Giáo sư Trần Quốc Vượng với Hội An

Thứ hai - 21/09/2015 23:00
Những người làm công tác quản lý, bảo tồn di tích ở Hội An may mắn có một khoảng thời gian tiếp xúc và làm việc với Thầy - cố giáo sư Trần Quốc Vượng. Sự may mắn đó không phải ai cũng có thể tiếp nhận được và cho đến bây giờ ảnh hưởng của khoảng thời gian đó vẫn còn mãi mãi trong tâm trí của chúng tôi.
Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng - Nguồn: Internet
Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng - Nguồn: Internet
         Từ những năm 1983 -1984, trên các vùng đồi cát nóng bỏng của miền Trung đầy nắng gió đã in dấu chân của một vị giáo sư có vầng trán cao, đôi mắt sáng, giọng nói đầy cảm hứng, đầu đội một chiếc mũ bạc màu, trên vai khoác một túi xách rất bụi đó là giáo sư Trần Quốc Vượng. Theo dấu chân của Thầy, những di tích, di chỉ văn hóa tiền - sơ sử ở Quảng Nam - Đà Nẵng đã được khám phá và mở ra những trang mới.

          Tại/sau Hội thảo khoa học quốc gia về Khu phố cổ Hội An năm 1985, Thầy đã cùng chúng tôi cơm đùm cơm gói lăn lội khắp các đường quê, ngõ phố ở Hội An để khảo sát thực địa. Đến đâu Thầy cũng mở ra trước mắt chúng tôi những cảnh quan địa - văn hóa - lịch sử mới mẻ, nơi mà ngày thường chúng tôi không thể nhận ra được. Bài tham luận tại hội thảo của Thầy về “Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chăm và người Việt” cho đến hôm nay vẫn mang tính thời sự và sâu sắc khi nói về truyền thống chiếm lĩnh và khai thác biển đảo của người Chăm, rồi người Việt, cũng như tính cần thiết, sống còn của việc kế thừa, phát huy truyền thống này tại địa phương trong giai đoạn hiện nay.

          Đến những năm 1989 - 1990, chúng tôi lại có cơ may được tháp tùng cùng Thầy đi điền dã tại địa phương để phục vụ Hội thảo khoa học quốc tế về Đô thị cổ Hội An. Trò đèo thầy bằng những chiếc xe máy cà tàng, sục sạo hết cồn bàu này qua cồn bàu khác, bến chợ này đến bến chợ khác, đình chùa này đến đình chùa khác để tìm hiểu, nhận diện về văn hóa Hội An. Giữa trưa trời nắng như đổ lửa, gặp đình miếu nào thì ghé vào tạm nghỉ, lôi bánh mì kẹp chuối chín trong túi ra để làm bữa trưa, rồi vào nhà dân, chùa chiền xin nước uống và cũng để hỏi han, tác nghiệp. Vất vã nhưng thú vị vì khám phá được những điều và học được từ Thầy cái cách điền dã “không biết thì nhờ dân và hỏi dân”... Vào những ngày cuối của đợt khảo sát và cũng vào thời điểm cuối ngày, đoàn đã phát hiện ra di tích, di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh ở An Bang từ một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, rồi sau đó là Thanh Chiếm, Hậu Xá. Đây là những di tích, di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh phát hiện đầu tiên ở Hội An mà trước lúc lên đường khảo sát Thầy đã giao nhiệm vụ là “phải tìm cho được”. Tham luận của Thầy trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế về Đô thị cổ Hội An năm 1990 “Vị thế địa - lịch sử và bản sắc địa - văn hóa của Hội An” đã đúc kết một cách sâu sắc về đặc điểm văn hóa Hội An theo phương pháp đa ngành, liên ngành mới mẻ và hiện đại. Cho đến nay, đúc kết này đang được sử dụng phổ biến để diễn đạt bản chất của văn hóa Hội An “Hội An là hội thủy, hội nhân, hội tụ văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng”

          Từ những năm 1992-1995, Thầy là cố vấn của chương trình “Nghiên cứu khảo cổ về mộ chum Văn hóa Sa Huỳnh ở Hôi An” do Toyota Foundation tài trợ, Ban Quản lý Di tích Hội An chủ trì. Chương trình là sự tiếp nối các phát hiện trước đó về Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An. Tham gia chương trình có các chuyên gia của Viện Khảo cổ, Trường Đại học quốc gia Hà Nội và một số chuyên gia Nhật Bản. Kết quả chương trình đã cho ra đời Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An phát huy cho đến bây giờ và cung cấp nhiều thông tin cần thiết, thú vị về Văn hóa Sa Huỳnh giai đoạn cuối và gạch nối giữa Văn hóa Sa Huỳnh muộn - Chăm sớm ở Hội An. Với sự hướng dẫn của Thầy, đội ngũ những người làm khảo cổ không chuyên ở Hội An thực sự trưởng thành và có những đóng góp tích cực.

          Năm 1997, với tư cách là Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Thầy đã cổ vũ anh em ở Hội An thành lập Chi hội Văn nghệ Dân gian  trực thuộc Trung ương hội. Từ đó, Chi hội Văn nghệ Dân gian  Hội An đã có những hoạt động sưu tầm, khảo cứu về văn hóa văn nghệ dân gian với kết quả gần 10 đầu sách được tài trợ thực hiện, in ấn, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương. Đây cũng là một trường hợp đặc biệt đối với một địa phương cấp huyện như Hội An.

          Những năm 1999 - 2000, Thầy lại cùng chúng tôi khăn gói ra Cù Lao Chàm để tìm hiểu về vùng đảo này. Bấy giờ sức khỏe Thầy còn tốt, chúng tôi là thanh niên nhưng cũng bở hơi tai khi theo thầy trèo lên đỉnh hòn Biền cao hơn 500m để khảo sát về thủy hệ ở Cù Lao Chàm liên quan đến phương thức canh tác, sử dụng nguồn nước suối từ người Chăm đến người Việt. Hai cuộc khai quật khảo cổ do Thầy chỉ đạo cũng đã được triển khai ở Bãi Ông và Bãi Làng. Tại Bãi Ông đã phát hiện di chỉ Tiền Sa Huỳnh liên quan đến cư dân hải đảo ven bờ có niên đại trên 3000 năm và tại Bãi Làng đã phát hiện một di chỉ Chămpa thế kỷ IX - X với nhiều đồ gốm Islam, đồ thủy tinh nhiều màu, đồ gốm Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam cùng niên đại. Thành công của các cuộc khai quật khảo cổ trên đất đảo cùng với việc khai quật chiếc tàu đắm cổ chở đầy gốm Chu Đậu thế kỷ XV ở vùng biển Cù Lao Chàm là những sự kiện khảo cổ học làm nức lòng người lúc bấy giờ.

          Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày Thầy Trần Quốc Vượng đi xa (8/8/2005-2015), trong lòng chúng tôi không nguôi nỗi nhớ về một người Thầy kính yêu cho dù chúng tôi chưa có một ngày được làm học trò chính thức của Thầy dưới mái trường đại học, nhớ về một người đã khơi dậy nguồn cảm hứng cho chúng tôi về một bộ môn được cho là khô khan, cứng nhắc - bộ môn khảo cổ, nhớ về một người đã cắm những cột mốc quan trọng trên con đường nghiên cứu khảo cổ - lịch sử - văn hóa về Hội An, Quảng Nam, miền Trung và cả nước.
 
          Sinh thời Thầy có nói với chúng tôi “Tớ mạng Sơn đầu hỏa lại nằm ở cung Thiên di nên phải đi nhiều mới khỏe”. Hôm nay ngọn lửa đầu non đã tắt nhưng ánh sáng của nó vẫn lấp lánh và rọi sáng, không chỉ ở lĩnh vực khảo cổ mà còn ở các lĩnh vực nhân học, văn hóa học, địa - văn hóa - lịch sử, không chỉ ở hôm nay mà còn mãi mãi về sau.
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây