Vậy mà rất lạ: Bất cứ ai quan tâm để ý tìm hiểu lịch sử nước nhà chưa từng một lần đến Hội An đều thấy thiếu trong tri thức riêng một cái gì đó không trang mực nào bù trừ nổi. Lạ nữa là, không chỉ có người làm nghiên cứu mới chú ý tới Hội An (vì dầu sao đó cũng là việc họ phải làm). Du khách tới đây dù là vô tình ghé qua vài giờ đồng hồ, cũng cứ đọng lại nơi ký ức đôi ba chút về Hội An.
Chẳng phải là thế hay sao? Hơn nữa từ lâu, mọi người đặt cho Hội An cái tên trang trọng: ĐÔ THỊ CỔ HỘI AN. Đặt tên ấy, chưa ai cho biết dựa trên chuẩn mực nào? Vẫn hồn nhiên công nhận. Người làm công tác bảo tồn bảo tàng gặp một hiện tượng đáng yêu như thế đã chẳng bỏ qua. Khi chộp được nó trong tay càng giữ gìn trân trọng. Chẳng thế mà ngành bảo tồn bảo tàng địa phương lập tức có ý kiến đề nghị Bộ Văn hóa công nhận cả khu đô thị là di tích kiến trúc. Xưởng Bảo quản và Trùng tu Di tích Trung Ương thuộc Bộ Văn hóa tiến hành chụp ảnh lên sơ đồ toàn bộ khu đô thị Hội An. Mới là đợt đầu khảo sát xưởng đã lên được một bản đồ chỉ định các diện hình di tích 77 địa chỉ được coi là cổ nhất.
Làm được những việc đó về góc cạnh khoa học chuyên ngành quả là một cố gắn lớn của các nhà bảo tồn bảo tàng tại địa phương. Ở đây, tại hội nghị này, ai cũng rõ, công việc không đơn giản là một tấm giấy quyết định công nhận di tích mà còn phức tạp hơn nhiều. Bởi công nhận di tích rồi thì phải lo, lo bảo tồn, tôn tạo, phát huy tác dụng di tích cho chu đáo, khoa học, đúng được với thời gian. Đặc biệt là phải đẩy mạnh, đẩy nhanh công tác nghiên cứu để “đọc” cho rõ nghĩa các di tích trong tổng thể đô thị lịch sử Hội An.
Chính vào lúc này, tôi muốn dừng lại bàn về công tác nghiên cứu di tích ở Hội An, mà chỉ bàn công tác đó ở góc nhìn bảo tồn di tích thôi, phần lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, dân tộc học... xin nhường cho các báo cáo chuyên sâu khác.
Rõ ràng, với Hội An, một mảnh đất vỏn vẹn 2km2 trên đó tập trung chủ yếu là di tích kiến trúc, dù có một tuổi đời khiêm tốn trong lịch sử cả nước, Hội An không phải không gây bối rối trước nhiều vấn đề khoa học.
Hội An, ngay từ khi mới thành hình đã bật lên chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế Đàng Trong. Nó lập tức lọt vào mắt các Chúa Nguyễn, giành ngay được sự chú ý, ưu ái của các ông này. Nguồn sử liệu thời Nguyễn, ký ức dân gian, tài liệu dân tộc học, tài liệu của người nước ngoài tỏ lộ rằng Hội An (Quảng Nam) từng là nơi các ông Chúa con được cử về trấn trị. Hành động đó của các Chúa cha nhằm mục đích rèn rập kẻ kế cận. Đưa các vị Chúa tương lai về Hội An (Quảng Nam) vừa là để họ vừa tập dượt cách quản trị chính quyền, vừa làm quen với một thương trường mới vừa phức tạp, vừa cần thiết. Từ đó các Chúa con thấm thêm khó khăn của vai trò sắp đóng.
Nếu như ta phóng tầm mắt vượt khỏi mảnh đất Đàng Trong để ngó ra Đàng Ngoài sẽ thấy hồi đó, như một cặp xứng đơn. Nhà Trịnh, Đàng Ngoài lấy Phố Hiến - kinh kỳ (Thăng Long) làm hai trung tâm thương mại lớn, hút các nguồn tài nguyên, vật phẩm ngược xuôi trong, ngoài cung cho nhu cầu của đám triều thần và chiến tranh. Thì ở Đàng Trong, Hội An cũng sắm một vai tương tự.
Sau này, vào thế kỷ XIX, nhà Nguyễn xây dựng kinh đô tại Huế, vai trò của Hội An vượt tiến một bước dài, trong khi ấy Phố Hiến vang bóng một thời “nhất kinh kỳ nhì Phố Hiến” đã chìm vào quên lãng.
Cho tới nay, mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu, vụn vặt đã hé lộ điềm báo rằng Hội An hồi đó do vị trí thuận lợi của mình và do cái đà thương mại kinh thành từ những thế kỷ trước với nước ngoài, trở thành một điểm buôn bán lớn, một trung tâm giao dịch sầm uất thời bấy giờ. Song đó là tình hình của vài năm đầu triều Nguyễn. Về sau đó chính sách “bế quan, tỏa cảng” của nhà nước các hoạt động công khai thương mại ở Hội An đã chuyển vào ngõ hẽm “chợ đen”.
Trong vòng gần ba thế kỷ thịnh đà Hội An đã chứng kiến từng thương đoàn khách buôn từ miệt Gia Định lên hoặc từ Thăng Long tới, Hội An còn thu nhập cả sự tồn tại của người Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Hoa Kiều. Hàng hóa từ các nơi trôi về, từ đây tỏa đi khắp nẻo, bộ phận quan trọng nhất được chuyển tới Bao Vinh (Huế) cung cấp cho nhu cầu của các Chúa Nguyễn phục vụ sinh hoạt và chiến tranh.
Thông cảm với thăng trầm của Hội An như thế, chúng ta sẽ không lạ, khi biết rằng Hội An như Phố Hiến, Thăng Long trong thời Lê Trung Hưng là nơi từng mọc lên thương điếm, cư xá của thương khách, du khách nhiều nước, nhiều quốc tịch: Hà Lan, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hoa...
Không dừng ở tư liệu lịch sử, dưới góc độ bảo tồn bảo tàng tôi nghĩ đi sâu nghiên cứu kỹ khối tài liệu kiến trúc, điêu khắc... tại Hội An chắc là phần nào khoanh dần (chí ít là trên bản đồ) nơi nào xưa là điểm tụ cư của người Nhật, thương điếm của người Hà, Pháp ...
Từ đó hẳn thấy rõ vị trí, vai trò của người Việt trên đồ thị này, Biết đâu còn có thể nhận ra dấu vết vật chất và tinh thần theo chân họ tới đây còn vương lại dưới dạng hồi quang mờ nhạt? Điều này, theo tôi nghĩ, nếu làm được dù chỉ trong muôn một sẽ giúp cho công tác bảo tồn di tích tốt hơn, vì nó chỉ cho ta biết nên bảo tồn cái gì trên diện mạo đa hình của Hội An.
Mới thử phác qua vài dự liệu cho công cuộc nghiên cứu về bức tranh Khu phố cổ Hội An (của riêng tôi - cố nhiên). Ta đã thấy lộ ra phần nào cái phức tạp của đối tượng đang quan tâm. Sẽ rối rắm hơn (nhưng là cái rối rắm cần biết - thú vị) khi ta đi vào tìm hiểu sắc độ đậm nhạt của bức tranh, nghĩa là đặt khu phố cổ trên trục thời gian, cũng tức là đưa Hội An vào tiến trình lịch sử. Nói cách khác, giờ đây chúng ta cần những chuyên gia giỏi, làm việc nỗ lực để truy tìm niên đại ra đời và những đổi thấy bộ mặt từng di tích, đây là cái sớm, cổ nhất, quí nhất - có như vậy, mới có thể trả lời cho câu hỏi hóc búa lâu nay những người làm công tác công nhận di tích đang cần được trả lời: ở Hội An chúng ta bảo tồn cái gì? Cả vùng? Từng khu phố? Từng ngôi nhà? Nay chỉ là những chi tiết trong một kiến trúc? Hoặc rộng hơn, bảo tồn cả phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt của toàn bộ cư dân trong nội thị?
Ai cũng hiểu rằng: Không đồng dạng với các nước có truyền thống văn hóa khác nước ta, ở các nước này, từ xưa lắm mỗi đô thị được dựng lên tuân thủ một qui hoạch nhất định theo chuẩn mực tư tưởng của thần thái tôn giáo hay hành chính. Ở đó, trung tâm đô thị có thể là một đền thờ, một quảng trường, một tòa thị chính, một khóm tượng đài... Thời Trung cổ Châu Âu, qui hoạch đô thị đã đạt đến một mức nhất định (những nỗ lực về kinh tế, tư tưởng đã tạo cho họ mở ra thế ứng xử như vậy).
Ở ta, các đô thị từ lúc hình thành tới tận năm 1954 vẫn theo quá trình nở tự nhiên, không dựa trên qui hoạch cụ thể chú ý nào từ trước (có chăng chỉ là các cung điện, lâu đài của nhà nước quân chủ mà thôi).
Hội An càng như thế. Trong bài này, tôi không mang sẵn ý định đi sâu vào lịch sử đô thị mà chỉ nhắc qua để thấy một đặc điểm trên con đường tự mở rộng của Hội An, tức chủ đề nghiên cứu di tích Hội An có thêm một vấn đề lý thú không kém hóc búa.
Thực tế ở Hội An, sự nở ra tự nhiên ấy có nhiều nguyên nhân, tập trung vào mấy điểm sau:
- Phát triển buôn bán và tiểu thủ công.
- Sức tăng dân số do sinh nở và nhập cư từ nơi khác đến.
Về mặt di tích, qui trình triển nở như thế nào? Bám theo sự thay đổi của dòng Thu Bồn? Kích cỡ kiến trúc? Hình dáng kiến trúc? Kỹ thuật? Chất liệu? Bình đồ tổng thể? Những chặng đường đi lên của di tích ra sao? Việc đặt móng cho công tác tìm hiểu di tích bắt đầu từ đâu? Nên chăng là đi dọc theo dòng sông Thu Bồn? Hay từ đất Minh Hương? Một chiếc cầu (Lai Viễn Kiều)? Một đường phố (phố Nhật Bản - Rue Japonaise)?
Trở lại với nhan đề của bản tham luận ngắn này, Hội An với tư cách là kiến trúc cổ, đối tượng nghiên cứu của khảo cổ học về thời quân chủ (vẫn gọi là phong kiến). Giờ đây, tại Hội An còn ghi dấu nhiều kiến trúc cổ tận thế kỷ XVII: Lai Viễn Kiều, Quan Công Miếu, Quan Âm tự... tuy dạng hình đã đôi chỗ đổi thay, song yếu tố gốc không phải vì thế phai nhạt hết, sẽ chẳng có gì hấp dẫn, nếu vấn đề chỉ là như thế. Cái thu hút hơn cả chính là yếu tố kỹ thuật còn thấy được. Không phải bỗng dưng mà quanh sự ra đời của Lai Viễn Kiều có nhiều ý kiến tranh luận: Đâu yếu tố Nhật? Đâu yếu tố Hoa? Hoa chỗ nào? Nhật ở đâu? Cần được lý giải. Chưa kể khi đứng trước bản đồ họa kiến trúc của Hội An và Huế mà xưởng bảo quản và trùng tu di tích Trung Ương thuộc Bộ Văn hóa đưa về bạn sẽ thấy phần kỹ thuật mộc giống như thế nào, giống đến cái mức tên gọi một hình vẽ là “vì trùng lương - giả thủ” được cán bộ của Xưởng phát ra trùng với tài liệu ở Huế. Nếu cái vì vỏ cua ở Huế đã được nhà mỹ thuật học Trần Lâm Biền để tâm ca ngợi, thì tại Hội An nó xuất hiện với mật độ khá đậm. Còn cái vì mà Xưởng trùng tu di tích Trung Ương đề là vì kẻ chuyền (theo tiếng Bắc) thì tiếng Huế gọi là “vài chồng”. Đó vài nét về kiến trúc. Còn các ngành khác như dệt chẳng hạn đã có nhiều chứng minh lý thú về mối quan hệ giữa Hội An với Huế. Qui hoạch thành Huế, những công trình kiến trúc Huế chắc không khó khăn lắm cũng có thể tìm thấy dấu ấn bàn tay của những nghệ nhân ở các tượng cục tại Hội An tham gia. Và như thế thì vấn đề di tích khảo cổ học ở Hội An đã vượt qua biên giới Quảng Nam - Đà Nẵng để nằm vào khung cảnh chung của toàn đất nước. Điều đó cũng có nghĩa là nó đã vượt qua giới hạn của khoa học bảo tồn di tích để tham gia vào trận địa của các khoa khảo cổ học, dân tộc học, sử học...
Chỉ riêng đối với khảo cổ học, ngoài công việc tìm hiểu những dấu vết xưa tại Hội An và Huế cũng đã là một công trình khoa học: Lại nữa, theo phương pháp điều tra hồi cổ lần tìm các phường thợ dựng nên kiểu kết cấu kỹ thuật trên ở đâu ra, nội sinh hay ngoại sinh? Nhân đây, tôi nêu vài suy nghĩ của riêng mình để cùng thảo luận về cách nhìn các yếu tố nội, ngoại sinh có mặt trên lãnh thổ nước ta (cố nhiên là liên quan chặt tới khu phố cổ Hội An). Hiện nay, nhiều người rất băn khoăn chỉ thấy các dấu tích mang phong thái ngoại lai. Theo tôi, việc tích hợp thành tựu văn hóa của nhân loại bồi bổ cho sắc diện văn hóa của mình cái hằng xuyên trong lịch sử nhân loại. Có điều, mỗi thời đại, do đặc điểm lịch sử mà sự thâu nhận, và phóng sinh văn hóa ở mỗi tộc người, mỗi dân tộc đậm nhạt khác nhau. Không có hiện tượng đan xen văn hóa ấy, thật khó tưởng được sự cô độc, và què quặt của loài người đến đâu? Có thể nói đỉnh cao của sự trao đổi văn hóa, hợp tác văn hóa trong nhân loại chưa bao giờ mạnh mẽ, đậm sắc như ngày nay. Nước ta cũng vậy, đó là những hiện tượng lịch sử. Theo tôi cái cần thiết không phải là chối bỏ những sự thật lịch sử mà ta phải có cách đánh giá đúng khả năng tiếp biến văn hóa của tổ tiên trên cơ sở giữ vững yếu tố văn hóa truyền thống, không cần nhắc lại làm gì, cả ngàn năm bị phong kiến Trung Hoa đồng hóa người Việt vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng của mình. Vậy nên cần tìm hiểu nghiên cứu xem bên ngoài góp vào vốn chung văn hóa của ta ra sao, quá trình nhập cảnh văn hóa giữ gìn sắc thái riêng ấy xảy ra như thế nào? Chỉ có như thế mới thấy văn hóa dân tộc nổi nét giữa cái chung, hẳn các di tích ở Hội An sẽ chuyển tải đến chúng ta không ít câu trả lời lý thú trong triển vọng tương lai.
Mới chỉ là một số thắc mắc nêu ra để rồi cùng nhau tháo gỡ cho công tác bảo tồn di tích tại Hội An, gợi thấy công việc trước mắt của chúng ta còn ngổn ngang không dễ gì giải quyết ngày một ngày hai. Và, cũng đặt ra cho chúng ta thấy cần phải thật thận trọng trước một tổng thể kiến trúc lớn như Hội An không thể bỏ qua công tác nghiên cứu khoa học về di tích một cách sâu sắc, tỉ mỉ. Rồi đây khi công việc công nhận di tích tiến hành, chúng ta lại cần họp nhau bàn cách bảo tồn, tôn tạo, phát huy tác dụng của chúng, qui hoạch của nó. Việc ấy sẽ không thể làm được nếu không có công tác nghiên cứu mà Hội An là một đối tượng.
Trước một tổng thể kiến trúc lớn, đa dạng, nhiều màu sắc, nhiều niên đại, nhiều chất liệu, nhiều qui mô, loại hình, đang phát triển, tôi chỉ xin góp vài suy nghĩ trong khuôn khổ một bản tham luận tại hội nghị về công tác bảo tồn di tích giữa Hội An.
(Trích kỷ yếu Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An, từ ngày 23 - 24/7/1985)
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền