Nhân ngày Đại dương thế giới (8.6): Giữ tài nguyên biển đảo

Thứ hai - 08/06/2015 00:14
Quảng Nam có đa dạng tài nguyên biển đảo, trong đó vùng biển Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) vừa là khu bảo tồn biển quốc gia vừa là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Chung tay bảo vệ tài nguyên biển đảo là việc làm rất cần thiết đã và đang đem lại kết quả tích cực.

             Hiệu quả từ cộng đồng

             Thời gian gần đây, ngư dân thôn Bãi Hương (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) luôn được mùa hải sản. Theo Hội Nông dân xã Tân Hiệp, thành quả có được là nhờ nguồn lợi hải sản ở vùng biển Cù Lao Chàm đã được bảo vệ và tái tạo tốt trong thời gian qua. Còn nhớ trước đây, các tàu cá theo nghề giã cào đôi, pha xúc, lưới vây ở các địa phương khác ngang nhiên đến đánh bắt và tận diệt hải sản ngay trong vùng cấm của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Để ngăn chặn tình trạng trên, bảo vệ sự đa dạng sinh học của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trước nguy cơ bị giảm sút, UBND tỉnh thành lập tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển Bãi Hương vào năm 2013. Đến nay, các tổ chức cộng đồng do chính người dân thôn Bãi Hương bầu ra đã giữ vai trò quyết định trong mọi hoạt động tại vùng biển được giao quản lý. Các tổ tự quản, tổ tuần tra, tổ tuyên truyền trong tiểu khu bảo tồn biển đã hướng dẫn, giám sát người dân thôn Bãi Hương sản xuất đi đôi với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi, đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập trái phép của các tàu cá từ bên ngoài. Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Qua 2 năm hoạt động, tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương đã chia sẻ trách nhiệm quản lý bảo tồn tài nguyên biển với các ngành chức năng quản lý về biển đảo. Các hoạt động diệt sao biển gai, phục hồi san hô, giám sát chất lượng nước, bảo vệ đa dạng sinh học… đều được thực hiện tốt. Phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã cho thấy sự thành công trong bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển đảo ở Cù Lao Chàm đến thời điểm này”.
 



Người dân Bãi Hương, xã Tân Hiệp, Hội An diệt sao biển gai. Ảnh: N.Q.V
 

           Cộng đồng chung tay bảo vệ tài nguyên biển cũng đã cho thấy hiệu quả từ hoạt động của mô hình đồng quản lý thủy sản tại 3 xã vùng biển là Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Hải (Thăng Bình) và Tam Tiến (Núi Thành). Qua các hoạt động tuần tra giám sát trên biển do chính cộng đồng dân cư tại các vùng biển thực hiện và thông tin, Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam đã bắt giữ, phạt cảnh cáo nhiều đội tàu giã cào khai thác trái phép trên vùng biển Quảng Nam. Trước đây, việc khai thác hải sản tại các vùng biển trên địa bàn tỉnh diễn ra rất lộn xộn. Một số ngư dân Quảng Nam khai thác hải sản trái phép bằng thuốc nổ làm cho nguồn lợi hải sản ven bờ bị suy giảm mạnh. Tình trạng khai thác san hô ở Kỳ Trân (Bình Hải) cũng đã diễn ra phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng hệ sinh thái biển vùng ven bờ. Các tàu giã cào Quảng Ngãi đến khai thác trái phép cũng đã tận diệt nhiều nguồn lợi hải sản. Từ năm 2011, khi các tổ cộng đồng quản lý nghề cá được thành lập ở các xã Duy Hải, Tam Tiến và Bình Hải, khai thác hải sản ven bờ tại Quảng Nam ổn định hơn và dần đi vào nền nếp.
 



Sự đa dạng sinh học ở vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An.

            Bảo vệ từ bờ

 

            Vùng biển đảo Quảng Nam có tính đa dạng sinh học cao, là nơi trú ngụ của san hô, cỏ biển và nhiều loài nhuyễn thể có giá trị khác. Quảng Nam cũng có đa dạng các nguồn tài nguyên biển đảo để phát triển nhiều ngành kinh tế quan trọng như khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch biển, giao thông vận tải biển… Tuy nhiên, vì hoạt động riêng rẽ của đa ngành kinh tế đã khiến cho môi trường nước tại vùng biển đảo Quảng Nam bị ô nhiễm. Các cuộc quan trắc môi trường biển đã cho thấy chất lượng nước tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chất lượng nguồn nước bị suy giảm là do các tác động từ vùng cửa sông Thu Bồn, đặc biệt trong mùa mưa bão. Đã có hiện tượng nước ngọt, phù sa, rác thải tăng dần tại các vùng rạn san hô trong khu bảo tồn biển. Chính vì vậy, để phát triển bền vững, quản lý tổng hợp vùng bờ là vấn đề cấp thiết được đặt ra. Theo bà Trần Thị Hồng Thúy, thời gian qua, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã vận dụng quản lý tổng hợp vùng bờ, cụ thể là mở rộng phạm vi bảo tồn biển vào trong vùng cửa sông Thu Bồn và dọc theo đường bờ của Quảng Nam. Tại vùng dừa nước Cẩm Thanh, thông qua các hoạt động trồng dừa nước, làm phong phú các loại cỏ… đã bước đầu kiểm soát được các tác động từ vùng đệm, hạn chế ô nhiễm từ bờ. Qua mở rộng phạm vi của bảo tồn biển vào cửa sông cũng đã giúp cho việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng được cải thiện. Nhờ đó, giảm được nguy cơ chất thải lan rộng ra vùng biển Cù Lao Chàm qua dòng chảy từ cửa sông. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hoạt động giám sát, quan trắc môi trường nước tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã bị gián đoạn kể từ khi khu bảo tồn biển này được đặt dưới sự quản lý của UBND TP.Hội An thay vì UBND tỉnh như trước đây.
 








 

Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5.6) và ngày Đại dương thế giới (8.6), Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và người dân xã Tân Hiệp (Hội An) vừa tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường, diệt sao gai, vớt rác trên biển, bảo vệ san hô... Nhưng công cuộc bảo vệ tài nguyên biển đảo không chỉ có kết quả của một ngày mà đã được bồi tụ nhiều năm tháng. Đáng kể nhất là hàng nghìn tập đoàn san hô đang phục hồi trong thời gian qua được bảo vệ nghiêm ngặt, có điều kiện phát triển tốt hơn, góp phần tạo nguồn lợi hải sản.

              Theo bà Nguyễn Hoàng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Biển & hải đảo Quảng Nam, để hạn chế các tác động xấu đến vùng biển đảo Quảng Nam, trong thời gian qua, công tác quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh đã được thực hiện với nhiều chương trình, dự án. Rừng ngập mặn được trồng mới và lớn nhanh tại các khu vực ven biển Núi Thành, Hội An, Duy Xuyên đã giảm các tác động xấu của biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ biển. Dự án nạo vét luồng cảng Kỳ Hà đang được đầu tư không chỉ thúc đẩy sự phát triển ngành dịch vụ hàng hải mà còn giúp cho môi trường biển đảo ít bị uy hiếp hơn. Dự án sắp xếp dân cư phòng tránh thiên tai ven biển cũng sẽ di dời, sắp xếp lại hơn 10 nghìn hộ dân thuộc 15 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển, giúp họ an cư và có thể khai thác các tiềm năng, lợi thế kinh tế biển hiệu quả hơn trong thời gian đến. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Quảng Nam vẫn chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng tài nguyên biển đảo. Nếu hoàn thiện việc này sẽ giúp Quảng Nam khai thông lợi thế, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đảo.

 

Tác giả: NGUYỄN QUANG VIỆT

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây