Thông tin về di tích lăng Ông ở Cẩm Kim

Thứ hai - 06/07/2015 04:39
Làng Kim Bồng hay châu Kim Bồng bao gồm xã Cẩm Kim và một phần phường Cẩm Phô hiện nay, là vùng đất nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, địa hình bị chia cắt bởi sông nước. Dưới triều Nguyễn, châu Kim Bồng thuộc tổng Mỹ Khê - huyện Duy Xuyên - phủ Điện Bàn. Theo một số tư liệu và những kết quả nghiên cứu, làng Kim Bồng được thành lập khoảng thế kỷ XVII bởi các bậc tiền hiền của bốn tộc Huỳnh, Nguyễn, Phan, Trương. Trải qua thời gian, nhiều tộc họ từ các vùng miền khác cũng đến đây sinh sống và cùng với bốn tộc tiền hiền khai hoang mở rộng cương vực của làng, lập thêm nhiều xóm ấp mới. Thích ứng với điều kiện tự nhiên của vùng đất nằm cạnh cảng thị Hội An tại khu vực hạ lưu sông Thu Bồn, cũng như kế thừa truyền thống của dân tộc, cư dân Kim Bồng sinh nghiệp bằng nhiều nghề như sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thuỷ sản, làm thợ mộc, nề, chạm trổ, buôn bán, buôn ghe bầu, trồng dâu nuôi tằm ươm tơ... Nhờ vậy mà đời sống kinh tế của cư dân tương đối phát triển, nhiều công trình kiến trúc văn hoá, tín ngưỡng được xây dựng và bảo tồn cho đến ngày nay, đặc biệt là ở khu vực thôn Phước Thắng, xã Cẩm Kim. Trong đó, lăng Ông, tên gọi khác là lăng Ông Cao Các hay lăng Cao Các Đại Vương là một trong những di tích tiêu biểu.
Thông tin về di tích lăng Ông ở Cẩm Kim
         Theo dân gian làng Kim Bồng, Cao Các Đại Vương là vị thần rất linh ứng. Vị thần này vốn từng được người dân Champa tôn sùng, sau này người Việt tiếp tục thờ cúng xem như một trong những vị thần bảo hộ của làng xóm. Triều đình phòng kiến đã ban sắc phong và gia tặng nhiều mỹ tự, mỹ hiệu, đồng thời cho các làng lập miếu thờ. Tại lăng Ông thôn Phước Thắng, thần hiệu được khắc trên thần vị là: Cao Các Quảng Độ gia tặng Hoằng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu Phù Hựu Trạc Dương Trác Vĩ Thượng Đẳng Thần. Trong di tích, ngoài thờ vị thần chính là Cao Các Đại Vương còn phối thờ các vị Thuỷ Tinh Thần Nữ, Thuỷ Long Thánh Nương, Ngũ Hành Tiên Nương.

          Về kiến trúc, lăng Ông có mặt tiền xoay hướng tây bắc, toạ lạc tại trên thửa đất thuộc xứ Ông Vĩnh. Phía tây bắc của di tích giáp với đường bê tông liên thôn, các phía còn lại giáp với đất canh tác của nhân dân. Di tích nằm cách lăng Bà khoảng 100m về phía nam.

          Toàn bộ khuôn viên di tích được bao bọc bởi tường rào thấp. Lối vào khuôn viên di tích nằm ở phía tây bắc, gồm hai lối đi ở hai bên bình phong. Bình phong được xây theo kiểu cuốn thư với mặt trong đắp - cẩn mảnh hình rồng và hổ. Cách bình phong một khoảng hẹp là bàn cúng âm linh được xây bằng gạch. Toàn bộ khuôn viên di tích được lát gạch đất nung. Bố cục miếu gồm ba gian chiều ngang và hai gian chiều sâu. Nền miếu cũng được lát gạch đất nung. Tường bao khá dày, xây bằng gạch. Mái kiểu cuốn vòm với bên trên lợp ngói âm dương, hệ mái giật cấp tạo thành cổ diêm. Cổ diêm đắp thành những ô hộc và cẩn mảnh sứ cành hoa và đồ án bát bửu. Bờ nóc đắp cong hình thuyền và trang trí con giống theo đề tài “lưỡng long triều dương”. Bờ chảy đắp uốn lượn và trang trí một số con giống trong bộ tứ linh như lân, quy và phượng. Những con vật trong bộ tứ linh này biểu tượng cho sự cát tường, phát đạt và trường thọ. Đầu hồi miếu kiểu cuốn thư, cẩn mảnh hoa cúc và một số đồ án khác. Trên tường hồi đắp - cẩn mảnh hình con dơi tại vị trí cổ diêm.

         Mặt tiền miếu trang trí 2 cặp câu đối Hán Nôm theo hình thức cẩn mảnh trên nền màu đỏ sẫm. Phía trên mỗi lối cửa vào gian thờ tự có bức hoành phi đề Hán tự, trong đó bức ở giữa đề: Đại vương linh từ. Trên hai trụ cột giữa cẩn câu đối Hán tự trên nền màu đỏ sẫm. Ngăn cách giữa gian phía trước và gian thờ tự là hệ thống cửa đi kiểu thượng song hạ bản, gồm 3 bộ, mỗi bộ 2 cánh. Gian thờ tự bố trí 3 bàn thờ gồm chính giữa là bàn thờ Cao Cát Đại Vương, bên phải là bàn thờ Ngũ Hành, bên trái là bàn thờ Thuỷ Tinh Thần Nữ, Thuỷ Long Thánh Nương. Các bàn thờ này được xây bằng gạch, quần bàn trang trí rồng dây và các mô típ khác. Ở mỗi bàn thờ đều đắp khám thờ tô vẽ rực rỡ với trán khám trang trí đề tài “lưỡng long triều dương”, hai bên đề câu đối Hán tự, mặt trong của khám thờ ở hai bên cẩn mảnh hình con phượng, khám thờ ở giữa cẩn mảnh hình con rồng. 

          Qua kiểu dáng kiến trúc có thể thấy di tích được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX trở về trước. Đây là công trình tín ngưỡng quan trọng của cư dân Phước Thắng nói riêng, làng Kim Bồng nói chung xưa kia và xã Cẩm Kim ngày nay. Đồng thời cũng minh chứng cho bề dày lịch sử, nét đa dạng về văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây.
 
 
 
 

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây