong đội đã từng bước đảm nhận tròn trịa các vai diễn. Ban ngày, anh chị em vừa tập luyện vừa được giao những nhiệm vụ như ngụy trang hầm bí mật, học cứu thương, liên lạc với cơ sở trong vùng địch... Ban đêm đội biểu diễn phục vụ bà con ở các khu vực như Thuận Tình, xã Cẩm Thanh và đi biểu diễn ở một số vùng lân cận như Bàn Thạch, Xuyên Tân, thuộc huyện Duy Xuyên. Chị Nguyễn Thị Kiểm bảo rằng, chị sẽ không bao giờ quên những đêm đi biểu diễn phục vụ bà con trong những năm tháng bom đạn khốc liệt ấy. Dù phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, nhưng trên sân khấu, diễn viên cứ diễn say sưa còn bà con thì hào hứng lắng nghe, chốc chốc lại vang lên những tràng pháo tay khen ngợi. Chị Kiểm nói: “Dân mình lúc đó mê dân ca khu 5 lắm. Hễ có dịp là tụm năm, tụm ba, bắt tụi nhỏ “Chim chèo bẻo” bọn mình hát cho nghe. Những lúc như thế, chúng tôi tranh thủ hát những câu dân ca tuyên truyền như: Ta phải dùng dao/ Phen ni ta quyết/ Ta đi giết quân thù/ Hỡi bạn chúng mình ơi/ Ta đi giết quân thù...”.

         Cuối năm 1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, các thành viên của Đội Chim chèo bẻo cũng được theo các cô chú dân công đi tải đạn, vận chuyển lương thực. Và, lòng dũng cảm, sự nhiệt huyết tham gia hoạt động cách mạng của tuổi trẻ đã được ghi nhận. Đầu năm 1968, 6 thiếu niên của đội được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Càng ngày, đội càng được tin tưởng, được giao nhiệm vụ phụ trách từng khu vực. Mỗi khi địch càn quét, các thành viên chia nhau đi ngụy trang hầm bí mật, đi cảnh giới nắm bắt tình hình địch, liên lạc với các chú, các anh dưới hầm bí mật. Nhiều lần bị địch tình nghi bắt bớ đánh đập nhưng các thành viên vẫn giữ vững lập trường, kiên quyết không khai báo, không phản bội tổ chức.

        Năm 1969, “Đội chim chèo bẻo” không còn hoạt động hợp pháp nữa. Các thành viên của đội trở thành những cán bộ, chiến sĩ cách mạng kiên trung hoạt động trong vùng địch ở khắp thị xã Hội An. Nhưng “nghiệp ca hát” vẫn đi theo một số thành viên như chị Võ Thị Hóa khi chị tham gia vào Đội Loa binh vận Hội An. Hàng đêm chị vẫn hát những làn điệu dân ca vào các khu dồn của địch để kêu gọi binh lính quay về với nhân dân, với cách mạng và làm công tác tuyên tuyền cho nhân dân trong vùng địch. Chị cứ hát… trong khi địch dùng những tiếng động của mõ, thùng thiếc, trống để át đi tiếng hát. Dù thế nào, địch vẫn không ngăn được niềm yêu thích dân ca của đồng bào; những bài hát cách mạng vẫn đi vào lòng dân ở các khu dồn.

       Sau chiến tranh, nhiều anh, chị ở Đội “Chim chèo bẻo” ngày nào tiếp tục được giao những trọng trách trong chính quyền cách mạng. Bây giờ, mỗi người mỗi nơi, nhưng hễ có dịp gặp lại nhau, các thành viên còn lại của Đội “Chim chèo bẻo” Cẩm Thanh vẫn hồn nhiên như thuở 14, 15 say mê ca hát. Các chị vẫn nhớ và hát rất hay những bài dân ca,  vẫn nuôi khát vọng dàn dựng, khôi phục lại vở diễn “Đội kịch chim chèo bẻo” ngày nào.

Tác giả: ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây