Ở Hội An ngành kinh tế biển này hình thành từ lâu đời, có thời điểm phát triển rất rực rỡ và tập trung ở ba nhóm lớn: 1/ Khai thác, đánh bắt; 2/ Thủ công, gia công, chế biến; 3/ Buôn bán, dịch vụ.
Về khai thác, đánh bắt, bước đầu chúng tôi thống kê được 44 nghề liên quan đến các kỹ thuật, phương tiện đánh bắt khác nhau thể hiện sự tiếp cận sâu sắc của người dân địa phương với môi trường biển đảo; trong đó có những ngành nghề lưới, mành, giả, câu, lờ, lặn, cào, gỡ, hái đốn. Một số nghề khá đặc trưng như lưới Xăm, lưới rùng, mành chà, giả cào, mành khơi, câu kiều, khai thác yến sào, hái lá Lao v.v…Ngoài ra trước đây ở Cù Lao Chàm (
Hội An) còn có nghề khai thác nước ngọt để bán cho các tàu buôn, lấy phân dơi làm thuốc súng.
Về nhóm nghề thủ công, gia công, chế biến cũng rất phong phú và đa dạng trong đó có thể kể đến nghề đóng tàu thuyền, đặc biệt là nghề đóng ghe bầu, một loại thuyền buồm nổi tiếng của người Việt, đóng các loại ghe đi biển, thuyền chiến mà kỹ thuật và ưu điểm đã khiến không ít cường quốc hàng hải phương Tây trước đây cũng phải thán phục, nghề đan thúng chai, nghề bảo dưỡng, làm nước ghe thuyền; nghề chế biến các loại hải sản trong đó có nhiều loại là mặt hàng xuất khẩu ăn khách một thời như vi cước cá, bào ngư, hải sâm, yến sào, tôm mực cá khô; bong bóng cá, da cá, xà cừ, đồi mồi, tảo biển v.v… Ngoài ra còn có nghề làm muối, làm các loại mắm cái, mắm nước, nghề hấp cá để bán ở các vùng xa. Ở Cù Lao Chàm còn có nghề đan võng ngô đồng, làm các loại bánh ít, bánh su sê rất ngon, có hương vị riêng do nguyên liệu được lấy từ hòn đảo đầy gió này.
Nhóm nghề buôn bán, dịch vụ liên quan đến biển đảo có vị trí khá đặc biệt mà lâu nay ít được quan tâm tìm hiểu, trong đó đáng kể nhất là nghề buôn đường biển nói chung, buôn ghe bầu nói riêng. Có thể nói có một truyền thống buôn ghe bầu trải dài ở các địa phương ven biển miền Trung và miền Nam, trong đó Hội An, Quảng Nam là một tụ điểm. Những chiếc ghe bầu Việt đã từng có mặt ở nhiều bến cảng trong và ngoài nước để thực hiện những chuyến buôn xa, dài ngày và qua đó hình thành nên một đội ngũ tài công, thủy thủ, hoa tiêu dày dạn kinh nghiệm từng khiến không ít nhà hàng hải phương Tây ngưỡng mộ:
“
… Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi thiếu chút nữa thì thương thuyền của chúng tôi bị gãy đổ cả cột buồm. Thời tiết đã tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu vào eo biển (Singapore) chúng tôi chợt nhận ra 6 chiếc thuyền nhỏ của người Việt Nam đang giương hết mọi cánh buồm tiến thẳng tới trước… Tôi nghĩ mấy người Việt đó đang lèo lái những con thuyền bé nhỏ mà cách thức vận chuyển để vượt sóng lượn gió thật tài tình. Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng nhất nào của toàn khu vực châu Âu. Đoàn thuyền bé tí tẹo đó không có một chiếc nào vượt qua 50 tấn, vậy mà, những người đi biển này có thể đè bẹp cả sóng gió biển Đông vào giữa mùa bão tố. Đã qua 20 năm rồi, rất ít thương thuyền nào của công ty chúng tôi dám thử hải hành trong giữa mùa biển động như vậy…”([1]) Cùng với việc trực tiếp tham gia vào mạng lưới mậu dịch trên biển, cư dân địa phương còn làm các dịch vụ như đóng tàu thuyền cho thuê đi biển, làm hoa tiêu, tài công cho các tàu buôn… Liên quan đến hoạt động dịch vụ gắn với biển đảo còn có nghề làm đại lý buôn bán hải sản (
đầu nậu biển), nghề rỗi biển thu hút một đội ngũ khá đông người tham gia. Cũng cần phải nói rằng do có kinh nghiệm, kỹ năng trong việc điều khiển, sử dụng tàu thuyền nên một số người dân địa phương ở Hội An, Quảng Nam nói riêng, Đàng Trong nói chung đã được thuê để phục vụ trên các tàu buôn nước ngoài.
Như vậy, tuy chưa thật đầy đủ và toàn diện nhưng qua trường hợp Hội An chúng tôi thấy rằng quá trình thích nghi, tương tác với biển đảo đã cho ra đời tại địa phương một ngành kinh tế biển với nhiều nghề khác nhau bên cạnh nghề nông truyền thống. Có thể nói biển đảo đã đem đến cho địa phương một nguồn lực, một tiềm năng lợi thế mới và chúng đã được các thế hệ cư dân tại chỗ từ người Chăm cho đến người Việt sử dụng, khai thác có hiệu quả. Thành tựu về kinh tế thương nghiệp - ngoại thương ở Hội An gắn liền với môi trường biển đảo và sự phát triển của kinh tế biển. Kinh nghiệm cho thấy khi nào chính quyền và cộng đồng dân cư biết dựa vào biển đảo, biết quản lý và khai thác hợp lý biển đảo thì kinh tế - xã hội có sự phát triển ngoạn mục, ngược lại khi xa rời hoặc không mặn mà với biển thì cũng là lúc kinh tế - xã hội có sự chững lại. Qua các nghề truyền thống liên quan đến biển đảo, đặc biệt là qua nghề buôn đường biển bằng ghe bầu, thuyền buồm chúng ta cũng thấy được rằng các thế hệ cha ông trước đây đã thực sự ra biển chứ không phải mới đứng trước biển, thậm chí vào những thời điểm nhất định họ đã ra biển xa hơn chúng ta bây giờ.
Tự hào về truyền thống thích ứng và tương tác sâu sắc với biển qua các ngành nghề truyền thống gắn với biển đảo mà cha ông đã phát triển và trao truyền lại chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm trong việc làm sống lại truyền thống này, trong việc kế thừa hiệu quả truyền thống để vươn ra làm chủ biển khơi, xây dựng và phát triển địa phương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp