Tính từ bờ sông Thu Bồn ra bắc có bốn đường phố song song chia đô thị thành ba dãy kiến trúc chạy dọc bờ sông.
- Dãy thứ nhất nằm giữa đường Bạch Đằng và đường Nguyễn Thái Học.
- Dãy thứ hai nằm giữa đường Nguyễn Thái Học và đường Trần Phú.
- Dãy thứ ba nằm giữa đường Trần Phú và đường Phan Chu Trinh.
Đường Lê Lợi chạy theo hướng Bắc - Nam nghĩa là thẳng góc với bờ sông Thu Bồn xuyên suốt các đường Bạch Đằng - Nguyễn Thái Học - Trần Phú - Phan Chu Trinh. Dãy kiến trúc thứ nhất lại chia thành ba cụm kiến trúc. Dãy thứ hai chia thành bốn cụm, dãy thứ ba chia thành ba cụm.
Đứng về mặt qui hoạch đô thị mà nói ta thấy trục chữ thập xuyên suốt là đường Trần Phú và Lê Lợi. Nhưng liệu ngay từ ban đầu Hội An đã hình thành ngay trục chữ thập đó hay không còn là vấn đề phải nghiên cứu. Điều chắc chắn là ban đầu đô thị hình thành với những dãy nhà song song với bờ sông Thu Bồn. Nghiên cứu tình hình phân bố và kiểu dáng kiến trúc cũng cho ta thấy quần kiến trúc tập trung hai bên đường Trần Phú tức đường Japonnais trong bản đồ của người Pháp, hai bên đường Nguyễn Thái Học tức đường Cantounais trên bản đồ của người Pháp. Những kiến trúc này cùng một kiểu loại: Nhà hai mặt đường hay còn gọi nhà hình ống hay nhà ruột ngựa. Kiến trúc chen sít nhau, giống nhau tựa hồ như xây đồng loạt, không có không gian thoáng thừa giữa các kiến trúc, đó là đặc trưng cơ bản của cửa hiệu buôn chen chúc nhau tranh giành không gian và khách hàng. Tính đơn điệu mà từ đó tính đồng nhất trong bố trí mặt bằng từng kiến trúc riêng lẻ được thể hiện rõ nét. Trái lại những kiến trúc trong khu vực phía sau dãy kiến trúc thứ ba thì lại đa dạng và thể hiện mối liên quan với mặt đường phía dòng sông không mạnh lắm. Và dãy kiến trúc này đúng ra là một khu vực nhiều dãy kiến trúc, là không gian rộng nhất trong đô thị Hội An. Ở đây không phải là một dãy nhà hai mặt đường dù rằng vẫn có những ngõ hẻm chạy trong khu vực này.
Kết luận rút ra: Những kiến trúc hai bên đường Trần Phú đổ ra bờ sông mới là mang tính chất đô thị bên sông buổi ban đầu và kế cận sau đó. Còn những kiến trúc khác phía sau đường Trần Phú đến đường Phan Chu Trinh thì mới hình thành. Ban đầu đô thị hình thành trên cơ sở đường Nhật Bản tức đường Trần Phú và về sau dòng sông lùi dần về nam hay đô thị phát triển lớn ra thì đô thị vươn ra bám sát bờ sông hình thành các dãy kiến trúc thứ hai và thứ ba tức khu vực đường Quảng Đông và bến cảng (Quai) trên bản đồ người Pháp ghi lại. Trái lại đô thị phát triển yếu ớt về phía bắc, phía đất liền không có sông suối mà cũng không tiện thông ra Đà Nẵng đương thời. Phát triển bám sát bờ sông là đặc trưng cơ bản của đô thị ven sông. Tình hình tương tự chúng ta thấy ở phố Hiến, một đô thị đồng thời và đồng tính với Hội An. Một con đường chạy dọc dòng sông từ tây sang đông chia đô thị thành hai phần trong và ngoài. Đền đài, miếu vũ, kho tàng cửa hiệu đều tập trung trên mặt bắc con đường đó. Đằng sau con đường đó một khoảng tương đối xa về phía bắc thì không có kiến trúc mà là một vùng đất rộng lớn sau đó triều Nguyễn xây dựng thành Hưng Yên. Trái lại khu vực ngoài thì hình thành từng cụm kiến trúc trong đó có các thương điếm ngoại quốc. Ngày nay khu vực ngoài vẫn là nơi cư dân đông đúc nhất. Bình đồ Hải Phòng cũng cho ta một ý niệm như thế. Khu vực bám sát Cửa Cấm là nơi tụ cư đông nhất và cổ kính nhất, cũng hình thành những con đường những dãy nhà song song với bờ sông. Trái lại khu vực phía tây là vùng mới phát triển trong thời người Pháp khi đô thị cảng này biến thành một đô thị cảng và công nghiệp. Hà Nội tuy thuộc loại hình đô thị khác- đô thị hành chính, nhưng cũng vào thời điểm tương đương Phố Hiến, Hội An đã hình thành một đô thị ven sông ở khu vực đông nam thành cổ bám và đô thị hành chính. Khu vực này thuộc quận Hoàn Kiếm. Ở đây chúng ta cũng thấy hiện tượng những con đường chạy song song theo bờ sông và tiến theo bước lùi của dòng sông và cũng có những dãy nhà hai mặt đường mà dấu vết còn lại ở đường Hàng Đào, Hàng Đường chẳng hạn.
Chính việc so sánh tỉ mỉ các bản đồ cổ thời đầu nhà Nguyễn đã cho ta thấy tình hình diễn biến của qui hoạch các đô thị Phố Hiến, Hải Phòng, Hà Nội như thế.
Bình đồ đô thị bên sông mang tính chất qui hoạch chung như thế . Đương nhiên đó không phải là một qui hoạch có ý thức như ngày nay chúng ta qui hoạch các trung tâm kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đây là một qui hoạch tự phát. Qui hoạch hình thành theo nhu cầu kinh tế hay nói cho đúng hơn theo tình hình hoạt động kinh tế và phương tiện giao thông vận tải cùng phương thức kinh doanh cụ thể của một thời điểm qui định. Qui hoạch đó đáp ứng được nhu cầu thời đại vì nó là con đẻ của thời đại. Đó là qui hoạch của một đô thị cảng và chợ không mang tính chất trung tâm sản xuất dù là thủ công nghiệp hay công nghiệp cũng không mang tính chất trung tâm hành chính của một đơn vị địa lý hành chính. Đây chỉ là nơi hội tụ hàng xuất khẩu từ tứ phương đổ về và nhập các hàng ngoại quốc.
Nguồn hàng xuất khẩu đương thời ở Đàng Trong là quế, trầm hương, đường và tơ lụa. Các hàng hóa đó theo nguồn Chiên Đàn, Thu Bồn về sông Thu Bồn đổ vào Hội An. Sỡ dĩ Hội An trở thành đô thị cảng thương nghiệp là vì vị trí của nó. Trước tiên ngoài Cửa Đại có hòn Cù Lao làm mốc dẫn đường hàng hải và nước Cửa Đại có độ mặt nước thích hợp cho tàu thuyền đương thời, theo Đại Nam Nhất thống chí thì cửa lạch rộng 160 trượng (tương đương 500m NDH) thủy triều lên sâu 6 thước (tương đương 2m), thủy triều xuống sâu 4 thước 5 tấc (tương đương 1,50m). Sử sách ghi lại những cuộc hành quân vào Nam đều có qua Cửa Đại.
Nhưng trung tâm buôn bán đầu tiên nằm ở địa điểm cụ thể nào trên bình đồ Hội An hiện nay?
Ngày nay bến nước Hội An nằm ở phía đầu đông của đô thị, tức đầu đông các khu cư trú hiện tại. Nhưng cầu Lai Viễn lại nằm đầu tây khu cư trú.
Đại Nam Nhất thống chí ghi: “Cầu Lai Viễn ở xã Cẩm Phô về phía tây phố Hội An huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía nam đổ vào sông Cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái, gồm 7 gian lợp ngói, hai bên cầu bày hàng mua bán, nên gọi là cầu ngói. Năm Kỷ Hợi thứ 28 (năm 1719) Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng đế (Chúa Nguyễn Phúc Chu) đi tuần du phương Nam, xa giá đến phố Hội An, thấy phía tây phố có cầu, thuyền buôn tụ họp, bèn cho tên là cầu Lai Viễn và viết chữ khắc biển vàng ban cho, nay vẫn còn”.
Cũng sách đó ghi về Hội An như sau: “Chợ Hội An ở xã Hội An về phía đông huyện Diên Phước, tục gọi phố Hội An, phía nam liền sông Cái, trên bờ hai bên phố ngói liên tiếp chừng hai dặm, bến sông thuyền ghe tấp nập đi lại như mắc cửi, có nhiều khách buôn người Thanh trú ngụ, có bốn bang là Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam, buôn bán hàng hóa phương bắc, có đình chợ và hội quán, buôn bán tấp nập, là nơi đô hội lớn xưa nay. Lại ở phía nam sông là đầm Trà Nhiêu chỗ thuyền buôn các nước dừng đậu”.
Trong sách này có kể đến nhiều tên đầm nhưng không có đầm Trà Nhiêu. Duy chỉ có ghi chợ Trà Nhiêu ở bãi Trà Nhiêu huyện Duy Xuyên. Hiện nay đó là một cồn đất lớn nổi trên sông Thu Bồn khiến cho phía Hội An hình thành sông Hội An. Địa hình hiện nay chứng tỏ xưa kia cả khu vực bãi Trà Nhiêu lẫn sông Hội An là một cái đầm lớn hay nói cho đúng hơn là một vũng lớn ăn về phía hữu ngạn sông Thu Bồn tức phía huyện Duy Xuyên ngày nay. Vũng này nằm đối diện với Hội An ngày nay rõ ràng thuận tiện cho tàu thuyền buông neo đậu. Phải chăng ngẫu nhiên mà ở Phố Hiến nơi mà ngày nay là hồ Bán Nguyệt thì tương truyền xưa cũng là nơi thuyền buôn đậu thậm chí còn truyền thuyết về một chiếc thuyền đồng (bọc đồng?) chìm trong hồ. Cùng với vị trí cầu Lai Viễn và việc thuyền bè đậu ở đó ta thấy có khả năng khu tây Hội An kể từ đường Lê Lợi mới là nơi ban đầu thuyền bè cập bến tiến hành hoạt động thương nghiệp. Chùa Cầu là một bằng chứng khác. Chùa Cầu thờ Linh phù Thủy Khấu. Tên vị thần này đáng chú ý. Chưa có điều kiện nghiên cứu sâu. Nhưng Linh phù chính là Linga dịch ra chữ Hán. Đó chính là dấu vết tín ngưỡng Chàm. Cùng với tên Trà Nhiêu, địa danh có chữ Trà, chứng tỏ nơi này trước khi có Hội An với con buôn ngoại quốc đã có người dân bản địa sinh sống. Thủy Khấu có nghĩa là cướp biển. Có thể giả định đây là nơi thờ thủy thần của người đi biển kết hợp với tín ngưỡng Chàm còn được bảo lưu nơi đây. Còn có người giải thích 2 tượng linh cẩu và 2 tượng giả nhân ở cầu Lai Viễn là Thái Dương thần nữ hộ mệnh cho người qua cầu. Nếu đúng thế thì đó là một tín ngưỡng mang tính chất Nhật Bản đồng nhất với cây cầu. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho tượng con khỉ chỉ việc cầu khởi công năm Thân và tượng chó chỉ việc hoàn thành cầu năm Tuất.
Người Nhật có quan hệ sâu đậm với Hội An là điều đã khẳng định. Cử ra một vài bằng chứng.
Một văn bản năm 1619 nói đến việc Chúa Sãi gả một người con gái Việt cho Araki Sõratõ:
“An Nam quốc điện hạ kiêm Quảng Nam đẳng xứ vi lập thư.
Cái văn trọng lưỡng quốc chi càn khôn tư ngôn tín hỉ thân nhất gia chi hòa mục hà quí như chi tư ngã Nguyễn gia tự lập quốc dĩ lai vụ thi nhân nghĩa viễn lai cận thuyết huệ trạch quân Mông tư hữu Nhật Bản quốc tào chủ Mộc Tông Thái Lang thặng tào gía hải vinh ngã ngã quốc bái kiến nguyện thừa tất hạ ngã nãi thôi kỳ sỡ dục nhưng gia quí tộc Nguyễn Thái Lang cự danh hiển hùng phi duy đặc cung đình chi quang hiển ức diệc kiên nam bắc chi lợi thông thi nhân canh viết chi chỉ chi giáo chi đỉnh nhi tài xứng lịch tử chi tài như nhật như nguyệt như tùng ngã thọ đẳng Nam Sơn chi thọ vinh tư túc hỉ ỷ dữ thịnh tai quốc hữu thường pháp lập thư hữu chiếu.
Hoàng Định nhị thập niên tứ nguyệt nhị thập nhị nhật ”
N. Peri đã dịch ý như sau :
Hoàng Thái Tử vua An Nam kiêm quan cai trị Quảng Nam và các xứ khác lập văn bản này.
Tôi nghĩ rằng lời nói sau đây đáng tin cậy: Một liên minh giữa hai nước bằng hôn nhân là một điều quan trọng, và có gì quí báu hơn sự hòa mục trong một gia đình? Từ ngày họ Nguyễn chúng tôi dựng nước đến nay luôn luôn thi hành nhân nghĩa. Và những người từ phương xa đến và người ở gần đều được hưởng ân huệ như nhau. Nay có một chủ thuyền Nhật Bản tên là Ki Sõtarõ đi thuyền vượt biển đến nước ta và vinh dự được ta tiếp. Ông ta tỏ ý được xếp vào hàng con cái của ta, ta bèn xem xét nguyện vọng đó, cho ông ta được mang họ Nguyễn tên Thái Lang nâng lên hàng tôn quí hiển hách. Như thế không phải chỉ cho cung đình ta vinh hiển mà thắt chặt mối quan hệ qua lại giữa phương Bắc (nước Nhật) với phương Nam (An Nam). Kinh thi viết chân nó, sừng nó, đỉnh nó, tài nó xứng với tài của con ta. Như mặt trời, như mặt trăng, như cây tùng, tuổi thọ của ta như Nam Sơn. Vinh quang thay! Thịnh vượng thay! Nước có luật lệ nay lập văn bản này để làm bằng.
Hoàng Định năm thứ 20 tháng 4 ngày 22 (4 tháng năm 1619) (5). N.Peri cũng cho rằng văn bản này từ chương không thông và nghi ngờ chưa chắc văn bản của nhà Nguyễn. Nhưng việc Araki - Sõtarõ mà văn bản chữ Hán ghi sót thành Ki Sõtarõ lấy một người con gái Việt tên Nhật là Aniõ sinh một người con gái là Yasu rồi bà ta chết năm 1645 mộ đặt tại chùa Đại Âm ở Trường kỳ (Nagasaki) bia ghi: Huệ Quang Viện Giáo Dự Diệu Tâm đại tỉ.
Dù cho có vài điều không hoàn toàn khớp nhau thì việc một chủ tàu Nhật Bản lấy họ Nguyễn cưới vợ Việt đưa về Nhật vào khoảng năm 1619 - 1645 là điều có thể chấp nhận được.
Đó chưa phải là thời điểm sớm nhất trong sự kiện người Nhật đến Hội An. Dòng họ Chaya (Trà Ốc) có lẽ là dòng họ đầu tiên đã đến Hội An từ những năm cuối thế kỷ XVI, và kéo dài trong thế kỷ XVII. Họ đã nhận được từ chúa Nguyễn gửi cho họ vào những năm 1628- 1635 v.v... và họ còn giữ một tấm bản đồ hàng hải hay nói cho đúng hơn là một bức tranh vẽ từ hải cảng Nagasaki bên Nhật đến Hội An. Bức tranh đó không ghi niên đại có hình vẽ và chữ viết chú thích: N. Peri đã cho in lại các bức tranh và miêu thuật như sau:
Đầu tiên người ta thấy cảng Nagasaki với một chiếc tàu đen hoàn toàn tước bỏ hết các trang bị, nói rằng là: Một chiếc tàu Thiên Chúa giáo bị đánh đắm vào thời Gongen Sama “tức là thời Iye- Yasu, chắc chắn đó là chiếc Madre De Dios đã đề cập trên đây”. Xa hơn nữa là lối vào một vịnh có một hòn đá cao ghi chú Toron iwa- jama, nghĩa là “đảo đá Toron” bên cạnh ghi Giao Chỉ Quốc. Một dòng ghi chú khác viết: “Phía nam Giao Chỉ là hòn đảo Banri - iwahay - Sun - jiama có tổ yến”. Một chiếc tàu màu vàng đang vào cửa vịnh. Thủy thủ đang cuốn buồm. Trên vỏ tàu có những minh văn mà sau đây chúng ta sẽ đề cập đến. Một trong những dòng chữ đó cho ta biết “chủ thuyền là Chaya Matajirõ Shinroku” (Trà Ốc Hựu Thứ Lang Tân Lục) mà chúng ta không biết gì về ông này. Nhiều chiếc thuyền Giao Chỉ ra đón nó kéo về một cửa sông, những người chèo thuyền đứng quay lưng về phía lái, đó đúng là kiểu chèo thuyền của người An Nam.
Trên bờ cuối vịnh thể hiện một loạt những chiếc ô có đặt nhiều đồ vật khác nhau dưới ô, một dòng chữ cho ta biết đó là “một bãi của người đánh cá và là khu vực có chợ tạp hóa”. Lùi về sau một ít là một dãy nhà mà ít ra những nhà đầu tiên có dáng Nhật Bản, họp thành “thành phố Nhật Bản với hai hàng (?) nhà (chỉ vẽ có một hàng NP) dài hơn 3 chõ (320 mét)”. Bên cạnh một con đường chạy về phía nam.
Trên bờ bên kia vịnh dựng lên một vài nhà tranh ghi là Yose- Bune Kaya mà ngữ nghĩa mơ hồ hình như là chỉ nơi cư trú của những tàu cập bến, nghĩa là chỉ dùng cho thủy thủ hay hàng hóa của tàu. Đàng sau là khu người Trung Quốc cập bến. Xa hơn nữa, trên bờ tả ngạn con sông có một kiến trúc lớn có rào vây với cánh cổng đều kín. Một lính gác canh cửa vào. Một số bảo vệ mang kiếm khoảng 14 hay 15 người dẫn một nhóm “7 hay 8 người Nhật” mà người ta nhận biết qua y phục của họ, họ qùi trước nhà, bên trong nhà một người Nhật dâng lên cho vị quan ngồi trong cùng những tấm vải hay quần áo lộng lẫy, những chiếc hộp sơn mài, bình phong. Bên trái gần một “cửa phục vụ” Kayoi- Guchi, có một chiếc bàn đặt “bánh chiêu đãi khách”.
Cạnh ngôi nhà này dựng một chòi canh nhẹ gọi là “thừa lương các” Suzumi No Chin, trên sông đu đưa một chiếc “du thuyền” Yusan - Bune với nhiều chèo và một gác nhỏ ở đằng lái.
Xa hơn nữa trên bờ hữu ngạn con sông người ta thấy một núi đá có động, gọi là “động thiên định của Bodhidharma”, Daruma Zazen - iwa, lời chú thích cho ta biết “ánh sáng lọt vào trong động qua một khe nứt của núi đá và toàn bộ núi đá chu vi một dặm (tương đương 500 mét - NDH). Người ta thấy đây đó một người nông dân cày ruộng, những con voi với anh nài, một con trâu đang đẫm mình trong nước, với những cánh cửa cổng lần này thì đan lát, hai người Nhật quì ở trước, đáng tiếc bức tranh dừng ở đó đột ngột, tựa hồ như chưa hoàn thành”.
Kết hợp miêu thuật của N. Peri với nghiên cứu bức tranh chúng ta thấy toàn cảnh Hội An chia thành ba khu vực tính từ ngoài cửa biển vào như sau :
Khu vực 1: Cửa lạch với một hòn đảo trong lạch mà bức tranh ghi là đảo Toron chắc là hòn Cù Lao. Bên hữu ngạn sát biển là một vụng nhỏ và ba cụm nhà tranh cách xa nhau, trong vùng có những con thuyền nhỏ và dàn lưới đang phơi. N.Peri không miêu tả điều này trong khi lời chú thích nói rõ “một bãi của người đánh cá”, đó chính là xóm chài. Chiếc tàu to còn ngoài hòn Cù Lao đã được thuyền con người bản địa kéo vào. Đó chính là khu vực cửa cảng. Một số ô cắm trên bãi sông làm thành một chợ trời tạm bợ.
Khu vực 2: Bến cảng. Trên bờ tả ngạn là hai dãy nhà Nhật Bản như chú thích ghi nhưng trên bản vẽ thì chỉ có một dãy. Những nhà này cấu trúc và lợp ngói giống như những ngôi nhà vẽ ở hải cảng Nagasaki của Nhật. Nhưng nhà N. Peri không miêu tả một ngôi nhà như thế ở sát bờ sông với một con thuyền con đậu ở đó. Đó chính là nơi mà con tàu sẽ được kéo vào cập bến. Ngôi nhà đó cũng kiểu Nhật Bản chắc là nơi tiếp xúc đầu tiên của con tàu với thương nhân trên cảng. Bên hữu ngạn N.Peri có miêu thuật các nhà tranh làm kho hàng. Có hai dãy dọc thẳng góc với bờ sông được ghi chú là nơi người Nhật chứa hàng hóa. Một ngôi nhà tranh cũng dài như thế nhưng nằm phía sau hai ngôi nhà trên và nằm ngang nghĩa là thẳng góc với hai ngôi nhà trước, ngôi nhà này là kho hàng của con buôn Trung Quốc. Rõ ràng đó là những kiến trúc bản địa, những nhà hàng cho tàu ngoại quốc thuê chứa hàng. N.Peri không miêu thuật một tháp canh cao nhỏ nhô ra bờ tả ngạn. Bức tranh Trên sông Hội An cuối thế kỷ XVIII cho ta thấy rõ tháp canh này hơn và cũng khẳng định rõ nét hơn đây là khu vực bến cảng với nhiều tàu thuyền các loại. N.Peri cũng không miêu thuật những đàn bầu ví với 11 nhân vật vẽ ngay sau lưng dãy phố Nhật Bản. Họ đứng, ngồi ngoài trời. Một người ngồi trên một chiếc giường nhỏ với ấm trà. Nhiều người khác đứng rải rác trong nhiều tư thế khác nhau. Một người quì trên một tấm nệm trước mặt người ngồi trên giường như đang trình bày điều gì. Hai người quì phía trước xa hơn như đang xin một người đứng trước mặt họ cho họ vào gặp người ngồi trên giường. Quang cảnh hoàn toàn không có vẻ nha môn với quan lại như ta thấy trong khu vực 3 sau đây. Ở đây có vẻ là cảnh buôn bán giữa các tàu cập bến với một người chủ buôn lớn trên cảng.
Đó chính là khu vực cảng, trung tâm đô thị ban đầu. Phố Nhật Bản hai dãy dài 320 mét chính là cái mà sau này hình thành con đường Nhật Bản nằm cách bờ sông khá xa. Nhà đón tiếp tàu, kho hàng cho thuê, thuyền dắt tàu, tháp canh cửa cổng, chợ bán buôn và chợ trời. Tất cả đều đủ quang cảnh của một đô thị cảng ban đầu.
Khu vực 3: Khu vực quan thuế. Khu vực này nằm trên hai bên bờ sông ở ngã ba sông. Nếu so với bản vẽ hiện nay thì con sông nhánh nhỏ đó có bắc cầu Lai Viễn nhưng trên bức tranh này không thấy vẽ một cây cầu nào cả. Hai bên bờ là hai công thự của triều đình Đàng Trong, một ngôi nhà lợp tranh, một ngôi nhà lợp ngói ống. Chắc chắn là cơ quan canh phòng và thu thuế. Vị trí của chúng hai bên bờ sông cũng như cấu trúc và binh lính canh gác khẳng định tính chất công thự của chúng. Chiếc thuyền có nhiều mái chèo không phải là du thuyền mà là lâu thuyền dùng vào việc tuần tiễu. Cũng như tháp canh không phải là nơi hóng mát. Khu vực 3 này nằm trong vùng nông thôn giữa những xóm làng đồng ruộng rải rác từng cụm nhỏ toàn nhà tranh lụp xụp với những dân cày, dân chài. Trên sông Hội An khu vực này có những thuyền buồm bản địa cỡ lớn. Và những con voi đang đi trên tả ngạn về phía tây chính là biểu thị đường bộ đi đến trục giao thông chính đi Đà Nẵng đương thời. Và bức tranh dừng ở đây là đủ chứ không phải chưa hoàn thành.
Khi nghiên cứu bức tranh này chúng ta không nên mang theo quan niệm hiện đại về đồ bản, nhất là ý niệm về tỉ lệ xích. Trên bức tranh này có một điều duy nhất chưa lý giải được. Đó là động Bồ Đề Đạt Ma với chu vi khoảng 500m . Theo Đại Nam Nhất thống chí thì xung quanh Hội An không có một hang động nào như thế và không có dấu vết Bồ Đề Đạt Ma hay một cao tăng nào cả. Nếu cho đó là núi Non Nước thì kích thước chu vi 500m là quá nhỏ và ngay tại chùa Non Nước với bao nhiêu hang động vẫn không có truyền thuyết hay dấu vết gì của Bồ Đề Đạt Ma hay một cao tăng nào cả. Nhưng nếu quả có một hang động như vậy thì chắc chắn còn dấu vết trên thực địa hay trong lòng người. Cho đến nay chúng ta chỉ mới quan tâm đến bờ bắc sông Hội An, chưa quan tâm được đến bờ nam mà sử sách cũng như bức tranh này ghi lại nhiều điều liên quan trực tiếp với Hội An mà xác định được thì cũng có khả năng ban đầu là một đô thị hai bên bờ sông chứ không phải một bờ sông. Đó là điều cần phải tìm hiểu hơn nữa.
Dòng họ Chaya tiến hành buôn bán với Hội An từ khoảng năm 1592 đến năm 1635 trước khi Nhật Bản có lệnh cấm thông thương với nước ngoài (năm 1636).
Như vậy, kết hợp các nguồn tư liệu và nghiên cứu nói trên ta thấy khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII thì Hội An chủ yếu là nơi thông thương của người Nhật với phố Nhật Bản tức đường Trần Phú hiện nay lên đến ngã ba sông với cây cầu ngói kiểu Nhật. Cây cầu này chắc chắn được dựng lên sau khi tác giả bức tranh này đến Hội An, tên cầu Lai Viễn được định vào năm 1719 bởi Nguyễn Phúc Chu nhưng năm 1695 Thích Đại Sán đã mô tả nó. Nhưng nếu tin là cầu được làm năm Thân và hoàn thành năm Tuất thì khả năng lớn nhất là vào năm 1620 - 1622 vì nếu sớm hơn nữa là 12 năm trước thì có sớm quá so với thời điểm người Nhật đến Hội An và tác giả bức tranh tất phải biết. Nếu muộn hơn nữa 12 năm sau thì là lúc đã sắp có việc cấm người Nhật ra nước ngoài. Trong thời kỳ này tuy cũng có người Trung Quốc sang buôn bán nhưng chưa thịnh bằng người Nhật. Tình hình như thế cũng thấy ở phố Hiến. Hội An thời đó bao gồm khu vực bến cảng hai bên bờ sông ngược lên đến ngả ba sông mà trung tâm là bến cảng với phố Nhật Bản. Ta hãy gọi đó là Hội An I. Đương thời khu vực 1 còn là làng chài, còn dải đất giữa phố Nhật Bản với bờ sông trong khu vực 2 còn là đất trống.
Đến khi người Nhật bị cấm không ra nước ngoài nữa, các con buôn Trung Quốc mới tràn sang và thịnh lên. Những nhà hình ống ngày nay ta thấy trong dãy 1, dãy 2 chủ yếu là của họ, mang mô hình nhà cửa hiệu của họ. Những nhà kiểu Nhật không giống thế hiện nay đã mất hay chưa xác minh được. Con buôn bốn bang Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam tràn sang không chỉ chiếm cả khu vực Hội An I mà còn phát triển ra phía bờ sông đồng thời tiến về phía xóm chài tức khu vực 1. Nhà kiểu hình ống, đền thờ các vị thần hàng hải và buôn bán của họ như Quan Công, Thiên Hậu, hội quán v.v... mọc lên nhan nhản. Ta hãy tạm đặt cho Hội An từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XX là Hội An II. Thật ra đó không phải là một bước phát triển mà có thể nhiều bước phát triển. Khi nghiên cứu sâu hơn nữa sự hình thành của các cửa hiệu và bang người Trung Quốc này sẽ có khả năng phân chia nhỏ Hội An II ra, và sự phát triển của những hoạt động thương nghiệp bản địa với những con buôn và thợ thuyền Việt Nam cận đại chắc chắn Hội An II có những bước đi phức tạp hơn. Một bằng chứng như thế đã được chứng minh ở phố Hiến với việc nghiên cứu các bình đồ, địa danh, bia ký, gia phả, vị trí các đền thờ, công thự v.v. đã cho phép chia thành 3 lớp phố Hiến I, II, và III. Trong tương lai đẩy mạnh việc nghiên cứu sâu hơn nữa có khả năng còn nhiều phát hiện về Hội An.
Trước đây đã có nhiều người nghiên cứu Hội An mà chủ yếu họ tập trung vào Hội An của người Trung Quốc như Trần Kinh Hòa với bài viết mà bản thân đầu đề đã cho ta thấy đối tượng của ông nghiên cứu: Phố người Đường và việc mua bán ở Hội An vào thế kỷ XVII - XVIII. Gần đây đã có người tập hợp các tư liệu chữ viết kết hợp với một số tư liệu điền đã đưa ra giả thiết Hải Phố là tiền thân của Hội An. Nhưng rõ ràng vị trí của Hải Phố cũng như các tài liệu của nó không đủ để chứng minh điều đó. Những móng nhà, gạch cổ, bát đĩa cổ đều chưa được giám định khoa học. Có thể đó là một điểm tụ cư khác khi các con buôn người Trung Quốc đã thịnh ở khu vực này. Cần chờ đợi nghiên cứu khoa học hơn. Hiện nay với tình hình tư liệu hiện có thì chỉ có thể đưa ra một vài nhận thức về xu hướng phát triển ra bờ sông tức từ Bắc đến Nam và ra biển từ Tây sang Đông của Hội An và chia Hội An thành hai lớp. Có thể lấy niên đại 1635 làm mốc, vì đó là năm cuối cùng tàu Nhật được phép đến Hội An. Đương nhiên đó chỉ là một mốc niên đại ước lệ để tiện chia Hội An I với Hội An II về mặt thời gian. Còn về mặt không gian thì Hội An I chiếm chủ yếu là khu vực 2 trên bức tranh ta đã phân tích với dãy phố Nhật và công thự là những kiến trúc cổ nhất lúc đó. Đúng như lời nhận xét của thuyền trưởng một chiếc tàu Hà Lan đến Hội An năm 1651 là Willem Verstergen “Đường phố Phai Pho (Faifo tức Hội An NDH) không có mấy...”. Trái lại đến năm 1695 nhà sư Thích Đại Sán ghi lại trong Hải Ngoại kỷ sự của ông: “bến tàu các nước ghé cất hàng ở Hội An nam từ dọc theo bờ sông dài 3- 4 dặm (khoảng 2km NDH), tên gọi là Đường phố, phố Đại Đường, hai bên nhà cửa ở như sắp răng lược, đều là người tỉnh Mân (Quảng Đông) mặc theo lối ngày trước của người Tàu, đàn bà thì lo việc mua bán, phàm người Tàu ở đây đều có vợ Việt để tiện việc giao dịch. Cuối đường phố là cầu Nhật Bản và Cẩm Phô, bên kia sông là Trà Nhiêu chỗ ghe tàu các nơi đến đậu, người ở đông đúc...”.
Đó chính là quang cảnh Hội An II. Sự tăng trưởng ồ ạt người Trung Quốc ở Hội An cũng như nhiều nơi khác trên đất nước ta liên quan mật thiết với việc Dương Ngạn Địch cùng hơn 3000 quân và 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung và Đà Nẵng xin tỵ nạn vào năm 1679, khoảng 16 năm trước khi Thích Đại Sán đến Hội An. Tất nhiên trước đó đã có con buôn Trung Quốc đến Hội An. Nhưng đến lúc này làn sóng di dân càng mạnh. Thích Đại Sán miêu tả họ đều là người Quảng Đông ăn mặc kiểu thời Minh. Chưa thấy các bang Phúc Kiến, Hải Nam, Triều Châu như Đại Nam Nhất thống chí ghi vào thế kỷ XIX. Năm 1695 đường phố đã dài đến 2000m chứ không phải 320m như phố Nhật Bản. Có thể phố Đại Đường chính là đường Quảng Đông trong bản đồ của Pháp. Và lúc này cũng đã có chiếc cầu Nhật Bản tuy chưa mang tên Lai Viễn. Đầm Trà Nhiêu vẫn là vùng đậu tàu.
Nếu nghiên cứu chi tiết hơn nữa các tư liệu bi ký, địa danh, gia phả v.v... thì rõ ràng có thể chia Hội An II thành vài lớp.
Đất Hội An là nơi vốn đã có người bản địa Chàm và người Việt cư trú lâu đời chứ không phải chỉ mới hình thành với người ngoại quốc. Đô thị cổ Hội An là hệ quả của sức phát triển kinh tế nội địa. Chính sức phát triển đó hay nói cụ thể hơn là nguồn hàng phong phú ở Đàng Trong mới khiến cho Hội An hình thành và trở thành một đô thị cổ kính cần bảo vệ để đánh dấu một bước phát triển kinh tế của nước ta.
(Trích kỷ yếu Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An, từ ngày 23 - 24/7/1985)
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền